Giết người trong mộng



42 năm qua, không một ngày nào mà hắn không nhớ đến dáng xưa của cô bé răng khểnh, ngồi bàn bên cạnh suốt 2 năm học tại Văn Học. Từ ngày rời quê hương đến nay hắn vẫn tìm mong gặp lại một lần trong đời đối tượng của hắn và ông trời Google đã không phụ lòng mong đợi, tìm kiếm của hắn. Mấy tháng trước tình cờ gúc gồ hắn tìm ra trang nhà của trường Văn Học Đà Lạt khi xưa rồi hồi hộp khi nhấn tên đối tượng, hình bóng mà hắn tôn thờ trên 42 năm qua và sau đó hắn chỉ biết ngậm ngùi cầm cây đàn dạo bản "giết người đi, giết người trong mộng đã quay về. Giết người đi,..." Hắn nhớ dạo ấy vì ông bố đi hành quân, thuyên chuyển quanh năm suốt tháng nên đã gửi hắn lên Đà Lạt, học trường Văn Học. Ôi chao con gái Đà Lạt má đỏ môi hồng đã làm hắn tưởng mình lọt vào thiên thai như ông Văn Cao khi xưa. Ngày đầu tiên vào lớp 8, hắn đã nhận ra cặp mắt long lanh của cô bé, đã theo hắn suốt cuộc đời của hắn sau này.
Hắn thích nhất giờ học toán với thầy Nguyên vì cả lớp sợ toán nên ai cũng chăm chú nhìn lên bảng để hắn lén lút tìm ánh mắt của cô bé răng khểnh. Mỗi lần ra chơi hắn cố thu ghém nhỏ bé lại một góc để nhìn cô bé bâng khuâng nhìn trời mưa bay Đà Lạt.

Tôi cố định trong sân trường đơn điệu,
Lặng nhìn trên hình chiếu của giai nhân,
Thả hồn theo một tiếp tuyến thật gần,
Theo em mãi suốt đời về vô cực

Hắn đánh bóng bàn rất tồi nhưng cứ loay hoay bên cái bàn để hy vọng hình ảnh thể thao gia của mình sẽ được lọt vào mắt xanh của cô bé răng khểnh. Hắn bắt chước Phạm Thiên Thư khi tan trường dù có đói cũng cố lết đi theo cô bé răng khểnh.

Tình tôi đó chẳng cần dùng công thức,
Tan trường về tôi cố sức song song,
Tới ngã tư liền bày tỏ nỗi lòng,
Em ngoe nguẩy từ từ tăng tốc độ.

Q ngồi cùng bàn hắn biết được mối tình hữu nghị đơn phương của hắn nên cứ mỗi lần thấy cô bé là hắn chỉ chỏ la hét tên cô bé, rồi cười đểu trá, mắt híp lại, cái mồm chu chu như lỗ đít gà đang đẻ trứng. Hắn đau khổ lắm vì bí mật của hắn đã được phơi bày, hắn thù tên Q vì những chọc phá đã làm tâm hồn hắn rướm máu nhưng hắn quyết không bỏ cuộc khi cô bé răng khểnh ngoe nguẩy, bên kia đường hối thúc con bạn đi nhanh lên.
Hắn vẫn cố giữ tình yêu đồng bộ, Hai năm dài đáp số giải không xong, Trường mời đoàn văn nghệ Tiên Rồng từ Sàigòn lên trình diễn "Con Đường Cái Quan" của Phạm Duy. Hắn run run khi cả lớp hắn được ngồi chung dãy ghế, tuy ngồi xa nhưng hắn thấy ánh mắt của cô bé vẫn sáng rực trong đêm tối.

Và nhận thấy em xinh xinh cực đại
Em khó hiểu thì tôi đành vô giải
Bài toán giải bằng phương pháp tương giao
Nhìn em cười tôi định nghĩa tình yêu

Hắn mê nhất là hoạt cảnh "Em đi chùa Hương", một bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp được nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ nhạc ở Paris, sau 75 Trung Đức có phổ thêm theo nhạc đương thời. Hắn tự nhủ khi tan trường sẽ đi theo để nghe cô bé thốt lên Em thấy một văn nhân, Hot boy như hắn.

Người đâu Thanh lạ thường!
Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương?

Hắn nhớ những lần thấy cô bé mang guốc, chậm rãi lên cầu thang vì sợ bùn mưa trơn trợt té như thì thầm với hắn

Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu.

Và từ đó hắn quyết học đàn hát để cuối năm, sẽ hát trong buổi văn nghệ liên hoan nhưng giọng ca của hắn rất tồi dù có cố gắng, khắc phục, không được trưởng lớp cho hát để cô bé răng khểnh biết được tài năng nghệ sĩ của hắn. Hắn tức vì tên trưởng lớp ganh tài với hắn hay cũng để ý đến cô bé răng khểnh nên chỉ để tên đó hát "Cây Đàn Bỏ Quên", riêng tặng cho cô bé. Hắn căm thù nên chỉ biết

Tôi xoay mắt theo vòng tròn lượng giác,
Có thấy gì ngoài quỹ tích tình yêu,
Tình đơn phương trong tam giác ba chiều,
Lay hoay mãi trên chuyến đò vĩ tuyến

Rồi bố hắn bị thuyên chuyển về Nha Trang, hắn rời Đà Lạt không một lần nói chuyện với cô bé nhưng vẫn nhất quyết tiếp tục con đường ca hát và nhờ vậy sau 75, hắn được tuyển vào đoàn văn công, không phải đi nghĩa vụ. Hắn được giao hát bài để tiễn đưa các chàng trai lên đường thi hành nghĩa vụ quốc tế ở Kampuchia

Đêm nay là đêm cuối cùng
Mong gì đêm dài vô tận
Ngày mai hai đứa đôi đường
Hậu phương và mặt trận...

Hắn nhớ đêm đó, trước giờ trình diễn thì được thủ trưởng báo tin là hắn sẽ được bồi dưỡng 1 cân đường khiến hắn quá vui mừng vì thời bao cấp cả năm chưa chắc đã có đường nhưng khổ là hắn phải chia với cô văn công hát chung. Hắn cứ hình dung, có đường thì sẽ làm gì, đưa cho mẹ để nấu chè hay làm bánh,... Vì mãi tư duy đột phá về nửa kí đường nên khi ra sân khấu hắn hát

Đêm nay là đêm cuối cùng
Mong gì đêm dài vô tận
Ngày mai hai đứa chia đường
Mỗi người một lạng
Tổ trưởng bảo hắn là chống phá cách mạng nên đuổi hắn ra khỏi đoàn văn công nên gia đình cho hắn vượt biển. Đến định cư tại Hoa Kỳ, hắn vẫn nhớ đến cô bé răng khểnh, đến bài thơ "mối tình toán học" (vô danh) nên ghi tên học môn toán sau này được nhận làm giáo sư đại học ở xứ cao bồi, dạy môn toán. Thay vì giảng dạy sinh viên thì hắn để sinh viên lên bục giảng còn hắn ngồi dưới lớp để mơ về cô gái răng khểnh.

Hắn lặng hồn nhìn ảnh cô bé răng khểnh ngày xưa và nay. Bỗng đâu mây đen bao phủ bầu trời của tâm hồn hắn. Cô bé ngày xưa, nay trông giống con gà mái mệ. Mụ vợ hắn cười nức nở, hỏi sao còn tương tư nữa không. Hắn đập cái đàn, bỏ vào lò sưởi như Bá Nha khi xưa được tin Tử Kỳ chết rồi cùng mụ vợ đi câu cá làm sushi ăn.

Em cũng biết "tung, hoành" chia hai lối
Để tình là những đường thẳng "song song"
Điểm gặp nhau "vô cực" chỉ hoài công
Đường "nghịch số" thôi đành chia hai ngả


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét