Tối hôm qua, cả đám ghé lại nhà bạn ăn uống. Cặp vợ chồng này mới đi Florida, ăn đám cưới cô cháu gái về. Trước khi đi, họ nói là cháu đầu tiên trong gia đình làm đám cưới nên là “Big Deal” cho mọi người.
Mình hỏi đi đám cưới vui không thì được trả lời là vui vì gặp gia đình, anh chị em cháu chéo nhưng buồn vì con cháu gái mất dạy. Hỏi sao vậy. Con cháu mất gốc, khinh bà mẹ nói tiếng mỹ không giỏi. Nó lấy thằng chồng bác sĩ mỹ nên ngày nay cứ xem là thuộc giai cấp da trắng, xem thường đám tỵ nạn, chống di dân,…đủ trò.
Họ kể là bà chị sang đây trễ nên không có đi học lại nên hai vợ chồng đi cày ngày chưa đủ tranh thủ cày đêm. Tiền hữu trí đều rút ra hết để trả tiền đại học cho cô con gái, nay nó quay mặt lại với gia đình tỵ nạn, như mắc cở về bản thể tỵ nạn, rồi tự phong là da trắng, cao cấp chi đó. Mình biết hai người Việt đổi tên Nguyễn thành Wyn cho có vẻ họ hàng với ông tỷ phú của sòng bài và Nugent cho có vẻ mỹ hơn. Chỉ tội là giọng mỹ của họ lại nặng mùi nước mắm Phan Thiết. Chán Mớ Đời
Lại gặp thêm một bà Việt kiều dỡ hơi khác, bạn thân của bà chị. Tiếng anh không rành mà cứ cấm thiên hạ nói tiếng Việt. Chào bà ta thì được đáp lại “English Only”. Chán Mớ Đời. Anh bạn kêu gặp Việt Nam nói tiếng Việt mới sướng cái mồm nay gặp Việt Nam nói tiếng mỹ gờ gờ. Chán Mớ Đời
Có thể họ sang đây, ở vùng người Mỹ nên ít có dịp nói tiếng Việt nên nhiều khi hay quên từ ngữ Việt nhưng cũng tuỳ người. Hôm trước mình có nhận imeo của ông cậu bà con mà 40 năm qua chưa gặp lại. Cậu Võ Quang Tri, con trai đầu của ông Võ Quang Tiềm ở Đàlạt khi xưa. Cậu đi du học thời còn học trung học năm 1953, trước khi mình ra đời. Học chương trình Pháp từ bé rồi qua Tây học tiếp mà sau 66 năm, cậu ta viết tiếng Việt còn rành hơn mình. Kinh
Cậu kể đi làm cho FAO khắp nơi nhất là ở Phi Châu nhưng vẫn không quên mình là người Việt. Cậu đứng đầu các phái đoàn của Tây cho nên mình nghĩ là nhiều người họ muốn quên bản thể Việt, tố chất của cha mẹ vì họ mặc cảm về bản thể của mình nên nghĩ là phải theo mỹ hoàn toàn để cảm thấy mình cao sang hơn một tị. Đổi tên đổi họ cho có vẻ mỹ miều.
Vấn nạn xẩy ra khá nhiều trong nhiều cộng đồng chớ không phải riêng người Việt tại Hoa Kỳ. Khi di dân sang Hoa Kỳ, bố mẹ không rành tiếng mỹ nên bao nhiêu chuyện giao tiếp với người Mỹ đều đùn cho mấy đứa con biết nói tiếng mỹ. Hỏi đường, đi chợ, đi làm giấy tờ,… dần dần lớn lên mấy đứa trẻ so sánh bố mẹ mình với người sở tại, bố mẹ của bạn học rồi thấy bố mẹ mình như chậm tiến. Nhiều khi thiếu suy nghĩ chín chắn, cảm thấy mặc cở về đấng sinh thành của mình khi so sánh với bố mẹ của bạn học và từ đấy mang mặc cảm, tự ti.
Và từ đấy, cứ muốn tham gia vào dòng chính của xã hội, tự nhận mình là người Mỹ thực thụ, không muốn dây dư với người Việt hay văn hoá Việt Nam. Có cô em mình ở bên pháp kể, có con bà bạn, ở nhà cứ bắt nó nói tiếng Việt riết nó chán, có phản ứng ngược, mang tâm trạng “bài việt”.
Con mình thì hồi nhỏ mình nói tiếng Việt với chúng, lớn lên thì bắt đầu nói đủ thứ tiếng với chúng. Tiếng pháp với con gái vì nó học sinh ngữ pháp là chính hay tiếng mễ với thằng con hoặc tiếng mỹ hay tiếng Việt. Mình có cho chúng học tiếng việt cuối tuần nên cũng biết đọc nhưng không bao giờ ép nói tiếng Việt. Muốn nói sành sỏi thì cần có ngữ vựng mà muốn có cái này thì cần đọc sách. Nếu chúng về Việt Nam ở vài tháng thì chắc chắn sẽ nói sỏi. Gặp bà nội thì nói tiếng Việt hay về Việt Nam thì cũng cố gắng bặp bẹ tiếng Việt. Mình hay nói về văn hoá việt cho chúng, so sánh với văn hoá tây phương nên biết ngày nào lớn chúng sẽ tìm về nguồn thì cũng sẽ hiểu thêm về văn hoá việt.
Trong dòng họ bên vợ thì thấy có vài cháu gái lập gia đình với mỹ trắng, tuyệt nhiên chưa có thằng cháu trai nào lấy vợ da trắng hay da đen.
Cái điểm khá quái đản là con mình được dạy ở trường Hoa Kỳ là một nước được xây dựng bởi người di dân nhưng lại gọi người da đỏ là “Native American”, người mỹ gốc Việt là Vietnamese-American,…. Còn người da trắng thì gọi khơi khơi “american”. Hoá ra người da trắng là người Mỹ còn những dân tộc, màu da khác không phải là người Mỹ thuần.
Từ những nhỏ nhặt này dần dần sẽ gieo vào đầu mấy đứa trẻ; người da trắng là số 1 nên chúng chỉ muốn được như người da trắng. Được cái là dân da vàng đi học thì chăm siêng nên da trắng cũng e dè.
Có tên bạn người Ái Nhỉ Lan kêu đám mỹ trắng lạ lắm. Anh bạn hỏi họ thì ai nấy đều kêu là người Ái Nhỉ Lan (ý nói gốc cha mẹ ) nhưng khi hỏi họ sinh ở đâu thì mọi người đều kêu là ở Boston, tiểu bang Massachussetts khiến anh ta lắc đầu, kêu người Ái Nhỉ Lan là sinh ở xứ mưa 365 ngày bên Âu Châu.
Khi xưa, đám di dân gốc Anh Quốc, gốc Ái Nhĩ Lan, cũng kỳ thị nhóm di dân từ Ý Đại Lợi, Tây Ban Nha,… chưa nói đến người á châu, người Mỹ da trắng rất kỳ thị người Tàu khi xưa, cấm người Tàu di dân,…
Có giáo sư của đại học USC cứ lên mạng chửi khéo. Ông này là người gốc Việt, đoạt giải Pulitzer về văn chương ở Hoa Kỳ với cuốn sách “ The sympathiser”. Ông ta kể được mời phỏng vấn ở âu châu thì gọi ông ta là người Mỹ còn ở Hoa Kỳ thì báo chí kêu ông ta là nhà văn gốc Việt (Vietnamese-American). Ông ta bất bình vì ai cũng là người Mỹ cả nên phải gọi ông ta là nhà văn mỹ thuần tuý, không được thêm từ Vietnamese. Mình ủng hộ ông giáo sư này vì rất nguy hiểm khi sử dụng cụm từ Vietnamese-American vì sẽ chia rẻ người Mỹ khác chủng tộc, rất nguy hiểm trong giai đoạn này, chủ nghĩa dân tộc, dân tuý bộc phác rất mạnh. Đám da trắng la toáng lên khiến phong trào da trắng là trên hết đang lên.
Mình hay nói về sự bình đẳng giữa người á châu và tất cả mọi giống dân, da trắng da đen, da tùm lum. Nhất là ở xứ mỹ vì trong lịch sử Hoa Kỳ, người Tàu nói riêng hay người á châu nói chung đã từng bị chèn ép rất lâu đến khi họ đồng minh với Hoa Kỳ để đánh nhau với người đức thì “Chinese Exclusion Act” ra đời năm 1882 mới được xoá bỏ vào năm 1943, nghĩa là 61 năm sau. Năm 2014, bà đại biểu Chu ra luật để Hoa Kỳ xin lỗi hậu duệ của người Mỹ gốc Tàu.
Ngày nay, trong cuộc đua về trí tuệ nhân tạo, Hoa Kỳ hay các nước tây phương không còn cần giới lao động tay chân như xưa. Họ chỉ cần những ai đem tài sản, trí tuệ đóng góp vào quốc gia này và sẽ hạn chế tối đa về di dân. Đảng Dân Chủ kêu ca để hốt phiếu chớ thật ra khi họ nắm quyền cũng sẽ theo đường lối của chính phủ Trump hiện nay. Thời Obama, Hoa Kỳ dẫn độ người di dân lậu về nước nhiều hơn ông Bush Con. 8 năm làm tổng thống, Bush con dẫn độ về nước 2 triệu người, còn 4 năm đầu của Obama, đã đuổi 1.6 triệu di dân lậu.
Trong thế kỷ 21, xã hội Hoa Kỳ bổng có một giai cấp mà người Mỹ gọi là “useless class”, một giai cấp vô dụng vì không có khả năng lao động. Không phải vì họ không muốn làm việc mà vì không có nghề cho họ làm. Giới lao động khi xưa được trả lương cao, nay với xu hướng toàn cầu hoá, họ gửi ra nước ngoài như Trung Cộng, Việt Nam, Sri Lanka,… để sản xuất cho rẻ giá thành. Các nhân công khi xưa ở Hoa Kỳ, ít học, chỉ quen làm nghề tay chân, nay mất việc. Họ không có khả năng đi học lại một cái nghề khác. Chỉ 25% người Mỹ tốt nghiệp trung học vì họ không có những lớp dạy nghề ở trung học như ở âu châu. Đâu phải ai sinh ra đời là đều có khả năng tốt nghiệp đại học.
Giáo dục cấp đại học của Hoa Kỳ được xem là số một trên thế giới nhưng ở cấp trung học phổ thông thì Chán như con dán. Ngân sách giáo dục đổ ra tiền hàng năm rất nhiều nhưng chả đưa đến đâu cả. Các chương trình như “No Child Left behind” hay “Race to the top” đã làm te tua ngành giáo dục phổ thông của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ cũng như các nước tây phương ở âu châu, đi trên con đường được gọi là xã hội chủ nghĩa nhân bản. Họ muốn giữ gìn văn hoá của người di dân nên mở các lớp dạy về văn hoá hay tiếng nước của người di dân thay vì đồng hoá hết như xưa, ai nấy đều học chung một chương trình, bắt buộc phải nói tiếng anh. Học sinh mễ được thầy cô gốc Mễ dạy dù không đủ khả năng, học sinh gốc Việt được người gốc Việt dạy vô hình trung tạo nên một bức tường vô hình giữa các học sinh khiến chúng cảm thấy như thuộc về một giai cấp thấp hèn hơn người da trắng.
Họ muốn tạo ra một xã hội công bằng, tất cả mọi người dân đều có cơ hội như nhau nên ưu tiên cho một số di dân để khuyến khích họ. Nếu mà xét điểm thì các đại học chỉ có toàn dân á châu. Dù người á châu là thiểu số, so với số người gốc la tinh hay da trắng nhưng không được xem là thiểu số, mặc dù người á châu chỉ chiếm 5.6% dân số Hoa Kỳ, như thể muốn dìm người á châu.
Mình nhớ con mình đi học ở trung học, như bao đám học sinh da vàng, học chết bỏ, toàn điểm A cho 5, 6 tam cá nguyệt mới được bằng khen trong khi mấy học sinh gốc Mễ thì chỉ cần 2 điểm C là được bằng khen khiến mấy đứa trẻ da vàng không hiểu, nhìn nhau như bò đội nón.
Lớn lên chúng cứ muốn làm người da trắng như người nô lệ khi xưa tại các thuộc địa, bị người tây phương đô hộ nên muốn học nhảy đầm, múa đôi, xổ tiếng tây để cảm nhận mình là thuộc giai cấp thượng lưu và ngày nay, người tây phương hiểu vấn đề này nên tiếp tục tiếp thị, bán sản phẩm cao cấp cho họ.
Chính xác hơn thì ngày nay, giới trẻ tương đối có cái nhìn bớt khắc khe hơn thế hệ của mình. Bạn bè giới bình dân thì ít để ý đến màu da nhưng lên đại học thì bắt đầu có sự nhận diện hơn, vì quyền lợi. Một người mỹ gốc Nam Hàn kiện đại học Princeton vì cậu ta đạt được điểm SAT 100% lại không được nhận trong khi người bạn học chung lớp da trắng, không được 100% SAT lại được nhận vào.
Vợ chồng anh bạn kể thêm bà bạn của người chị, có chồng nhưng để chồng ở nhà rồi kêu tất cả nói tiếng Mỹ khiến mọi người bất bình. Vợ chồng anh bạn đi di tản từ bé nhưng có điểm lạ, thích nói tiếng Việt dù đã làm việc cho bộ ngoại giao Hoa Kỳ 15 năm ở á châu vì đa số người Việt có địa vị một tí trong xã hội mỹ thì hay xổ tiếng mỹ hơn để khẳng định đẳng cấp của mình.
Mình thì không đánh giá những người này vì đó là quyền tự do của họ. Nếu họ thích nói tiếng Việt thì mình nói tiếng Việt với họ. Bạn bè viết tiếng anh hay pháp thì mình trả lời bằng tiếng anh hay pháp. Nhiều khi họ cảm thấy diễn đạt rõ ràng ngôn từ bằng tiếng của nước sở tại chớ không phải vì chê bai người Việt. Tương tự gặp người Việt nói giọng bắc thì mình nói giọng bắc, họ nói giọng trung thì mình nói lại giọng trung,.. Hay gặp người Nghệ An thì nói giọng Nghệ An…
Mình về quê, họ hàng ngạc nhiên là mình nói giọng bắc trong khi em mình thì nói giọng Đàlạt. Mình chỉ biết trả lời là mình thuộc thành phần chế độ cũ, đi du học nên chưa bị cải tạo. Không có chi là đặc biệt.
Mình có cái tính là khi xưa đi học thì chả sợ thằng tây, con đầm nào cả. Chúng thì khen mình vẽ đẹp. Sau ra trường, đi làm cũng ít thấy tây đầm nào vẽ đẹp hơn mình dù mình có làm việc cho mấy ông kiến trúc sư nổi tiếng thế giới như I.M. Pei, Rafael Vignoly ở Nữu Ước, Norman Foster ở Luân Đôn, Suter und Suter ở Thuỵ Sĩ, Gabetti ở Torino .
Sau này đi đầu tư, thương lượng thì mình mua nhà đất khá thành công. Đi seminar, mấy thằng mỹ dạy, khoe là mấy cái deal của họ rất chiến đấu nhưng trên thực tế thì mấy cái deal của mình lời gấp mấy chục lần của chúng. Chúng dụ mình đi dạy với chúng nhưng mình từ chối. Mình chỉ muốn chia sẻ với đám trẻ. Tuần vừa rồi, thằng con, dẫn một tên bạn ấn độ về nhà, hỏi chuyện mình về đầu tư mua nhà cửa. Có nhiều tên trẻ thường hay hỏi mình mua nhà cửa ra sao thì mình hướng dẫn họ. Miễn phí. Cũng mừng là thằng con, dạo này đi làm, có tiền, thay vì tiêu xài, bỏ vào IRA nên mình cũng mừng.
Khi xưa, hè mình không cho con đi học toán lý hoá chi cả. Chỉ cho chúng học những lớp kỹ năng. Học nhảy Hip Hop, kịch nghệ, tranh luận. Ở trường chúng học đàn vĩ cầm, dương cầm, ở nhà thì cho chúng học thêm đàn tranh, đàn bầu nên khi có tổ chức về kỹ năng, chúng chơi đàn tranh, đàn bầu, cũng biết chơi đàn của tây nên chúng rất hãnh diện về nguồn gốc của chúng.
Mình giải thích về vượt biển, lý do sao bố mẹ chúng đến Hoa Kỳ tỵ nạn như người Do Thái, nói về Holocaust của họ để chúng phấn đấu trong trường. Mình biết một số phụ huynh việt, không muốn nhắc con cháu về vấn đề này. Nhưng sớm muộn gì con chaú của người Việt hải ngoại đều phải tìm về bản thể của chúng như mình khi xưa. Khi hiểu được cội nguồn thì chúng sẽ hãnh diện và không mắc cở chối bỏ nguồn gốc của chúng thì mới có động lực xông xáo vào xã hội Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét