Năm ngoái, mình nổi hứng tổ chức sinh nhật cho mụ vợ. Ác Phụ, vợ anh bạn ở San Jose, nổi hứng kêu mụ vợ mình, nói để em lo rồi kêu tên chồng, lái xe tải, chở dàn âm thanh cực siêu của vùng Thung Lũng Hoa Vàng xuống trước mấy ngày để tổ chức sinh nhật cho mụ vợ, lại kèm thêm mục ăn bận thời “Hippie” trước 75.
Mấy chị bạn của vợ hoá trang thời ÝE ÝE, Choai Choai, vui quá nên năm nay họ bắt mụ vợ mình tổ chức lại. Mình thì ngu dại một lần, mệt đừ nên chừa nhưng lại bị đồng chí gái động viên dọn dẹp, treo đèn Hội An kết hoa, tổ chức sinh nhật cho mụ vợ năm nay.
Đồng chí gái có thời theo ông bố, làm công chức vào sinh sống tại Hội An nên mỗi lần về Việt Nam, là phải ghé qua Hội An. Lại mua lồng đèn chở một thùng to đem về rồi vất trong ga ra. Không khí ở Việt Nam ẩm nên tre dùng làm cho cấu trúc của đèn vẫn bình thường. Về Cali thì không khí khô nên tre bị khô lại nên lồng đèn sẽ bị móp méo tuỳ theo cấu trúc. Lại đem vất. Ai về Hội An thì đừng có mua lồng đèn mang về.
Năm nay thì mấy bà Trưng Vương kêu chủ đề là hoá trang theo quốc phục các quốc gia trên thế giới. Mấy bà mập ú bận đồ của xứ BA Tư, múa bụng. Kinh
Có một chị bạn người Huế, biết mình gốc bên ngoại là Huế nên có nói nhỏ là có nấu món “Xôi Thịt Hon”, chút ăn để lấy lại hương vị của một thời ở Việt Nam. Mình cảm ơn nhưng mệt đừ, chả ăn uống gì cả. Chiều hôm sau, lục tủ lạnh thì thấy còn món này nên mình nói thằng con ăn món “xôi thịt hon”, món đặc biệt của Huế, quê mẹ của nó.
Mụ vợ nghe tới đó là kêu món này là cà ri. Chán Mớ Đời . Gần 30 làm người chồng nhân dân, mình hiểu là không nên cãi với thủ trưởng. Chỉ lấy điện thoại ra gú gồ “Xôi thịt hon” rồi đưa cho thằng con đọc, để nó biết chút xíu về món ăn lạ của quê mẹ. Kể cho nó biết là ngày xưa, vào dịp Tết thì bà nội hay nấu món này để cúng ông bà. Món đặc biệt của người Huế.
Mình biết món này khi xưa, dù chưa bao giờ biết Huế là gì. Hàng năm, sau Giáng Sinh thì mấy người cùng làng của Ông Ngoại mình, có một ngày tụ họp nhau lại để đi chạp mộ người đồng hương ở Mã Thánh. Sau đó thì về nhà chú Thành, lái xe Lam ở đường Hai Bà Trưng, gần Số 4 để ăn uống, hàn huyên để con cháu biết nhau họ hàng, người cùng quê. Họ che cái rạp trước sân rồi mọi người ăn uống, giọng Huế nổ rựa rựa đọ đọ mô mô tê tê. Mình được biết mặt mấy tên con cháu cùng làng rồi được giới thiệu con ai, rồi biết mặt mấy người cùng làng, cùng họ,…ra đường ở Đàlạt, cứ gặp mặt người cùng làng, phải chào mệt thở, được cái là gặp mấy tên cùng làng thì không sợ bị đánh. He hêh
Trong khi mấy ông đi chạp mộ thì mấy bà xúm nhau lại nấu ăn. Có một món đặc biệt là món “Xôi Thịt Hon” nên mình mới nhớ đời tới ngày nay. Mình chỉ ngạc nhiên là mụ vợ mình gốc Huế 100% thêm thuộc dòng Tôn Thất mà không biết món này. Kể cũng lạ.
Cà ri thì không ai nấu móng heo như bún bò. Chỉ có người Huế mới nấu hầm bà lằn. Bún bò nấu với thịt bò cộng giò heo. Mình đi trên 40 nước, chưa bao giờ ăn được một món vừa thịt bò vừa thịt heo. Món “xôi thịt hon” này có giò heo, thịt heo, sả, nghệ nhất là đậu phụng, hành,… ai muốn biết cách thức nấu thì gú gồ thì ra. Đặc biệt món này ăn với xôi trắng, chớ không phải bánh mì như mình thấy vài người hôm thứ 7. Bánh mì của ai mang lại để ăn với bò khò nhưng hầm bà lằn đủ thức ăn trên bàn nên dân hải ngoại, ngộ nhận như đồng chí gái.
Lâu lâu có vài người còm, chửi mình la, dám kêu vợ mình bằng “Mụ Vợ”. Mình đoán là mấy người này không phải người Huế nên không thông hiểu ngôn ngữ của người Huế.
“Mụ vợ”, từ để chỉ bà vợ. “Mụ vợ tui”, tức là “người vợ của tôi”, một số nơi gọi là “nhà tôi”. “Mụ mi” từ dùng để chồng gọi vợ (ví dụ: Mụ mi ơi ra đây tui nói cái ni). Các vùng trong Nam gọi là “mình ơi”. Mình gọi Mụ Vợ là có ý như ri nhưng mấy người còm chửi đủ trò. Vợ mình thuộc dòng “Các Mệ (Mụ)”, nôm na là dòng Tôn Thất, bên ngoại của vua. Ông ngoại của vợ họ Tôn, làm quan triều đình đủ trò nên mình phải xưng vợ thành “Mụ Vợ”.
Hình như chỉ có Hoàng Ngọc Ánh, con cháu làng Kế Môn, mới hiểu cụm từ này nên có lần hắn lên tiếng minh oan cho mình. Lạ một điều là ngày xưa, học Việt Văn, thầy giáo bắt mua cuốn sách “Phong Tục Việt Nam” của Phan Kế Bính cùng với cuốn Truyện Kiều, năm thi bằng Thành Chung (BEPC). Mình nhớ đi thi môn Việt văn có câu hỏi về phong tục Việt Nam. Chán Mớ Đời
Mình không trách mấy người còm chửi mình đủ trò vì họ rời khỏi Việt Nam, khi tuổi đời còn trẻ nên phong tục văn hoá của họ mang theo rất ít hay được hiểu sai theo quan niệm tây phương. Mình khi xưa, 18 tuổi đâu có biết gì, chỉ có sau này, mới mò về lại văn hoá Việt Nam, cố gắng tìm sách báo để đọc.
Mình nhớ dạo mới lấy vợ. Ông anh vợ cho mượn cuốn sách về dòng Tôn Thất, do một ông họ Tôn, tự xưng là Mệ chi đó quên tên, viết. Ông ta nói khi xưa, ở Việt Nam người ta gặp nhau thì mời ăn miếng trầu, nay ở Hoa Kỳ thì mời nhau cây kẹo cao su. Gặp người đeo răng giả thì sao. Chán Mớ Đời hoá ra ông ta cũng chả hiểu gì về sự tích trầu cau, vì sao người Việt ăn trầu,… được cái là mình cũng học được vài điều về dòng Tôn Thất để làm rễ người Huế.
Cũng lâu lâu lại có vài người còm, chửi mình dùng cụm từ “đồng chí gái” khi nhắc đến vợ mình. Nếu họ tra tự điển của Hà Nội sau 75, chắc chắn không có cụm từ “đồng chí gái”. Cụm từ này do mình chế dành riêng cho vợ mình nhưng nhiều người lại phang đủ trò. Cái vui là mình không biết mấy người này là ai. Cả đời chưa bao giờ gặp mặt. Có thể họ thù ghét Việt Cộng nên nghe cụm từ “đồng chí” nên hận thù tràn dâng rổi chửi.
Vợ, người phối ngẩu chưa chắc là có cùng quan điểm, cùng một chí hướng do đó khi mình dùng cụm từ “đồng chí gái” là nói mụ vợ mình có cùng quan điểm về vấn đề nào đó. Kêu vợ khi nói về một vấn đề bình thường còn “Mụ Vợ” là để nói lên sự yêu mến, trân trọng đối với vợ mình.
Mình có cô bạn ở Việt Nam, kể là những bài mình viết đều lưu lại cả. Cô này lại kêu mình là “Bạn” không mày tao hay tên như xưa. Mình thắc mắc nhưng sau này mới hiểu là vì mình không có sống với Việt Cộng nên không hiểu. Giới trẻ khi được gia nhập vào “đối tượng đoàn” thì khi sinh hoạt chung, họ gọi nhau “Bạn” còn khi được vào đảng cộng sản thì gọi nhau “đồng chí”. Cô bạn này kêu bạn bè thời trẻ, thời sau 75, Việt Cộng vào là “Bạn”. Mình gặp lại bạn ngày xưa thì cứ mày tao cho sướng cái mồm nên hơi ngơ ngơ khi nghe thiên hạ gọi mình là bạn.
Về Việt Nam, nghe những người quen nói chuyện thì rất ngạc nhiên nhưng phải hỏi thì mới hiểu thay vì chụp mũ, chửi thiên hạ.
Chán Mớ Đời
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét