Viết tay

Hồi nhỏ, ông cụ mình hay nhờ một người đồng nghiệp, người bắc, viết chữ rất đẹp để mình đồ lại để tập viết chữ đẹp. Đồng chí gái kêu mình viết chữ đẹp nhưng nay già lười viết nên cũng như gà bới.
Ngày nay tại Hoa Kỳ, người ta đang tranh cãi có hay không nên bắt học sinh tập viết chữ vì lên đại học đa số ghi chép bài thầy giảng qua laptop. Tại trường tiểu học nơi thằng con đi học, có tấm bảng vàng ghi mỗi năm ai đoạt giải viết chữ đẹp thì có tên thằng con, Mít đầu tiên trong trường được ghi tên trên bảng vàng này nhưng chữ thằng con viết như gà bới, ngược lại chữ con gái rõ ràng, nói lên cá tính nhất quyết hơn.
Có một giáo sư đại học Princeton kể về sự phát hiện tình cờ của ghi chú bằng viết tay. Một hôm đến lớp, ông ta bỏ quên laptop ở nhà nên phải lấy giấy ghi chép bài vở được thầy giảng trong lớp thì khám phá ra ông ta nhớ nhiều, hiểu bài nhiều hơn khi ghi chép qua máy điện toán. Hôm sau ông ta thử ghi chép với máy điện toán thì không cảm nhận được hiểu bài nhiều hơn như khi ghi chép bằng tay.
Ông ta kể cho ông thầy và hai người làm nghiên cứu về ghi chép bằng tay và với máy điện toán. Họ lựa hai nhóm sinh viên, một viết tay và một ghi chép đánh máy thì khám phá: ghi chép bằng tay thì người ta viết ít hơn nhưng chỉ ghi những gì cảm thấy quan trọng còn ghi bằng máy điện toán thì nhanh hơn, nhiều chi tiết hơn do đó khi ôn bài người viết tay khi đọc lại ghi chú của mình thì hình dung lại không gian trong lớp khi thầy giảng về vấn đề được ghi chú nên dễ nhớ hơn.

Năm 12B học Vạn Vật với thầy Phùng Văn Hưởng thì phải, thầy dạy chính ở Trần Hưng Đạo, và dạy thêm ở Văn Học. Thầy có chỉ cách ghi note, kể có tên nào ở trường Trần Hưng Đạo, học cực giỏi và không chép bài ghi như học sinh thường, chỉ ghi tóm tắc những gì thấy giảng. Giờ Địa Lý và sử của thầy Hứa Hoành, mình trả bài lúc nào cũng đứng đầu lớp vì sau khi chép thuộc lòng những gì thầy đọc cho học sinh chép, mình viết thêm những gì thầy giảng thêm không có trong bài khiến mấy người trong lớp, cứ chạy lại xem bài tập của mình vì họ học thuộc lòng mà khi khảo bài viết đúng như thầy đọc, chỉ thiếu những cái thêm.
Đại học Princeton nghiên cứu xem lấy notes bằng cách viết tay hay đánh máy để coi sinh viên thi có kết quả ra sao. Người ta khám phá ra khi sinh viên đánh máy thì họ cứ nghĩ ghi lại rồi sẽ đọc lại, suy nghĩ sau còn sinh viên mà nghe thầy giảng rồi tóm tắc vấn đề như thầy Hưởng kể về một người học trò ưu tú của thầy ở trường Trần Hưng Đạo thì người ghi notes làm bài khá hơn và hiểu vấn đề rõ ràng, nói cách khác là có tư duy thay vì cái máy học để thi cử.
Sau này quen nên khi đọc sách hay lấy notes trong lớp, mình đều lấy notes, tóm tắc trong cuốn sổ để khi rảnh, đọc lại đễ nhớ những gì mình đã tóm tắc. Đi học lớp luyện trí nhớ, người ta cũng dạy là phải dùng những vật,…để kết nối để ghi nhớ.
Nhớ dạo mới sang Tây, đến trình diện ở toà đại sứ VNCH, trong khi đợi, tình cờ đọc được một bài báo, có nói đến vấn đề đưa thư tại Việt Nam. Người đưa thư phải biết đọc tiếng Hoa, tiếng Tây, tiếng Mỹ vì người gửi viết bằng tiếng Hoa,…. Ngày nay người ta tính ở Hoa Kỳ, mỗi năm bưu điện mỹ phải đưa trên 20 tỷ lá thư, ít hơn 50% số thư mà 10 năm về trước phải giao (46 tỷ). Mấy chục năm trước khi chưa có điện thư, Internet, người ta tính mỗi ngày, cả thế giới giao trên 460 tỷ lá thư hay kiện hàng.
Có nhiều người hoảng hốt khi biết được nhiều giới trẻ ngày nay, không gửi hay viết thư ngoài điện thư, các thành phố hay tiểu bang không bắt học sinh viết tay, lo ngại sau này người Mỹ sẽ không biết đọc bản tuyên bố độc lập của những nhà cách mạng, lập quốc, được viết bằng tay. Có người ủng hộ bỏ cách dạy viết tay ở học đường vì những đứa trẻ viết chữ xấu sẽ mặc cảm, tưởng mình ngu dốt, đâm ra học không tiến,… người thì ủng hộ vì cho là viết chữ đẹp tạo dựng một phong cách cho đứa trẻ. Mình nhớ hồi còn nhỏ, ngồi cạnh một tên viết chữ cực xấu, hắn cứ đến nhà mình, xé giấy rồi cho mình kẹo để mình viết lại bài tập cho hắn. Sau này qua Văn Học, có nhiều cô mượn vở của mình, đúng hơn là những tờ giấy do mình tóm tắc bài của thầy giảng để chép lại và sửa lỗi chính tả cho mình.
Người ta bắt học sinh học viết tay từ khi thế kỷ 19, đâu năm 1890 thì phải, khởi đầu bởi phương pháp Platt Roger Spencer sau được thay thế bởi phương pháp Palmer với lối viết được kỹ nghệ hoá hơn là hoa bướm ngày xưa.
Nếu mình không lầm, khi xưa, ở cuối đường Duy Tân, ngay góc Phan Đình Phùng, có cái quán, dạy đánh máy và viết tốc ký. Ông cụ mình học đánh máy ở đây khi giải ngủ, để thi vào ty công chánh. Sau này, ông cụ mình đánh máy rất nhanh, được xem là thần tốc của ty công chánh. Bao nhiêu văn bản mà cần đánh nhanh đều kêu ông cụ làm. Mình có học lóm để viết tốc ký chỉ khổ cái là học chương trình pháp nên vô dụng đến khi qua Văn Học thì quên hết, chỉ nhớ lỏm bỏm để ghi notes.
Ở Hoa Kỳ, khi vào toà án hay ở quốc hội, người ta thường thấy một bà, ngồi viết tốc ký, kể lại sự diễn tiến của phiên toà hay họp. Ở Hoa Kỳ, có hai trường phái viết tốc ký Gregg và Pitman. Họ dạy ở trường vì khi xưa, phụ nữ đa thường làm thư ký nên phải học môn tốc ký và đánh máy. Hai công ty dạy tốc ký này tranh dành tìm thị trường đến khi các kỹ thuật mới khiến họ dẹp tiệm.
Không biết có phải nhờ mình tập viết hồi nhỏ, dạo ấy mình ghét cay ghét đắng vụ này vì cuối tuần, ông cụ bắt mình viết một cuốn vở đầy chữ hoa, chữ thường mà sau này giúp mình vẽ véo khi học kiến trúc. Con nít học đàn, học vẽ từ bé, chưa chắc lớn đã trở thành nghệ nhân nhưng những cái khổ luyện từ bé, giúp phát triển kỹ năng của con nít.
Xong om

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét