China Dream

Nguyễn Hoàng Sơn

Các đây không lâu, Tập Cật Bình tuyên bố China Dream là giấc mơ của tất cả mọi người trên thế giới ở thế kỷ 21 và cho xây hay thành lập các viện Khổng Tử trên thế giới. Trung Quốc đang thành lập một ngân hàng quốc tế khác để cạnh tranh với IMF và Ngân Hàng Thế Giới. Gần đây Trung Quốc hứa sẽ giúp Pakistan 70 tỷ mỹ kim để thành lập lại con đường lụa và người ta không quên là năm 2009, Trung Quốc có hứa với Pakistan 45 tỷ nhưng đến nay chỉ mới chi ra khoảng 6% số tiền hứa giúp xứ này. Nghe nói các viện Khổng Tử đang được đóng cửa và tuần vừa rồi thị trường chứng khoán của Trung Quốc xuống 31% khiến nhà cầm quyền Trung Quốc phải ngưng cấm các công ty không được mua bán cổ phiếu của họ trên thị trường chứng khoán để tìm cách cứu vãn tình thế.

Nhớ năm 2009, trên đường về thăm nhà, gia đình mình có ghé thăm viếng Trung Quốc vì cứ nghe mấy cụ bảo "Bất đáo trường thành phi hảo hán" thêm muốn viếng Tử Cấm Thành mà thời sinh viên học lịch sử kiến trúc thế giới thì được biết các cung điện này do một nghệ nhân Việt Nam thiết kế, bị bắt và được vua Việt Nam triều cống như đóng thuế cho vương triều hàng năm. Ông tên là Nguyễn An, có lẽ cùng thời với ông Nguyễn Trãi, được nhà Lê đưa sang Tàu làm nô lệ nhưng nhờ có tài nên được giao nhiệm vụ xây Tử Cấm Thành và bị thiến vì ở trong cung vua.

Trong sách báo của Tàu có nói về ông này, được triều đình cho ruộng, tiền bạc khi về hưu. Nếu ông ta không bị thiến, có thể có con thì chắc sẽ nối nghiệp của ông ta xây dựng thêm những cung điện đẹp khác và có thể giỏi hơn. Vua chúa Tàu ngu nên nhân tài bị cung để được ở lại trong hoàng cung nên không có con nối dòng để tiếp nối sự nghiệp.

Thật ra có viếng Trung Quốc thì mới hiểu vì sao chính quyền xứ này từ bao ngàn năm nay phải làm những công trình lớn như xây vạn lý trường thành,.., vì họ không biết giải quyết nạn nhân mãn nên phải xây dựng mấy bức tường để con dân có cơm ăn, tránh bạo loạn. Trước khi Kha Luân Bố tìm ra Châu Mỹ thì các nước Âu Châu hay bị nạn đói đến khi Kha Luân Bố đem giống bắp và khoai tây về thì mới chấm dứt được các nạn đói khi lúa mì không đủ nuôi dân, và giúp khởi đầu nền cách mạng công nghệ và xâm lấn các thuộc địa.

Ngày nay, người ta thấy Trung Quốc xây những vạn lý trường thành mới như làng thế vận hội được tổ chức hoành tráng năm 2008. Một năm sau, mình ghé lại thì những công trình như sân vận động có hình dáng tổ chim, nơi cuộc khai mạc và bế mạc của thế vận hội được trình diễn, gây tiếng vang khắp thế giới, bị bỏ hoang. Nước mưa dột te tua. Chính quyền không có hậu dự án để sử dụng các công trình này cho thương mại,... Tương tự Hy Lạp cũng bỏ phế các làng Thế Vận Hội hay Ba Tây bỏ mấy công trình thành lập cho giải túc cầu thế giới năm ngoái.

Mình mướn một chiếc xe van, một tài xế và một hướng dẫn viên để thăm viếng Trung Quốc thì rất ngạc nhiên khi thấy những chung cư, trung tâm thương mại được xây nhiều vô kể, bắt chước, có thể do các kiến trúc sư ngoại quốc thiết kế, vì mình có thời gian được mướn thiết kế vài dự án ở Trung Quốc. Tất cả các công trình này được xây gần xong nhưng bị bỏ hoang. Hỏi ra thì quá đắt cho người dân bình thường. Các nhà đầu tư chỉ xây để bán kiểu mì ăn liền nhưng không ai mua nên đành bỏ trống nhưng chính phủ vẫn tiếp tục bỏ tiền đầu tư để có công ăn việc làm cho nhân công để tránh bạo loạn thêm có thể gọi GDP gia tăng.

Ở các nước Tây phương, khi họ thiết kế các chương trình này đều có xây các hạ tầng cơ sở như các thành phố mới (villes nouvelles) của Pháp, có xe lửa, xe buýt, trường học, chợ,..., ở Trung Quốc tuyệt nhiên không thấy gì cả thì ai dám đến mua để ở, chỉ có những người đầu cơ mới dám mua để hy vọng bán lại kiếm lời. Ở đây mình hiểu sự tàn phá môi trường bởi sự phát triển quá nhanh và không toan tính về hậu quả. Ở Bắc Kinh là không bao giờ thấy mặt trời vì khói đen từ các nhà máy khạc ra 24/24.

Ai cũng kinh ngạc về sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, tỷ lệ gia tăng 10% mỗi năm. Trong cuốn "Day of reckoning", tác giả đưa ra thí dụ. Anh chàng Tầu, anh chàng Nhật và anh chàng Nam Hàn, cong lưng làm việc, sản xuất đồ cho anh Mỹ xài. Anh Mỹ không có tiền trả nên viết giấy nợ bằng công khố phiếu, mắc nợ 3 anh chàng á Đông chịu khó làm đồ rẻ cho anh Mỹ xài. Tác giả nói một thời gian sau thế nào 3 anh chàng này sẽ giác ngộ cách mạng là giấy nợ của anh Mỹ chả có giá trị gì cả vì anh Mỹ có thể in tiền nên họ sẽ bắt đầu ăn xài, tiêu dùng các sản phẩm của họ sản xuất ra và là lúc Hoa Kỳ sẽ bị te tua vì vật giá gia tăng, nợ chồng chất.

Chính sách này sẽ khuyến khích dân chúng trong nước tiêu xài và bớt để dành, đi theo con đường của dân Mỹ đang theo từ 60 năm qua, sau khi thế chiến thứ 2 chấm dứt. Năm 2008, nước Mỹ và các nước Tây phương bị khủng hoảng kinh tế nên sức tiêu thụ của họ đã giảm khiến nghành sản xuất của Trung Quốc phải giảm theo xuống 7% theo những dữ liệu của chính phủ đưa ra nhưng các nhà nghiên cứu Tây phương, dựa trên tài liệu, thông tin của chính phủ Trung Quốc, cho rằng độ 1.5% là chính xác hơn nhưng có thể khác vì ngay các công ty Tây phương còn gian dối các con số huống chi Trung Quốc.

Từ năm 2010, chính phủ Trung Quốc khuyến khích dân chúng tiêu xài, lương tăng hàng năm 10% khiến các công ty ngoại quốc phải đóng cửa ở Trung Quốc và tìm các quốc gia khác như Việt Nam, Kampuchia,.., thành lập các đơn vị sản xuất để tiết kiệm giá thành của họ. Ngày nay người ta ước tính tổng số nợ công của Trung Quốc độ 300% của GDP, tương đương 30,000 tỷ Mỹ kim, trong khi họ có 2,000 tỷ công khố phiếu của Mỹ và 1,000 tỷ công khố phiếu của thị trường Âu châu. Nền kinh tế của họ sẽ bi te tua thay vì vượt qua nền kinh tế Hoa Kỳ như Trung Quốc kêu gào.

Lần đầu tiên, chính phủ Trung Quốc cho phép các công ty tư nhân được ra IPO, để dân chúng có thể mua cổ phần đầu tư thêm chính phủ bơm tiền để giúp tăng trưởng kinh tế nên từ một năm qua, thị trường chứng khoán Thượng Hải lên 150%. Đài CNN sáng nay, Fareed Zakaria cho hay là ngay các nông dân cũng có trương mục để mua bán cổ phiếu qua internet. Tương tự năm 2000 ở Mỹ, đi ăn sinh nhật con nít, ai nấy kháo nhau mua cổ phiếu hãng này hãng nọ sau đó mấy tháng thì nếu ai lỡ dài mồm ra, nói về thị trường chính khoán là thiên hạ tránh như hủi, cho là bệnh tâm thần, tương tự sau năm 2008 nói về mua bán nhà.

tuần nay, thị trường chứng khoán Thượng Hải xuống 32% và chính phủ đình chỉ, cấm trên 100 công ty tư nhân không được buôn bán cổ phiếu. Ai cũng nói "day of reckoning" của Trung Quốc sắp đến. Biết bao nhiêu người dân, cầm thế nhà cửa để mua bán cổ phiếu nay chắc sạt nghiệp. Các chuyên gia so sánh Trung Quốc ngày nay như Hoa Kỳ vào năm 1929, không có gì cứu vãn được. Bây giờ mình mới hiểu lý do các công ty Mỹ rút ra khỏi Trung Quốc để tránh bị tai họa do chính quyền tự biên tự diễn và họ đổ lỗi cho các thế lực thù địch Tây phương.

Hy Lạp là nước te tua vì các chương trình được Cộng đồng Âu Châu đề xuất cho họ trả nợ, thật ra là để cứu các Ngân hàng Âu Châu còn dân Hy Lạp mất hết quỹ hưu trí thì họ không đoái hoài. Năm 2008, bail out của chính phủ Obama là để cứu các ngân hàng cho vay vô tội vạ mà ngày nay những ngân hàng này càng giàu to. Tờ The Diplomat, cho hay là chuyến này, nước Pháp rất vui vì đã bán cái mấy số nợ khổng lồ cho Ý Đại Lợi và Tây Ban Nha. Nước Đức cho Hy Lạp mượn nhiều nhất sau đó đến Ý Đại Lợi, Tây Ban Nha,.. Pháp ăn non bán các công khố phiếu cho hai anh Ý và Tây Ban Nha nên thoát nạn, có mất một ít.

Theo ông Paul Krugman, kinh tế gia đã đoạt giải thưởng Nobel cho biết khi cuộc khủng hoảng kinh tế của Hy Lạp bắt đầu năm 2009 thì số nợ của nước nay chỉ có 130% GDP, tương tự như Hoa Kỳ vào năm 1946, ngay sau đệ nhị thế chiến chấm dứt mà ngày nay, sau 6 năm lên đến 170%. Thật ra số nợ chỉ lên có 6% nhưng vì GDP xuống -20%, lý do là chinh phủ cắt giảm chi tiêu. Khó khăn của Hy Lạp ngày nay, là không còn sử dụng tiền tệ quốc gia mà phải dùng Euro. Mà nếu bỏ Euro thì lại lâm vào tình trạng của Á Căn Đình khi đã thả nổi, không chịu theo tiền đô la, gây lạm phát kinh hồn.

Hoa Kỳ nay cũng phải chuẩn bị vì tương lai cũng sẽ đóng vở bi kịch Hy Lạp nhất là Cali. Hiện tại thì nhân công trong ngành xây dựng có rất nhiều việc, các công ty đang kiếm thợ mà không có. Ngược lại, tỷ lệ nhà bán đang đứng, có nơi thấp hơn năm ngoái -4.5%. Tiểu bang Cali có các thành phố như Stockton, SanBernardino, Bell Garden,.., bị phá sản. Các thành phố cắt giảm nhân sự, ngân quỹ học đường.... Đảo Puerto Rico thuộc Hoa Kỳ, ngày nay không có tiền trả nợ. Hòn đảo nhỏ sống về du lịch nhiều hơn nhưng lại trả tiền lương tối thiểu rất cao theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ nên không thể nào giúp kinh tế phát triển. Có thể sẽ khai phá sản nay mai. Trường hợp đảo này có thể xem như trường hợp Hy Lạp.

Sản xuất thấp nhưng ăn lương theo tiêu chuẩn của thị trường chung Âu Châu.

Mình hay nghe Hà Nội hay Trung Quốc kêu các nước Tây phương là phồn vinh giả tạo nhưng không ngờ ngày nay họ lại theo con đường của đám tư bản đang dãy chết để rồi cũng mang những bệnh tật của phồn vinh giả tạo hay China Dream. Biết đâu, đây là cơ hội để mọi người có thể làm lại từ đầu. Chỉ mong có người nhận ra đây là cơ hội tốt như cha của gia đình Kennedy đã thấy khi khủng hoảng kinh tế Hoa Kỳ sụp đổ năm 1929, ông ta đã xây dựng gia tài kết xù của dòng họ từ biến cố này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét