Charette

Nguyễn Hoàng Sơn

Tháng 9 năm 75, mình vào học trường Cao Đẳng Quốc Gia Mỹ Thuật ở Paris sau 3 tháng hè làm culi ở Mantes la Jolie. Mình sang Pháp đầu năm 75, vài tháng sau thì Sàigòn đầu hàng\. Có người giới thiệu ông Jean Marco, người gốc Algerie mà Tây gọi là Pied Noir; những người có quốc tịch Tây nhưng sinh đẻ ở Phi Châu. Gia đình ông này cũng tương tự như người Việt mình, chạy tị nạn sang Pháp. Năm 1963, chính phủ DeGaulle trao trả độc lập lại cho dân Algerie, thì chính quyền mới của xứ này đuổi cổ dân Tây dù sinh đẻ mấy đời tại phi châu về Pháp. Trong đó có gia đình của Enrico Macias đã làm bài hát nổi tiếng "Adieu mon pays". J'ai quitté mon pays. J'ai quitté ma maison, ma vie, ma triste vie....

Ông Marco đến Pháp với bàn tay trắng, làm xây cất rồi từ từ ông ta thầu mấy công trường lớn nên sống sung túc. Ông kêu mình về Mantes La Jolie, ở trong công xưởng của hãng ông ta, có thêm một gia đình gốc Lào. Mình đưa tiền cho gia đình Lào này để ăn cơm tháng với họ. Ban ngày thì đi làm khuân vác, giao hàng cho khách hàng của một siêu thị Parunis. Mình và tên tài xế, thong thả. Sáng và sau cơm trưa đến lãnh đồ, chất lên xe camion rồi đi giao hàng. Có hôm chỉ có một chuyến giao hàng. Đến nơi thì thang máy hư, nên hai thằng phải vác cái giường lên 22 tầng lầu bằng cầu thang. Nhớ đời! Hết làm culi thì về Paris làm nègre (nô lệ). Nègre ở đây, tiếng lóng là những người vẽ cho những tên sinh viên năm khác. Trường cao đẳng Mỹ thuật chia ra nhiều phân khoa như hội họa, điêu khắc, kiến trúc,...

Cơ cấu của các phân khoa tương tự nhau, chỉ có phân khoa kiến trúc thì đông sinh viên hơn nên có nhiều atelier phải mướn chỗ ở ngoài khung viên của trường.

Các môn toán lý hay lịch sử thì các sinh viên học chung ở lớp tại trường nhưng về phần kiến trúc, hội hoạ thì được phân chia theo các atelier.

Mỗi atelier, tạm gọi là "lò", có một giáo sư kiến trúc sư đứng đầu mà sinh viên gọi là Patron, thêm vài phụ tá giáo sư về kiến trúc và một phụ tá về hội hoạ điêu khắc. Phụ tá kiến trúc thì dạy sinh viên vẽ perspective, phong cảnh còn phụ tá kia thì vẽ khoả thân và điêu khắc.

Giáo sư chính của mình là Xavier Arsene Henry, người gốc Bordeaux, bạn của ông Chaban Delmas, tỉnh trưởng thành phố này. Ông ta là khôi nguyên giải La Mã trước ông Ngô Viết Thụ 5 năm. Ông là kiến trúc sư chính cho thành phố này.

Sau 1968 thì giáo dục nước Pháp được cải tổ nên trường cao đẳng mỹ thuật cũng được cải tổ. Có những kiến trúc sư thiên tả, không muốn dạy sinh viên vẽ mà chỉ giảng dạy về xã hội học,.. Nên họ thành lập những Lò mà sinh viên không biết vẽ. Những giáo sư bảo thủ thì vẫn tiếp tục giảng dạy kiểu xưa như atelier của mình, phải biết vẽ thì mới hình thành được ý tưởng của mình trong đầu. Nên khi một hãng kiến trúc cần sinh viên vẽ cho kịp thời hạn thì họ kiếm những sinh viên của atelier của mình nên sinh viên có thể kiếm tiền thêm. Cái khổ là đi làm, kiếm được tiền thì một số đông sinh viên bỏ học hoặc ra trường trễ sau 10-12 năm.

Năm mình vào học thì có 22 ma mới, sau năm thứ nhất thì còn lại đâu 12 tên, đến khi mình ra trường thì chỉ có hai người; mình và một thằng Tây, tên Jeff, gốc Pied noir ở Leucate, miền Nam nước Pháp. Mấy người khác bỏ cuộc hay xin chuyển trường qua các Unité Pédagogique khác dễ hơn. Nhờ biết vẽ mà sau này ra trường, mình đi tứ xứ, được các hãng kiến trúc ở Âu châu và Mỹ mướn dù dốt tiếng nước sở tại, nhất là lương cao hơn. Các nước khác đào tạo kiến trúc sư theo chương trình kỹ sư thêm phần hội hoạ nên đa số không biết vẽ ngoại trừ một số có khiếu.

Lúc mới vào học thì bị bọn đàn anh ăn hiếp, sai đủ thứ, cực khổ như nô lệ; đi mua dụng cụ, ăn uống, quét nhà, nhất là phải thức khuya vẽ cho bọn chúng trong những Charrette. Theo kể lại thì mỗi lần, các sinh viên phải nộp đồ án thì tới giờ, có chiếc xe thổ mộ (charrette), đi vòng vòng các lò ở ngoài phạm vi của trường, sinh viên mang đồ án ra nộp để tên lái ngựa chở về trường cho giám khảo chấm. Một tên ma mới thường được cử, canh ở ngoài đường; khi nào thấy xe ngựa từ xa thì kêu "Charrette" để các sinh viên khác đem đồ án xuống đường nộp vì nếu không tên lái ngựa sẽ không đợi.

Theo truyền thống, thì trước ngày nộp thì mọi người bỏ việc làm ở sở, tụ về lò của mình để giúp những sinh viên khác vẽ cho xong đồ án. Một mình thì vẽ không kịp nên phải cần những tên sinh viên khác năm vẽ phụ, làm mô hình,...những người vẽ phụ được gọi là nègre.

Thông thường là phải nhờ trước đó mấy ngày. Tối đó cả lò rủ nhau đi ăn tiệm để những tên có đồ án nộp cho ngày mai, bao ăn uống đám nègre của họ. Nhiều khi có tên uống rượu nhiều quá, say nên chả vẽ viết gì cả hay mấy anh chị nào chịu đèn nhau, sau khi ăn uống lại dắt nhau đi chơi.

Cho nên phải kiếm những tên hay đầm nào mà mình tin tưởng nếu không vừa tốn tiền, trả tiền ăn cho họ nhưng họ say hay bỏ về nữa chừng là mệt. Những năm đầu thì mình chưa biết gì thì mấy tên đàn anh chỉ cho cách tô màu, vẽ cây vẽ cối, người, làm mô hình,...rồi cứ thế sau này mình truyền lại cho tụi đàn em.

Có lần mình đi làm nhưng có một tên nhờ mình phụ hắn nên tối đó ghé lại vẽ cho hắn suốt đêm. Sáng hôm sau thì phải đi làm, sợ buồn ngủ nên mua một ly cà phê uống cho tỉnh người. Ai ngờ tối đó về nhà, không ngủ được, hai con mắt cứ láo láo nên mình sợ đến già không bao giờ đụng đến cà phê nữa. Sau này,những đêm phải thức để vẽ, mình leo lên bàn vẽ, nằm ngủ hai tiếng đồng hồ thì sau đó khỏe, lấy sức vẽ tiếp vì khoảng 2-3 giờ sáng là mắt mờ và lạnh. Lâu lâu cứ nhớ thằngh Jeff, học chung khi xưa hét " Charette, Bordel!"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét