Các bà Dì Yersin



Hôm nay có hẹn với Hoài Hương, con gái của thầy Tạ Tất Thắng nhưng quên xem giờ hoành đạo nên đến nơi thì có đến 4 cô Yersin, đang ngồi chễm chệ trên ghế, rồi hỏi ai đây thì đầu hàng, run run trước mấy bà cọp cái. Chỉ nhớ Hạnh Ù ở Hai Bà Trưng, nhà đối diện trường Thăng Long xưa. Rồi mấy ả tuần tự giới thiệu Hoài Hương, Thu Hương chị của ca sĩ xứ kanguru và Phi Phượng, con của ga ra STT ở đường Cường Để cạnh abatoir, có cô em ca sĩ Lệ Thu bên Pháp. Nhà HH to như cái đình mới được tân trang lại nên rất đẹp.

Ngồi nói chuyện thì mấy ả bắt mình gọi họ bằng dì vì khám phá ra Hoa Dung, con ông Đàng, số 9 Duy Tân là dì của mình. Thôi đã vào hang của 4 con cọp cái thì đành thi hành. Đúng là dân ăn hàng, mấy bà dì đón cháu ở xa về, mời ăn toàn là bánh ngọt, mình từ khi lấy vợ thì rất sợ ngọt vì đã lầm lỡ nên chỉ ngồi uống trà, nghe các bà dì kể ai còn ai mất, bao nhiêu con cháu. Mấy bà dì này kể ngày xưa con trai học cùng lớp thì mấy bà xem như con nít cho nên không để ý còn mình dạo đó thì chưa được thằng Sang và Cô Thuỷ bồi dưỡng chức năng nghiệp vụ ngắm gái cho nên chả nhớ ai ra ai. Nói chung thì ai cũng còn giữ được nét đẹp của thời "em là con gái trời bắt chảnh".
Ngôi trường khi xưa, từng học chung với mấy bà dì. 5 năm ở Petit Lycee và 4 năm ở đây.

Cái hay là dù không nhớ nhau nhưng vẫn thấy có cái gì kết nối giữa thằng cháu và các bà dì. Có lẽ nhờ huyết thống của Yersin khi xưa khiếng tiếng cười nổ như bắp rang. Thu Hương thì rất vui, kể đoạn trường con gái thời bao cấp còn Hạnh Ù thì nhớ học chung M2 với mình, còn Phi Phượng có lẻ bị ảnh hưởng thời gian ở Nhật nên cứ ngồi như Geisha của xứ Anh Đào.

Mình có kể PTTT có nhờ kiếm Nguyệt Thu, Bích Thu và Trần thị Anh Đào thì được biết đều còn ở Đà Lạt. Sáng nay mình có ghé ngã ba chùa để kiếm nhà Nguyễn Văn Khoa nhưng chả nhận ra nhà nào, hỏi Thiên Hạ thì họ kể đã bán nhà đi đâu rồi. Lang thang lên chùa Linh Sơn, mấy con rồng hai bên thang cấp đã biến mất, vườn chè cũng bay đi xa, thấy cái chuông bên tay phải chánh điện mà 50 năm về trước, mình lên chùa với bà ngoại khi gia đình phật tử Đà Lạt, đúc cái chuông. Một khoảng không gian khá vui của thời thơ ấu, xem phim Charlot, Laurel & Hardy ngoài trời, nghe gia đình Phật tử làm văn nghệ. Dạo đó mình nhớ không gian rất lớn nhưng nay nhìn lại thì nhỏ bé.

Lang thang đi về qua căn nhà xưa của đối tượng ngày nào mà mỗi ngày chạy xe ngang để hy vọng thấy bóng dáng cô nàng, mấy thang cấp nơi mà ông bố của cô nàng chạy lên đuổi theo cô nàng khi mình đến đón đã được thay bởi cầu thang nhỏ. Đi về ngã Phan Đình Phùng thì thấy cái nhà bằng gỗ của ông giáo Kim khi xưa mình học hè đã được thay bằng cái nhà 4 tầng lầu. Cái hẻm bên cạnh khách sạn Mimosa vẫn còn dẫn lên nhà thờ Tin Lành ở đường Hàm Nghi.

Được biết Hạnh Ù có bằng tiến sỹ Thanh Nhạc vì sợ bị đi Thanh Niên Xung Phong nên ghi tên học rồi đi làm đến khi bà cụ bị bệnh nên nghỉ ở nhà lo cho mẹ. Hoài Hương là cô giáo anh văn còn Phi Phượng thì cũng gian nan trong thời bao cấp đến khi lập gia đình sang Nhật rồi ăn sushi không được nên trở lại Đà Lạt.

Bà dì khác được mọi người gọi là Lão Bà Bà là nhân vật khá vui. Cô nàng kể đi học kế toán để tránh đi thanh niên xung phong. Học xong thì bị đưa về Đức Trọng làm việc. Tổ trưởng muốn tuyên dương nhân viên tiên tiến thì lão bà bà từ chối vì muốn trở về Đà Lạt. Cuối tuần về Đà Lạt thăm nhà là chôm cái khuôn dấu của tổ trưởng để làm giấy tờ đi đường.

Cái khổ là trong thời bao cấp, vé xe không phải dễ mua, phải đặt cục đá từ 2:00 sáng mà không biết có mua được vé nên cô nàng nghĩ ra chiêu cứ xổ tiếng Tây, không hiểu tiếng Việt nên mấy người bán vé tưởng là người nước ngoài nên bán vé cho.

Lão bà bà quả là một nhân vật khá lanh trí, nếu ở Hải ngoại chắc giàu to.

Có lẻ Lão bà bà phải gặp Võ Hoàng Đa vì tên này cũng mưu thần chước quỷ, làm mộc, giấy tờ giả để đi đường,...Cô nàng kể đi vượt biên bị bắt ở tù và tìm cách thoát ra nên phải giả điên. Dì này chắc khi xưa thuộc loại xinh xắn vì nghe kể là sau 75, bị bắt với người đẹp Geisha về tội nhảy mít, Văn hoá đồi trụy. Vào tù gặp mấy tù nhân lâu năm nào là mang tội giết người, người thì kêu đốt nhà nên khi cô nàng được thăm nuôi, phải chia cho tù để khỏi bị đánh.

Cô nàng kể là giả điên nên công an cho vào nhà thương khám thì cô nàng cứ điên điên dở dở, cười hé hé nên họ cho về lại tù rồi công an tống cổ về vì không muốn dây dưa với điên. Cô nàng khai số nhà 200/20/10 đường gì đó nên khi công an hỏi cung bảo đã đến nhà cô nàng để điều tra nên biết hết, yêu cầu cô nàng thành khẩn khai báo thì cách mạng sẽ khoan hồng cho về, là biết xạo, chỉ hù doạ.

Mình xin phép ra về, lợi dụng trời còn sáng để đi bộ về nhà ở Hai Bà Trưng thì nhận thấy có nhiều căn biệt thự được xây thời Tây vẫn còn, tuy không được tân trang, tu bổ lại như nói lên sức đề kháng của con người và đất Đà Lạt vẫn còn hiện hữu dù 40 năm đã bị vùi dập. Mấy bà dì Yersin thì hình ảnh càng mờ nhạt trong quá khứ so với Văn Học nhưng không hiểu sao mình vẫn thấy gần gũi với họ dù 4 con cọp cái bao vây mình như muốn xé xác lúc đầu. Cám ơn 4 bà dì đã cho một buổi chiều đầy kỷ niệm, cho em tìm lại một chút hương xưa của thời học trò bị con gái bắt nạt.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn