Về mái nhà xưa

Nhớ dạo viếng vùng Napoli ở Ý Đại Lợi, mình có đi tàu viếng đảo Capri vì bài hát "Capri, c'est fini" và Sorriento vì bài "Torna a Sorriento" mà Phạm Duy có dịch ra lời Việt. Không hiểu sao mấy ngày nay lại nhớ đến bài hát Back to Sorriento.
Bài hát này được tác giả làm vào năm 1905 nhưng đến khi quân đội Mỹ đổ bộ xứ Ý đại Lợi thì mới được phổ thông hoá nhờ Frank Sinatra, Elvis Presley hát bằng tiếng anh tương tự bản nhạc Il guaglione mà khắp thế giới biết đến qua tên Bambino mà ca sĩ gốc ý Dalida hay hát. Dạo ấy có nhiều bài hát châm biếm dân Ý bị mỹ hoá sau đệ nhị thế chiến kết thúc, lính mỹ đóng tại Âuchâu nên dân ý bắt đầu ăn kẹo cao su, nhảy swing,... Mình có nhớ bài "Tu vuoi fa l' americano ma sei nato in Italy", mĩa mai người dân địa phương muốn làm dân Mỹ nhưng sinh tại Ý. Cho thấy sự ảnh hưởng của văn hoá mỹ từ 1945 đến ngày nay trên toàn thế giới nhất là giới văn nghệ Ý Đại Lợi theo đảng cộng sản, tìm cách đả kích trào lưu theo mỹ.
Mấy bản nhạc này được viết bằng thổ ngữ vùng Napoli nên dân vùng khác không hiểu hay không ưa Văn hoá miền nam Ý. Nhớ dạo đi làm ở Ý, dân miền Bắc Ý khinh, gọi dân vùng Napoli là Taru, như Sáu nẩu miệt vườn. Tương tự món pizza là món của dân nghèo miền nam nước Ý, di cư sang Mỹ và trở thành phổ thông đại chúng tại Hoa Kỳ nên khi quân đội Mỹ đến nước Ý vàđòi ăn pizza thì người Ý phía Bắc, mới biết đến món này. Tương tự ngày nay thế giới biết đến bánh mì, phở, chả giò của Việt Nam nhờ dân tỵ nạn ở hải ngoại.
Kỳ này về không có vợ đi theo nên mình ngủ ở nhà của ông bà cụ, căn nhà mà mình đã đóng góp công sức khi xây nó. Nhớ năm thi trung học Pháp xong là ông cụ bắt mình mỗi ngày, phụ ông thợ cuốc đất bỏ vào xe bồ ệch, rồi đẩy đi đổ phía cuối dốc để sang bằng mặt đất để xây nhà. Nhớ lại vẫn châm. 9m x 10m x 2m chiều cao, tính ra độ 100 m3. Có lẻ vì vậy sau này mình theo ngành kiến trúc khi sang Tây.

Mình theo dõi từ đào móng, hầm phốt, đổ móng, xây cột, xây tường, xây tầng đến lợp mái nhà, bắt điện nước. Kể lại thì chỉ nhớ hai bàn tay bị chai phồng có mủ. Đang nằm trong phòng cũ của mình, nghe tiếng mưa rơi của Đà Lạt tạo nên nổi buồn man mác không hiểu vì sao mình buồn. Có lẻ không có đồng chí gái bên cạnh. Gần mỏi miệng, xa mỏi mắt. Đồng chí gái đang lo tổ chức hội ngộ Trưng vương ở nhà mình, nghe đâu độ 30 mụ sồn sồn vào cuối tuần này.
Căn phòng của mình vẫn không thay đổi, có khác là cái tủ đựng quần áo được thay mấy cánh cửa, cái table de nuit vẫn màu nâu của vernis khi xưa. Chỉ có cái giường là khác, được thay bởi một cái giường đôi thay vì giường đơn mà ba anh em ngày xưa, ngủ xếp hàng như cá mòi. Mấy kệ sách trên tường vẫn nằm đó, sách vở của mình đều được đốt khi cuộc chiến chấm dứt. Nay được thay thế bởi sách báo phụ nữ của cô em út với những bằng khen tưởng lệ. Trần nhà vẫn còn y nguyên với những tấm gỗ đan vào nhau kiểu T&G, màu nâu vernis của 43 năm về trước. Công tắc điện được thay thế bằng loại 220 volt như Mỹ nên lần này về, không cần cái cắm điện chuyễn đổi từ hệ thống Pháp sang Mỹ. Vẫn những thanh sắt chấn dọc bên ngoài cửa sổ để phòng trộm. Qua cửa sổ thì thấy cột điện thời tây của đường Thi Sách đã được thay thế bởi cột khác có cáp quang và điện thoại với dây cáp chằng chịt tứ phía. Trên cửa sổ có hai viên gạch thông hơi để tránh căn phòng bị ẩm mốc nên mùa đông gió thổi vào khá lạnh.
Như thường lệ, đi xa về thì lên lầu thắp hương bàn thờ ông bà. Nghe tiếng chuông quyện trong khói hương khiến lòng mình say say. Nhìn ảnh của ông bà nội chưa bao giờ gặp mặt, ôn mệ ngoại, 2 người em đã sớm ra đi khiến bao kỷ niệm ngày xưa từ đâu cuộn trôi đưa mình về dòng sông của ấu thơ. Những ngày đi làm rẫy trong Suối Tía với ôn ngoại, bận áo tơi đứng núp mưa ở cái lều gần đồn Quân Cụ. Những đêm đọc Tam Quốc Chí cho ôn ngoại, trồng cây bơ ở nhà không ngờ 50 năm sau mình lại dấn thân vào nghề trồng bơ. Những chả giò do mệ ngoại cuốn nhân ngày sinh nhật cuối cùng ở Việt Nam hay những lời kinh Pháp Hoa đọc cho mệ ngoại cúng rằm hay đi hành hương lên núi Bà, lấy nước Cam Lồ về uống cho ngu lâu.
Những đêm mưa, phải bận áo mưa đi trong đêm vắng, ngang qua nhà xác để ngủ lại đêm, trông em cho bà cụ ngủ trong bệnh viện nhi đồng. Rồi một đêm phải leo lên xe cứu thương, đưa xác em về trong tiếng khóc tức tưởi của bà cụ như ai oán cho người em vắn số. Một cô em khác mất trong thời bao cấp, mê cải lương Hồ Quảng. Lần đầu tiên về, mình có đi thăm mộ của hai em để rồi tháng 11 này phải dời mộ thêm một lần nữa. Người chết đã lâu cũng không yên, quy hoạch nên phải dời. Mả Thánh nay chỉ có cỏ mọc, không biết chừng nào họ sẽ xây những căn hộ hay sân golf. Hôm trước, người em rể đưa mình đi thăm mảnh đất ở nghĩa trang Trại Hầm mà anh ta xin được để chuẩn bị hậu sự cho ông bà cụ. Gia đình mình tính sẽ dời mộ hai người em, ôn mệ ngoại về đây để sau này con cháu ở xa về thắp hương một lúc cho tiện. Người sống có nhà , người chết có mồ.
Sáng nay sau khi tập dưỡng sinh với bà cụ, hai bố con lên đỉnh núi Lâm Viên để nhớ lại 50 năm trước đi hành hương với Mệ Ngoại lên đây. Nay là nơi du lịch để du khách tham quan, chụp hình mất đi vẽ thô sơ, yên lặng của ngày xưa. Người ta lấy sơn đen, sơn lên người của ngựa để làm ngựa rằn, để kiếm tiền. Các em bé gốc dân tộc ngồi ngay mấy thang cấp hay đi theo xin tiền để mua sách vở đi học hay là chiêu làm tiền mà người ta dạy con nít ngày nay. Lên đây mới hiểu cái hình của TNH chụp với đám người Mọi, họ cho thuê đồ người Mọi để chụp hình, 30,000 đồng / bộ. Tính mướn cho con gái nhưng nghĩ lại chắc họ không bao giờ giặt nên thôi, để ra chợ Đà Lạt chắc có bán, mua vài bộ làm kỷ niệm hay mình chơi một bộ biết đâu giống người Nùng.
Con gái cứ đòi chụp selfie với bố rồi bổng nhiên mình thấy con bé xinh chi lạ, duyên dáng như mẹ và thầm cám ơn trời Phật. Trên đường về thì xe chạy ngang nhà thờ Cứu Thế mà Bác Tóc gió thôi bay, bao lần cuốc bộ đi học từ Hoàng Diệu lên cây số 6. Mình nhớ có lên đây với ông cha Leahy của giáo hoàng chũng viện. Cách đây 20 năm có một tập đoàn đầu tư của Tân Gia Ba mướn mình vẽ một trung tâm du lịch ở Suối Vàng. May sao họ không thực hiện công trình nếu không chắc đã tàn phá khủng khiếp môi trường của khu này.
Ngày xưa, nhà mình được xem là cao nhất xóm vì có hai tầng lầu. Đứng ở sân thượng thì thấy chùa Linh Sơn, nhà thờ Tin Lành ở đường Hàm Nghi, Domaine de Marie ở đường Ngô Quyền. Những lần vc tấn công đồn nhân dân tự vệ, phía sau trường Đa Nghĩa thì thấy súng bắn đạn lửa. Năm Mậu Thân, thấy lính tái chiếm đồi trên ấp Mỹ Lộc. Nay thì nhà hàng xóm 4,5 tầng che hết, chỉ thấy nhà hàng xóm nên hôm qua ngồi vẽ vài sketches làm kỷ niệm, nhất là mái hiên đã cứu mình sống khi vỏ đạn đại liên của trực thăng bắn trên đầu nhà năm Mậu Thân.
Căn nhà bên cạnh là của gia đình mình, sau 75 họ tịch thâu rồi ngaỳ nay họ hỏi bà cụ mình có muốn mua lại không. Mình chỉ biết lắc đầu không hiểu thế lày nà thế lào. Mình dự định sẽ kêu gọi mấy anh em đóng góp tuỳ khả năng của mỗi người rồi mình sẽ cho trùng tu lại căn nhà Từ Đường để sau này con cháu có về thăm thì có chổ nghỉ, có bảo tàng viện nhỏ của gia tộc để con cháu có thể hình dung những gì ông bà đã trải qua trong quá khứ.
Tối nay, ăn cơm xong thì mình xoa dầu, đấm bóp cho ông cụ rồi bà cụ. Nhìn thân ông cụ gầy thấy thương, 15 năm sống trong trại cải tạo. Xoa dầu xong lại dặn ông cụ, giải thích tại sao phải mang vớ rồi xoa dầu cho bà cụ trong khi con gái đấm lưng cho ông nội. Mình xoa bóp cho biết bao nhiêu người đau yếu ở Cali nhưng đây là lần đầu mình làm cho ông bà cụ, nên nguyện từ đây mỗi ngày xoa dầu, đấm bóp cho ông bà cụ đến ngày lên đường về Hoa Kỳ để bù lại những năm xa cách.
Nhs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét