Nguyễn Hoàng Sơn
Nhớ dạo mới sang Tây, mình ăn như điên vì sức đang lớn. Trưa đi rữa chén cho tiệm ăn được chủ cho ăn thịt với khoai tây chiên nên từ từ quen dần với thức ăn tây. Hè năm đó về tỉnh làm hè, ở chung với một gia đình tị nạn Lào, trả tiền cho bà vợ nấu cơm tháng. Bà này người Lào nhưng nói tiếng Việt khá rành, không hiểu có gốc gác gì với Việt Nam nhưng được có nước mắm cơm nên mình cũng không nhớ cơm Việt Nam lắm. Nghe nói ông chồng, ngày nay được bầu làm thị trưởng thành phố Mantes La Jolie.
Về lại Paris để nhập học, mỗi ngày ăn cơm sáng chiều ở tiệm ăn đại học, sinh viên thường gọi là Resto-U (chữ tắt của restaurant universitaire). Ăn riết đồ ăn Tây do dân Á rập di cư nấu nên bắt đầu ớn. Lúc đó nhớ nhà, nhớ đồ ăn Việt Nam kinh khủng, nhớ tô bún bò của bà bán hàng rong, bận áo dài gánh ngang nhà mỗi sáng. Lâu lâu có tiền kêu vào mua một tô nhỏ rồi mấy anh em xúm lại lấy bánh mì chấm ăn. Nhớ đám em ở nhà, thèm nghe tiếng nói, cãi nhau của chúng mà khi còn ở Đà Lạt mình chúa ghét khi chúng khóc la, mách mình nhờ làm Bao Công. Nhớ những chiều chạy xe vòng vòng ngắm gái, đúng ra là liếc chớ không dám nhìn,..
Nhớ những chiều mưa của thành phố buồn, nhớ tiếng mưa rơi trên mái tôn lộp độp, tiếng gió hú thổi vào các lỗ thông hơi trên cửa sổ như một điệp khúc ru mình ngủ trưa. Nhớ những khi mái nhà bị dột, nước mưa rỉ giọt xuống cái thau để hứng nước nghe bõm bõm như tiếng kim đồng hồ lên giây. Nhớ da, nhớ diết, nhớ tận cùng bằng số. Vào Resto U, nhìn đĩa Couscous hay miếng thịt bò khô khan lại chạnh nhớ đến đĩa rau xà lách xoong trộn thịt bò xào của bà cụ. Nhai mấy miếng khoai tây chiên lạnh mềm xèo, đượm dầu mỡ lại nhớ đến đĩa bánh xèo, bánh khoái hay mấy chén bánh căng ở ngoài chợ. Nhớ ơi là nhớ,...
Trời mùa đông rét mướt thì thèm tô phở của tiệm Phở Bằng, hay Phi Thuyền. Gặp một cô gái á đông xinh xinh thì không khỏi chạnh lòng nghĩ đến những đối tượng khi xưa. Nhớ đến mấy tên bạn học chung khi xưa, vui đùa hồn nhiên trong thời chiến tranh. Tết đến thì lại nhớ đến những cái Tết xưa, những đòn bánh tét, bánh chưng, chả thủ, củ kiệu dưa hành. Rồi lên năm 2,3,4,5,6 thì bận bịu với bài vở, đi làm thêm kiếm tiền gửi quà về cho mẹ nên nỗi nhớ cũng được thu ngắn lại.
Ra trường lang thang khắp nơi để kiếm cơm, lo học hỏi thêm tiếng nước sở tại, làm quen với phong tục mới, bạn bè mới rồi tình yêu đến rồi đi như những con đò cập bến rồi lại đi theo dòng đời trôi vào dĩ vãng đến khi lập gia đình thì bận rộn với cuộc sống thường nhật nên dần dà cái nỗi nhớ Đà Lạt trong mình cũng biến dần.
40 năm ở hải ngoại, hơn 2/3 cuộc đời của mình như tên NA, khắc khoải, khao khát tìm lại không gian hàng xóm đông đúc, mái nhà xưa, nếm lại những món ăn ngày xưa vì dù ở hải ngoại cũng có những món này nhưng không hiểu tại sao vấn không thoả mãn cái mùi vị khi còn ở Đà Lạt. Nhiều khi dạo đó nghèo, không tiền nên quý một miếng khi đói. 40 năm mình chỉ mong được nếm lại tô bún bò mụ Quyến, tô phở Bằng hay đĩa bánh xèo Nguyễn Biểu....
Rồi mình được đồng chí gái cho phép về Đà Lạt thăm gia đình thì mình như Từ Thức về quê, không còn nhận đâu ra đâu. Đà lạt đã thay đổi để bắt kịp định chế kinh tế thị trường, nhà cửa xây lổm chổm, căn thấp căn cao, màu mè tuỳ theo gu của chủ nhà làm đánh mất tỷ lệ xích nhân văn, thiên nhiên của vùng núi đồi thiên nhiên của một thời.
Gặp lại được hai người bạn học chung khi xưa, một người nay chạy xe thồ còn một người thì nhờ cha mẹ để đất đai, nhà cửa lại nên có xe buýt du lịch, chở du khách. Hắn cà cưa với mình là để hắn chở gia đình mình đi Nha Trang nhưng mình nói mấy đứa em lo và đã đặt cọc tiền cho công ty khác thì hắn không muốn mất công nói chuyện với mình, điện thoại cho ai để mình tự hiểu, xin kiếu ra về mà hắn cũng không buồn tiễn ra cửa.
Sau 2 tuần thăm viếng anh em họ hàng thì mình bỗng nhớ đến Cali, thèm cái không khí an bình, không nghe tiếng còi xe bóp vang vang, tiếng xe gắn máy hú như con thú lồng lộng trong chuồng muốn xổ lồng. Mình lại thèm cái không khí gia đình nhỏ bé, chiều đi làm về, vợ chồng nấu cơm rồi ăn chung với con, xem chúng làm bài tập, coi truyền hình qua loa hay đi bộ với nhau, thủ thỉ chia sẻ những rối răm của công việc rồi đi ngủ để sáng mai, khởi đầu lại một ngày mới. Mình thèm không khí yên tĩnh của mỗi sáng thức dậy, nghe chim hót trong ánh sáng ban mai ngoài vườn, không có tiếng động cơ của xe gắn máy, tiếng rao hàng in ỏi của hàng xóm hay công an khu vực, hàng xóm cứ tự nhiên gõ cửa, vô nhà không báo trước, bắt mình phải tiếp chuyện, tặng quà,...
Những món ăn mà mình thèm nhớ 40 năm qua thì bây giờ lại không dám ăn vì ruồi nhặng bay xung quanh, sợ bị tiêu chảy. Ngoài đường hàng quán đầy, người đâu mà đầy đặc, nghe nói phải nhậu mới ký hợp đồng. Vợ chồng mỗi tối thay mặt cơ quan, công ty đi giao-hợp (giao lưu và hợp tác), tăng 2 tăng 3 không như ở bên Mỹ, sau giờ làm việc là ai nấy hối hả về nhà cho sớm để gặp vợ con vài tiếng trước khi đi ngủ. Các hợp đồng thường đều được ký tại văn phòng, không phải say lên rồi mới ký.
Những cái tầm thường như đi đường, ngưng xe để người bộ hành băng qua đường, không xả rác bậy bạ, ít khói xăng, tiếng còi bấm lia lịa dù không có ai trước mặt, tự động xếp hàng đứng đợi đến phiên mình không chen lấn xô đẫy, không chửi thề văng tục,.., thì nay lại nhớ da diết. Những cái nhỏ bé, không quan trọng ở nước người thì lại một vấn đề to lớn ở quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Khi xưa mình cũng từng tự xem là khôn lanh, biết chen lấn, dành dựt, chửi bậy,..., ngày nay mình lại đâm khó chịu khi bị xô đẩy, bị lừa, bị chém không nương tay,...
Cái khó là nói chuyện thì lại nghe những từ hậu 75 nên càng ngơ ngác, không biết mình đang ở VN hay xứ nào. Anh em trong nhà, bố mẹ cứ xổ những từ khá phản động, khó hiểu vì chưa bao giờ nghe hay học trước 75. Ngôn ngữ là phương tiện giúp con người thông tin, gần gũi nhau nhưng từ người này dùng thì người kia không hiểu. Cứ một hai họ đệm vào hữu nghị nhé, hữu nghị nhé,... Ăn cũng hữu nghị, mua cũng giá hữu nghị, nhậu cũng hữu nghị, yêu cũng hữu nghị..., mình lại không thạo chữ hán, chỉ hiểu hữu là bạn còn nghị là gì, có thể là do chữ khế-nghị, tình nghĩa. Cho nên về VN, ăn nói cũng khá mệt như đi du lịch một xứ nào.
Hoá ra những cái mình ao ước tìm lại qua ký ức còn thật chất mình đã biến dạng, thành một người nước ngoài từ lâu như thầy An đã nhận xét khi nói chuyện với mình qua điện thoại. 40 năm cuộc đời ở hải ngoại đã thay đổi con người của mình từ hồi nào. Nơi nào là chốn quê nhà? Quê hương là chùm khế ngọt, nơi chôn nhau cắt rốn ai cũng có một, nhưng hạnh phúc là nơi nào mình tìm được sự bình yên trong tâm hồn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét