Về hưu hay về Nai

Nguyễn Hoàng Sơn

Hôm trước, N.A. gửi cho bài báo kể là Ecuador là nơi lý tưởng nhất để về hưu vì một năm tốn khoảng $11,000.00 cho hai vợ chồng thêm lão chim tinh gia của làng này tải mấy tấm hình những lô đất vợ chồng hắn đi xem ở Đà Lạt, vì quyết định về đó sinh sống trong những ngày hoàng hôn của đời mình. Cô Thắm về pueblo thì nhất định không thèm học tiếng xì pa nít, thề chết sống ở xứ cao bồi với George Bush. Ở trên vùng Ecuador thì khi đi cầu, dựt nước thì nước chảy xuống theo đường kim đồng hồ còn ở dưới miền nam của đường xích đạo thì chảy ngược lại. Có bác nào đã đi Ecuador, có biết chảy theo chiều nào thì cho em biết.

Mình theo dõi ông Harry Dent, Jr., từ 20 năm nay, đọc hết các sách của ông ta và mua tài liệu hàng tháng. Ông này là một trong những kinh tế gia dùng dân số để tiên đoán về kinh tế. Gần đây ông ta mới ra cuốn Demograhic Cliff, nói về cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ xảy ra trong khoảng từ đây cho đến năm 2020 và đưa vài ý kiến giúp đọc giả để tai qua nạn khỏi trong thời gian sắp đến.

Ông tiên đoán khá đúng, chỉ xê xích vài năm hay tháng, chỉ sai khi nói thị trường chứng khoán sẽ lên gấp 2 lần thay vì 4 lần như ông ta tiên đoán. Ông cũng không ngờ cuộc khủng hoảng 2008 đã được chính phủ in tiền để cứu các ngân hàng, giúp thị trường địa ốc ngóc đầu lên lại nhưng năm vừa rồi sau 6 năm bơm tiền vào, đã thấy dấu hiệu cái bong bóng sắp sửa bị vỡ mà lần này thì không biết ra sao. Năm ngoái thị trường địa ốc xuống 4% nên gần đây chính phủ hạ tiền lời để kích động thị trường. Tháng tới mình đi Las Vegas để học thêm về vấn đề này. Nhớ 2008, trước cuộc bầu cử tổng thống thì hệ thống ngân hàng sụp tiệm, có thể năm 2016 cũng sẽ xảy ra tương tự trước bầu cử. Mình nhớ năm 2009, mua mấy căn nhà có $50,000.00/ căn mà trước đó 2 năm chủ nhà mua với giá $350,000- $400,000.00, đang tính đợi cho nó xuống thêm rồi mua tiếp nhưng chính phủ Obama bơm tiền vào khiến thị trường nhà đất ngóc đầu lên lại nên mình chỉ ngồi tiếc thời nhà bán $50,000.00.

Đại loại kinh tế Hoa Kỳ sau thế chiến thứ 2 được giải thích một cách dễ hiểu như sau: khi các người lính trở về sau 4-5 năm tham chiến tại âu châu hay Thái Bình Dương thì người ta nhận thấy tỷ lệ sinh nở tăng vọt mà người Mỹ gọi thế hệ sinh từ năm 1946-1964 là thế hệ Babyboomers. Khi thế hệ này ra đời thì các công ty, kỹ nghệ về con nít như tả, đồ ăn cho con nít được phát triển rất nhanh chóng, phụ nữ đi làm nên họ quảng cáo sữa bột như Guigoz, SMA,...tốt hơn sữa mẹ rồi họ bán nhà mới thêm các máy giặt, máy sấy và các tiện nghi khác. Khi thế hệ này đến tuổi trưởng thành, đi làm mua xe cộ nên ngành kỹ nghệ xe hơi của Hoa Kỳ tiến rất nhanh, sản xuất xe rẻ. Khi thế hệ này đến tuổi lập gia đình thì ngành địa ốc phát lên, dân chúng mua nhà, các khẩu hiệu sống với giấc mộng Mỹ được thúc đẩy rồi khi họ có con thì giáo dục, đại học mọc đầy, mua nhà to hơn vì con cái lớn đến ngày nay thế hệ này bắt đầu về hưu nên chi tiêu của họ cũng giảm nên kinh tế cũng giảm theo. Con cái lớn ra riêng, lập gia đình nên họ cũng muốn giản tiện hoá cuộc đời, mua nhà nhỏ hơn hay ở chung cư,...

Sau 75, Việt Nam cũng lâm vào trường hợp này, dân số gia tăng kinh khủng dẫn đến ngày nay có trên 90 triệu người dù trước 75 chỉ có đâu 30 triệu cả hai miền. Nhật Bản thì khuyến khích phụ nữ phá thai để tăng gia sản xuất, đã biến xứ này trở thành một cường quốc kinh tế, khiến các nước láng giềng như Nam Hàn, Trung Quốc bắt chước thêm ra các luật như chế độ một con. Việt Nam thì khác một tí, theo chế độ trai hay gái chỉ hai con mà thôi. Theo dân số học thì mỗi cặp vợ chồng cần phải sinh 2.14 con để thay thế một cặp vợ chồng trong tương lai vì trừ hao chết sớm hay không lập gia đình.

70 năm sau thế chiến thứ hai, dân chúng của các quốc gia Tây âu, Nhật đã già nua, lứa tuổi hưu trí xấp xỉ lứa tuổi đi làm. Con người sống lâu hơn xưa, người Nhật bản có nơi sống trên 100 tuổi khá đông.

Gần đây báo Time có nói đến tỷ lệ người cao niên của Nam Hàn tự tử khá nhiều, có người chết đến 4-5 ngày mới được khám phá. Trung Quốc, vì theo chế độ 1 con nên người ta tính trong tương lai một cặp vợ chồng sẽ phải nuôi 4-8 người già như cha mẹ và ông bà của hai bên thêm con của mình. Người ta dự đoán đến năm 2035 thì dân số của TQ mất đi 1/3 nghĩa là 450 triệu người.

Hai thập niên trước, ai nấy cũng thán phục Nhật bản, sẽ vượt qua nước Mỹ tương tự ngày nay TQ sẽ qua mặt Hoa Kỳ nhưng họ quên đi yếu tố dân số, đơn vị sản xuất và tiêu thụ của một nền kinh tế quốc gia. Từ 2 thập niên qua, kinh tế của Nhật Bản dật dờ vì giới tiêu thụ và sản xuất suy giảm nhất là dân chúng tiết kiệm rất nhiều. Các chính phủ liên tiếp hạ tiền lời như Hoa Kỳ đang làm từ 2008, để kích hoạch kinh tế nhưng vẫn không ngóc đầu lên được. Trung Quốc trong thập niên qua đã cho xây cất thượng tầng, hạ tầng cơ sở, chung cư,...mà ngày nay có trên 24% bỏ trống, các siêu thị, trung tâm thương mại, không một bóng người. Họ đã cho xây theo các chính ngũ niên với tinh thần bao cấp nên đã không chỉnh đổi.

Trong 3 thập niên qua, dân số thị thành gia tăng gấp 3, các nông dân bỏ quê lên tỉnh sống chui sống nhủi trong các thành phố vì chế độ hộ khẩu, thất học,...nhưng lương vẫn cao hơn làm nông dân. Kinh tế TQ đang trên đường suy thoái, người ta không biết sẽ tan theo mây khói lúc nào. Có người nói cuộc khủng hoảng này sẽ lớn nhất lịch sử của loài người cho nên các triệu phú Tầu đã từ từ chuyể tài sản ra ngoại quốc. Năm 2010 có trên 875 triệu phú gốc Trung Quốc, đã di dân sang Gia Nã Đại hay Hoa Kỳ. Báo New York Times có đăng tin, kể gia tài kết xù của cựu chủ tịch nhà nước Trung Quốc lên đến mấy tỷ mỹ kim ở hải ngoại.

Tuần này, ông Obama đi viếng Ấn Độ, một quốc gia có dân số cao thứ nhì thế giới và trong tương lai sẽ qua mặt Trung Quốc. Trong cuốn sách mới của ông Henry Kisinger có nói đến vai trò của Ấn Độ, đối tác kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ trong tương lai. Nhận định của ông khác hẳn với cuốn sách ra đây cách đây 10 năm, nói Ấn độ không đáng kể. Có lẽ ông ta không nghiên cứu về dân số, hay đọc sách của ông Harry Dent, Jr.

Mình nhớ dạo ở Pháp, chính phủ Chirac khuyến khích dân Tây sinh đẻ thêm, cho tiền trợ cấp,...nhưng tây trắng không đẻ mà tây đen và tây rệp đẻ mệt nghỉ. Ngày nay nghe nói dân đạo hồi, gốc Á Rập có đến 8% dân số, không biết dân đen bao nhiêu, chắc cũng tương tự vì vậy tinh thần bài Rệp, Đen do đảng cực hữu Front National đưa ra, đang được ưa chuộng. Một nước cấp tiến như Hoà Lan mà ngày nay đang được nhóm cực hữu cầm quyền,... Nước Đức rồi cũng chung số phận vì không chịu đẻ dù kinh tế xuất cảng khá mạnh vì dân số càng ngày càng già. Từ ngày cộng đồng âu châu được nới rộng, dân Lỗ Ma Ni, Ba lan,... di dân sang các nước như Pháp, Bỉ, Đức,..ăn bám hệ thống an sinh xã hội nên chỉ có chết hay bị thương. Hôm trước, đọc tờ Le Monde nói về các nhà thờ của Công Giáo bị bỏ hoang vì tín đồ ít đi lễ, con nít dùng để chơi skateboard,... Theo Công Giáo thì không được ngừa thai, phá thai, ly dị,..nhưng ngày nay dân chúng bớt đi nhà thờ, ly dị mệt nghỉ. Úc châu thì vẫn nhận di dân cho nên không lo về vấn đề này tuy trong tương lai sẽ bớt sản xuất các tài nguyên.

Hoa Kỳ may là vẫn tiếp tục nhận di dân tuy có hạn chế mấy năm gần đây nhưng với nghị quyết của ông Obama mới ban hành cho phép những người di dân bất hợp pháp trên 5 năm, có quyền lấy bằng lái xe coi như mở đường để hợp thức hoá cho họ ở lại Hoa Kỳ, đóng thuế nuôi Mỹ già. Thật ra hai đảng đều hiểu vấn đề này nhưng họ chỉ sợ là đảng đối phương sẽ hưởng lợi về cử tri nếu ân xá những người di dân bất hợppháp. Ông Obama tuyên bố là sẽ không cần phải tranh cử nữa cho nên ông ta phải làm những gì nước Mỹ cần phải làm vì lưỡng đảng không thống nhất.

Ông Steve Jobs nói với ông Obama là Hoa Kỳ cần đào tạo thêm 30,000 kỹ sư, coi như 50% là cho kỹ sư, khoa học gia ngoại quốc sang học rồi ở lại, chỉ cần 50% kỹ sư sinh tại Mỹ được đào tạo. Ngày nay, các công ty Hoa Kỳ, bắt đầu đem các công xưởng sản xuất về Mỹ vì sản xuất ở Mỹ không đắt như xưa, không cần phải tồn kho, linh hoạt theo nhu cầu cung ứng thêm chương trình Made in USA, khuyến khích các đại công ty Hoa Kỳ tăng trưởng tại Hoa Kỳ, được giảm thuế thêm không sợ bị Trung Quốc ăn cắp kỹ thuật công nghệ. Các công ty Hoa Kỳ bắt đầu đổ vào các quốc gia có dân số trẻ như Việt Nam, Nam Dương, một thị trường tiêu thụ cho tương lai trong khi Trung Quốc chỉ có chết vì dân số không tăng trưởng lại bị mất đi 1/3 trong một tương lai gần.

Sau great depression thì dân chúng Hoa Kỳ rất lo sợ cho tương lai nên họ tiết kiệm, để dành tiền để trang trải cho những bất trắc nhưng kinh tế sau 1945, khuyến khích người Mỹ tiêu thụ, biến xã hội thành một trung tâm tiêu thụ hàng đầu thế giới nên người mỹ mượn tiền ngân hàng để mua các sản phẩm tiêu thụ, quảng cáo trên các đài truyền hình,.. Ngày nay, khi gần về hưu thì đa số người mỹ không có trương mục tiết kiệm, quỹ hưu trí,...ngoài tiền an sinh xã hội bị bắt buộc phải đóng.

Quỹ an sinh xã hội được thành lập sau Great depression, khi ấy dân chúng Hoa Kỳ trung bình chết vào tuổi 63 nghĩa là chết 2 năm trước khi nhận lãnh tiền của an sinh xã hội. Dạo ấy trung bình 25 người đi làm để nuôi một người về hưu, ngày nay thì 5 người đi làm, nuôi một người hưu trí. Ngày nay, với ngành y tế hiện đại, dân Mỹ trung bình chết vào tuổi 75 còn phụ nữ thì 82 tuổi, nghĩa là lãnh tiền an sinh xã hội đến 10-17 năm nên chính phủ đã gia hạn thêm về hưu vào tuổi 67 nhưng trong tương lai có thể lên đến 75 tuổi. Trên thực tế, các người về hưu, đa số phải đi làm thêm bán thời gian. Vào wal mart, Home Depot,...số nhân viên trên 65 tuổi rất nhiều và làm ca đêm. Một cô bạn, y tá đến nhà chăm sóc các người già kể, thấy đồ ăn cho chó mèo trong tủ lạnh dù chủ nhà không nuôi súc vật.

Mình có quen một ông Mỹ, bán cho mình nhà, nay đã qua đời. Khi mới về hưu, ông ta qua Mễ, mua căn nhà ở thoải mái nhưng vài năm sau, bán tháo, bán lỗ, ôm đầu máu chạy về Mỹ. Một cặp vợ chồng Mỹ về hưu ở Mễ, kêu mình bán cái nhà của họ để họ trở về mỹ sau 10 năm sinh sống ở đó vì sợ bị cướp nhất là dân bán thuốc phiện cạnh tranh, bắn nhau loạn cào cào. Ở một xứ khác, người Mỹ được xem là cái máy ATM của dân địa phương nên cái gì cũng bị chém nặng.

Chính phủ in tiền vì trên nguyên tắc sẽ làm cho lạm phát gia tăng để xoá nợ. Trung bình thì lạm phát ở Hoa Kỳ là 3.5%/ năm tới năm 2000 nên trung bình mỗi năm nhân viên được tăng lương 2-3.5% để theo kịp sinh hoạt kinh tế chớ chẳng phải vì mình tài giỏi, mức đo gì cả. Chủ rất là mất dạy, cuối năm thì kêu vào văn phòng hỏi mình này nọ, khuyên nhủ nên cố gắng làm nhiều giờ không trả tiền cho hảng rồi, chép miệng kêu thấy mình năng nổ, làm việc hăng say năm vừa qua nên tăng 3% lương khiến mình đội ơn, thề sống chết để làm giàu cho chủ.

Nhớ dạo mới sang Cali, đi làm lương đâu $40,000.00/ năm, nếu tính 3.5% lạm phát thì ngày nay lương mình được khoảng $92,541.47. Dạo đó mua nhà trước khi lấy vợ giá $180,000.00, đóng tiền nợ ngân hàng hàng tháng là $863.35. Ngày nay nếu tính lạm phát 3.5% thì căn nhà đầu tiên mua, trị giá hôm nay $416,436.60. Ngày nay giá thị trường đâu khoảng $450,000.00 hay $500,000.00, cho nên nếu bán thì chính phủ đóng thuế số tiền lời là $236,436.60 (28% liên bang + 10.3% tiểu bang = $90,555.22). “ Con ơi nhớ lấy câu này, cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Chính phủ ăn cướp một cách công khai, in tiền xoá nợ. Hôm trước, đọc báo ở Việt Nam, có bà nào mua công khố phiếu 30 năm, trị giá 500.00 đồng thời bao cấp. Thời đó, sau 2 vụ đổi tiền thì 500 đồng rất to, nay đem công khố phiếu ra đổi thì ngân hàng không có giấy 500 đồng để trả cho bà ta. Mình nhớ ông Gignac, hội viên OAS, ám sát hụt tổng thống DeGaulle kể là trước khi đi tù ông ta bỏ mấy trăm quan pháp vào quỹ tiết kiệm. 8 năm sau, ở tù ra, chỉ đủ ăn được một bửa cơm mãn tù và ở khách sạn được vài đêm. Ông dặn mình là đừng bao giờ bỏ tiền vào quỹ tiết kiệm.

Từ một thập niên trở lại thì theo các kinh tế gia, lương bổng không gia tăng nhiều khi còn hạ vì sự giảm phát (deflation)... Vợ mình ra trường 25 năm về trước, lương đâu tiên là $28,000.00, ngày nay thằng cháu, học Berkeley ra trường, kiếm việc không ra, đi làm lương $10.00/ giờ hay $19,200.00/ năm. Vợ mình ra trường mua nhà với giá $180,000.00 còn thằng cháu ra trường, lương ít hơn 1/3 mà nhà giá cao hơn 250%. Nó rên với bố nó là không biết bao giờ mua được nhà, cưới vợ vì phải sống với bố mẹ vì tiền thuê nhà bằng tiền lương của nó. Nhớ dạo ở New York, mua cái máy điện toán đầu tiên tốn đâu $3,000.00, ngày nay cái máy mạnh gấp 100 lần giá có $600.00. Hồi mới lấy vợ, mua hai cái máy giặt, máy sấy đâu gần $3,000.00, ngày nay rẻ hơn, máy truyền hình hiện đại rẻ hơn xưa rất nhiều chỉ có vật giá rau cải thì lên nhưng không nhiều lắm vì chính phủ trợ cấp ngành nông nghiệp.

Trước năm 1945, 48% dân số Hoa Kỳ là nông dân nhưng ngày nay chỉ còn 2% mà nuôi cả nước Mỹ và xuất cảng sang các nước khác trên thế giới. Có dịp mình sẽ kể về nông nghiệp Hoa Kỳ. Vấn nạn của sự giảm phát là ngày nay chính phủ Mỹ nợ Trung Quốc 4,000 triệu mỹ kim, nợ Nhật Bản 2,000 triệu mỹ kim. Nếu có lạm phát 3.5%, thí dụ nếu chính phủ mỹ mượn $1,000,000.00 bằng cách bán công phiếu trả trong 10 năm. Số tiền $1,000,000.00 trong 10 năm tới chỉ tương đương ngày nay $705,047.17 nhưng nếu không có lạm phát mà lại bị sự giảm phát thì khó đo lường được cái nợ vì chưa biết tỉ lệ giảm phát bao nhiêu. có thể sẽ có chiến tranh với Trung Quốc để xoá nợ.

Hàng năm mình nhận thư của quỹ an sinh xã hội, bảo là khi mình về hưu sẽ nhận đâu $500-$600/ tháng vì mình chỉ đóng khi còn đi làm cho công ty, sau này làm ăn riêng thì mình ăn theo vợ, còn vợ thì nhận đâu gần $2,000.00/ tháng, coi như hai vợ chồng lãnh được gần $2,500.00 / tháng, chưa đủ tiền trả tiền nhà cho ngân hàng. Cứ tính là mình đã trả hết nợ ngân hàng đi thì vẫn phải trả tiền thuế nhà cửa và tiền HOA cũng bay mất $1,150.00/ tháng, cộng tiền bảo hiểm, điện nước là mất $1,500.00. đồng chí gái vô vàn kính yêu muốn giữ cái nhà này vì con cháu ở xa về chơi có chỗ ngủ. Tiền bảo hiểm 1 xe là $150.00/ tháng vì già. Đại khái hai vợ chồng chỉ sống $500.00/ tháng cho tiêu xài mà mình lại có mộng đi du lịch khắp thế giới với đồng chí gái. Chán mớ đời! Ông Obama tuyên bố chương trình học đại học cộng đồng miễn phí cho hai năm đầu nhưng lại đánh thuế tiền mà phụ huynh để dành cho giáo dục như các quỹ 523 hay Coverdell. Lúc trước họ cho đóng góp hàng năm $2,000.00 cho quỹ Coverdell sau này không cho nữa chỉ còn 523 cho phép $500.00/ năm. Mình bỏ tiền cho Coverdell vào mutual funds theo các funds của ông HD nói thì được đâu 49% nhưng sau này thằng con xin financial aids nên chuyển hết qua cho cô em nay mình bắt đầu rút ra trả tiền đi bơi, học luyện thi SAT,..cho hết trước khi cô con gái nạp đơn xin vào đại học.

Mấy năm trước chính phủ cho chương trình Roth IRA, quỹ về hưu để khi rút ra khỏi đóng thuế mà bây giờ thì thấy viễn ảnh của quỹ 523 thì chắc chắn trong tương lai, chính phủ sẽ đóng thuế quỹ này và sẽ tìm thêm nhiều cách để đóng thuế dân đi làm, thế hệ con cháu mình để trả tiền, trả nợ mượn của Trung Quốc và Nhật Bản. Hy sinh đời con, cũng cố đời cha! Dân Mỹ sống lâu lại bệnh béo phì nên tiền cho y tế lên cao nên mình tính nếu bán được mảnh vườn thì sẽ mua một trung tâm dưỡng lão cao cấp để sau này nếu mấy đứa con thất vọng về công ăn việc làm, không thực hiện được những ước mơ của chúng thì để chúng cai quản. Lý do là thế hệ babyboomers về hưu, sống lâu sẽ vào các trung tâm dưỡng lão, chính phủ trả một phần, một phần là tiền hưu trí. Nếu gian ác hơn thì mua đất làm nghĩa trang, tổ chức đám ma vì babyboomers chết nhiều, cần chỗ để chôn. He he he! Tính tới tính lui không bằng trời tính, nơi đâu có đồng chí gái vô vàn kính yêu thì mình cứ theo đó mà quang vinh chuyến tàu 100-5 vì một lần và mãi mãi, anh muốn nói với em rằng “ Anh yêu em như kem mút dở, như lọ tương ngâm cà pháo. Mắt em làm cả miền Đông Bắc chìm trong băng giá, khi em cất tiếng cười cả miền nam Cali ngủ quên còn khi những giọt lệ em rơi làm miền Louisiana chìm trong lũ lụt Katrina. Em ghé thăm anh trong mùa đông băng giá, em sưởi con tim anh như lò vi sóng nướng con mực khô. Mỗi khi anh khát, em là vại bia hơi làm diệu đi cái nóng khủng khiếp của mùa hè Nam Cali”. Thôi đi nấu cơm cho đồng chí gái về ăn. Chán mớ đời!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét