Đường Cầu Quẹo 1/15/14

Đường Phan Đình Phùng thường được dân Đà Lạt xưa gọi là đường Cầu Quẹo nhưng không hiểu nguồn gốc. Có người nói vì con đường này quẹo qua cầu La Sơn Phu Tử gần Mả Thánh, có người giải thích cho mình là vì đi xuống dốc đường Duy Tân thì quẹo gần cái cầu Hải Thượng về lò gạch trong Hoàng Diệu. Ai biết xin cho biết. Con đường này bắt đầu từ ngã ba Duy Tân và Phan Đình Phùng đến Mả Thánh, có lẻ là con đường dài thứ nhì trong thị xã Đà Lạt ngày xưa. Suốt con đường này có những hẻm nhỏ nối liền với đường Hai Bà Trưng, Minh Mạng, Hàm Nghi và ấp Mỹ Lộc.
Đi từ ngã ba Duy Tân và Phan Đình Phùng ngay góc kiosque Anh Việt, bán và dạy đánh máy chữ, phía bên phải đa số là nhà ở vì đâu lưng vào trườn dốc của đường Duy Tân và Minh Mạng nên nhiều nhà phải đi lên thang cấp nên ít có cửa hàng ngược lại bên trái, hướng đông thì phẳng bằng, có các tiệm buôn bán lầu một, còn lầu 2 thì ở. Có chỗ thấp hơn mặt đường nên phải đi xuống vài thang cấp. Có lần trời mưa, chở Hùng Con Cua đi đâu đến khúc đường này bổng có hai tên lái Honda vượt qua mặt làm bắn nước vào hai thằng nên mình rú ga chạy theo chửi thề, nói ngưng xe lại tao đánh cho vỡ đầu. Tên lái xe xin lỗi còn Hùng con cua thì cười nói; mẹ nó ngưng xe lại thì tụi mình chạy không kịp thở.

Mỗi lần trời mưa bảo, phía sau đường Phan Đình Phùng có con suối chảy về Cam Ly hay bị ngập lụt vì dân sống gần con suối, lười đem rác ra ngoài đường để xe hốt rác mang đi, đem đổ xuống dưới suối nên nghẹt vào mùa nắng nên khi mùa mưa đến là ngập ống cống, mương rãnh. Nước cống và rác rưởi chảy về thác Cam Ly nên khu vực xung quanh thác này rất thối.
Nếu mình không lầm thì dạo đó ngay ngã ba này có một vạt đất trống bên trái. Căn nhà đầu tiên là phòng mạch của bác sĩ Lương, hình như là số 1 hay 3, ở trên lầu còn dưới thì có nhà bảo sanh của cô Mụ Trương thị Mỹ Lộc mà có lần bà cụ mình sinh một cô em tại đây. Phía sau hẻm có nhà của ông giáo Kim, dạy tư học trò tiểu học ở đường Phan Đình Phùng, góc khách sạn Mimosa.
Gần văn phòng bác sĩ Lương có tiệm đồ gỗ của ông bà Nguyễn Đình Thừa, số 29, bố mẹ của Nguyễn Minh Dũng tuyển thủ bóng bàn của Lasan với Lê Xuân Thảo, nay định cư ở Quận Cam. Hai ông bà này có rễ là ca sĩ Anh Dũng, có lần học hè với mình ở trường Việt Anh, năm mình chuẩn bị sang chương trình Việt. Ngày cuối liên hoan thì anh chàng hát bản Mal bằng tiếng Việt còn có cô nào học Couvent des oiseaux hát tiếng Tây, sau này thấy anh ta hát ở đám cưới ông anh vợ mới nhớ lại. Bên cạnh là số 23, nhà của ông bà Lê Xuân Đằng, trưởng hướng đạo Lâm Viên, người Huế, cùng làng Dưỡng Mong với ông ngoại mình, nghe nói có bà con chi đó nhưng không nhớ ra răng, hay chạy chiếc xe Lambretta. Đi lại một tí thì có tiệm bán than mà họ hay giao cho nhà mình, sau này dân chúng dùng lò dầu hôi thì không biết họ còn buôn bán than hay không. Kế đến có tiệm thuốc bắc của Ông Huỳnh Ôn, số 43, rồi đến trường Tân Sanh dạy chương trình chữ Hán cho người gốc Hoa.
Khúc đường này có nhiều hẻm của người gốc Triều Châu ở như Chú Lình bán hủ tiếu, bà Cẩu bán tương ớt ở chợ dưới cạnh hàng của bà cụ mình. Mình nghe kể thời đệ nhất cộng hoà, các người gốc Hoa đều bị buộc vào quốc tịch VN, thậm chí có người phải đổi họ Việt. Các chương trình giáo dục bằng tiếng Quan Thoại bị cấm đến sau khi ông Diệm bị lật đổ (1/11/63) thì được mở cửa lại. Các tiệm bị cấm đề tiếng Hoa tương tự thời chính phủ Nguyễn Cao Kỳ cấm tiếng Tây, nhảy đầm nên mấy ca sĩ như Elvis Phương phải bỏ tên Elvis đến khi ra hải ngoại thì lấy tên cũ lại.
Chính phủ ra lệnh đóng cửa trường Tây, vì tổng thống De Gaulle muốn Đông Dương trung lập, không cho sinh viên du học ở Pháp nên đa số xin đi Ý, Đức, Bỉ rồi chuồn qua Pháp. Dạo ông Diệm về nước làm thủ tướng trong khi công dân Vĩnh Thụy còn ngao du bên Hongkong, Macau thì 7 Viễn, 3 Cụt và các trùm thương gia ở Chợ Lớn nộp tiền cho cụ Hoàng ăn chơi để được hưởng các quyền lợi thương mại sau này. Trong chương trình củng cố quyền bính ở miền Nam, chính phủ của ông Diệm thương lượng với Pháp cho 7 Viễn sang Pháp sinh sống và dàn cảnh cho lính miền Nam do ông Dương Văn Minh dẫn đầu đánh vào mật khu của tướng 7 Viễn để gây thanh thế cho quân đội miền Nam mới thành lập, không ngờ sau này người hùng Rừng Sát lại lật đổ và giết chết hai anh em ông Diệm.
Để kiểm soát các thương gia và các nhà đại địa chủ miền Nam nên mua đất rẻ để bán lại cho nông dân để lấy lòng dân thay vì để họ theo VC. Dạo đó có chương trình Ấp Chiến Lược được áp dụng khá thành công ở Mã Lai nên được thiết lập ở miền Nam nhưng khi quân đội Mỹ sang thì bị bải bỏ để thay thế chương trình phá hủy và đưa nông dân vào tỉnh, khiến nông dân thấy nhà cửa của ông cha để lại bị thiêu huỷ nên theo VC. Mình có đọc hồi kí của ông Trần Văn Đôn, gia đình giàu có và mang quốc tịch Pháp, kể ruộng vườn của gia đình bị thu mua. Có lẻ vậy mà trong thời chiến tranh, các địa chủ giúp VC rất nhiều.
Cạnh trường Tân Sanh có một vạt đất trống hình như chứa gổ thì phải rồi đến khách sạn Cẩm Đô ngay góc Phan Đình Phùng và con đường nhỏ băng qua cầu Cửu Huần tới đường Hai Bà Trưng, có thang cấp đi lên bệnh viện Đà Lạt. Nghe nói ngày xưa gia đình ông bà Cửu Huần ở chổ này, có thể họ có làm cái cầu nhỏ nên gọi là cầu Cửu Huần. Đà Lạt có nhiều cầu mang tên người xây cất như cầu Bá Hộ Chúc vì ông này bỏ tiền xây cái cầu đường Bà Triệu, góc Phạm Ngũ Lão hay cầu Ông Đạo, có nhà ngay trên đồi đường Trần Quốc Toản, đối diện Ấp Ánh Sáng.
Khúc chỗ này có nhà hàng và khách sạn Cẩm Đô và dãy hàng bán đồ ăn bên hông gần cầu mà nổi tiếng nhất là xe mì Cẩm Đô. Mỗi lần đau, mình hay chạy xuống mua hai vắt mì Cẩm Đô ăn vào là khỏi ngay. Buổi sáng có cái chợ nhỏ ở hai bên đường. Đối diện khách sạn Cẩm Đô là dốc Nhà Làng đi xéo xéo lên Nguyễn Biểu. Chẳng hiểu lí do gì người ta gọi Nhà Làng, ai biết xin chỉ cho. Dốc này làm bằng đá ong, có cái mương chảy xuống đường Phan Đình Phùng đen ngòm và hôi rình rồi trôi xuống con suối chảy dưới cầu Cửu Huần ra Cam Ly. Nhà thủ môn Lực của đội banh Đà Lạt và chú thím Lình ở khúc này. Có bãi đất trống ngay đường Phan Đình Phùng sau này ông Đoàn, vua đốn cây rừng Đà Lạt với tiệm chụp hình Mỹ Dung, mua và xây mấy căn nhà ở đây.
Ngay dốc Nhà Làng này bên cạnh phòng mạch của bác sĩ Đào Huy Hách có mấy thang cấp đi lên đường Minh Mạng ngay ngã ba Tăng Bạt Hổ, chè Vọng Nguyệt Lầu . Đối diện phòng mạch là một dãy nhà gổ 4 căn, lợp tôn, hai tầng buôn bán lặt vặt mà căn cuối là nhà của Đinh Anh Quốc, Bắc kỳ, học Yersin với mình rồi sang Văn Học cùng thời. Hình như nhà hắn là tiệm cắt tóc thì phải vì hắn thường đánh cờ tướng ở tiệm này.
Chỗ nhà tên này đi về phía rạp Ngọc Hiệp thì có tiệm giày Hồ Út, tiệm của ông thầy mằng, có người con trai chết đuối năm 73 trong thung lũng tình yêu. Hôm đó trời mưa, Dương Quang Trí quên đem cái phao cấp cứu của phi công. Mình đi tập bơi với Phạm Thành Nguyên, Trần Thiện Tân và Dương Quang Trí thì thấy ba tên Tàu nhảy xuống bơi ra giữa Hồ rồi hai tên bơi vô còn một tên thì cứ bơi vòng vòng. Mình nói Nguyên bơi ra xem thử vì hắn bơi khá nhất trong đám. 10 phút sau, ông thần bơi vô bảo tên đó bị uống nước, thở ột ột, mệt nên bơi ngửa vòng vòng, rồi cả đám đứng nhìn tên này từ từ chìm, ba ngày sau mới nổi lên.
Từ khúc tiệm ông thầy mằng đến rạp Ngọc Hiệp thì đa số là các tiệm tạp hoá của người tàu. Cạnh rạp Ngọc Hiệp có một tiệm sinh tố của bà Tàu mà mình hay ghé lại uống sinh tố pha với sửa tươi Hoà Lan, thêm cái bánh chou kem là thấy đời hạnh phúc. Ngay bên cạnh có một cái hẻm vô sâu phía sau rạp Ngọc Hiệp nhưng mình không bao giờ có cơ hội vào. Ngay chỗ này có cái quán mà mình tốn khá nhiều tiền hồi nhỏ. Mình hay mua mấy cuốn sổ nhỏ dày in đầy hình khác nhau rồi để mấy trang lật nhanh như cuốn phim, mua cái hộp có cái gương nhìn qua ánh sáng thì thấy nhìn 7 màu đến lớp 11B học Quang Học với thầy Lê Mạnh Hùng mới hiểu lí do có 7 mầu. Mình đốt bao nhiêu tiền lì xì để mua pháo và mấy bộ hình rồi cắt từng tấm để chơi dích hình với tụi bạn trong xóm hay ở trường trong giờ ra chơi.
Rạp Ngọc Hiệp chuyên chiếu phim ấn độ, sau này thì toàn phim chưởng và lâu lâu có gánh cải lương lên Đà Lạt, đóng đô ở đây một tuần rồi chạy. Mình nhớ hồi nhỏ đi xem đại nhạc hội ở đây, có màn vũ nữ Thu Thuỷ múa sexy. Khi trống nhạc trỗi lên thì cô này uốn éo run run bộ ngực ra sân khấu thì mấy ông đứng dậy hết như đứng chào cờ Ngô Tổng Thống trước đó khi mới khai mạc chương trình làm mình chả thấy gì nữa vì còn bé. Dạo đó đi coi xi nê, phần mở đầu là chào cờ, thấy hình Ngô tổng thống, có nhạc toàn dân VN nhớ ơn Ngô tổng thống muôn năm,.. phía sau là lá cờ ba sọc đỏ, phim trắng đen rồi đến hình ảnh đi kinh lý,... Mình có coi tuồng Song Long Thần Chưởng ở đây có Út Bạch Lan đóng với Thanh Sang thì phải.
Trong rạp, khi đi vô cửa thì hai bên có mấy dãy ghế cá kèo, đóng kiểu cầu thang bằng gổ, thường là con nít mua vé trẻ em nên ngồi như mắm cá cơm ở đây. Ngồi coi nhưng hai tay cầm đôi dép vì lở rớt xuống thì coi như mất vì khó bò vào mấy cái khe dưới dàn ghế. Mình nhớ coi Độc Thủ Đại Hiệp với Trần Trọng Ân ở rạp này có Vương Vũ đóng chung với Phan Nghinh Tử và Tiêu Giao. Mình nhớ Phan Nghinh Tử chém Vương Vũ đứt tay khiến mình sợ đàn bà con gái từ dạo ấy. Mình thích nhất là phim Bambi coi ở đây, sau này có con, mướn về coi lại vẫn thấy hay, vẫn khóc như dạo nào. Rạp có lầu hai, cầu thang lên lầu nằm hai bên. Vé trên lầu đắt hơn nên các cặp hay lên trên đó để tránh người quen gặp mặt. Sau này lớn lên mình không coi ở rạp này nữa, không hiểu vì sao, có lẻ phim dỡ hay vì nhà vệ sinh rất khai đến ngoài rạp còn ngửi được. Rạp Hoà Bình thì sau Mậu Thân, có lẻ chủ là gốc Tàu nên chiếu toàn phim chưởng như Tân Độc Thủ Đại Hiệp có Khương Đại Vệ, Địch Long đóng, chỉ có rạp Ngọc Lan còn chiếu phim Tây.
Bên hông của rạp Ngọc Hiệp, có dãy hàng ăn uống, sinh tố, hai ông Tàu bán xắp xắp và thịt bò viên. Có bãi đậu xe hàng vận tải và chỗ vá bánh xe. Có hai tiệm ăn Tàu mà mình có lần được ăn tả pí lù ở tiệm Như Ý còn tiệm kia tên Kim Linh. Cạnh bên là cây xăng Ngọc Hiệp hình như của hảng Esso, có cái hẻm băng qua đường Hai Bà Trưng có tiệm bán mì Quảng trứ danh. Trong hẻm này có nhà Nguyễn Đình Tài, Nguyễn Hùng, Lê Hùng Sơn, Nguyễn Nam Sơn. Đối diện hai tiệm ăn này mình nhớ có tiệm hàn, chuyên làm cổng sắt,... Hồi nhỏ hay đứng xem ông thợ hàn, đeo cái mặt nạ có kiếng che mặt để hàn khiến lửa bay tung toé.
Ngay góc Minh Mạng đổ xuống có phòng mạch của Bác sĩ Soyer, cạnh bên có nhà thuốc tây Việt Quang thì phải, tiệm uốn tóc Ba Lê đến văn phòng bảo hiểm rồng vàng của ông Võ đình Hoè, người Huế, cựu vô địch bóng bàn Đà Lạt. Bác Hoè này ngày xưa chơi mandolin cho ban nhạc đài phát thanh Huế. Tại đây có con hẻm nhỏ đi lên đường Hàm Nghi góc Phở Tùng. Cạnh đó có tiệm bán nước đá, tiệm độc nhất bán kem eskimo vì tiệm Việt Hưng chỗ Thành Thái, rồi đến tiệm chụp hình Anh Việt. Đối diện rạp Ngọc Hiệp là dãy tiệm hớt tóc, tắm nước nóng Minh Tâm, cạnh đó có tiệm bi da mà người lớn hay tụ lại cá độ có tên Trung Ba Tai đánh ngầu nhất. Tên này có miếng thịt dư bên cạnh tai trái nên được dân chơi bi da gọi Trung 3 tai. Mình hay ra đây ngồi xem hắn đánh để học nghề. Không biết mấy người này dạo đó làm nghề gì mà tối ngày thấy họ đóng đô ở tiệm bi da.
Bố TTA bị bắn chết trước tiệm này. Nghe kể hôm đó ông ta xỉn, ghé lại xem thiên hạ cá độ bi da. Có tên sắp sửa đánh cái giò gà thì ông bố đi vào, đụng cây cơ khiến tên kia đánh hụt và thua độ. Tức giận, tên này rút súng bắn ông bố của TTA chết tại chỗ. Sau này mình hay thấy Võ Lộc Sơn, tên dạy mình đánh bi da, hay đánh cá độ ở đây, nghe nói hắn cũng qua đời sau 75. Cạnh tiệm tắm nước nóng Minh Tâm là tiệm hớt tóc Đồng Tiến hay Đồng Tâm của ông Nghĩa và bà vợ tên Mùi. Có dạo tiệm này sang ban nhạc lậu của Phạm Mạnh Cương, Phượng Hoàng,..có cô con gái đồng lứa với mình, không xinh nhưng hay bận đồ bộ bó người cho thấy đồ phụ tùng đầy đủ khiến nhiều tên tốn tiền cắt tóc tại đây. Sau 75 thì Đà Lạt khám phá ông Nghĩa nằm vùng, có lần được cử làm tỉnh uỷ hay gì đó rồi cũng bị thay thế.
Chổ tiệm Minh Tâm đi lại thì có khách sạn Cao Nguyên của ông Lộc, làm ty Thuế Vụ hay ở toà Thị Chính, đến bà Ký bán bánh xèo rồi có cái hẻm đi vào nhà của Sĩ nhảy dù, có thời học Trần Hưng Đạo, có học luyện thi ở Văn Học, tập Võ với mình ở hẻm ông Xu Huệ. Khúc này nếu mình không lầm thì cao hơn mặt đường nên có mấy thang cấp đi xuống đường. Mai Thế Lương kể khi đưa đám ma của Sĩ thì hắn được lãnh trách nhiệm, khiên hòm. Hắn bảo tên này sao to con, nặng thế. Mai thế Lương có một thời học Yersin, lớn hơn mình một hai tuổi sau ông bố tử trận, nhận bảo quốc huân chương rồi gia đình sa sút, nên qua trường Việt, có hai cô em gái Mai Thế Lan và Hằng thì phải. Cô chị cùng tuổi với mình, nghe nói sau này đẹp lắm vì từ dạo gia đình này dọn đi khỏi xóm Thi Sách thì không gặp lại. Hè năm ngoái tình cờ gặp lại đồng chí giai của Như Hoa, mới khám phá ra bố mẹ ông thần này là chủ nhà mướn của Mai Thế Lương ngày xưa. Có dạo đi bơi ở Thung Lũng Tình Yêu, gặp anh chàng họ Mai lại. Anh chàng này cũng thóang lắm, cởi trần trùng trục, nhảy xuống tắm tiên khiến mấy tên chở đào lại đây, bỏ chạy hết. Hôm đó có Nguyễn Mai Phương đi với mình mà tên Phương này lại là chú họ của tên Lương, khi gặp lại hắn kêu mình bằng chú xưng cháu.
Con trai của bà Đức Tín bán sắt cạnh hẻm cây xăng Ngọc Hiệp, nay là hàng xóm với mình. Nói đến Đức Tín, mình nhớ đến thầy Hà Mai Phương dạy Trần Hưng Đạo và có dạy mình mấy tháng, thế thầy Hồ Thanh Tâm khi các thầy biệt phái về Võ Bị bị cấm dạy Văn Học. Ông thầy này ghét người Tàu, vào lớp tuyên bố thà mua của bọn con buôn người Việt, tuy bán đắt hơn bọn Tàu nên ông ta chuyên ra tiệm Đức Tín mua đinh ốc thay vì tiệm Trung Tín của người tàu đối diện. Ông thầy chửi dân Annam không biết buôn bán, ăn nói mất dậy với khách hàng nhưng phải mua còn hơn để bọn Tàu làm giàu.
Cạnh tiệm Trung Tín có tiệm giò chả An Lộc, bên cạnh là tiệm làm nệm của gia đình tên Lộc hay Hậu, có thời học Yersin, sau này cũng sang Văn Học, học thua mình một lớp rồi đến tiệm Tân Tiến, bán sửa chửa xe đạp và Honda, lâu lâu chửi lộn với gia đình Công Thành đối diện bên cạnh tiệm hàn đồ sắt Luồng Điện. Nghe nói sau này hai tiệm làm thông gia với nhau. Chỗ này có cái hẻm nhỏ mà mình hay sang đây bắn bi với đám trong xóm này, có nhà bà Tàu chuyên bán mì vịt tiềm vào buổi chiều ở ngoài đường Phan Đình Phùng. Cái xe của bà có vẽ truyện Tây Du Ký nên mỗi lần ăn mì ở đây mình cố gắng coi tranh Tôn Ngộ Không dưới cái đèn Huê Kỳ, kêu xè xè nhưng không biết đọc chữ Tàu. Tết năm nào, có tiền lì xì là mình đều ăn ở đây, món đu đủ chua của bà này đến nay mình vẫn còn thấy ngon. Ở Bolsa có mấy tiệm mì, bán vịt tiềm nhưng không dám ăn vì thấy mỡ.
Cạnh đó có tiệm sách Minh Thu, chuyên cho thuê truyện. Có lẻ mình mượn và đọc hết sách của tiệm này trong mấy mùa hè. Mình mướn mấy bộ Đông Chu Liệt Quốc và Tam Quốc Chí về đọc cho ông ngoại còn Tây Du Ký cho bà ngoại. Tối nào cũng đọc một chương cho ông ngoại rồi một chương cho bà ngoại. Sau này có con lại kể mấy chuyện tàu này cho con nghe rồi mua Tam Quốc Chí bằng tiếng Anh cho thằng con đọc, rồi cha con ngồi luận xem ai là anh hùng như xưa với ông ngoại. Thằng con đọc Thuỷ Hử, kêu sao đám Tàu cứ gặp nhau là cứ chém giết lại vổ ngực xưng Anh hùng Hảo Hớn khiến mình câm như hến. Thất học nên thằng nào mạnh là thằng đó là anh hùng. Mình vẫn thích nhân vật Tào Tháo, vẫn thấy tên này vẫy vùng làm nên sự nghiệp. Đọc sử của TQ thì hắn cũng ba lần đến mời Khổng Minh nhưng không gặp. Khổng Minh trốn hoài nhưng vẫn phải theo Lưu Bị nếu không thì lính ông này sẽ giết. Ngày xưa bên tàu, nếu được ai mời làm việc cho họ mà không theo thì sẽ bị giết vì họ không muốn người tài giúp đối thủ của mình. Tội ông bà mình không biết chữ dù có bình dân học vụ thời ông Diệm. Nghe kể thời bình dân học vụ, đi đường qua đò hay trạm kiểm soát thì có cái bảng để bắt ai muốn sang thì phải đọc cho thông mấy câu trên bảng. Bà ngoại mình không biết chữ nhưng làm tính nhẩm nhanh hơn mình.
Từ tiệm Công Thành đi tới thì có tiệm Viên Quang của ông thợ may tên Ba Hoà, chuyên may liễng đám ma. Dạo đó lính chết nhiều mà Đà Lạt chỉ có mình ông này may liễng cờ đám ma nên khá giàu. Bên cạnh có nhà của Liên Thái Cực Đạo bán gạo. Có lần cô này chở hai vợ chồng Nhị Anh và mình đi xem nhà. Nguyên gia đình họ Chử đều nhờ cô này làm thầy địa lí kiêm thầy địa ốc đi mua nhà dùm. Cô này học Bùi Thị Xuân thì phải, học Thái cực đạo ở thao trường, hay đi chơi với nhóm Ngọc đai đen, gần xóm mình thường được gọi băng Thái Cực Đạo vì cả đám tập TCĐ. Chổ này có cái hẻm đi băng qua đường Hai Bà Trưng, qua hai con suối mà khi mưa thì lụt ngập hết mấy cái vườn nằm giữa Hai Bà Trưng và Phan đình Phùng.
Con suối gần Đường Phan Đình Phùng thì chỉ có 3 miếng gổ đóng chung làm cầu bắt ngang con suối, dân xóm này đổ rác đầy nghẹt nên mùa khô rất hôi còn con suối gần đường Hai Bà Trưng thì ngay cư xá Địa Dư, nhà của Phạm Ngọc Liên thì mình nhớ có lần anh Ngữ, con ông bà Ấm Thảo, là hướng đạo sinh, hướng dẫn đoàn Lam Sơn xây cái cầu bằng gổ có lang cang để đi qua vì trước đó thời mình còn học lớp 11 ème thì chỉ có 3 tấm ván được đóng chung lại bởi mấy miếng gổ nhỏ nằm ngang. Lâu lâu có người đi qua vì trời mưa nên trợt ngã xuống suối. Thấy đoàn hứong đạo làm việc thiện , làm cầu nên khi lớn lên mình có đi hướng đạo nhưng 2 tháng sau thì nghỉ vì mấy tên trưởng bắt mình hít đất ná thở. Hẻm này mổi ngày đều họp chợ thường được gọi Chợ Nhỏ. Cạnh tiệm Viên Quang là tiệm thuốc Tây Lâm Viên rồi đến nhà ông bà Phú, hàng xóm khi xưa. Sau này họ dọn sang đây bán gạo. Sau này rễ của ông bà, tên Trương Văn Đức, cháu của ông bà Trương Văn Tước, hàng xóm mình khi xưa, di tản sang Mỹ nên hay nhờ mình chuyễn thư, từ Pháp về VN lúc chưa có liên lạc thư từ thẳng từ Mỹ về VN.
Đi tới một chút thì có viện bảo sanh Hiền Chi của bà Tôn Thất Chí, làm bằng gỗ, sơn màu đỏ gụ, sau này về hưu thì hai cô Mụ Tuý và Thanh, mẹ của Võ Hoàng Đa nối nghiệp. Đối diện là khách sạn Thanh Thế của ông bà Võ Quang Tiềm, có tiệm Việt Doanh thì phải. Cạnh nhà Võ Hoàng Đa có phòng mạch bác sĩ Phán nơi bà cụ sinh mình ra. Văn phòng được xây theo kiểu biệt thự Tây. Tới một chút nữa thì có cái giếng cạnh nhà Lê Công Thành học 11 A, ông bố làm cảnh sát, đá banh cho đội lão tướng Đà Lạt. Tên này cao ráo học 11A, hiền lành, má hồng như con gái chỉ tội là đá dỡ nên bị chửi hoài nên hắn hay đem áo maillot đá banh của ông bố cho bạn bè để được đá. Mình được một cái sau này Nguyễn Mơ xin. Có một hai tiệm gì đó rồi đến trường Trinh Vương, hình như của mấy sơ dạy con nít tiểu học. Đến nhà Nguyễn Đức Thuận, nay ở Gia Nã Đại, có tiệm bán bún cơm gì đó và tiệm hớt tóc của chú Hai. Ông này người bắc, năm 54 chạy sao lạc gia đình qua Thái Lan, lấy vợ Thái rồi liên lạc được với gia đình nên đem 4 người con lai Thái về Đà Lạt bỏ bà vợ Thái lại. Đối diện là tiệm bán gạo Sơn Hà, người Huế. Bà Sơn Hà là một trong những người đàn bà giỏi nhất của thập niên 70, buôn bán gạo, có xe hàng chạy các tỉnh khác.
Cạnh bên là khách sạn Mimosa, có cây mít nơi cái hẻm đi lên đường Hàm Nghi, chổ nhà thờ Tin Lành. Mình nhớ dạo học hè ông giáo Kim, thì khách sạn có một con bé hay chửi lộn với đám học chung với mình nhưng sau này lớn lên thì cô Bé này bổng lột xác trở nên xinh lắm. Cô nàng biết mình xinh nên mổi lần gặp ở Hội Việt Mỹ là mặt cứ vênh lên trời khiến mấy tên tới cây mít trồng cây si.
Đi tới gần ngã ba chùa thì có hảng cưa của ông bà Xu Huệ. Ông Xu Huệ có dạo dạy mình vô thất. Ông này mặt mày đẹp lão, hồng hào dạy mọi người vô thất, nhịn đói uống nước chanh đường. Dạo đó mình chỉ nhịn đói được 3 ngày. Sau này hàng năm mình nhịn được 12 ngày, tập Nội công và uống nước chanh với mật ong. Hảng cưa của ông này làm Võ đường Thái cực đạo của ông Nguyễn Bình, có lần bị 302 chỉa súng đánh bò ra khỏi tiệm Mekong. Buổi sáng có anh Trần Văn Minh, đai đen karate dạy nhóm mình quen, học chung đến khi bị đổi về Saigon. Chỗ này có cái hẻm đi ngang vườn ông Ba Đà, mướn đất của gia đình ôgn Võ Đình Dung, để tới đường Hai Bà Trưng góc nhà ông Lào, cư xá Địa Dư.
Đối diện khu nhà ông Xu Huệ thì có tiệm cơm tháng của mẹ Nguyễn Lương Đô 12A, tên này có gặp lại một lần ở Pháp. Hắn được một tên tây làm ở toà đại sứ Pháp, nhận làm con nuôi bảo lãnh sang Pháp, nghe người em trai mình kể có gặp hắn, nói đã lấy vợ nhưng mình không có cơ hội gặp lại. Tên Đô này có người anh đầu tên Vinh, học rất giỏi và thương em lắm. Mổi lần ở Saigon về, dẫn 8 đứa em đi phố chả biết ngại ngùng gì cả. Hôm trước vào mạng Văn Học thì thấy hình hắn nhưng không nhận ra. Tên này có dạo hay đi chơi với Nguyễn Văn Thuận, Châu, Nguyễn Đắc Hớn,..phía sau có một dãy nhà cho thuê, có thời Trần Thiện Tân, từ Tùng Nghĩa lên, mướn ở cạnh nhà Cao Minh Đức 12A.
Chổ này có con đường lên dốc, nối đường Phan Đình Phùng với Hàm Nghi và Võ tánh nhưng không biết tên đường gì, nghe nói là Hàm Nghi nối dài. Thiên Hạ hay gọi đường ngã ba chùa vì gần chùa Linh Sơn. Ngay ngã ba có cây xăng nằm ngay vùng tam giác vì đi lên thì xe chạy bên phải còn đi xuống thì xe phải chạy bên trái cây xăng. Bên phải thì có tiệm thuốc Tây, kế đến hợp tác xả rau Đà Lạt, có thời dùng làm đồn nhân dân tự vệ của Phan đình Phùng, cạnh đó có chổ dạy khiêu vũ. Mình nhớ có lần đang lang thang ở đây thì có một tên hỏi đường, nói tới đó để dạy mấy tên nhà quê Đà Lạt cách nhảy đầm. Chắc là dân Saigon. Nhìn xéo qua thì có tiệm bán bánh cốm, xu xê cho đám cưới. Hình như nhà Phan thị Thu Thuỷ ở đâu chổ này số 214 và tên Nguyễn Văn Khoa hay đánh lộn với Nguyễn Tuấn Trung ở Petit lycée từ số 4 dọn về đây sau Mậu Thân.
Chổ này cũng là cổng và thang cấp lên chùa Linh Sơn, làm bằng đá ong, hai bên thang cấp trạm khắc hình mấy con rồng làm bằng xi măng. Có dạo trước Mậu Thân, chùa này đi quyên tiền để đúc cái chuông to, đặt bên phải của chùa, bên trái có cái trống. Nhà mình cúng mấy cái vỏ đạn đại bác thường được dùng làm bình cắm bông. Lúc đúc chuông mấy ngày mấy đêm. Mình không nhớ rõ cách họ đúc chuông vì còn nhỏ, chỉ nhớ củi đốt ngập trời, các Phật tử xúm lại tụng kinh mệt thở trong lúc đúc chuông. Trong khi đúc chuông thì gia đình Phật tử chiếu phim Charlot, Laurel & Hardy ngoài trời khiến cuộc đúc chuông khá nhộn nhịp. Hồi nhỏ, ngày rằm mình đi chùa với bà ngoại rồi ghé lại nhà trai ăn cơm chay. Đêm giao thừa, sau khi lễ Phật, cả chùa ùa ra bẻ cây, bẻ cành gọi hái lộc đầu xuân nên hôm sau lên thì cây lá biến mất hết. Xung quanh chùa, hai bên con đường thang cấp hình như là trồng trà thì phải.
Chùa này do ông bà Võ đình Dung tặng đất và khởi đầu xây cất. Nghe bà cụ mình kể là ngày xưa ông bà giàu lắm, làm nghề thầu khoán. Ông là người xây dựng nhà ga xe lữa. Khu phố xung quanh hội trường Hoà Bình, góc Vĩnh Chấn là của ông ta xây cất, sau này về hưu nên bán lại cho mấy người mướn nhà. Có lần bị người ta lừa, trả tiền Đông Dương giã nhưng vì tối không để ý nên đem về. Đêm đó bà Võ đình Dung nằm mộng thấy Phật về báo nên đang đêm thức dậy xem tiền thì khám phá tiền giã nên đem đốt. Sáng ra thì mật thám đến xét nhà nên không có tang chứng. Dạo đó, muốn hại nhau chỉ cần chôn vài hủ rượu lậu trong vườn người ta rồi báo mật thám. Tiền Đông Dương trị giá gấp 10 tiền quan của Pháp, Việt Minh in tiền giã nên phải cẩn thận vì ai họ ghét mình thì chỉ cần báo cho mật thám là ăn đòn ná thở. Sau đó thì ông bà tu nên làm việc thiện, xây chùa,...rồi về hưu.
Đi tới một chút là nhà Nguyễn Đắc Hớn, chuyên bán phân bón và máy bơm nước Kubota cho các vườn trong vùng. Tới nhà tên này là nghe mùi phân, ruồi bay vèo vèo, bên cạnh là nhà của Nguyễn Thanh Hải từ trường Trần Hưng Đạo qua Văn Học. Đối diện là ngõ vào ấp Mỹ Lộc, bên cạnh hảng cưa Thuận Thành của bà Phú. Đi tới một tí thì có cái hẻm đi vào nhà thầy Hồ Thanh Tâm, rồi đến dãy nhà 343 của ông Marcel, bố của Dương Quang Trí, Dương Quang Hạnh, Dương Quang Phước,.. Ông này có mấy vợ, mười mấy đứa con, lai tây, không biết sau này có xin đi tây không. Ông Marcel có một bà vợ mà mình nghĩ là một trong những người đàn bà rất giỏi của Đà Lạt. Dạo ấy mình thấy bà ta lái xe hàng đi buôn rau, thầu rau cải,... mua trước của các nhà vườn rồi đến ngày hái thì cho xe lại chở đem về bán ở Sàigon,..
Rồi có một trạm cảnh sát, chắc để khám xét các xe chở rau cải từ ấp Hà Đông, mình hay tránh đi tới khúc này để tránh bị hỏi giấy tờ. Hình như khi giới nghiêm thì họ kéo rào dây kẻm lại thì phải. Kế đến là hãng cưa Xu Tiến, của gia đình Nguyễn Văn Thảo rồi thì ít nhà cửa, toàn là vườn trồng rau đến Mã thánh thì có dãy nhà của Trần Văn Tiến 11A, có xe hàng hình như hắn hồi nhỏ có học trường Ấu Việt rồi học lasan kỹ thuật với Phạm Thành Nguyên rồi cùng rũ nhau qua Văn Học. Chổ Mả Thánh thì có cái am mà mổi khi có xe tang đến đây thì phải ngừng lại chổ này, cúng vái như xin phép được vào Mả Thánh. Góc ngã ba này thì quẹo trái là đường La Sơn Phu Tử qua đường Hai Bà Trưng, nơi khu thường được gọi là Số 4, toàn dân Huế nên ít ai dám lang thang vào xóm này tương tự đường Hoàng diệu khi xưa, còn quẹo phải thì đường Tôn Thất Thuyết đi về trường Trần Hưng Đạo.
Mình chỉ nhớ đến đây, nếu Bác nào có nhớ cái gì thì cho em hay để bổ túc thêm.
Sơn đen
Đường Phan Đình Phùng, chắc chụp trên đốc đi lên nhà thờ Tin Lành, chỗ khách sạn Mimosa. Thấy nhà bảo sanh Hiền Chi, 1 tầng sơn màu đỏ, cửa sổ xanh, bên cạnh là phòng mạch bác sĩ Phán mà bà cụ sinh mình ra tại đây. Thấy có trường học Minh Trí.
Phía sau, trên đồi là đường Hai Bà Trưng, chỗ cứ xá Địa Dư, bên phải còn khu đất mà mình chơi ăn banh với tụi ở cứ xá Địa Dư trước khi thương phế binh cắm dùi