Hôm trước, tham dự hội ngộ Trưng Vương, mình có nói chuyện với một anh rể Trưng Vương, từ Oregon đến. Anh ta kể là có tham gia sinh hoạt dạy việt ngữ cho các em gốc Việt tại địa phương. Anh cho biết là tiếng Việt do Hà Nội dạy sai nhiều lắm, mình thì không rành tiếng Việt nên hỏi anh ta về sự khác biệt cách đánh vần tiếng Việt của Hà Nội khác với tiếng Việt của Việt Nam Cộng Hoà ra sao thì anh ta cứ đực ra như bò đội nón.
Mình đưa thí dụ cho anh ấy là từ "Khổ", VNCH đánh vần là Ka Hát Ô Khô hỏi khổ còn Hà Nội đánh vần là Khờ Ô Khô hỏi Khổ. Thời mô người Việt cũng khổ cả nhưng thời VNCH thì người dân tuy khổ nhưng vẫn còn ca còn hát được đến thời Việt Cộng thì nhân dân cũng khổ nhưng Khờ luôn. Nghe đến đây thì thầy giáo nghiệp dư cười toé phở. Thật ra thì theo tài liệu mình đọc thì chữ quốc ngữ khởi đầu được dạy lối đánh vần kiểu Hà Nội như các trung tâm bình dân học vụ thời xưa. Đất nước chia đôi vào năm 1954, miền nam dạy cách đánh vần theo pháp ngữ nên sau 21 năm cách biệt, người miền nam thấy khó chịu khi bị áp đặt các từ ngữ đỏ, nhạc đỏ, nói chung nền văn hoá "Đỏ".
Trai gái yêu nhau phải đúng quan điểm lập trường cách mạng thì chán chết. Cứ tưởng tượng, khi xưa, khi trời mưa, mình ngồi xem mưa với cô hàng xóm "ừ trời mưa", thay vì nói trời mưa, hai đứa cứ bàn thảo về người đối tượng tiên tiến, người chồng nhân dân hay người vợ ưu tú hay lĩnh cương, nghị quyết của đảng thì chán phèo. Anh nào vừa cố lấy hết cam đảm, thò tay để nắm tay cô bạn gái thì đối tượng kêu anh mất quan điểm lập trường cách mạng, phải làm bảng kiểm điểm, học tập tư tưởng đạo đức bác hồ. Chán mới đời.
Mình nhớ khi hai người em vượt biển sau 75 sang Pháp, dùng những từ ngữ "Đỏ" khiến mình cứ đực ra như ngỗng ị. Vẫn biết tiếng Việt mình không rành lắm vì từ bé học chương trình Pháp đến hai năm cuối trung học thì chạy qua trường Việt vì có nguy cơ không đổ tú tài tây được. Đi du học bên Tây lúc 18 tuổi nên có thể xem là tiếng Việt của mình rất sơ sơ, trình độ đọc báo Tuổi Hoa.
Khi đọc báo Đoàn Kết, thân Cộng thì những từ khá xa lạ khiến mình hoảng vì không lẻ đi Tây mới có mấy năm mà không hiểu tiếng Việt nữa hay trình độ tiếng Việt của mình quá thấp. Dạo ấy báo chí việt ngữ ở Pháp rất hiếm, chỉ có tờ Đoàn Kết và tờ báo Nhân BẢn của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam là chính, sau này bên mỹ có ra mấy tờ khác rồi có thêm tờ Quê Mẹ thì mới hoàn hồn vì mấy tờ báo này sử dụng từ ngữ VNCH.
Mình bốc đồng giúp vui, đọc bản đăng ký tình yêu với đồng chí gái, dùng những từ ngữ "Đỏ" thì thiên hạ cười. Mình không sống ở Việt Nam nên không rành lắm, đoán là trai gái yêu nhau, nhất là các đoàn viên, đối tượng đoàn ngay cả đảng viên, khi viết thư tình đả thông tư tưởng, chắc là viết theo quan điểm lập trường cách mạng nhưng gặp nhiều người từ Việt Nam sang chơi thì cho biết là người Bắc 75, dùng từ ngữ đỏ nhiều khi họ không hiểu. Đất nước được xem là đã thống nhất trên 42 năm mà chưa thống nhất về tiếng Việt thì có vấn đề.
Nhiều khi viết mình dùng từ ngữ "đỏ" như khi xưa, người Việt mới học chữ quốc ngữ và việt hoá các từ vựng Pháp sang chữ quốc ngữ như bài thơ thời đó, không biết ai là tác giả.
Bút huê thảo tình thơ uyn-lét (a)
Hỡi me-sừ con-nét moa chăng (b)
Vu còn nhi-ét bao zăng (c)
Đon moa kết ngãi phe giăng-đờ-rờ (d)
Hỡi me-sừ con-nét moa chăng (b)
Vu còn nhi-ét bao zăng (c)
Đon moa kết ngãi phe giăng-đờ-rờ (d)
Những chữ in nghiêng là phiên thẳng từ tiếng Pháp: (a) une lettre: một bức thư ; (b) connaître moi: ông có biết tôi không ; © Vous còn nièce bao ans: ông còn đứa cháu gái bao nhiêu tuổi ; (d) Donne moi kết ngãi gendre: cho tôi làm rể. (dẫn theo Đào Trọng Đủ) hay gần nhất, mình nhớ năm 11 B, học chung với anh chàng tên Phụng thì phải. Vào lớp anh ta đọc thơ tình tây mỹ Việt như
I love you đã lâu mà không dám tỏ
Để lâu ngày malade de coeur
Si you yêu ai xin nói rỏ
Để moi nhờ my friend giới thiệu
Để lâu ngày malade de coeur
Si you yêu ai xin nói rỏ
Để moi nhờ my friend giới thiệu
Có lẻ vì vậy thiên hạ thấy tếu nên cười. Có người khó chịu khi mình dùng từ ngữ Đỏ nhưng nếu mình dùng từ ngữ VNCH thì trong nước lại không hiểu vì không quen hay biết dùng từ VNCH. Có dạo mình hay viết theo lối tự chế như Ph thành F, Gi thành J,…. cho gọn thì có nhiều người bạn trong nước imeo trách cứ vì cảm thấy sự áp đặt của Hà Nội. Hôm trước gặp cô em sống thời bao cấp từ 2 tuổi, mình nói đi Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc,…những nước nói theo ngữ vựng Việt Nam Cộng Hoà thì cô em la mình, bảo nói tiếng Việt, từ đỏ vì cô nàng không hiểu vì Hung gIa lợi, hình như ở Việt Nam ngày nay gọi là Hung-ga-ri….
Thí dụ cụm từ "giải phóng" là được sử dụng khá phổ thông bởi người Việt trong nước, thậm chí các người sang Hoa Kỳ sau này vẫn quen sử dụng những từ ngữ Đỏ. Người Việt hải ngoại lại kêu tháng tư đen, ngày mất nước, ngày bị cưỡng chiếm,…. Ngôn ngữ là người ta dùng phổ thông, không lẻ cứ kêu anh dùng từ Đỏ là Việt Cộng. Tương tự người Việt hải ngoại, nói tiếng Việt lại chêm vào tiếng sở tại vì quen miệng là mất gốc.
Nếu mình không lầm thì trong thời kỳ đô hộ bởi người Tàu thì người Việt dùng chữ Hán, sau khi dành độc lập thì vẫn tiếp tục dùng hán tự trong giáo dục, hành chánh như các xứ Ấn Độ to lớn với những trên 2,000 thổ ngữ nên họ dùng anh ngữ làm văn tự hành chánh. Xem phim ấn độ thì thấy họ nói tiếng ấn độ, phiên dịch chữ phạn hay thổ ngữ rồi lâu lâu họ chêm anh ngữ khi nói chuyện.
Người Việt khi xưa nói tiếng Việt nhưng lại dùng hán văn nên trong suốt lịch sử, Văn Học Việt Nam không có những áng văn hay, sáng tác hay bởi các thi nhân Việt Nam. Đến khi người ta dùng chữ Nôm (Nam), sáng chế dựa theo hán tự, mới ra đời những Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, mặc dù các tác giả này dựa theo các cốt truyện tàu. Cho thấy tiếng Việt được tạo dựng khá nhiều bởi hán tự. Nghe nói có đến 60%.
Đến khi mấy ông cố đạo tây phương sang truyền đạo thì họ cố gắng học tiếng địa phương rồi la tinh hoá các âm và dấu để thành lập Quốc ngữ mà chúng ta sử dụng ngày nay. Mình đọc tài liệu thì thấy mấy nhà thơ như Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn,.. Là những nhà tây học, du học bên Pháp nhưng họ làm những bài thơ tiếng Việt để đời vì chỉ có tiếng mẹ đẻ mới nói lên được sự cảm nhận con tim của họ. Nếu không có chữ quốc ngữ thì có lẻ chúng ta chả bao giờ có những nhà thơ như Nguyên Sa, Cũng Trầm Tưởng,… Có nghe nhạc tây nhạc mỹ đi nữa nhưng khi nghe đến lời ca tiếng Việt thì tim mình vẫn thổn thức.
Có cô giáo dạy việt văn khi xưa, du học ở Pháp từ bé, kể cho mình là khi ở Pháp, mỗi lần nghe bài "đêm tàn Bến Ngự" của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là cô xúc động như mình nghe Út Trà Ôn lên mấy câu vọng cổ "tình anh bán chiếu" là rợn rợn tóc gáy hay thằng con mình nghe tiếng đàn bầu trong tâm khảm dù nó sinh tại Hoa Kỳ.
Theo ông Hàn Lệ Nhân, một người gốc Việt sinh tại Ai Lao, du học ở Pháp, chưa bao giờ biết Việt Nam, tác giả của bài ca "Viễn khúc Việt Nam", ông ta học tiếng Việt ở nhà và tự học, nghiên cứu rất nhiều về tiếng Việt cho rằng:
Việt ngữ (1) có tất cả năm dấu : Sắc, Huyền, Hỏi, Ngã và Nặng. Trong lãnh vực thi ca, các cụ nhà ta dùng danh xưng riêng :
Dấu Tên các thanh
Huyền ( ` ) Trầm bình thanh
Sắc ( ´ ) Phù khứ thanh
Nặng ( . ) Trầm khứ hay Trầm nhập thanh
Hỏi ( ̉ ) Trầm thượng thanh
Ngã ( ~ ) Phù thượng thanh
Huyền ( ` ) Trầm bình thanh
Sắc ( ´ ) Phù khứ thanh
Nặng ( . ) Trầm khứ hay Trầm nhập thanh
Hỏi ( ̉ ) Trầm thượng thanh
Ngã ( ~ ) Phù thượng thanh
Như chúng ta đều biết, thủy tổ chữ quốc ngữ là một nhóm giáo sĩ tây phương ( Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp ) và người có công nhất là cố Alexandre de Rhodes, người đất Avignon ( nay là tỉnh Avignon, nam Pháp). Theo sách " VN Văn Học sử yếu " của cụ Dương Quảng Hàm thì ông A. de Rhodes là người đầu tiên soạn ra cuốn tự điển quốc ngữ nhan đề " Dictionarium Annamiticum, Lasitanium et Latinum " (Tự điển An-nam, Bồ Đào Nha và La-Tinh) in tại thành La Mã (Roma) năm 1651.
Theo tài liệu về chữ Việt của cố Đắc Lộ (tên phiên âm của cố Alexandre de Rhodes) thì có 4 dấu xuất phát từ tiếng Hy Lạp và dấu thứ 5 lấy từ tiếng La-tinh hoặc các tiếng Âu châu.
Trong dấu Hy Lạp có 3 dấu :
1.Dấu Sắc (accent aigu) dùng vào 1 âm đọc lên giọng mạnh, ký hiệu ( ´ ).
2. Dấu Huyền (accent grave) dùng vào 1 âm đọc giọng nhẹ, ký hiệu ( ` ).
3. Dấu Ngã (le tilde) dùng vào âm đọc lên giọng rồi xuống giọng ngay, ký hiệu Ngã ( ~ ).
Riêng dấu Nặng, cũng theo cố Đắc Lộ, không phải là một Dấu mà là một Chữ trong tiếng Hy Lạp. Đó là chữ IOTA (đọc i-ô-ta = chữ i Hy ngữ) viết tắt, ký hiệu là ( . ).
Đặc biệt dấu Hỏi "âu châu" không phải là một Chữ cũng không hẳn là một Dấu chỉ thanh như các dấu Sắc, Huyền, Ngã trong Hy ngữ, song ấn định 1 cung giọng, cung giọng "tra vấn" (interrogation) chung cho một mệnh đề. Ví dụ : Anh xa quê hương đã lâu chưa ? Nói gọn, cố Đắc Lộ đã sử dụng ký hiệu chỉ định 1 âm điệu chung cho 1 mệnh đề để làm dấu chỉ thanh trong Việt ngữ. Hơn nữa dấu Hỏi trong Việt ngữ không được đặt Sau mà lại được đặt Trên 1 vần như các dấu khác - trừ dấu Nặng – và khi đọc thì phải uốn giọng nhẹ.
Tóm lại, bảng kê dưới đây sẽ giúp chúng ta nhận xét rõ ràng :
Dấu Sắc, dấu Huyền và dấu Ngã = Phát tích từ tiếng Hy Lạp.
Dấu Nặng = Phát tích từ chữ "Iota dưới" Hy Lạp viết tắt.
Dấu Hỏi = Phát tích từ dấu Hỏi La-tinh hay Âu châu.
Kinh qua non 4 thế kỷ sử dụng chữ quốc ngữ, hẳn người Việt chúng ta không ai không "thân thuộc" lối viết giản tiện này? Mặc dầu cha đẻ lối viết của chúng ta ngày nay là người tây phương nhưng, xét cho cùng, nhờ các dấu – cũng của thiên hạ - mà lối viết chữ việt khác các lối viết của những dân tộc trên quả địa cầu này.
Nghe nói mấy năm trước ông Hàn Lệ Nhân có về Việt Nam lần đầu tiên theo một phái đoàn thiện nguyện. Ông này kỹ sư nhưng viết nhiều bài nghiên cứu về văn hoá Việt Nam rất hay, ai thích các đề tài về văn hoá Việt thì gú gô ông ta. Mình phục ông ta là sinh ở ngoại quốc mà tiếng Việt rất giỏi chả bù mình sinh tại Việt Nam lại dốt. Ở Pháp có một bà người Anh, tên Penelope Faukner viết tiếng Việt và nói rặt giọng Huế dù chưa bao giờ đặt chân lên xứ Việt Nam.
Mình có chê trách Hà Nội là dùng tiếng Việt sai nhưng vấn đề là họ cầm quyền và không biết bao lâu sẽ sụp đỗ. Như ông Milan Kudera từng nói:
"The first step in liquidating a people is to erase its memory. Destroy its books, its culture, its history. Then have somebody write new books, manufacture a new culture, invent a new history. Before long the nation will begin to forget what it is and what it was."
Xong om
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn