Trương Chi vượt biển

Nguyễn Hoàng Sơn

Hắn chán chường cuộc sống thường nhật từ ngày Sàigòn đầu hàng. Mỗi ngày hắn phải lê lết các sân banh đá banh để được bồi dưỡng ổ bánh mì sau trận đấu. Hắn muốn tìm kiếm một hướng đi cho tương lai nên có người rủ hắn xuống Hải Sơn, gần Vũng Tàu để xem xét tình hình để vượt biển.

Lần đầu tiên, hắn mới nhìn tận mắt vùng miền sông nước mà hắn đã học ở trường về các địa dư của quê hương. Hắn nhìn thấy nhưng cánh đồng ruộng cò bay thẳng cánh như trong sách giáo khoa hồi tiểu học. Hắn được đi ghe trên sông Tiền và sông Hậu như những mạch máu của quê hương đất nước mà hắn sẽ phải lìa xa vì bị quê hương ruồng bỏ như một đứa con ghẻ, nguỵ quân.

Mặc dù dầm mưa dãi nắng đá banh độ nhật, thân hình hắn đen như đũa mun nhưng đến vùng sông nước thì dân địa phương vẫn nhận ra hắn là người lạ, nói đúng hơn là dân “canh me” vì dân đi bán chính thức đều đã mua bãi và được đưa vào nhà dân tá túc để đêm xuống, được tăn-bo ra cửa biển. Hắn không biết cụm từ Tăn-bo từ đâu ra, có lẽ do chữ Transport của Tây, được Việt hoá.

Tối tối, hắn lại thấy đám dân chài, tụ năm tụ bảy trên ghe ăn uống rồi hát hò. Hắn muốn bịt tai lại vì các dân chài đàn như trâu ngáy, hát thì như bò rống. Hắn biết chính quyền mới đã ra chính sách tiêu diệt nền văn hoá Mỹ nguỵ, đốt sách huỷ băng nhạc nhưng hắn không ngờ đám dân chài này lại còn tàn bạo hơn Tần Thuỷ Hoàng, chà đạp từng cung bậc, từng lời ca của nhạc phẩm. Hắn nằm ngủ ngoài trời, dưới mấy bụi cây để che sương nhưng không tài nào nhắm mắt vì những tiếng rống phi văn hoá trong đêm thâu. Bỗng gần sáng, hình như có ai nói bên tai khiến hắn chợt tỉnh, khám phá ra cách vượt biển dù gia đình không có tiền để mua bãi.

Hắn mò về thành phố, xin ông cụ cái radio National 4 băng mà ông cụ quý hơn cả mạng sống của mình. Nó lại cái gạch nối của ông từ địa ngục ra thế giới tự do qua những buổi phát thanh của đài BBC, VOA để quên đi trong 30 phút, thay thế cái loa phường lãi nhãi từ sáng đến tối, bồi dưỡng chức năng nghiệp cụ con người mới, công dân của xã hội chủ nghĩa. Bố hắn lặng lẽ đưa cho hắn cái đài để hắn đi mại ở chợ trời rồi chạy về Hải Sơn thêm cây đàn, đã đeo đuổi hắn từ ngày phát hiện ra NTL, cô bé răng khểnh ở trường Văn Học.

Hắn đợi đám dân chài đi ngủ trong các ghe trên sông nước, sau khi rống những bài tình qua của Lam Phương, Đỗ Lễ,...,mới lấy cây đàn ra. Hắn không ngờ từ đâu các lời ca của những bản nhạc sến do đám dân chài cất vang trong đêm chiều đã ngấm vào tâm khảm của hắn. Hắn cất lên những lời ca như để nói lên những đau khổ dày vò của hắn đã bị người yêu bỏ đi lấy chồng, hắn đưa con sáo sang sông như tiếc nuối những ngày tháng đẹp của thời trước 75, êm đềm mơ mộng bên cô bé răng khểnh. Hắn khóc ngày nào cho tôi gặp lại em, hắn gọi răng khểnh sao không qua nhà hắn để nghe hắn dạo đàn,..

Cứ mỗi đêm sau khi đám dân chài tắt đèn đi ngủ trên ghe là hình bóng Trương Chi của hắn lại trở về trong đêm. Hắn đánh đàn và hát để nhớ về Mỵ Nương Răng Khểnh của một thời ngây dại trong khung trường Văn Học. Đến đêm thứ 5 thì đám dân chài như chịu không nổi giọng hát thê lương của chim Đa Đa của Trương Chi nên từ xa, hắn thấy một vệt linh tinh lướt đến ghe của hắn rồi có tiếng hỏi Tóc Gió Thôi Bay? Hắn chậm buồn Ừ.

Thế là từ dạo đó mỗi đêm hắn được mời lên ghe của đám dân chài, hắn chỉ các ngư nữ hát sao cho đúng giọng nhạc sến, hắn dạy đám ngư phủ đánh đàn, so dây cho đúng rồi từ từ họ nhờ hắn trong ngày đi vác dầu, đem đến điểm hẹn để chôn trong vùng hai luồng nước mặn và ngọt giao thoa dưới các cây chà là để khỏi bị lộ, cuốn trôi như thể Châu Đình An đã nói qua ca khúc "đêm nay anh gánh dầu ra biển, anh chôn mối tình răng khểnh,.... À ơi tạm biệt nước non..." Nhờ chôn dầu dùm cho đám dân chài nên hắn được cho lên tàu đi vượt biển. Hắn bồi hồi nhớ đến chiều nay con thuyền viễn xứ ra đi tìm một tương lai để chôn một quá khứ rồi may mắn đến, tàu hắn cập bến Pulau Bidong. Hắn lên đảo ngay ngày Tết. Hắn thấy các người vô tổ quốc như hắn, lê lết trong các trại tỵ nạn đợi một quốc gia ân nhân thứ 3 đón nhận. Họ ngồi xung quanh bếp lửa, lấy mấy lon đồ ăn do cao uỷ tỵ nạn phát chẩn, quăn vào đống lửa để khi nóng sôi sẽ nổ bóc bách như tiếng pháo của quê hương để lại.

Bỗng hắn thấy cây đàn của người nào đã đi định cư, bỏ lại cây đàn bỏ quên hay vì đã quên lời nguyền khi xưa. Hắn so dây rồi khẽ hát “Em đến thăm đêm 30” thì mọi người nãy giờ yên lặng, chợt bừng tỉnh để nghe tiếng đàn của hắn trong đêm xuân đầu tiên xa quê nhà.

Em đến thăm anh đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em.

Bỗng nhiên có một cô bé đi ngang qua như một thiên thần, ngồi xuống bên hắn làm hắn ngẩn ngơ như Răng Khểnh ngày nào của hắn, một Mỵ Nương của Trương Chi. Cô bé Răng Khểnh bảo hắn anh hát tiếp đi.

Tay em lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ em thơm
Sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết.

Tháng ngày đã trôi qua
Tình đã phôi pha, người khuất xa
Chỉ còn chút hương xưa
Rồi cũng phong ba rụng cùng mùa.

Dòng sông đêm hồn đen sâu thao thức
Ngàn vì sao mọc hay lệ khóc nhau
Đá buồn chết theo sau ngày vực sâu
Rớt hoài xuống hư không cuộc tình đau.

Sau đêm hôm ấy, cô bé Thiên Thần giúp hắn viết lại những bài ca. Cô nàng hát như cọp vồ muỗi nhưng lại nhớ hết lời của các bài hát nguỵ quân, hắn viết cô đọc đến 7 cuốn vở học trò 100 trang như viết lên tình sử của hắn và răng khểnh. Ngày hắn mong đợi đã đến, hắn nhận được giấy báo đi định cư ở nước thứ 3. Hắn mới sực nhớ là chưa bao giờ hỏi tên cô bé thiên thần đã đọc những lời ca của nhạc vàng thì được cô bé thiên thần cho biết Ác Phụ và cho hắn nhập hộ khẩu mẫu hệ của giòng họ Ác với cái tên cúng cơm mới là Ác Chính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét