Phúng điếu ?

Nguyễn Hoàng Sơn

Mọi lần khi bạn hay người quen có tang thì mình hay đi viếng ở nhà quàn hay nhà thờ tuỳ theo tôn giáo hay gốc gác nhưng không để ý về ma chay lắm. 11 năm trước khi ông bố vợ mất thì mình cũng chỉ làm những việc như lo cơm nước, lặt vặt, ai sai làm cái gì thì làm. Tuần vừa rồi, bà mẹ vợ mất thì mới để ý, lý do là mấy ông anh vợ nay đã cao tuổi, chậm chạp, quên trước quên sau nên phải lãnh cho đồng chí gái. Sau khi nghe viện dưỡng lão báo tin bà cụ ngưng thở thì mình và đồng chí gái chạy vào ngay vừa gọi ni cô, nhờ đến tụng kinh trong khi đợi nhà quàn đến nhận xét để làm thủ tục hành chánh và nghi lễ tôn giáo,... Cũng may là đồng chí gái và bà chị đã mua dịch vụ tang lễ trước nên cũng đỡ. Chỉ cần gọi nhà quàn là họ lo hết còn phần tụng niệm thì nhờ một sư cô, quen với gia đình từ khi còn ở Huế. Bà cụ vợ mình đã giúp thành lập chùa Diệu Viên ở Huế. Trong viện dưỡng lão, sau khi ni cô tụng niệm cho bà cụ siêu thoát thì mình ra ngoài, nhắn tin và imeo cho họ hàng bên vợ thêm mấy người bạn thân của vợ, nhờ họ an ủi vợ vì mình chỉ có khiếu chọc vợ giận chớ không biết an ủi.

Mình hỏi đồng chí gái, ai lo việc cáo phó, đăng báo thì được biết là một ông anh vợ, về hưu nên rảnh, lãnh công việc này. Thông thường, anh này hay đại diện gia đình đăng phân ưu trên mấy tờ báo địa phương vì có bà chị vợ làm trong nhà báo. 4 ngày sau, ông cậu mình gọi hỏi là mấy ngày ni, đọc báo không thấy đăng cáo phó, chương trình tang lễ để biết mà đi viếng nên mình gọi hỏi Mụ vợ. Mụ vợ nói làm rồi nhưng ngày mai mới đăng. Ông anh mất 4 ngày trời để gõ bản cáo phó bằng tiếng Việt. Tò mò mình lên mạng xem thì thấy sai khá nhiều.

Bà cụ vợ sinh năm Tân Dậu cho nên năm nay là 94 tuổi ta hay 93 tuổi Tây vì năm sinh là 1921 nhưng mình lại thấy đề thọ 91 tuổi. Hỏi ra mới biết là trong gia đình, không ai biết bà cụ sinh năm Dậu trừ mình. Ai nấy đều xem giấy khai sanh, đề sinh 1923. Có lẽ dạo đó khi đi học mới làm khai sanh nên khai trụt tuổi. Lý do mình biết bà cụ sinh năm Dậu vì hay nói cho mình biết là sinh cùng năm gà với bà cụ mình nhưng hơn một giáp. Dạo bà cụ mình sang chơi thì hai bà, khám phá cùng tuổi gà nên tương đắc với nhau, họp lại là than khổ về chồng. Bà chị vợ là con gái đầu lại viết thứ nữ rồi lỗi tên con cháu bằng tiếng anh đủ thứ nên Mụ vợ kêu mình sửa nên mình sửa trên PDF rồi gửi cho toà soạn. Mình nghĩ bà cụ lên đất Phật, xin nhập hộ khẩu mà họ lấy database ngày xưa thì hơi mệt nhưng hy vọng là sang Mỹ trên 23 năm, dùng giấy khai sanh từ thời Tây chắc không sao. Có đoạn "xin miễn phúng điếu" làm mình thắc mắc vì theo mình hiểu khi đi thăm viếng người qua đời được gọi là đi phúng điếu mà nay lại kêu gọi bà con, bạn bè đừng đi thăm viếng là nghĩa thế nào. Lên gú gồ một tí thì được một tài liệu như sau: Phúng: có những chữ Hán sau đây: 賵, (赗), 葑 (còn đọc phong), 風 (còn đọc phong),諷, (讽), 縫, (缝) (còn đọc phùng). Trong thuật từ phúng điếu, phúng là chữ賵 (phúng), có bộ bối (貝) và chữ mạo (冒). Bối (貝) nghĩa là tiền tài, còn mạo (冒) nghĩa là che đậy. Nên nghĩa nguyên thủy của chữ phúng là tặng áo xống đồ vật cho người chết để che đắp thi hài; cốt ý là tặng cho người chết, giúp tiền của cho nhà hiếu làm ma chay. Hiện nay phúng có nghĩa là: dt. (1) Đồ tặng người chết; đt.

(2) Đem lễ vật tới cúng người chết, dùng xe ngựa giúp người ta chôn kẻ chết. Chúng ta nên phân biệt rõ: (1) Giúp xe ngựa gọi là phúng (賵), giúp tiền bạc gọi là phụ (賻); giúp quần áo gọi là tùy (禭) (2) Cho người chết gọi là phúng (賵), còn cho kẻ sống gọi là phụ (賻)[1]. Điếu: có những chữ Hán sau đây: 弔, 吊, 窎, 葯, (药) (còn đọc dược, ước), 窵, 釣, (钓). Trong thuật từ phúng điếu, điếu là chữ弔 (吊, điếu). 弔 là chữ hội ý, gồm hai chữ nhân (人) và cung (弓). Cổ xưa người chết không được chôn, nhưng để nơi hoang vắng và dùng củi che lại, nhà hiếu và những người đi viếng kẻ chết thường mang theo cung tên để canh giữ, không cho dã thú ăn xác kẻ chết. Nên nghĩa nguyên thủy của chữ này là viếng thăm kẻ chết. Chữ điếu (弔) nghĩa là: đt. (1) Viếng kẻ chết; (2) Tỏ lòng thương tiếc đối với người chết; (3) An ủi; (4) Treo, máng: điếu kiều (cầu treo, cầu rút); (5) Rút lại; (6) Xách lấy, cắt lấy; dt. (7) Việc viếng kẻ chết; (8) Một xâu tiền thời xưa (một ngàn đồng tiền là một điếu, cũng như ta nói là một quan vậy). Thật ra chữ điếu (吊) có bộ khẩu (口) là chữ dân gian của chữđiếu (弔) có bộ cung (弓), xưa hai chữ này đồng nghĩa, nhưng nay đã sử dụng khác nhau, chữ điếu (弔) có bộ cung (弓) chỉ có nghĩa liên hệ tới viếng người chết, còn điếu (吊) có bộ khẩu (口) thì dùng cho các nghĩa treo, máng hay rút lại. Vì chữ Việt là chữ phiên âm, không thể phân biệt chữ弔 hay 吊, nhưng chúng ta cũng nên nhớ trong thuật từ phúng điếu, chữ điếu chỉ có nghĩa viếng kẻ chết, mà không có nghĩa treo, máng.

Nếu hiểu định nghĩa này thì cụm từ phúng điếu có thể hiểu là khi xưa, khi có người chết thì thường thường người nông dân không giàu có nên họ hàng, láng giềng đến chia buồn, đem theo trái cây, bông hoa, rượu, gạo,... đến giúp tang quyến làm ma chay. Có thể khi xưa, đi chôn xa xôi nên ai có xe ngựa thì đem lại để chở quan tài ra nghĩa địa,... Có thể sau này ở thành thị, nhiều gia đình có máu mặt, tiền bạc nên xin miễn phúng tiền bạc, cây trái, khăn vải để liệm,..vì nghĩ mình có khả năng tự lo ma chay cho người thân. Từ từ con cháu không rành rồi cứ phang đại thêm chữ điếu sau chữ phúng, có nghĩa xin miễn tặng quà, tiền bạc,...và xin đừng đến viếng thăm luôn. Chán mớ đời! Đọc imeo hay phân ưu trên báo thì thấy nhiều người viết "thành thật chia buồn" khiến mình hoang mang. Trong sách tâm lý dạy về thương lượng làm ăn, mua bán thì họ khuyên để ý đến những người hay dùng những câu nói như "to tell you the truth" hay "to be honnest",... Thì nên cẩn thận vì những người nói câu ấy thường tính tình suy nghĩ đối ngược với lời họ nói. Khi nói "to tell you the truth hay to be honnest" là chứng tỏ người nói lên câu này, thường không thành thật nên khi họ muốn khẳng định là mình đang nói thật thì mới chém thêm câu nói này.

"Thành thật chia buồn" có nghĩa họ ít khi thành thật với mình hay là họ không khách sáo, muốn chia buồn thật sự hay chỉ là phép xã giao như người Mỹ hay viết "sincerely" nên khiến mình nghĩ mông lung một tí. Cũng điên điên nếu mình tò mò hỏi lý do vì nhiều khi dùng từ lại sai, hay dùng các từ hán để loè thiên hạ, tự cho là người biết chữ nên hơi mệt. Có người dùng Phúng Viếng thay vì Phúng Điếu là đã giải mã được 50%. Tây họ hay nói câu: "Si on ne sait pas écrire Chrysanthèmes, on écrit Marguerite." Nhiều khi theo Tây cũng hay.

Mình hỏi ông bạn già thầy địa lý của mình. Ông này rất thích nghiên cứu về mồ mả địa lý. Khách hàng ở bên Tầu, Đài Loan, Nhật,...hay mời ông ta sang đó để xem mồ mả của tổ tiên họ. Ông ta kể là có lần đến TQ thì có 5 tên con trai với 5 tên thầy địa lý và ông ta phải giải thích, xem mồ mả ra sao để lo cho gia đình họ. Lý do là 5 ông con trai không tin tưởng nhau, sợ anh hay em mình nhờ nhà địa lý giúp họ khá hơn nhánh của những người con khác. Ông bạn già bảo là bên Mỹ, nghĩa địa được xếp theo cá mòi cho nên chả có địa chả có lý gì nữa. Tránh chôn dưới cây hay ống thoát nước. Anh có ý giúp cho mẹ vợ là chứng tỏ anh là rể hiền, khiến mình nức nở kêu Mụ vợ lại nghe ông ta nói.

Phần nghi lễ thì anh em trong nhà đồng ý là chọn ni cô quen bà cụ và gia đình từ lâu và có ban tụng niệm của bà cụ khi xưa phụ giúp. Đùng một cái, một ông "anh em bạn dì", kêu bà cụ là dì ruột bảo không được. Bà ni cô này yếu tay ấn, phải mời thượng tọa mới đủ tay ấn đưa bà cụ về đất Phật, thế là phải nhờ ông ta mời dùm. Bà ni cô thì coi như lo về lễ, chương trình cúng cơm, cúng trà,.. Tưởng ông thượng tọa là cao tay ấn đến lúc làm lễ, ông thượng tọa thì nói không ra hơi nhưng tiền công của ông rất cao.

Nói chung thì đám tang của bà cụ rất viên mãn, tròn đầy. Con cháu đều có mặt gần đông đủ trên 200 người. Có bà chị dâu cũ, ly dị đi lấy chồng khác, từ Oregon về để tang. Ghét ông chồng cũ, nhưng vẫn thương bà gia. Hình ảnh bà chị dâu cũ, để tang khóc mẹ chồng cũ đã nói lên đức tính của bà cụ. Như dân gian Việt Nam khi xưa hay nói con người thường có 3 cha 8 mẹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét