Nguyễn Hoàng Sơn
Hôm trước coi trên Netflix phim " Les dames au 6 ème étage ", nói về những người đàn bà xứ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, bỏ quê hương sang Paris làm ôsin cho các gia đình Tây. Tương tự mình cũng thấy các bà người Phi Luật Tân bỏ xứ sang Hongkong làm ôsin khi mình vẽ Hongkong Shanghai Bank ở Hongkong. Cứ chiều chủ nhật là các bà người Phi ra công viên gần bến tàu để nói chuyện, đọc thư nhà cho nhau nghe, thấy thương lắm. Hình như VN sau này cũng xuất khẩu ôsin qua Đài Loan,.. Mình có cô em họ ở quê đóng tiền đi lao động ở Liên Xô, gửi tiền về cho ông chú họ xây cái nhà, sau này chịu lạnh không nổi nên về để thằng em đi thay.
Hồi chưa đi Tây, mình nức nở mỗi lần nghe ca sĩ Thái Thanh hát bài "Paris có gì lạ không em" nhưng đến Paris rồi thì thất vọng ê chề. Nhà cửa thì bị hơi khói của các ống khói kỹ nghệ năm xưa hay các lò sưởi bằng than hay củi làm đen xì, nhất là các quận hướng đông của thủ đô này vì gió hướng Tây thổi khói về vùng đó. Đi đường thì dẫm phải kít chó hoài nói lên Văn Hoá của Tây từng đô hộ dân mình không cao lắm. Bên Mỹ khu mình ở thì ngoài đường hay công viên thường có những hộp để bao ni lông cho ai dẫn chó đi chơi, làm vệ sinh hay có công viên dành cho chó. Thật ra bên Âu Châu đất hẹp người đông nên trong thành phố nuôi chó là một cực hình. Mùa hè thì có nạn bỏ chó mèo ngoài đường, dân Tây đi nghỉ hè thì không muốn đem theo mèo chó cho nên cứ thả chúng nó chạy rong gần xa lộ rồi đi chơi. Khi về thì chạy lại sở súc vật xin một con khác về nuôi rồi hè năm sau lại quăng ngoài đường đi chơi hè. Sau này có các xe mô tô chạy lòng vòng để hốt kít chó nên cũng đỡ. Vợ mình thì ghét xứ Tây vì không có cầu tiêu công cộng. Thật ra dạo mình còn sinh viên thì cũng có nhưng sau này thành phố dẹp hết và cho một công ty Decaux thầu gắn các nhà vệ sinh công cộng nhưng dân họ đập phá để lấy tiền trong máy nên không có nhà vệ sinh nào hoạt động cả tương tự các điện thoại công cộng. Vợ mình đi chơi thì khát nước nên uống nước thì phải kiếm nhà vệ sinh nên mối căm thù thực dân được khơi dậy.
Trong phim "les dames au sixième étage" có quay tầng lầu 6, nơi các ôsin ở. Trong thời đại của Hoàng đế Napoleon thì có ông Haussman được cử canh tân, kiến thiết đô thị lại thành phố Paris. Ông này cho giải toả các khu đông đúc và xây các đại lộ rất rộng để dễ di chuyển nhưng thật ra là để đàn áp khi nhân dân nổi dậy vì khi cách mạng 1789 nổi dậy thì dân cư đông đúc nên dân phản động dễ trốn khiến công an khó bắt hay đàn áp. Nay Napoleon cho xây dựng các đại lộ thì có thể để đại bác ra mà bắn thẳng vào dân biểu tình. Nhà cửa chỉ cho xây tối đa là 7 tầng, tầng trệt và 6 tầng lầu. Tầng cuối cùng là lầu 6 thì phải xây theo mái nghiêng theo kiểu Mansard, kiến trúc Versailles. Trung bình mỗi tầng có 3-4 căn hộ, có thang máy và cầu thang còn tầng cuối cùng thì được chia ra thành nhiều phòng nhỏ thường được gọi là chambre de bonne, phòng của ôsin. Ban ngày các ôsin xuống làm việc ở các căn hộ của chủ mình, tối xong việc thì lên gác ngủ. Căn phòng chỉ độ 2m x 3 m, không có sưởi, không có lavabo, chỉ đủ kê một cái giường một người, một cái bàn nhỏ và một cái ghế. Có một cái cửa sổ 40cm x 50cm nơi cái mái nghiêng. Muốn đi vệ sinh thì ngoài hành lang có một cái nhà vệ sinh thêm một cái robinet để lấy nước đem vô phòng tắm rửa.
Dạo mình mới sang Tây thì các gia đình giàu sang ít mướn ôsin gốc Tây vì rất đắt nên họ mướn các bà gốc Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha sang làm việc 11 tháng rồi tháng 8 họ về thăm nhà và quê hương của họ. Mướn các bà ngoại quốc thì có cái nạn nói tiếng Tây bồi nên cũng vui lắm. Trong phim có kể chuyện bà osin Tây ban nha nói tiếng Tây bồi nhờ thằng con của ông bà chủ lên phòng bà ta lấy con mèo xuống, vì không biết tiếng Tây nên bà ta phang đại gato (tiếng Tây ban nha là mèo) thằng Tây con nghe gato nên lên phòng bà này thì thấy cái bánh (gâteau) nên ăn hết vì hắn tưởng bà osin bảo lên phòng lấy cái bánh mà ăn. Khi xuống nhà bà ôsin hỏi con mèo đâu thì thằng Tây con bảo đã ăn hết làm bà ta xỉu.
Khi mới sang Tây thì mình ở với ông cậu bà con được một tuần sau đó thì tìm được một căn phòng osin vì chủ nhà không có osin nên cho mướn kiếm thêm tiền chợ. Cái khổ ở lầu trên là mùa đông thì rất lạnh vì dưới mái nhà, còn mùa hè thì rất nóng nhưng kẹt nhất là tắm rửa vì không có phòng tắm trên lầu nên mỗi ngày mình vào đại học bơi hay đi đá banh cho trường để được tắm rửa. Có lẽ vì vậy dân Tây nổi tiếng ở dơ nên mới phát minh ra dầu thơm. Nói đến dầu thơm thì mình nhớ đến ông bà Pellerin, ông bà nội của một tên học dưới mình 2 năm, tên này hay rủ mình về chơi ở nhà nghỉ hè của gia đình hắn ở Normandie, gần Cherbourg. Dòng họ nhà hắn coi như chiếm cả cái làng Vauville này, hè anh em con cháu ba đời tụ lại đây nghỉ hè nên rất vui. Ông bà nội hắn có cái château rất đẹp, ông nội hắn làm một cái vườn hoa nhiệt đới rất đẹp sau này là nơi của du khách đến viếng. Ông bà này thành lập ra công ty Roger-Gallet chuyên sản xuất xà bông sau này về hưu nên bán lại cho người khác rồi đi chơi. Bãi biển Vauville vẫn còn di tích vài cái lô cốt của Đức quốc xã xây cất để chống quân đội đồng minh đổ bộ trong đệ nhị thế chiến. Mình không biết lý do nhưng hai ông bà này thương mình lắm. Họ cho mình một căn phòng ôsin trong chung cư của họ ở quận 17, gần Khải Hoàn Môn, sau này hai đứa em của mình vượt biển sang thì họ cũng cho thêm một căn phòng to hơn có bếp và phòng tắm riêng cũng không lấy tiền. Lâu lâu thì người gác dan đưa cho mình tin nhắn của ông bà, nói ghé lại ăn tối vì dạo đó mình không có điện thoại trong phòng. Ông Pellerin thích nói chuyện với mình, kể về cuộc đời của ông ta, gầy dựng lên công ty rồi mua các căn hộ. Họ có ngôi nhà ở ngoại ô Paris để cuối tuần con cháu ra đó đánh tennis, bơi, picnic,..mùa đông thì họ xuống thành phố Nice ở cái biệt thự ở đó. Mùa thu thì đi săn ở Saint Severs, Normandie, hè thì Vauville. Họ hay mời mình đi chơi ở các nơi này, động viên mình trên đường đời lập nghiệp ở xứ người. Mỗi năm vào mùa thu thì tên bạn hay rủ mình đi săn với gia đình hắn. Sáng dậy sớm có lò sưởi kêu tí tắt rồi đi săn với con chó Lara. Mình chỉ đi theo thôi vì không biết bắn súng, đi trong rừng có lá vàng đỏ trong sương mai đẹp không thể tả. Gia đình này có đâu trên 200 mẫu tây nên đi mệt thở, chiều về ăn xong thì ngồi đánh cờ cạnh lò sưởi, phê không thể tả. Thường thường bố của tên bạn bắn các con pheasant, loại gà rừng đem về. Cũng tại đây mình bán được tấm tranh đầu tiên trong đời. Mình ra cái làng này buổi chiều để vẽ vì nhà cửa ở đây làm bằng đá nên rong rêu phủ đẹp lắm. Vừa vẽ được xong bức đầu tiên thì có một bà đầm hỏi mua, mình hơi tiếc nhưng bà ta trả đâu $100 đô dạo đó nên bán liền. Hôm sau không đi săn nữa, ra vẽ để bán thêm nhưng chả có ai lại mua.
Cái khổ ở phòng ôsin là mình phải đi thang nhỏ phía sau hè nên không dùng thang máy ở trước được nên phải cẩn thận xem xét kỹ càng trước khi rời phòng vì nếu quên thì lại phải leo lên 6 tầng cầu thang. Dạo đó mỗi sáng mình đều chạy bộ trong rừng Boulogne. Rừng này gần Paris nhưng về đêm thì nổi tiếng là các chị em ta ra đứng đường rồi kéo nhau vào rừng mây mưa. Nghĩ lại mình vẫn thấy đẹp khi chạy giữa rừng nhất là mùa thu, mùa Đông chạy dưới tuyết rơi cũng đẹp. Cuối tuần thì ra đây chơi đá banh với đám Tây ra hít không khí trong lành. Có lần mình đang chạy thì thấy một chị em ta rượt một tên Tây chạy làng sau khi thỏa mãn mây mưa khiến bà đầm chửi vang rừng luôn.
Sáng mình đi học thì lấy xe điện ngầm Métro từ trạm Khải Hoàn Môn xuống trạm viện bảo tàng Louvre rồi đi bộ qua cầu Passerelle des Arts tới Hàn Lâm Viện rồi tới trường ở đường Bonaparte. Chiếc cầu Mỹ thuật này làm bằng sắt cho bộ hành, có các ghế để người ta ngừng lại ngồi ngắm dòng sông Seine. Mình không bao giờ quên cảnh sáng sương mù, đi qua cầu này nhìn phía cầu "Pont neuf" phía sau là Nhà thờ Đức bà mà ông Victor Hugo đã viết về tên lưng gù bồng bềnh trong những tia nắng ban mai đẹp không thể tả. Dạo còn sinh viên, sau khi ăn trưa ở restaurant universitaire, các quán cơm đại học thì mình vác đồ vẽ ra ờ sông Seine vẽ dù mùa đông,...trong khi tụi bạn học chung đi uống cà phê, tán gẩu. Thật ra mình không có tiền nên viện cớ đi tập vẽ nhưng cũng nhờ vậy mà sau này mình vẽ thần sầu. Đi xứ nào, các KTS quốc tế như Norman Foster, Jean Nouvel, I.M. Pei, Rafael Vignoly,...đều mướn mình vẽ cho họ.
Ngày xưa, ở Pháp các nghệ nhân có lệ đi vòng Pháp quốc để học nghề mà họ thường gọi là Tour de France. Thí dụ một người học nghề thợ mộc thì họ học được nghề với một ông thầy thì sau đó ông này giới thiệu đến một sư huynh khi xưa ở một tỉnh khác nên Anh học trò lại đó học nghề một năm, 6 tháng rồi lại tiếp tục đến khi có tay nghề vững thì về lại làng quê của mình hành nghề, nhiều khi tới đâu quen cô nào rồi ở lại lập nghiệp tại đó luôn. Sau này ra trường mình theo truyền thống đó đi tứ xứ làm việc như ở Ý, Thụy Sĩ, Đức, Pháp, Anh, Mỹ. Trong cái xui vì mình không có gia đình thì có cái may vì không bị ràng buộc bởi gia đình nên có thể đi khắp nơi đến khi sang Mỹ thì khám phá ra đồng chí gái thì xin nhận nơi đây làm quê hương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét