Nguyễn Hoàng Sơn
Mấy tháng trước mình có dịp nói chuyện điện thoại với một người thầy ở Việt Nam sau 42 năm xa cách. Một trong những đề tài khiến mình suy nghĩ đến nay dù có nói chuyện với thầy thêm khi có mặt tại Đà Lạt. Đó là công nghệ thông tin nối kết người thân, bạn bè với nhau, không gian cách xa 1/2 địa cầu nhưng trong tíc tắc con người có thể kết nói nhau.
Có cặp vợ chồng gốc Ba Tây kể, họ gọi Skype với gia đình ở Ba Tây mỗi tuần. Một hôm, họ bỏ cái laptop trên bàn ăn rồi ăn cơm chung với gia đình của họ ở Ba Tây qua Skype, cuối cùng họ mua cái máy truyền hình lớn để trong phòng ăn để xem rõ. Thống kê cho biết là trung bình 80% cú điện thoại, để gọi cho 4 người thân nhất. Người ta có trên 1,000 bạn ảo trên Facebook nhưng họ chỉ có đâu 6-7 người bạn thân thiết mà họ liên lạc thường xuyên.
Sáng nay, không đi vườn vì có hẹn với thành phố đến để đo bãi cỏ sau nhà vì mình đang xin tiền của nhà nước để nhổ cỏ và thiết kế phong cảnh theo kiểu sa mạc để bớt dùng nước tưới cỏ vì hạn hán ở Cali, dù El Nino sắp đến mùa đông tới. Mụ vợ rũ đi bộ, than là từ ngày về Mỹ, không đi tập thể dục. Thường thì hai vợ chồng hay đi buổi chiều sau khi ăn cơm.
Mụ vợ đi bộ, vác theo cái iphone rồi trả lời nhắn tin, facebook, i meo khiến mình quạu bỏ đi trước. Hôm trước có ai gửi cho mấy tấm hình nói về căn bệnh thời đại, cả gia đình ngồi xung quanh bàn ăn, không ai nói với ai, mỗi người cầm cái điện thoại thông minh. Nhà mình có cái quy định là khi ăn cơm là phải tắt Tivi, nay lại phải cấm cầm điện thoại.
Nhớ dạo về Đà Lạt thăm nhà thì mấy đứa cháu bên Tây cứ ru rú trong phòng nếu không đi đâu, ôm cái ipad hay iphone nhắn tin với bạn chúng ở Paris thay vì nói chuyện với em họ, dì cậu ở nhà. Cũng may, mấy đứa con mình dù nói tiếng Việt chớt chớt nhưng cũng chịu khó nói với mấy đứa em cô cậu hay cô chú, ông bà nội nếu không thì phí tiền đi về Đà Lạt.
Nhiều nhà xã hội học than phiền là giới trẻ ngày nay, không biết cách nói chuyện, chúng thích i meo hay nhắn tin vì có thì giờ để viết chải chuốt, muốn viết gì mình muốn, kiểm soát những gì trước khi cho mọi biết lối nhìn hay tư tưởng của mình thay vì phải suy nghĩ nhanh chóng khi đối diện với kẻ đối mặt. Dần dần người ta trở thành những Cyrano de Bergerac, viết thì hay nhưng không dám gặp mặt để nói chuyện. Những mẫu đối thoại với người khác giúp con người, tự hỏi mình về cuộc đời, giúp tư duy như thầy trò Khổng Tử, Plato và Socrates,...
Chúng ta quen dần với nỗi cô đơn tập thể. Chúng ta ngồi trong lớp nhưng lại xem facebook, ngồi họp lại xem i meo, tâm trí đâu đâu. Có người bảo là vào sở làm, không muốn ngừng lại bàn của đồng nghiệp để chào hỏi vì sợ phá rối họ, đang xem i meo hay đang lướt mạng. Thật ra chính họ cũng không muốn ai phá rầy họ khi đang xem i meo, i mâu. Công nghệ thông tin biến chúng ta thành những hòn đảo cô đơn, những Crusoe Robinson, chúng ta không cần tình bạn hữu mà chỉ cần sự có mặt, hiện hữu dù ở phương trời nào hay là người bàng quang, chứng nhân cho một tấm ảnh, một câu chuyện,..., không nhất thiết là phải lên tiếng, cho mọi người biết là mình đã đọc bài viết, xem tấm ảnh, dẫn chúng ta đến trạng thái cô đơn.
Khi xưa, ông Nguyễn Khuyến than rằng:" ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, Người khôn, Người tìm đến chốn lao xao", nhưng người cô đơn vẫn cô đơn, tuy đã đến chốn lao xao trong mạng ảo nhưng vẫn cô đơn vì không dám nhấn Thích hay Ghét, không dám đưa ra những cái suy tư của mình vì ái ngại, sợ thiên hạ chê bai tư duy của mình,... Họ bị những cái không tưởng, vô hình do họ tự đặt, tự đưa ra để rồi che phủ bao vây họ dù ở gần bạn bè, người thân,...
Ngày nay, iphone, ipad đem lại chúng ta những ảo tưởng như chúng ta có thể chọn lựa, để tâm ở những nơi nào chúng ta muốn. Chúng ta có thể ngồi với người thân, bạn bè nhưng tâm trí của chúng ta ở một không gian khác, hay chúng ta sẽ không bao giờ cô đơn. Mỗi khi chúng ta ở một mình, cảm thấy cô đơn nên thò tay lấy cái điện thoại thông minh để cảm thấy bớt cô đơn, dần dần sẽ biến chúng ta suy nghĩ một cách khác. Ở Nam Hàn, đi xe điện ngầm, mình thấy hành khách, ai nấy đều cầm cái điện thoại, bấm lia lịa chẳng bù lại khi xưa khi ở London, Paris, New York,... Đi xe điện thì thấy ai nấy đều ngủ gà ngủ gật hay mắt nhìn về đâu đâu, mỗi người như một con ốc trong cái vỏ. Ngày nay với điện thoại thông minh thì càng giúp chúng ta xa lánh hiện tại, chui đầu vào một trang nhà nào như hoảng sơ, bỏ chạy nổi cô đơn hiện hữu.
Mình nhớ dạo còn sinh viên, đi du lịch bụi khắp Âu Châu và Phi Châu thì bản năng tự tồn, bắt buộc mình phải, học tiếng nước sở tại, nói chuyện với người dân nên làm quen được nhiều người bạn mà đến mấy chục năm sau vẫn còn liên lạc. Tuần lễ ở Nam Hàn, với cái Wifi Portable, mình vẫn có Google Map chỉ dẫn, đi kiếm địa chỉ,...., không sợ bị lạc. Du khách đến một nước, một thành phố lạ đã cô đơn nhưng công nghệ thông tin lại biến họ càng cô đơn, không dám học nói tiếng người sở tại hay cố gắng hỏi địa chỉ.....
Khi xưa, ông Descartes có tuyên bố: "Tôi tư duy cho nên tôi hiện hữu". Ngày nay có lẽ chúng ta đổi lại là "tôi nối kết cho nên tôi hiện hữu". Con người chia sẻ các tin tức, cái bánh họ làm hay tô phở đang ăn ở tiệm hay đang bận bộ đồ cổ truyền của một nước đang du lịch. Ngày nay, trước cái gì mới lạ hay trong tiệm ăn, mụ vợ mình không cho ăn, bảo để chụp hình rồi tải lên mạng trước khi nhâm nhi.
Khi về Việt Nam, gặp lại bạn học cũ ngay cả những người khi xưa, không học chung, chỉ biết nhau qua tiếng hát của họ hoặc những bài thơ, bài viết được họ chia sẻ,... Nhưng khi giáp mặt thì vẫn cảm thấy có cái gì gần gũi, thân thân hơn là khi đọc những gì họ viết, tải trên mạng. Có thể đó là từ trường giao động với nhau như thầy An kể. Thầy phải thức dậy sớm để lấy chuyến xe buýt 5:30 sáng từ Bảo Lộc để lên Đà Lạt, để gặp lại học trò vì cái "Synergy" của nhóm học trò với thầy. Có gặp thì mới biết được công sức của ca sĩ Ngân Hàng, HH,..., tụ tập, liên lạc với các thầy, các bạn để gặp nhau, như kêu gọi những tâm hồn cô đơn trên đảo ốc của họ, như Đức Huy thường gọi "trái tim ngục tù", để gặp nhau trong vài tiếng đồng hồ, thoát khỏi ngục tù, cùng đưa nhau về khung trời kỷ niệm, rồi chia tay.
Kỹ thuật thông tin ngày nay đang định nghĩa lại con người hôm nay. Chúng ta chỉ chú trọng đến những gì ta thích mà quên rằng có những thứ khác như ăn uống, thân thể, gia đình, tâm linh,..., để quân bình bản chất của chúng ta. Một người thích thịt, không thể cả đời ăn toàn thịt, họ cần rau quả,... Nghe nói có nhiều người vừa mở mắt trên giường đã với tay lấy cái iphone để xem nhắn tin hay i meo.
Chủ nhật là ngày mình không rờ tới i meo, để không nối kết với thế giới ảo mà dùng thì giờ cho bạn bè, gia đình, xem mấy chương trình thâu trước trong tuần. Muốn thật sự cô đơn, cuộn mình trong chăn như một người thiền, suy tư, nhìn lại những diễn biến của tuần vừa qua. Xem lại chương trình, những mục tiêu của mình đã hoàn tất. Để tự mình không bị chi phối bởi những nối kết trên mạng ảo hay hiện thực, để được thật sự là cô đơn. Nhiều khi nhà văn Henri David Thoreau hay ông Nguyễn Khuyến trở lại thế gian ngày nay cũng khó tìm lại những chốn vắng vẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét