Những chuyện không quên

Nguyễn Hoàng Sơn

Không ngờ 40 năm sau mình lại được học ở thầy Tuyến một bài học khác về đạo đức. Thầy kể mấy chục năm qua không thể quên được tiếng gọi thê lương trong tuyệt vọng "Thầy ơi" của cô học sinh cũ nào trong thời ngăn sông cấm chợ, định mệnh đã đưa đẩy cô ta lên chiếc xe của thầy đang tải đồ qua trạm kiểm soát kinh tế. Tiếng kêu ấy như là tiếng gọi của lương tâm đã đeo đuổi Raskolnikov trong cuốn "Tội ác và hình phạt" của nhà văn Dostoyevsky. 40 năm về trước thầy khởi đầu môn Đạo Đức bằng "philo cái sophos", philo là bạn còn sophos là nhà hiền triết, định nghĩa của Triết học bằng tiếng Hy Lạp. Mình nhớ mãi lúc thầy giải thích về cuốn sách "Bố già" của Mario Puzzo. Thầy kể câu chuyện của một người gốc Ý di cư sang Mỹ, hành nghề liệm xác chết. Ông ta hãnh diện được vào quốc tịch Mỹ, cho con gái đi chơi với bạn trai Mỹ gốc da trắng. Không ngờ mấy tên ấy tính giở trò đồi bại. bị cô gái kháng cự nên đánh cô gái sưng mặt. Ông ta vẫn tin ở công lý của nước Hoa Kỳ nên đi kiện và đau khổ khi thấy những tên da trắng được trắng án vì luật pháp vẫn bao che cho dân da trắng. Cuối cùng ông ta phải đến tìm "bố già" Don Corleone để đòi công lý cho con gái mình. Tuy đồng hương với Don Corleone nhưng ông ta không muốn giao du vì Don Corleone là chúa trùm mafia ở New York. Và thầy kết luận, khi con người căm phẫn, muốn trả thù thì bắt tay với quỷ dữ, dù trước đó đứng trên phương diện đạo đức mình ghê tởm họ.

Lúc đi làm ở New York, Sơn và Tam Anh hay giúp tổ chức các buổi gặp mặt cho các sinh viên gốc Việt vùng Đông Bắc như Harvard, Yale, MIT, Princeton, NYU,.. để giới thiệu với họ về văn hoá VN, mời các giáo sư như Huỳnh Sanh Thông ở Yale, người Việt đầu tiên đoạt giải McArthur Foundation, dịch truyện Kiều và Hoa Địa Ngục ra Anh ngữ, giáo sư Nguyễn Quỳnh ở đại học Columbia, người có hai bằng tiến sĩ Hoa kỳ và có tranh treo trong viện bảo tàng Guggenheim, tiếng sáo thần Nguyễn đình Nghĩa, giáo sư Nguyễn thuyết Phong ở đại học Ohio về nhạc cổ truyền VN,... Bọn mình cố giúp sinh viên gốc Việt thấy những gương sáng khác trong cộng đồng VN vì đa số người Việt sang đây có điều kiện là học bác sĩ hay kỹ sư. Muốn cộng đồng vững mạnh thì ta cần có những chuyên gia của các ngành khác như luật, nghệ thuật, chính trị...Có lần mình nói chuyện với một sinh viên ở Harvard quen với bà xã mình tên Đinh Đồng Phụng Việt về vấn nạn này thì không ngờ mấy chục năm sau anh này là thứ trưởng Bộ Tư Pháp dưới thời tổng thống Bush con. Người viết luật "Patriot Act" sau vụ khủng bố 911 năm 2001. Cũng dạo ấy, có một sinh viên ở UCI, nam Cali gọi mình nói chuyện. Anh này tên Trần Thái Văn, chủ tịch hội sinh viên gốc Việt, cùng Âu Đức Dương con ông Âu Trường Thanh, cựu bộ trưởng kinh tế VNCH và một số sinh viên gốc Việt, sáng lập chương trình Ngọc, tên một cô bé bị hải tặc làm nhục trên đường tìm tự do. Sau nhiều lần nói chuyện anh ta gọi mình kể là không muốn học bác sĩ nữa như cha mẹ mong muốn, xin vào tập sự cho dân biểu Dornan ở địa hạt Garden Grove và đi học luật. Về sau anh ta làm dân biểu tiểu bang cali và có một thời mê ca sĩ Như Quỳnh. Có lẽ nhờ bài học đạo đức của thầy Tuyến mà mình mới hiểu được phải đấu tranh dành quyền lợi để tồn tại trên đất Mỹ.

Thầy Nguyễn Minh Diễm với cái ống điếu giải thích rằng Luận Lý thì không thể nào áp dụng cho phụ nữ được vì "đàn bà nói có là không, nói đi là ở, lấy chồng đi tu". Câu nói này thì 40 năm sau mình vẫn thấy đúng và có lẽ đến muôn đời sau vẫn đúng. Mình nhớ có lần trong buổi ca nhạc văn nghệ do hai lớp 12b và 12c tổ chức, mình có mời thầy giúp vui thì thầy bảo cuộc đời ca sĩ của thầy chấm dứt ở lớp 2 vì sau khi hát xong người thầy nói cho cả lớp hay là anh Diễm sợ các trò không hiểu bài hát nên đã đọc lời trước khi hát. 40 năm sau mình mới hiểu ý của thầy khi nghe một người anh họ của vợ hát trong một buổi họp mặt gia đình.

Mình mê nhất thầy Phạm Văn An giảng trong giờ Việt Văn. Khi nói về nhân vật Loan trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, Nguyễn Tường Tam thì thầy bảo là thầy mất 12 năm học từ tiểu học cho đến hết trung học rồi thi vào đại học lại thêm bốn năm mới lấy được mảnh bằng cử nhân thì mới được xã hội gọi là ông Cử, trong khi vợ của thầy không cần học, chỉ cần lấy thầy thì được người ta gọi ngay là bà Cử. Nhân vật Loan muốn thoát ly ra khỏi chế độ phong kiến, muốn tự lập, nói lên vai trò của phụ nữ trong xã hội mới theo Tây học mà ngày nay phụ nữ học cao là chuyện bình thường.

Khi Dũng thoát ly đi trong mưa gió hy vọng một ngày nào gặp lại Loan thì thầy bảo Anh Chị nào có đối tượng thì dắt nhau lên Cam Ly, mang theo lon sơn Bạch Tuyết, vẽ tên mình và trái tim lên vách đá rồi cầm tay nhau thề mối tình hữu nghị đôi ta đời đời bền vững như hãng sơn Bạch Tuyết. Không ngờ 30/4/75 đến nên bao cuộc tình được tô vẽ bằng sơn Bạch Tuyết đã tan rã theo định mệnh của đất nước.

Thầy Hồ Thanh Tâm đã khai hoá mình vào thi ca VN. Thầy cho mượn cuốn " Thi Nhân VN" của Hoài Thanh và " trăm Hoa đua nở trên đất Bắc" của Hoàng Minh Chí. Dạo cđó lần đầu tiên mình biết thổn thức với thơ tình của Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Thế Lữ,. Mình đọc say mê chả thiết làm bài tập, như dạo mướn truyện của nhà sách Minh Thu. Trong Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, những bài thơ phản kháng của Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Khoán, Chu Ngọc v. v...đã làm mình lo sợ khi nghe tới cải cách ruộng đất mà hồi nhỏ có coi trong phim "Chúng Tôi Muốn Sống" của đạo diễn Vĩnh Noãn ở rạp Ngọc Hiệp. Dạo đó đi coi ciné là phải chào quốc kỳ và toàn dân VN nhớ ơn Ngô Tổng Thống.

Hồi tiểu học, có lần trường bắt bỏ học buổi sáng đi đón Ngô tổng thống đến từ phi trường Cam Ly. Đứng bên lề đường Hùng Vương, phất cờ vừa hô "Ngô tổng thống muôn năm".Trong xe thấy Ngô tổng thống bận đồ trắng ngồi bên cạnh là một ông tây mũi lõ nhưng chiều về thì bà ngoại kêu mình đem bàn thờ Phật ra đường Hai Bà Trưng để bảo vệ Phật giáo. Dân công giáo và công chức tổ chức chào mừng ông tổng thống đi kinh lý với đại sứ Mỹ trong khi dân theo Phật giáo thì nghe ông Thích Trí Quang đem bàn thờ ra đường để cho đại sứ Mỹ thấy dân theo đạo Phật đông hơn. Mình đi tung hô muôn năm Ngô Tổng thống lần đầu tiên và cũng là lần cuối vì vài tháng sau ông về đất Chúa. Sau đảo chánh thì đến các cuộc chỉnh lý liên tiếp. Từ nhà mình ở Hai Bà Trưng nhìn sang chùa Linh Sơn thấy lựu đạn cay bay mịt mù. Mình nhớ dạo đó học chung với con tướng TTĐ. Mới tuần này, bố hắn làm cha thiên hạ, tuần sau nghe nói ở tù. Sau này tên này rời Đà Lạt nên chẳng bao giờ gặp lại. Chiều chiều nghe mấy ông sinh viên nào bắt loa nói huyên thuyên, đòi đem ông NCK lên đoạn lầu đài, trong khi ngoài khu Hoà Bình có dựng một pháp trường cát, mình không nhớ là có bắn ai hay không chỉ biết là ông Kỳ có bắn Tạ Vinh, một đại gia ở Chợ Lớn vì đầu cơ tích trữ.

Dạo đó đi đâu cũng thấy các bảng đề chính phủ NCK, ủy ban hành pháp trung ương là của người dân. Có lần ai xướng là có ma quỷ nên nhà nào cũng kháo nhau vẽ chữ ma quỷ ở trước nhà để ma quỷ không vào nhà hãm hại gia đình sau này mới hiểu là VC làm chiến dịch chống Mỹ đổ bộ sang VN nên viết ma quỷ nói lái lại là trừ Mỹ qua. Sáng ra thấy tên nào đêm qua vẽ ma quỷ trên cửa làm mình phải cạo mệt thở. Ông thần karaoke PMC khen cây mimosa nhưng nếu có nó trong sân nhà là một cực hình. Thứ nhất là con gái tứ xứ cứ đến xin hoa để về ép vào tập. Thường thường mấy cô này nhan sắc kém cõi mà mấy bà này sợ sâu, phải nhờ mình hái vì sâu màu giống thân cây lắm nên không biết lúc rờ đến cành là nó bò nhúc nhích, khiếp kinh. Sau đó thì nhà mình chặt cây mimosa cho nó gọn để sâu không bò lên đầu lên cổ mấy đứa em chơi ngoài sân và khỏi phải hái hoa cho mấy cô gái trời bắt xấu.

Có lần người ta bảo Phật bà hiện về ở đỉnh Lâm Viên, ai nấy cũng chạy đi mua hình Phật bà về để trên bàn thờ. Dân tứ xứ lên Đà Lạt hành hương leo Núi Bà. Mình nhớ dạo đó, có đi với bà ngoại lên đó. Mình còn nhỏ nên đi nhanh lên tới đỉnh thì đói quá mà bà ngoại lại mang bánh mì đi đàng sau với mấy người bạn đành xin thiên hạ miếng cơm vắt. Mình không quên phong cảnh đẹp hùng vĩ của đỉnh Lâm Viên ngày đó. Sau này quân đội Mỹ đóng quân trên đó thường thấy cái trụ radar có đèn chớp chớp về đêm. Mình không hiểu có phải chương trình tuyên truyền của VC về những cuộc hành hương lên đỉnh Lâm Viên, sau đó múc nước suối đem về để cúng và uống thì khỏi bệnh. Vì là núi linh nên không cho quân đội Mỹ đóng quân? Ai biết hay có tài liệu thì cho mình xin.

Sơn suýt chết hồi Mậu Thân. Nhà ở Hai Bà Trưng thì VC chiếm khu số 4 và nhà thờ Domaine De Marie. Trực thăng bắn đại liên 60 hay rocket, thường thường khi đạn bay thì các chuôi đạn rớt xuống khu nhà mình theo đường parabol. Dạo đó mình tò mò chạy ra coi skyrider bỏ bom. Có lần thấy máy bay chúc đầu xuống bắn, không hiểu sao hình như có ai nói bên tai bảo mình đi vô nhà. Vừa bước tới cái hiên nhà thì anh chàng cùng đứng coi máy bay cạnh mình dưới cây mai, độ 15 giây trước đó, bị một trận mưa vỏ đạn rớt lủng đầu chết. Từ dạo đó đến nay mỗi ngày mình đều thắp hương. Sau đó thì có gia đình người bà con ở trên số 4 di tản đến nhà mình vì cả nhà đào hầm phía sau vườn để trú bom. Lúc súng đạn hơi ngưng thì ông dượng lên bàn thờ xem còn cái bánh tét nào đem xuống ăn, thì thấy một quả bom chưa nổ nằm chình ình ở trước sân. Trong vòng một phút cả gia đình bỏ của chạy lấy người lên nhà mình tá túc. Buồn quá không có gì làm nên cả xóm chia ra hai nhóm, người lớn gây sòng người lớn, con nít gây sòng con nít. Chiều, ăn tối xong là mấy gia đình tụ lại nghe đài BBC chương trình Việt ngữ xong lại nghe mấy đĩa nhạc của ban AVT. Nghe tới nghe lui mỗi ngày nên sau này mình thuộc lòng mấy bài 3 bà mẹ chồng, huynh đệ chi binh.

Mình ở cư xá công chánh nên nguyên một dãy 7 căn nhà xây dính chùm với nhau. Có một hôm trưa, mình rủ một thằng bạn tên Lê Công Hùng ở đường Thi Sách, đối diện nhà trung tá Tốn, leo lên gác và đi thám thính sang các nhà khác. Mỗi nhà đều có tuờng cao lên tới nóc nhà nhưng có một cái lổ trống vuông độ 45 cm x 45 cm, ăn thông qua nhà bên cạnh. Bọn mình chui qua mấy lỗ đến tới nhà của chị Trương Nữ Việt Quân, có thời học Văn Học. Thằng bạn hắc ám của mình to con nên lớ quớ sao làm rớt cái gì xuống trần nhà. Mình nghe chị Quân la thằng em "Tèo ngủ đi" làm bọn mình sợ quá nên quay lại. Tên Hùng đi sau nên quay lại trước, dẫm vào cái nắp đậy cái lỗ leo lên gác của nhà hàng xóm khác, rơi xuống nhà hàng xóm đúng ngay bàn thờ của gia đình. Hai vợ chồng hàng xóm đang ngủ trên giường kêu rú lên tưởng là VC núp ở trên nóc nhà nhảy xuống. Sau này bà ta gặp mình cứ hỏi mình có thấy bà ta lúc đó thì mình thề, chối không thấy gì. Hề hề. Mình dọt về nhà ngay trong khi anh chàng Hùng kia ngơ ngơ ngác ngác vì té đau chưa hoàn hồn giữa đống nhang đèn, bài vị, trái cây,...lại bị gia đình hàng xóm xúm lại chửi mắng đồ mất dạy. Sau dạo đó mình có tiếng là ba trợn trong xóm, nên không ai cho con họ chơi với mình. Mấy cô láng giềng cũng né mình luôn nên mình đi tìm đối tượng ở xóm khác. Hỏi chị Kim Hiền chắc còn nhớ, vì lần nào về thăm mẹ chị ấy cũng nhắc tới chuyện này.

Mình nhớ ngày đầu tiên học lớp thầy Lý Công Thuận, người Nam, bận áo sơ mi màu xôi gấc, thầy giải thích đó là màu của trường đại học mà thầy tốt nghiệp bên Mỹ. Thầy dạy đại số, nghe nói sau này thầy làm mục sư bên Mỹ. Mình có ghé thăm nhà thầy ở gần trường Võ Bị với Cô Thuỷ, được nghe thầy kể về đời sinh viên ở Mỹ nên mình cũng thèm muốn nối gót thầy. Mình nhớ dạo ấy mỗi lần thầy kêu lên bảng giải các phương trình thì mình giải bằng Matrix nên bà con tưởng mình thông minh lắm. Mấy năm trước học trường Tây mình đã học tân toán học và cách giải matrix. Sau này mình thấy con mình học toán đại số lớp 9 nó học cách giải còn nhanh hơn matrix.

Mình không nhớ thầy Soạn dạy môn gì hình như thầy tên là Đan Đình Soạn. Thầy cho mình mượn cuốn "Hố Thẳm Của Tư Tưởng" của Phạm Công Thiện, nói là đọc đi để chuẩn bị cho năm 12 nhưng mình thấy khô khan quá. Có lần mình đi chơi với Trương Việt Tài học sinh cũ Văn Học trên mình 3 lớp, đang học Chính Trị Xã Hội ở đại học Đà Lạt với tên bạn sinh viên và mấy cô. Hắn giới thiệu mình với mấy cô mình là sinh viên nên đành bốc phét, đem Heidegger ra loè bà con nhưng tới nay vẫn còn nằm trong hố thẳm của tư tưởng.

Dạo đó hoá học có một thầy dạy Võ Bị mà mình quên tên, người Huế, vào lớp nổ mình là đai đen Thái Cực Đạo, ai muốn đánh lộn thì khi ra chơi kêu thầy làm trọng tài cho. Thầy kể là mỗi ngày bơi qua sông Hương mấy lần. Sau này gặp người quen, bạn học của thầy ở Huế, kể lại họ cười sặc ớt bột luôn.

Có thầy Hùng dạy Quang Học hình như tên là Cao Thế Hùng, biệt phái ở Võ Bị, sau này bị cấm dạy ở Văn Học nên thầy tuyên bố không dạy Việt Anh luôn vì không thích nghe lệnh trên. Sau đó thì thầy Hoàng Ngọc Ẩn cũng dân Huế dạy THĐ đến thay thế cho tới khi thi tú tài. Thầy Toàn dạy toán và thầy Phùng Văn Hưởng dạy vạn vật đâu nửa niên khoá nên mình cũng không có kỷ niệm nhiều.

Thầy Hứa Hoành có một trí nhớ siêu tốt. Sau này mình hay đọc trang mạng Nam Kỳ Lục Tỉnh của thầy. Không biết thầy có đem theo tài liệu khi vượt biển mà nhớ nhiều chi tiết. Đám học sinh hay gọi thầy là con ma nhà họ Hứa. Thầy dạy Địa Lý. Sau này vượt biển định cư tại San Antonio, Texas, mình có ghé thăm thầy với Tam Anh. Thầy kể chuyện vượt biển kinh hoàng. Trong lớp có chị Vy thị Thu Thuỷ không hiểu tại sao mỗi lần làm bài tập, cô nàng tuy học thuộc lòng, viết không sai một chấm phết của bài Thầy mà điểm lúc nào cũng thua mình nên hay lấy bài của mình để dò xem sự khác biệt. Lúc thầy giảng bài thì mình hay ghi lại vài chi tiết hay đọc sách cũng hay ghi lại trong cuốn sổ nhỏ nên khi là bài kiểm thì mình viết thêm những gì thầy nói cộng với bài ghi chép của thầy. Sau này mình có đọc cuốn sách "Surely You're Joking, Mr. Feynman!" cuả giáo sư Richard Feynman, đã có thời giúp mình mơ mộng theo ngành khoa học năm đệ Tam khi ông đoạt giải Nobel về vật lý Quantum, cộng sự viên của Oppenheimer, cha đẻ bom nguyên tử trong chương trình Manhattan. Ông này kể một vị giáo sư người Hy Lạp đến dạy tại một xứ ở Âu Châu khác thì ông ta rất ngạc nhiên vì học sinh nước này rất thích học tiếng Hy Lạp cổ điển, loại ngôn ngữ chết như La Tinh. Ông ta hỏi một sinh viên ra trường, ông Socrates nghĩ gì về "sự thật và cái đẹp" thì sinh viên này không biết nhưng khi hỏi về Symposium thứ 3 thì anh này thao thao bất tuyệt đọc rào rào.

Symposium 3 ghi lại những gì ông Socrates bàn luận với Plato về sự thật và cái đẹp. Ông ta khám phá ra là con người khi bắt đầu học một ngôn ngữ thì học đánh vần rồi đến từng chữ một rồi cả câu, đoạn. Họ có thể học thuộc lòng nhưng không hiểu cái nghĩa của câu văn, bài thơ theo âm hưởng. Tương tự ta nghe tiếng Việt là "cầu đá" nhưng khi nghe tiếng Hán phát âm là "Thạch Kiều" hay tiếng Anh là "Stonebridge" thì nghe rất kêu nhưng không liên kết những từ đó là cùng nghĩa với "cầu đá.". Có dạo mới lấy nhau, đồng chí vợ than phiền là chồng của đồng nghiệp gọi điện thoại hỏi thăm trong giờ làm việc, gọi Honey vvv trong khi mình chả bao giờ điện thoại thăm hỏi. Mình cũng tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của đồng chí gái và để chứng minh mình là thuộc thành phần tiến bộ nên hôm sau trong giờ ăn trưa cũng gọi cô nàng ca bài Nỗi Lòng thì ai ngờ mới nghe mình chào "đồng chí mật" là cô nàng cúp máy ngay vì mình dịch "honey" ra tiếng việt là "mật". Cô nàng thấy không lãng mạn. Đối với thằng tây khi gọi vợ là Honey thì cũng như nhs gọi vợ là "đồng chí Mật", không khác biệt. Thôi đành chịu ngày làm dịch vụ tối về phục vụ. Học sinh mình cứ học thuộc lòng, như khi xưa các ông học chữ Hán học thuộc lòng tứ thư ngũ kinh, học tới học lui nhưng không hiểu tương tự như tên sinh viên học tiếng Hy Lạp cổ điển. Mở mồm là Khổng Tử viết, Mạnh Tử nói v..v... như vẹt. Ông Nguyễn Hiến Lê có viết mấy cuốn này về đề tài này, chỉ cần đọc hai ba ngày là xong. Không có gì cao siêu như nghe kể, có lẽ là mình không đủ sức hiểu!

Thầy Nguyễn Thạc nói phải quên đi để học tiếp như cái bình nước phải đổ cái nước cũ đi thì mới thu nhận được cái mới. Như câu chuyện một người thông thái, nổi tiếng thông minh, học 1 biết 10, anh minh xuất chúng. Khi nghe trên núi có một vị tăng già rất uyên bác nên ông này lên núi để thi thố tài năng. Khi gặp, vị tăng già mời uống trà. Ông ta đổ trà vào tách để tràn ra thì ông thông thái bảo tách đã đầy tràn ra bàn sao còn đổ trà thêm. Vị tăng già trả lời đầu ngươi như cái tách trà đã đầy nên không học được gì thêm của ta. Có dạo một tên nhà ở đâu trong Hoàng Diệu tên Quan kêu "Capri c'est fini" trong khi thầy Thạc đang giảng về điện khiến thầy rất giận. Thầy bảo đừng bao giờ xổ tiếng Tây với người Việt. Ra đường nếu gặp Tây thì xổ tiếng Tây. Đa số những dân hay xổ tiếng Tây với người Việt thì gặp ngoại quốc lại câm như hến. Mình nhớ lời thầy nên ít khi nào mình xổ tiếng nước ngoài với người Việt. Kẹt lắm không biết dùng từ thì phải nói. Thầy nói với mình học cần đủ đậu Bình còn thì giờ làm chuyện khác. Thầy đánh Tây ban cầm cổ điển ngang ngửa với Đỗ Đình Phương. À quên mất ông này quen thầy Thạc, lần sau đi nghe ông này chơi đàn thì sẽ hỏi tin tức của thầy. Có lẽ thầy Thạc là người thầy thời Văn Học gây ảnh hưởng nhất trong cuộc đời mình.

Thầy Lưu Văn Nguyên có khuôn mặt khắc khổ, dạy hình học, môn học khô khan và khó, về không gian ba chiều. Có lẽ vì vậy học sinh đổi sang ban A khá nhiều khi lên lớp 12. Mình sau này đi về kiến trúc nên học hình học rất nhiều. Sơn chỉ có kỷ niệm về thầy khi la Trần Thiện Tân không giải được bài tính, thì mình nói đỡ là "Tân không giải được vì nhà hắn nghèo" làm thầy bật cười. Có lẽ lần đầu tiên mình thấy thầy cười trong lớp. Nhà thầy đâu ở ấp Cô Giang thì phải, có đến thăm thầy cô với Cô Thuỷ vài lần và thầy khuyên mình nên đi du học, học ở VN cuối cùng cũng 'tổ quốc ghi ơn". Mình nhớ hay lại nhà một anh lớn tuổi hơn đâu 4, 5 tuổi, người Huế, ở gần cư xá bưu điện. Anh chàng này lúc nào cũng thấy ngồi học chả thấy chơi gì cả. Sau này đậu thủ khoa trường Võ Bị, ra trận đầu tiên bị bắn chết uổng cuộc đời. Lúc đi đám anh chàng này mình suy nghĩ khá nhiều về cuộc đời, tương lai của mình.

Thầy Phan Nam người Huế, rất đẹp trai, cao ráo chạy xe Vespa nên nhiều nữ sinh mê lắm. Xem hình ngày nay, thầy vẫn còn phong độ lắm.

Kỷ niệm Văn Học để lại ấn tượng nhiều nhất cho mình dù dạo ấy mình chưa vào học Văn Học đó là tham dự buổi văn nghệ "Con Đường Cái Quan" của nhóm Tiên Rồng do thầy CBA mời từ Saigon lên Đalat để trình diễn cho thầy cô, thân hữu và học trò Văn Học Văn Khoa xem. Mình có chơi với tên hàng xóm, Trương Việt Tài, hơn mình 3-4 tuổi học Văn Học. Hắn tìm ra đâu cho Sơn một cái vé đi coi Văn Nghệ. Lần đầu tiên được xem văn nghệ VN cổ truyền. Cái mục Em Đi Chùa Hương quá hay làm dạo về Hà Nội lần đầu mình phải đi xem,Trung Đức hát và rất đẹp. Dạo ấy không có du khách như ngày nay hay tháp treo, mưa lất phất như vào Thiên Thai.

Thầy Chử Bá Anh thì ngày xưa không có dịp học với thầy chỉ nhớ thầy hay chỉ mình và nói "cậu này phá lắm". Lúc đầu mình nghi là có ai làm ăn ten, sau mới khám phá ra cái tường gỗ sát vách với văn phòng của thầy nên thầy nghe hết những ai nói gì trong lớp. Sau đó Sơn di tản chiến thuật qua dãy bên bàn bên tay trái. Sau mùa hè đỏ lửa thì chính phủ quân sự hoá học đường nên trưởng lớp được gọi là liên đoàn trưởng. Thầy Nguyên làm chủ nhiệm lớp, tổ chức bầu trưởng lớp. Mình chỉ biết là thầy đề nghị tên mình trong khi chị Bích Hường và Vũ Văn Tùng thì ghi danh tranh cử. Cuối cùng NHS được đắc cử nên làm liên đoàn trưởng còn Vũ Văn Tùng ở ngay dốc Cẩm Đô lên nhà thương làm phó. Thầy CBA hay kêu Sơn lên làm lễ chào cờ vào mỗi sáng thứ hai. Mình thì run trước đám con gái đứng phía trước nên phải hét to để áp đảo sự sợ hãi khiến Nguyễn Mơ hay trốn chào cờ đứng dưới đường ở quán bà Cai vào lớp la mình. Tên Mơ này em của Nguyễn Ước, hai anh em này hay đá banh với Sơn ngoài sân vận động năm lớp 11, nhà ở ấp Cô Giang, không biết giờ lưu lạc phương nào. Lớp 12 mình không đi đá banh nữa vì mấy tên hay đá banh với mình đều đi lính hết. Sơn vào thung lũng tình yêu bơi mỗi ngày với Nguyên. Một năm từ New York xuống thăm gia đình thầy ở D.C. Lúc đưa Sơn ra phi trường, thầy bảo là buồn khi tiễn người ra đi. Không ngờ đó là lần chót mình gặp lại thầy. Có lẽ bây giờ nhìn đàn con Văn Học sum họp vui vẻ, chắc thầy cũng ngậm cười nơi chín suối.

Cô Vi Khuê thì không nhớ có gặp ở VN. Sau này qua Mỹ mới gặp cô thường. Cô nấu ăn rất ngon. Cô chỉ Sơn cách kho cá, sau này lập gia đình kho kiểu cô dạy, vợ thích lắm. Cô cũng kể nhiều chuyện tếu về Huế. Chỉ biết cô quen với bà cụ mình khi mới từ Huế vào. Cô có tặng tập thơ Cát Vàng mà Tam Anh có phổ nhạc vài bài thơ. Mình thích hát bài Hoang Vu trước khi đời mình chưa bị lãnh đạo và quản lý bởi đồng chí vợ. Mình thích hát bản này với âm hưởng Huế do Phan Ni Tấn phổ nhạc. Sau này mình có nghe vài người hát bài giọng Bắc nhưng mình không cảm nhận được như khi nghe Tam Anh hát lần đầu. Lần chót mình gặp cô khi cô sang Cali ra mắt sách.

Qua đèo nay nhớ trấn xưa
Hoang vu đồi hạ đôi bờ cỏ may
Từ bên ấy sang bên này
Con sông vẽ một nét mày bắc ngang

Em về bên ấy sao đang
Tôi thương cổ thụ đôi hàng lệ xưa
Cồn hoang dã, bến lau thưa
Trơ thân cỏ dại nằm chờ nước sông

Cửa trời đã khép đôi khung
Suy tư bước nhỏ ngại ngùng chân em
Dòng ơi, sông nước êm đềm
Trả hoang vu, lại cho mình hoang vu

Tưởng Văn Học đã bị chôn vào dĩ vãng, không ngờ nhóm điều hợp gồm Huyền Ma Soeur, anh Đình Hùng và chị Kim Hiền vẫn kiên trì làm sống lại Văn Học xưa. Các anh chị liên lạc với mọi người, thắp cao ngọn đuốc để các học sinh Văn Học ngày tháng cũ lạc loài trong đêm tìm về Mái Ấm Văn Học. Về tìm lại chút dư âm, tiếng cười của ngày xưa còn bé để giúp nhau hàn gắn lại những vết thương, những hệ luỵ của cuộc đời trong suốt 40 năm qua. Có lẽ hôm nay, công danh phú quý rồi cũng thuộc về dĩ vãng, chúng ta cũng gần đến tuổi xem tất cả là vô thuờng. Đến với cuộc đời với hai bàn tay trắng thì khi ra đi, về với cát bụi cũng không mang theo được gì. Chúng ta như con cá hồi bơi ngược dòng sông thời gian, trở về với con suối tuổi thơ để tìm lại cánh buồm khát vọng của tuổi mộng mơ. Chúng ta về tìm lại tình bạn chân thành, ấp ủ tạo dựng những kỷ niệm nho nhỏ để hôm nay và ngày mai còn chút gì để nhớ, để thương. Ngày xưa chị Hường hát "tóc mai sợi vắn sợi dài,..về nhà mẹ dạy câu ca, đem ra cho nhau nghe nhé..." hôm nay mình "tóc râm sợi mất sợi còn, về nhà vợ dạy ra sao, đem ra kể cho nhau nghe nhé..."

Sơn viết ra đây để tỏ lòng cám ơn của mình đối với các thầy cô. Nhìn lại 40 năm đi qua, những lời thầy cô nói vẫn theo đuổi mình như tiếng gọi lương tâm, những tư tưởng trong hố thẳm đã giúp mình vượt lên những vướng mắc của cuộc đời. Lấy chữ Tâm làm đầu, lúc nào cũng Philo + Sophos, làm bạn với các hiền sĩ, những thiên sứ đã gặp và giúp đỡ Sơn từ ngày rời VN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét