Mù chữ

Nguyễn Hoàng Sơn

Mình hay thắc mắc về lý do văn chương Việt Nam ít được người ngoại quốc biết đến, được dịch ra tiếng nước ngoài ngoại trừ "Truyện Kiều" và "Cung Oán Ngâm Khúc" do bác Huỳnh Sanh Thông dịch khi còn sống. Có thể văn chương Việt Nam quá thấp kém, chưa có ai thể hiện được dân trí lớn của người Việt? Sau 75 có truyện của các nhà văn như Duyên Anh, Dương Thu Dương, Nguyễn Huy Thiệp được dịch qua Pháp ngữ nhưng không gây tiếng vang. Nghe nói có hai mẹ con ở Úc Đại Lợi đang dịch cuốn "Nỗi buồn Chiến Tranh" của Bảo Ninh.

Xét lại lịch sử của Việt Nam, tổ tiên ta làm nô lệ cho người Tầu đến năm 939 mới dành được độc lập, coi như trong suốt gần 10 thế kỷ dân ta bị mù chữ. Khi dành độc lập rồi thì có một thiểu số biết chữ hay nói cách khác là biết đọc và viết chữ Hán. Nghe kể các sứ thần được vua Việt Nam gửi sang Tầu, chỉ viết chớ không biết nói khi gặp vua hay quan tướng Tầu,...

Các nhà biết chữ, có thể họ làm thơ bằng chữ Hán, một từ ngữ, ngôn ngữ đã chết vì ít ai sử dụng. Tương tự ở Âu châu, khi xưa người ta dùng tiếng La Tinh để viết thư ngoại giao, giảng dạy trong các đại học. Ở Paris có nơi được gọi là khu La Tinh (quartier latin) vì có nhiều đại học và dạo ấy sinh viên từ nhiều nước hay vùng của nước Pháp đến học, dạo ấy dân mỗi vùng của Pháp nói thổ ngữ địa phương (Patois), chỉ có thể đàm đạo qua ngôn ngữ này nên dân cư của thành phố gọi là khu La tinh vì đi vào khu ấy nghe tiếng La tinh.

Người Pháp khi xưa học bằng tiếng La Tinh nên những người có học, có kiến thức, hiểu biết các điển tích về các vị thần Hy Lạp hay La Mã mà người ta hay gọi nền văn minh La-Hy. Người Pháp dạo đó, biết đọc chữ La Tinh tuy có văn hoá, biết chữ nhưng về văn chương thì họ bị mù loà. Họ không thể viết văn hay làm thơ, nhạc bằng ngôn ngữ sử dụng hàng ngày là tiếng Pháp hay thổ ngữ (patois) của họ khi tâm tình với người thân.

Khi xưa nhà thờ công giáo làm lễ bằng tiếng La Tinh đến thế kỷ trước mới thay đổi. Mình nhớ có đi lễ tại một nhà thờ bên Pháp nhiều lần, chuyên giảng bằng tiếng La Tinh của một giòng tu nào mà lâu quá quên tên, ông cha giảng bằng tiếng La Tinh thêm mấy bài thánh ca, ca đoàn hát nhạc Gregorian bằng tiếng La Tinh nên mình cũng bó tay chấm còm nhưng mình mê nghe nhạc Gregorian lâu lâu hay ghé lại nhà thờ để nghe ca đoàn hát còn cha giảng cha nghe. Khi các người thừa sai sang Việt Nam để truyền giáo thì họ phải tìm cách dịch kinh thánh ra tiếng Việt, do đó mà ông Alexandre de Rhodes, mới tạo ra chữ quốc ngữ, giúp truyền bá Thiên Chúa Giáo một cách nhanh chóng hơn tại các nước Trung Quốc hay Nhật Bản,...

Tại Việt Nam, những người biết chút ít chữ Hán, để thảo văn thư hay làm sổ sách như câu chuyện ông Lê Quý Đôn đến nhà người quen, thấy cuốn sổ ghi chép buôn bán. Chắc dạo đó ít sách vở nên ông ta lấy đọc, có thể đọc tới đọc lui trong khi chờ đợi chủ nhà về nên khi nhà của người ông đến thăm hôm trước bị cháy thì ông Lê Quí Đôn nhớ nên viết lại sổ sách. Sau này có một thời gian ngắn, người Việt dùng chữ Nôm nên mới có Truyện Kiều và Cung Oán Ngâm Khúc, nếu không thì Việt Nam ngày nay chắc chả có gì để học. Có thể các học giả khi xưa có làm thơ bằng chữ Hán, có thể không hay, hoặc thất lạc hay kỹ thuật in ấn còn thô sơ, phải chép tay,...

Mình thấy thơ Việt Nam đa số dùng thể lục bát để dễ nhớ và truyền bá mà người ta còn gọi là văn chương truyền khẩu hay các bài ca quan họ. Cái may mắn cho Việt Nam là nhờ chữ quốc ngữ mà sau 1954, các nhà thơ du học ở Tây về như Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn, Cung Trầm Tưởng,..đã làm được nhiều áng thơ nhớ đời hay những bài thơ của Hàn Mặc Tử, Huy Cận nói về tình yêu,... Nếu không có chữ quốc ngữ thì có lẽ Hoài Thanh chẳng bao giờ có cơ hội viết cuốn Thi Ca Việt Nam.

Giả dụ không có chữ quốc ngữ thì những nhà thơ mới của Việt Nam chắc chắn sẽ làm thơ bằng tiếng Pháp hay Tiếng Tầu nhưng sẽ không có những tuyệt tác để lại cho hậu thế. Ông Lê Trạch Lựu, tác giả bài Em Tôi khi du học ở Paris, trong phòng có Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Sa đang làm thơ nên ông cầm đàn rồi nảy ý, sáng tác bài "Em Tôi" để nhớ lại một cô gái khi xưa, quen khi đi hướng đạo ở Việt Nam. Các sinh viên Việt Nam này đang sinh sống tại Paris nhưng lại làm thơ bằng tiếng Việt. Họ sử dụng được tiếng Việt nên họ không bị mù chữ về văn hoá Việt như khi phải bắt buộc dùng tiếng Pháp, lý do khi sử dụng tiếng Pháp, họ phải đóng vai một người ngoại quốc, cố gắng đi vào tâm khảm của người ngoại quốc để diễn đạt theo hệ thống tư tưởng của nước sở tại.

Ông Trần Mạnh Hảo, ông Nguyễn Mạnh Tường,.., đậu nhiều bằng cấp ở Pháp về nhưng chả để lại những biên khảo, nghiên cứu có giá trị, lưu cho hậu thế. May là mấy du học sinh khác không trở về miền Bắc như mấy người kể trên, nên ngày nay ta mới có những bài thơ bất hủ của Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn, Cung Trầm Tưởng,...

Người Triều Tiên, khi xưa đã có một hệ thống văn tự, chữ viết riêng nên đã có những sáng tác văn chương khá nổi tiếng nhưng đến đời nhà Tống thì các du học sinh, sang Tầu đem về những áng thơ của Tô đông Pha,...khiến các văn sĩ bắt chước học chữ Hán, xem thường tiếng mẹ đẻ theo tinh thần Nôm na là cha mách qué. Dần dà trong mấy trăm năm, chả có sáng tác gì để lại cho hậu thế. Sau này họ may mắn nhận thức được sai lầm này và đã thúc đẫy học chữ của xứ Triều Tiên lại và sáng lập thêm nhiều chữ viết.

Mình may mắn bị tiếng sét ái tình khi thăm viếng Hoa Kỳ lần đầu vì nếu không thì ngày nay cũng chả biết gì về văn hoá Việt Nam. CTA giới thiệu mình một cô sinh viên gốc Việt rồi cả hai đứa bị coup de foudre. Tiếng Anh của mình dạo ấy cũng tạm tạm vì mới đi làm ở London có một năm nên khi gặp nhau cả hai đều nói tiếng việt. Sau này hai đứa viết thư cho nhau bằng tiếng Việt, ngày nào cũng viết, viết ngày chưa đủ tranh thủ viết đêm rồi làm thơ, phổ nhạc bú xua la mua. Có lẽ tiếng mẹ đẻ mới nói lên, diễn đạt được cảm xúc của con tim. Mình vào thư viện, mượn sách báo việt ngữ để đọc; cuốn sách về thi ca Việt Nam của Hoài Thanh, mình chơi một lèo một tuần là xong với thơ của Hàn Mặc tử, Nguyễn Bính,...

Mình bắt đầu hiểu tại sao ông Nguyên Sa, ông Hoàng Anh Tuấn, Cung Trầm Tưởng..là dân Tây học nhưng con tim của họ chỉ có thể thổn thức, chỉ có thể ghi lại bằng tiếng mẹ đẻ. Hiểu biết văn chương Việt của mình rất giới hạn, cô sinh viên còn kém hơn vì sang Mỹ năm 75 khi mới 13 tuổi nhưng cô nàng cũng chịu khó viết thơ bằng tiếng Việt. Chỉ tiếc là khi đi lấy vợ, mình bỏ thùng rác hết. Cô nàng kể có dạo bồ với mấy tên gốc Việt Nam, khi đi chơi với nhau thì họ nói tiếng Anh với nhau, còn khi gặp mình cô ta thèm nói tiếng Việt.

Ra hải ngoại, lâu lâu bắt gặp một cô gái bận chiếc áo dài Việt Nam thì mình mới ngộ được " Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát bởi vì em mặc áo lụa Hà đông,..", không khỏi bâng khuâng nhớ đến những cô gái khi xưa, mình yêu thầm trộm nhớ "em ở đâu hỡi người em tóc ngắn..". Bài thơ này cũng nói lên nổi khắc khoải của Nguyên Sa nhớ về quê cũ. Xa Đà Lạt trên 40 năm, mình mới hiểu tâm trạng của ông Hoàng Anh Tuấn nhớ về Hà Nội, nơi ông sinh trưởng: “Hà nội yêu, anh vẫn yêu muốn khóc Mấy chục năm, xa đến mấy ngàn năm Giã từ em – mười bẩy tuổi – một lần Thu rất mỏng, mưa hững hờ đẫm lá...

TCS có làm bài hát: “ tình yêu như trái phá, con tim mù loà,..” Con tim có thể mù loà nhưng khi yêu người ta không mù chữ vì người ta không phải đóng kịch, họ để con tim của họ thổn thức theo vần điệu của tình cảm, tạo ra những áng thơ. Hàn Mạc Tử nhận được tấm ảnh của một cô gái ở Vỹ Dạ, đứng dưới cây cau thì ông ta đã hỏi "Sao anh không về thăm thôn Vỹ, có nắng hàng cau nắng mới lên... Vỹ Dạ là một địa danh mà ông ta chưa bao giờ đặt chân đến nhưng vì nhớ nhung cô gái mà ông ta đã làm nên bài thơ. Mình có ghé thăm Vỹ Dạ nhưng chả thấy cây cau nào, Có lẽ ngày nay người ta không ăn trầu nên họ đốn hết cây cau.

Trong cuốn" Vietnamese tradition on trial 1920-1945", ông David Marr cho biết vào thời gian 1920, có 5% dân Việt Nam là biết chữ nhưng 10 năm sau thì khá hơn, lên đến 10%. Với số người rất ít biết chữ thì khó có thể có những sáng tác cao để lại cho hậu thế vả lại việc in ấn thời ấy cũng khó mà người biết chữ lại ít. Đọc trên diễn đàn của Văn Học thì thấy đa số làm thơ hơn là viết. Thơ nói lên những tình cảm, thổn thức của con tim còn viết thì nói lên những khắc khoải của cái đầu. Có lẽ người ta bị ảnh hưởng của Nguyễn Du: “cái Tâm kia mới bằng 3 cái Tài”. Làm thơ khá gấp 3 lần viết chăng? Theo giáo sư Eric Havelock, tác giả của Tư Tưởng Tây Phương (Western thought) cho rằng nền triết học Hy Lạp được tạo dựng nhờ đã biến thi ca truyền khẩu do những thi nhân như Homer, đã dựa theo để viết những tập thi ca bất hủ như Illiad, Ulyssus,...thành dạng văn tự hoàn chỉnh hay còn gọi là văn chương bác học, để từ từ tạo dựng nên hệ thống tư tưởng mà ngày nay người tây phương vẫn dùng các tư tưởng của Plato, Socractes,...và các nhà tư tưởng sau này đã cập nhật hoá cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Các nước như Trung Quốc, Hy Lạp, La Mã, Á Rập, Ấn Độ,.., nhờ có chữ viết sớm nên đã kết hợp được những tư tưởng triết học như Lão Trang, Khổng Mạnh,.. Nhờ Hán Tự mà Hán Tộc đã cai trị được các bộ tộc khác, có lãnh thổ rộng lớn hơn, ngay cả người Mông Cổ đã chinh phục họ.

Việt Nam không có một nền văn tự riêng trong mấy ngàn năm dựng nước đến khi người Pháp đô hộ mới có có chữ quốc ngữ và được phổ thông, đại chúng hoá sau 1954, cho nên không có những tư tưởng lớn, triết lý. Có người cứ nhai đi nhai lại thuyết Lý Trần (Lý Đông A, viết theo chữ Hán Đông A đứng cạnh nhau thành chữ Trần). Văn chương Việt Nam vẫn còn ở trạng thái truyền khẩu. Truyện Kiều được nhắc đến vì dễ đọc, dễ nhớ chỉ tải ý tưởng Chữ Tài và Chữ Mệnh là đối ngược khiến người việt rất sợ nếu con mình tài giỏi vì sợ con chết yểu trong khi các nước trên thế giới tìm mọi cách để giúp con người tài giỏi thêm, có lẽ vì vậy người ngoại quốc không đón nhận Truyện Kiều.

Người việt mình thích làm thơ vì dễ cảm nhận, thể loại văn chương truyền khẩu chỉ truyền đạt những cảm xúc, không thể truyền đạt những duy lí, tư tưởng của tác giả cho nên văn chương Việt Nam vẫn còn bị mù loà thì khó có thể có những tác phẩm được người ngoại quốc biết đến. Dạo mình mới sang Pháp thì thấy sinh viên Tây, không đánh lộn khi không đồng ý với người khác, không có loại văn hoá bạo động như ở Việt Nam, cứ không đồng ý là đập nhau vì chúng ta không có một hệ thống văn tự để truyền đạt tư tưởng, tranh luận nên chỉ biết dùng văn chương võ biền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét