Ký ức lưu vong



Có lần thằng con nói: mình không giống như cha của tụi bạn gốc mít của nó. Mình hỏi sao nó nghĩ vậy thì thằng con cho hay cách đối xử của mình khá cấp tiến so với cha mẹ của mấy đứa bạn. Mình nói có lẽ bố, sinh sống bên Âu Châu trên 12 năm, trước khi sang Mỹ nên đầu óc hơi khác với những người đi định cư từ Việt Nam thẳng đến Hoa Kỳ.

Nhận xét của thằng con khiến mình suy nghĩ, tìm hiểu về bản thể, căn cước của mình. Một kẻ lưu vong, tha phương cầu thực tại nhiều quốc gia trước khi lập nghiệp tại Hoa Kỳ. Nói như Homer, cuộc đời của một kẻ lưu vong như Ulyssus là một bi kịch vì không có ai muốn, tự chọn cuộc đời lưu vong. Đối với mình thì cuộc đời lưu vong là một điều may mắn, nhất là học về ngành kiến trúc, nghệ thuật.
Lưu vong là phiêu lưu. Phiêu lưu vào một nước khác, một nền văn hoá mới, một ngôn ngữ mới, một cảm xúc khác, một suy nghĩ khác, một tư duy khác,... May mắn vì dạo đó mình còn trẻ, như cái giá vẽ còn nguyên trắng, chưa bị các nét cọ, bay lượn những màu mè, định kiến, được nhét vào ký ức. Khi đến Pháp, mình như kẻ khát đi trong sa mạc, gặp một giếng nước văn hoá nên tìm tòi, uống nước từ dòng sông văn hoá Pháp, học hỏi dân bản xứ, tìm đọc những áng văn mà khi xưa từng được nghe ai nói đến.

Dạo còn sinh viên, mỗi hè mình đeo ba lô, quá giang xe, đi khắp Âu Châu, vẽ tranh bán kiếm tiền độ nhật. Những chuyến đi kiểu Sơn ba lô này như những cuộc phiêu lưu qua các nền văn hoá, khá đột suất vì mình chỉ đến và đi như cơn mưa rào nhưng cũng để lại cho mình nhiều dấu ấn, kỷ niệm của tuổi trẻ nên sau này mình cho thằng con đi Âu Châu, Nhật vào hè. Con gái mình viết tiểu luận nộp đơn vào đại học khiến mình chới với. Nó muốn sống cuộc đời như mình đã sống, đi du lịch nhiều nơi, nói nhiều ngoại ngữ. Nó học đại học 4 năm, sống tại 4 quốc gia và đi viếng 14 nước. Nay lâu lâu cho mướn căn phòng của nó ở New York để bay đi âu châu chơi một tuần hay hai tuần vẫn làm việc qua Internet.

Một may mắn khác là mình chọn học môn kiến trúc, nên được phiêu lưu, bơi lội trong vùng sáng tạo vô biên. Người sáng tạo phải cần đứng ở vị trí, có khoảng cách với tập thể để có một cái nhìn chung của xã hội, cộng đồng để sáng tạo ra những cái gì cho tương lai với kỹ thuật tân tiến. Sống xa gia đình nhưng nhờ được phiêu lưu, bơi lội trong những nền văn hoá khác, môi trường khác, khát khao tìm hiểu cuộc đời, nghệ thuật,.. nên cũng bớt cảm thấy lẻ loi hay cô đơn.

Khi ra trường, nhất là khi hai người em vượt biển sang định cư tại Pháp thì bỗng nhiên mình cảm thấy như bị lôi cuốn về dòng sông văn hoá Việt. Trước đó, ít khi gặp người gốc Việt nên ít nói tiếng Việt nên đầu óc mình bắt đầu suy nghĩ theo ngôn ngữ của nước sở tại. Mình lại ngỡ ngàng khi nghe mấy người em dùng những chữ xa lạ, hậu 75 làm mình càng hoang mang, tưởng đã đánh mất bản sắc Việt của mình.

Cuộc phiêu lưu của mình bị ì ạch, trì chậm lại như thể kéo theo nền văn hoá gốc Việt mà mình chưa am tường vì rời Việt Nam quá sớm. Mình bắt đầu nhận ra sự khác biệt của mình và mấy người bạn Tây đầm. Sự dị biệt của màu da. Cái di sản mà bao năm nay từ khi sang Tây, mình không để ý bỗng chốc kéo về mà mình không thể nào cắt bỏ để lại sau lưng. Vì nếu bỏ thì mình bỏ đi một phần của chính mình, một phần của bản sắc của mình. Như ai đã nói " mình là những gì mình nhớ". Ra đường tuy có quốc tịch Pháp nhưng Tây đầm vẫn hỏi mình là người gì. Mình không thể dứt bỏ được bản sắc Việt của mình.

Nhưng mình lại mù tịt về văn hoá Việt, lịch sử Việt,...nên phải tìm sách báo Việt ngữ để đọc, hiểu thêm về Việt Nam. Bắt đầu tham gia vào các sinh hoạt của cộng đồng người Việt nơi mình cư ngụ như Ý, Thuỵ Sĩ, Anh quốc hay New York.
Bi kịch của kẻ lưu vong như Homer đã kể trong Ulyssus, khi ông ta tìm về cố hương thì cảm thấy xa lạ tương tự như Lưu Nguyễn về lại quê xưa. Bao nhiêu năm, khắc khoải để trở về, ngủ trong mái nhà xưa ở Đà Lạt thì mình nhận thấy trống vắng, rất xa lạ với những cảnh cũ. Những món ăn mà mình thèm khi còn bé nay làm mình lo ngại, sợ bị đau bụng. Quang cảnh khi xưa, nay mình thấy rất dơ bẩn, ruồi bu. Những hình ảnh mà mình ấp ủ từ lúc ra đi từ 20 năm qua, nay thấy tầm thường. Hóa ra sau 20 năm, mình đã keo nhiều lăng kính văn hoá khác nhau như Pháp, Thuỵ Sĩ, Ý Đại Lợi, Anh quốc và Mỹ để nhìn hiện thực của Việt Nam ngày trở lại. Nhớ có lần nói chuyện với bố cô bạn ở Pháp, ông ta gốc Hy Lạp, nói là lần đầu tiên ông ta trở lại Hy Lạp thì rất là thất vọng vì quen sinh sống đời sống tại Pháp nên cảm thấy quê cha đất tổ nghèo nàn, mất vệ sinh,… Thật ra mình muốn tìm lại quê hương trong ký ức, hay đúng hơn, quê hương là ký ức.

Trong phim 1900 của đạo diễn Bernardo Bertolucci, nói về hai người bạn một thời, lớn lên đi hai ngã rồi khi về già, gặp nhau lại, Gerarld Depardieu nói là mình muốn thay đổi cuộc đời nhưng không ngờ cuộc đời đã thay đổi mình. Ngày nay, mình đã thay đổi, đeo một lăng kính khác với tuổi đời trưởng thành tại hải ngoại như một cái cây được bứng khỏi Việt Nam để rồi trồng ở Mỹ với phong thổ, kỹ thuật cách trồng trọt khác nhau. Có lẻ vì vậy mà thằng con kêu mình khác biệt.

Một người lưu vong được gọi Franco-Vietnamien nếu ở Pháp hay Vietnamese-American ở Hoa Kỳ. Cái gạch nối giữa cụm từ Franco và Vietnamien hay giữa Vietnamese và American nói lên vị trí, hoàn cảnh của người Việt lưu vong, đứng trong không gian giữa hai nền Văn hoá Việt và của nước sở tại. Người Việt lưu vong đóng vai một người khách trú như người Minh Hương khi xưa lưu lạc đến Việt Nam. Họ nói tiếng của nước sở tại với giọng Khách Trú Made in Vietnam, đứng mé mé bên lề của nền văn hoá sở tại. Họ không hoàn toàn bơi lội trong nền văn hoá sở tại, vẫn bị những ràng buộc của văn hoá của quê hương, nơi đã sinh ra và lớn lên níu kéo lại vì muốn làm người Hán tốt (hảo hớn).
Lập gia đình rồi định cư tại Hoa Kỳ, mình lại khám phá ra không phải một mà có nhiều cái gạch nối văn hoá khác với căn cước của mình. Mình từng sống tại Pháp, Ý, Thuỵ Sĩ, Anh quốc, vùng Đông Bắc Hoa Kỳ nên đeo thêm nhiều lăng kính của nhiều văn hoá khác nhau. Thay vì Vietnamese-American như vợ mình thì lại có những gạch nối như Vietnamese- French-Italian-Anglo ..., mà những di sản văn hoá này mình không thể từ bỏ được.

Hôm trước, trong xe cô con gái hỏi sao mình hay nghe nhạc Tây, Ý, Đức, Tây ban nha,..., mình chỉ biết trả lời đó là những bài mà trong quá khứ, mình đã cảm nhận được trong một không gian và thời gian, để lại cho mình nhiều dấu ấn và kỷ niệm. Mình vẫn liên lạc qua điện thư đám bạn khi xưa ở Âu Châu, đọc sách báo Âu Châu để tìm chút gì sưởi ấm bản sắc của mình tương tự như đọc tin tức về xã hội Việt Nam hiện tại. Đồng chí gái thích nghe và hát nhạc Việt Nam trước 75 nhưng mình tuyệt nhiên chỉ thích nghe nhạc pháp, Ý Đại Lợi hay Tây ban nha. Có lẻ vì tuổi trẻ mình có nhiều kỷ niệm khi sinh sống tại Pháp, Ý Đại Lợi, Tây Ban Nha, Anh quốc nên thích nghe lại nhạc của mấy xứ này đẻ tìm lại chút hương xưa.

Đã lưu vong thì con người cảm thấy như mất cảm giác: thuộc về một cái gì vì trong thâm tâm, mình vẫn biết vĩnh viễn sẽ không phải là người Mỹ chính gốc nhưng khi về lại Pháp hay cố hương, nói rõ hơn là Đà Lạt thì mình cảm thấy bơ vơ nơi sinh và lớn lên vì người bản địa nhìn mình như một Việt Kiều, cách ăn cách nói của mình khác, dùng từ vựng của Việt Nam Cộng Hoà. Ngày nay mình mới hiểu cái bi kịch Hy Lạp mà tác giả Homer đã nói khi mình học ở trung học. Bi kịch của một kẻ lưu vong, lững lờ giữa hai luồng Văn Hoá, không biết đâu là nhà.

Tháng 10 vừa qua, mình về Âu châu thăm thân hữu. Mình để ý gặp bạn Tây đầm thì họ vẫn xem mình như ngày nào, nói tiếng Tây với mình còn gặp bạn gốc mít thì nói chuyện vẫn có chêm tiếng Tây hay tiếng Ý. Khá vui. Có vợ anh bạn kêu ngày mai, sau collazione (điểm tâm) thì gặp nhau ở đâu? Hát hò cũng tiếng ý như để nhớ lại một thời sinh viên. Còn bên Tây thì cô em cũng dùng tiếng pháp với mình khá nhiều. Mấy mình hiểu tiếng sở tại nếu không lại đưa cái mặt ngu như bò ra. Gặp lại các bạn Yersin thì ký ức thời Đà Lạt lại trở về.

Có lẽ vì vậy, nhiều người lưu vong, muốn con mình sinh ra tại đất Mỹ, được dạy dỗ như Mỹ, không nói tiếng Việt ở nhà, muốn trở thành người Mỹ thuần tuý. Thằng con mình khi nạp đơn vào đại học, có viết tiểu luận về cái đàn bầu mà cháu học khi xưa cùng với vĩ cầm, guitar, trumpet. Cháu kể là lần đầu tiên, khi nghe tiếng đàn bầu thì cháu nhận ra ngay âm thanh ấy, có gì quen thuộc nhưng không hiểu từ đâu nên tập đàn bầu đến khi khẩy đúng nốt nhạc, âm điệu đó thì cháu khám phá nguồn cội Việt, nằm trong cháu tự bao giờ. Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn