Hàng quán Đà-lạt



Trong chuyến đi này, có lẽ tô phở Kết ở Đèo Chuối để lại cho mình nhiều ấn tượng nhất. Sau 18 tiếng bay thêm 5 tiếng lắc lư trên xe van, được ăn tô phở tái vào 4 giờ sáng thì ngon tuyệt. Hình như chủ quán là Bắc kỳ 75. Anh bạn học tên Tài, đón mình ở phi trường Tân Sân Nhất vào lúc 11:30 đêm khi máy bay đến từ Nhật Bản. Xe chở thằng lên Đà Lạt, hai thằng nói chuyện qua đêm. Sáng sớm, độ 4 giờ sáng lên đến đèo chuối, ghé vào văn phở cho anh tài xế lên tinh thần.

Khi đến nhà nghe ông cụ than là dạo này yếu lắm, đi không nổi. Mình rủ đi ăn phở Cường ở đường Thi Sách thì thấy ông cụ đi băng băng như bộ đội vượt Trường Sơn. Sáng hôm sau đi ăn bún bò Huế do con dâu của thầy TMĐ nấu. Cái hay là họ không bán cả ngày, chỉ làm nồi phở hay bún, bán hết là dẹp tiệm nghỉ. Hình như họ bán chỉ đủ sống chớ không buôn bán như các tiệm ăn ở Bolsa. Như phở Cường thì có hai vợ chồng đứng bán hay cô dâu của thầy Đức, một thân một mình, vừa bán vừa chạy bàn. Mình có mời thầy đến dự hội ngộ với học trò Văn học cũ nhưng không thấy xuất hiện.

Hôm sau cô em ở gần trường Bùi Thị Xuân, mua xôi bắp của quán Nga, đem qua cho anh ăn. Chỉ tiếc là đồng chí gái không có ở đây vì mụ vợ thích ăn bắp dẻo mà chợ đại Hàn bán $1.00/ trái. Món xôi này họ nấu với bắp dẻo chớ không dùng bắp Mỹ như ở khu Bolsa. Ăn bùi bùi nên mấy hôm nay mình cứ ăn xôi bắp, tranh thủ ăn ngày ăn đêm. Chỉ tiếc là ngày nay họ dùng giấy nylon để đựng xôi và mấy giấy văn phòng gói lại thay vì lá chuối như xưa. Nói đến xôi thì hôm lễ kim cương của ông bà cụ, nhà thầu họ đến nhà, dựng rạp che nắng mưa, nấu đồ ăn, dọn cho thực khách như kiểu catering bên Mỹ thì được ăn lần đầu tiên món xôi hạt sen, với thịt chà bông và hành phi. Nhức nhối không thể tả.

Nghe mình kể, có một cô bạn kêu lên nhà ăn, nấu xôi hạt sen ăn ngon hơn ở Việt Nam nhưng sau vài lần ăn món này thì mình cũng ớn nhất là biết sẽ bị mập nên ngưng.

Hôm trước mình có kể những gánh hàng rong ngày xưa. Có hôm thấy ở ngã ba Cẩm Đô và Hai Bà Trưng một ông chạy xe Honda, chở cái thùng phía sau, mở cái loa kêu bán cái gì không nghe rõ sau đó là nhạc Techno, chỉ có dân địa phương thì mới biết ông ta rao gì. Nghe NĐH kể là ông bán đậu phụng rang khi xưa, bận bộ đồ trắng, ở sau lưng nhà hắn thì ngày nay người con tiếp nối sự nghiệp của gia đình nhưng chất lượng không bằng khi xưa. 

Hôm qua, ngồi trong nhà đang trò chuyện với bà cụ thì nghe ai la hét ngoài đường, bà cụ bảo họ đi rao bán bánh mì. Họ dùng loa để chào hàng thay vì phải gân cổ rao như ngày xưa. Hôm nào nghe lại, mình sẽ chạy ra xem có phải hậu duệ của ông bán bánh mì của lò ở Phan Đình Phùng gần khách sạn Mimosa. Mình có thấy một bà bán đậu hủ nóng, vẫn gánh cái chum như xưa và một bên của quang gióng thì có cái tủ gỗ được sơn màu xanh da trời, đựng chén, thùng nước để rửa chén. Mình vẫn thấy bà ta gánh trên đôi vai gầy sức sống của một gia đình, của sức chịu đựng của một phụ nữ Việt Nam, hình bóng của người mẹ anh hùng.

Hôm đi uống cà phê với nhóm Văn Học, họ rủ đi ăn bánh căn ở Xuân An, hôm sau mấy người em rủ đi ăn ở quán Lệ. Khách ra vào như đi chợ, mấy người em kể là từ cái quán cốc mà nay họ xây lên nhà hai tầng. Giá 5 cặp có thịt băm là 20,000 đồng, trứng chim cút hay hột vịt thì 16,000 đồng còn bánh không thì 14,000. Mình tính ra thì họ lời độ $70/ ngày hay độ $2,000/ tháng. Hai đứa con của cặp vợ chồng này ra phụ bố mẹ đâu 7 tuổi và 10 tuổi làm mình nhớ đến khi xưa, những ngày ra phụ dọn hàng cho bà cụ.

Có người hỏi tại sao bánh căn là viết "căn" hay "căng". Theo mình biết là món này phát xuất từ Phan Rang, quê hương của người Chăm, có tháp Chàm. Có lẻ vì vậy người dân gọi là bánh Chăm, bánh của người Chăm rồi từ từ biến đổi thành bánh "căn" thì đúng hơn. Xem cái lò của họ là hình tròn bằng đất, mình có thấy ở Nam Dương khi sang đó ăn cưới tên bạn luật sư, lấy con của bộ trưởng xứ này. Hình thù này chỉ thấy ở các nước đông nam á theo đạo hồi. Viết Căn đúng hơn là Căng. Ai biết thêm chi tiết về món này xin cho biết. Thật ra ăn bánh này hai lần là ớn rồi, cho nên “cô bé trời bắt chảnh” đừng lo ngại. Đủ đô của 41 năm.

Sáng nay đi tập dưỡng sinh về thì bà cụ ghé lại một cái quán bên đường để mua mì quảng mang về. Gặp một cặp vợ chồng trẻ đứng nấu bán.

Họ vẫn dùng lò than như ngày xưa thay vì bếp ga. Hỏi ra thì cặp này chưa cưới nhau, anh chàng kể là học đại học hai môn ra trường có hai bằng, không có việc làm nên mướn mặt bằng, bán mì quảng và bún cá. Cô nàng thì nói giọng Hà Tĩnh, vô Đà Lạt sinh sống trong khi mình thấy anh bạn trai rữa rau rồi đổ nước dơ trên đường, nói lên cai nét đặc thù văn hoá của người mình. Hôm trước đến hồ Tuyền Lâm, ngồi nơi cái chòi thì thấy chòi bên cạnh, quăng cái tả dơ xuống hồ sau khi thay tả cho thằng con.

Nhớ dạo mới về lần đầu, bà cụ kêu cô em chạy đi mua đồ ăn cho mình, dặn mua hai suất vì dạo đó mình ăn như Mỹ nay thì bớt lại. Nếu tính ra thì đồ ăn Việt Nam đắt hơn ở Cali vì một tô phở ở Mỹ bằng 3 tô ở Việt Nam.

Nếu ăn ở tiệm cao cấp thì tốn độ $2, 3/ tô trong khi ăn phở ở Cali khuyến mại 50% thì chỉ trả độ $4.50/ tô. Vừa làm xong tô mỳ quảng thật ra hai tô tiêu chuẩn VN vì bà cụ mua gấp đôi, lại thấy bà cụ xách vào bánh hỏi thịt nướng và bún thịt nướng, lại bắt ăn thế là mình chơi luôn một suất bánh hỏi thịt nướng, mùi vị rất thơm, nghe nói nướng bằng lò than. Bà cụ vui khi thấy mình ăn nên cố ăn cho mẹ vui vì sau này có muốn tìm lại những giây phút bên mẹ cũng không được.

Ở nhà thì mấy người em rể thay phiên nhau nấu nhiều món độc đáo như củ radis hầm với sườn non. Thấy bà cụ cứ lo mua đồ cho mình ăn lại nhớ đến 41 năm về trước, trước khi đi Tây thì bà cụ cho ăn đủ thứ. Bà cụ nấu chè kê với bánh tráng nướng mà mình thích nhất. Sau này sang Ý thì khám phá ra loại Polenta của họ hay couscous của các xứ Bắc Phi, tương tự như kê của Việt Nam. Hôm qua ăn rau có trái khế và chuối chát mà chưa được ăn lại từ khi rời bỏ Đà lạt. Ở Cali có bán khế mà thấy èo ọt thêm $2, 3/ trái.

Có món gì khác em sẽ báo cáo với các bác, các dì Yersin cùng các bạn Văn Học. Hôm nay em sẽ đi tìm lại và chụp hình căn nhà xưa của sssđ, NĐT bảo là trước nhà có quán bún bò. Nhà tên này ở cạnh hồ Than Thở nên khi xưa, hắn đi ngang đây hàng ngày để xem có bóng hình của Ma Xơ nên nhớ. Mình có chạy ngang nhà hai chị em Phi Liên Sô và Tomorrow Sound thì có nhận ra vì có được mời vào nhà một lần.

À quên cái xóm Bà Thái mà 2 B hay nhắc nay không còn nữa. Chán mớ đời!

Tháng 7, 2015
Nguyễn Hoàng Sơn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét