Giờ này, 40 năm trước

Nguyễn Hoàng Sơn

Nhìn thằng con 15 tuổi đầu, một thân một mình đi sang Âu Châu một tháng mà tỉnh bơ không lo sợ gì cả làm mình nhớ lại lần đầu lên máy bay đi Tây. Cả đời chưa bao giờ bước lên máy bay nên lo lo, sợ sợ, tiếng Anh tiếng u thì cà lăm. Dạo đó mình đi Air France, người cứ như trong rừng mới ra, chả biết đi đâu, cứ you đu sao I đu theo.

Lần đầu tiên trong đời ăn muỗng nĩa, cơm Tây nên chả biết cắt thịt ra sao. Rời Tân Sơn Nhất, bay đâu một tiếng thì đến Vọng Các, rồi đến Teheran, Ba Tư, rồi Tân Đề Li, Ân Độ và cuối cùng thì Paris. Hải quan các nước xem sổ thông hành VNCH của mình thì nó nhìn mình với ánh mắt khinh thường chẳng bù lại sau này có sổ thông hành Cộng đồng Âu Châu nhất là sổ thông hành Mỹ thì hải quan họ không hạch hỏi cười tươi như hoa, ngoại trừ ở VN.

Dạo mới sang Tây, cứ lên xe hơi hay xe buýt là muốn ói, không hiểu lý do dù ở VN mình hay lái xe ông già, chở bạn bè đi chơi. Mình ở nhà ông cậu bà con được một tuần thì mướn một căn phòng gần đó. Mình sang đầu năm nên lỡ khoá học nên tính ở Paris vài tháng rồi hè lên Lille đi học niên khoá tới. Dạo đó người ngoại quốc không được đi làm nếu không có giấy phép "permit de travail" nên mình phải đi làm lậu, lương ít nhưng khá mệt. Đi làm về, 11 giờ đêm, ngồi Métro là ngủ có khi quên thức dậy khi đến trạm ngừng. Dạo đó Métro cũ kỹ thời Bảo Đại còn chưa sinh, không hiện đại như bây giờ, có máy điều hoà không khí, ghế nệm, ánh đèn neon.

Trưa ăn cơm thì chạy ra các Resto U ( Restaurant universitaire) gần sở để ăn. Không phải sinh viên nên kiếm mấy tên sinh viên mít, rồi năn nỉ, mượn thẻ sinh viên của nó để vào mua vé vào ăn. Sau này tụi Tây khám phá ra trò này, hỏi thẻ sinh viên khi vào cửa nên phải nói dối, quên ở nhà,... Nên phải đi xa hơn, mấy chỗ ít xét hỏi thì đồ ăn dở nhưng dạo ấy, đang tuổi ăn nên ăn bú xua la mua. Cứ xin mấy con rệp (Á rập, gốc ma rốc, tunisie,..), đứng múc đồ ăn cho thêm đồ ăn, mua thêm hộp sữa. Lúc đầu, uống sữa tươi của thực dân vô là bị Tào Tháo rượt chạy mút mùa lệ thuỷ, dần dần thì quen.

Sáng 6 giờ dậy đi làm tối 12 giờ đêm về nên chả biết gì về VN, nhận đâu một lá thư của gia đình làm khóc nức nở cả đêm. Trong thư ông cụ kể, di tản gia đình xuống Phan Rang rồi tìm cách về Saigon. Đùng một hôm, chủ nhờ đi taxi, đưa đồ cho ai thì nghe ông tài xế hỏi mình là VN miền nào thì nói miền Nam thì ông ta bảo hôm nay VC chiếm Saigon và có thấy đám thân Cộng ở Paris đến chiếm toà đại sứ VNCH.

Dạo trước 75 thì nước Pháp công nhận VNCH nên có đại sứ còn Bắc Việt chỉ có đại diện thôi. Tài sản của người Pháp ở Hà Nội đều bị tịch thu hết sau năm 1954 như dân miền Nam sau này. Coi như mất tin tức của gia đình từ đó đến hai năm sau khi ông cậu bà con theo nhóm Việt Kiều yêu nước về thăm VN thì mới biết nhà còn sống và ông cụ bị lên án đi cải tạo 18 năm. Sau chuyến đi này thì ông cậu bà con xuống tinh thần lắm, sau này chết khi mình ở Ý. Ông cậu này lấy vợ đầm vào quốc tịch Pháp, Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, theo VC chống miền Nam nhưng năm 73, VNCH vẫn cấp chiếu khán cho về thăm gia đình thì có chứng kiến sự phồng vinh giả tạo của miền Nam cho nên 3 năm sau về lại thì tá hỏa tam tinh khi chứng kiến chính sách ngăn sông cấm chợ của thời bao cấp. Bao nhiêu năm tranh đấu, bỏ học để thấy VN xuống cấp hơn thời VNCH nên mất quan điểm, lập trường giai cấp cách mạng khi xưa.

Trong thời gian mất tin tức gia đình thì mình có đăng báo tìm người thân thì nhận thư của thầy CBA và vài người khác ở Đà Lạt, di tản qua Mỹ và nhờ mình chuyển thư về Đà Lạt cho gia đình họ. Có một ông nào thuộc dạng Số Đỏ, lọt qua đâu tới Ấn Độ, viết thư cầu cứu dân Đà Lạt, hình như dạo đó ban nhạc CBC, cũng lang thang đâu đến xứ này ở gần đó khi đi lưu diễn tương tự các ban nhạc Phi Luật Tân, ngày nay đi hát cho phòng trà ở Hồng Kông, Mã Lai,...Chẳng ai để ý tới là gửi cho mình tiền để mua tem gửi cho gia đình họ. Họ gửi cho mình thì mình phải bỏ bao thư mới và tem để gửi về VN và khi nhận thư từ VN thì mình lại làm bưu điện bất đắc dĩ mua tem bỏ bao thư rồi gửi qua Mỹ.

Lúc mới sang Tây thì mình nhận thấy dân Tây, đi ngoài đường cứ cúi xuống đất như tìm cái gì, không vồn vã. Sau vài lần đạp kít chó thì mới giác ngộ đạo đức cách mạng là dân tây mà mình hay xem phim, dẫn chó đi chơi rất là trưởng giả nhưng lại lười, không đem bao nylon để hốt kít chó. Cứ dắt chó đi tè, ị,... rồi để đó khiến ra đường ai nấy cũng nhìn xuống đất để tìm vàng. Vào Métro, lạc đường hỏi người qua đường thì chả có thằng Tây nào đứng lại chỉ dẫn. Sau này mới hiểu dân thành phố lớn, không có thì giờ, sợ trễ xe lửa,... nên không đứng lại giúp mình.

Nghe Thơ của Cung Trầm Tưởng được Phạm Duy phổ nhạc nên chạy ra sông Seine thì nước đục ngầu, dơ bẩn không thằng Tây nào dám tắm.

Vào ga Lyon đèn vàng hôi mùi nước tiểu thêm sợ bị móc túi, vô vườn Lục Xâm Bảo thì cũng không có gì hấp dẫn ngoại trừ mấy cái cầu tiêu công cộng khai khai. Sau này mới hiểu ông Nguyễn Tất Nhiên khi di tản, không theo gia đình qua Mỹ, chỉ muốn đi Pháp nhưng sau một thời gian ngắn lại dọt qua Mỹ.

Mùa Đông lạnh, mình lại ở thành phố Pantin, ngoại ô của Paris, khu kỹ nghệ nên nhà cửa bị khói óm màn cửa, xấu xí. Dân cư nghèo nên cũng ớn ớn khi về khuya. Một hôm đang đi ngoài đường, quấn khăn quàng cổ, manteauvì lạnh. Đà Lạt lạnh nhưng không thấm thía gì với cái lạnh ở Paris. Đầu cứ cúi gầm xuống đất, mắt rà xét xem có kít chó thì bỗng nghe mấy con đầm reo: "il neige". Đó là lần đầu tiên mình thấy Tuyết rơi. Hồi ở nhà, cứ nghe Adamo hát "tombe la neige,.." Nay mới ngộ Tuyết rơi.

Ngày này 40 năm trước, mình lên máy bay đi Tây, sao thấy nhanh vô cùng 40 năm cuộc đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét