Đang chuẩn bị thuế má rồi đưa bà cụ đi xem hoa Anh Đào tại Nhật rồi về Việt Nam tham dự giỗ ông cụ, lại nhận nhắn tin của vài người nên phải trả lời cả sau chuyến đi lại quên.
Dự án Đàlạt trong tương lai:
Nghe nói Đàlạt mới chấp thuận dự án phát triển thành phố này trong tương lai khiến dân cư trên mạng la lối om xòm, làm mình nhớ đến câu chuyện thực dụng trong đời sống hàng ngày. Có người nấu nồi nước nóng rồi bỏ con ếch vào luộc. Mới đụng mặt nước là con ếch nhảy cà tưng vì nóng nên người nấu nước xôi mới nghĩ cách khác để nấu con ếch. Ông ta bỏ con ếch vào trong nồi nước lạnh rồi từ từ châm lửa đun cái nồi. Con ếch thoải mái con gà kê, không la hét gì cả đến khi bị luộc. Người nhật họ mát xa con bò, cho uống bia trước khi giết để thịt bò mềm.
Mình áp dụng cách thức này bằng cách tăng tiền nhà hàng năm ít ít vì nếu để hai ba năm tăng là cha con nhảy tưng tưng. Khi nộp đồ án, mình cũng đến hỏi mấy tên kỹ sư ở thành phố trước, để họ cho ý kiến rồi khi nộp thì họ cảm thấy chính họ là người thiết kế đồ án nên chấp thuận nhanh hơn.
Khi người ta trình dự án thì dân cư mạng nhảy đỏm đỏm nhưng không có ai cho một đáp số khác. Có vài người ở hải ngoại tự xưng là kiến trúc sư, thiết kế ở Thuỵ Sĩ đủ trò, hay thạc sĩ, tiến sĩ ,…. Họ chỉ dựa trên kinh nghiệm của họ tại hải ngoại rồi phê phán, chê Việt Nam. Họ quên đi là Việt Nam khác với tây phương. Một bà đầm to lớn bận áo dài thì mất đi mỹ quan, cái dáng nhẹ nhàng của chiếc áo dài, tương tự mấy bà Việt Nam nhỏ bé, lại dện cái váy đầm dài thòng lòng của đầm rồi vác đôi guốc 1 tất trông phản cảm.
Cách đây 2 năm, về Đàlạt mình có nghe người em rễ làm cho cơ quan chi đó tài nguyên môi trường, là Đàlạt có ông thần nào, hậu thuẩn cho thủ tướng mới lên, mua đất đai để phát triển lại Đàlạt. Em út đang bán ở chợ, có xập nhưng bị bắt phải mua đóng thêm tiền chi đó nên Chán Mớ Đời ở nhà bán cà phê hay bánh căn. Nay thì họ nhờ ông tây nào đó bú xua la mua cho đúng truyền thống Việt Nam là cứ thấy người ngoại quốc là nghĩ hay. Tên này nhiều khi thất nghiệp ở tây nên bò sang Việt Nam như tây thực dân khi xưa, đói ở Pháp quốc nên bò đi mấy thuộc địa để kiếm ăn.
Mình tốt nghiệp trường cao đẳng mỹ Thuật Paris, từng làm cho công ty của kiến trúc sư Norman Foster, ở Luân Đôn, kiến trúc sư I.M. Pei ở New York và Rafael Vignoly ở New York, thiết kế các công trình như phi trường, thế vận hội,... Kỳ này đi Nhật mình sẽ dẫn bà cụ lại xem International Forum Center mà mình có chân trong nhóm kiến trúc sư thiết kế của kiến trúc sư Rafael Vignoly. Mình thắng nhiều giải quốc tế cho công ty ở trung đông, Âu châu, Hoa Kỳ,… cho nên mình không nhất thiết phải phục người ngoại quốc như một tên nô lệ da vàng cứ tin rằng người da trắng là số một nhưng phải công nhận có nhiều người rất tài giỏi vì được huấn luyện từ bé tư tưởng tự do suy nghĩ. Nhiều người không có bằng cấp nhưng xây và thiết kế những công trình để đời còn tiến sĩ chỉ nói học thuyết này nọ nhưng chả có gì đặc sắc.
Dân cư mạng, đa số là người có thời sinh sống tại Đàlạt nên họ không muốn Đàlạt thay đổi vì hình ảnh của họ ngày xưa, thời thơ ấu quá êm đềm nên muốn giữ hoài những hình ảnh ấy. Khổ cái là họ quên Đàlạt đã thay đổi quá nhiều, không nhận ra đâu đâu là đâu. Từ Thức của Đàlạt về thăm thành phố này sẽ thấy đối tượng ngày xưa, có 10 đứa con lai, 100 đứa cháu, đẩy đà, không còn những hình ảnh của ngày xưa nữa, ngoài những lớp mỡ, nổi cuồng cuộng, da nhăn, được tô lên một lớp son phấn.
Có người bạn kể chuyện một anh chàng rời Việt Nam năm 1975, sau mấy chục năm về Việt Nam. Anh ta di tìm một cô gái mà anh ta mê dạo thời còn bé. Anh lần mò vào hẻm xưa đã từng đi vào để nhìn trộm cô bé ngày xưa. Anh ta thấy một bà bán bánh mì bên lề đường nên hỏi thăm, nhà cô bé ngày xưa ấy thì bà lão kêu :”dạ tui đây”. Anh ta lặng lẽ rơi chốn ấy.
Đàlạt không còn là Đàlạt của 50 năm về trước. Thành phố đã thay đổi hoàn toàn cho nên chúng ta có hoài niệm chỉ trong tiềm thức. Phải để dân cư hiện nay sinh sống. Không lẻ cứ bắt họ ở trong mấy cái chòi, nhà làm bằng gỗ thông, mái tôn đời này sang đời nọ, chật chội.
Cách đây 25 năm , công ty mình làm, chuyên thiết kế các khu nghỉ dưỡng tại á châu và Mễ Tây Cơ, được một công ty Tân Gia Ba nhờ thiết kế một trung tâm du lịch ở Suối Vàng Dankia. Mình có hỏi về tác hại môi trường thì bị người chủ đổi làm đồ án khác.
Người đầu tư chỉ muốn bỏ tiền chút ít để được lợi nhuận nhiều do đó Đàlạt, Lâm Đồng cần có một quy hoạch tầm chiến lược về kinh tế, văn hoá, dân số,…. Khoán trắng cho người đầu tư thì chỉ có chết đến bị thương. Mình dự tính xây 128 căn hộ, thì chỉ tính làm sao bỏ ra ít vốn để có lợi nhuận nhiều chớ chả yêu thương ai cả. Nếu mình đầu tư vào Đàlạt thì cũng tương tự chả để ý gì ngoài lợi nhuận thu về.
Do đó thành phố cần đưa ra những điều luật mà mình phải theo, do đó số tiền chi ra nhiều hơn, như trồng cây kiểng, làm vườn hoa, sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng xanh, đủ trò, bãi đậu xe,…
Nhớ có lần đi ăn cưới ở Sàigòn, đến nhà hàng có đến 9 cái đám cưới mà không có một bãi đậu xe dưới nhà. Cứ xây ra lại không nghĩ đến những ảnh hưởng cho môi trường xung quanh. Mỗi đám cưới trung bình 300 người tham dự. 9 cái là 2,700 người thêm nhân viên, cho đi 3,000 người mà không có bãi đậu xe gắn máy, xe đạp thậm chí cái trạm xe buýt. Dân đi ăn cưới phải đậu ở nhà dân xung quanh, tạo nên một nghề mới cho dân tình, trông coi xe kiếm tiền vào ngày cưới.
Thiết kế sự phát triển của một thành phố hay khu vực rất quan trọng. Nếu người thiết kế không có viễn kiến thì thành phố sẽ không phát triển đúng. Về sự phát triển của Đàlạt trong 25 năm qua từ ngày Đổi Mới đến giờ thì được xem là một thất bại hoàn toàn nếu so với Đà Nẳng hay Nha Trang trước đây một thập niên. Hai thành phố sau này bắt đầu có những tàn phá với những xây cất mới vì muốn làm theo cách mì ăn liền.
Mình có đọc vài bài trên mạng của những kiến trúc sư ở hải ngoại, kêu là thế này thế nọ… mình không đồng ý lắm vì tư duy của người tây phương khác với người Việt Á Đông. Nếu cứ đem cái gì của tây phương để áp đặt vào sự phát triển văn hoá ở Việt Nam hay Đàlạt nói riêng thì sẽ thất bại vì sẽ không thu hút được khách du lịch ngoại quốc. Cứ xem những kiến trúc được xây bú xua la mua tại Đàlạt, đủ loại, tây tàu, thái,…
Khi xưa Đàlạt có 60,000 dân cư nay nhân gấp 10 thì phải có viễn kiến khác. Đàlạt ngày nay thì nát bét như tương ớt đỏ trộn với tương đen như đa số thực khách ăn phở ở Bolsa. Mình kỵ xịt thêm tương ớt hay giá,…
Theo mình thì nơi đáng phát triển là Bảo Lộc, Đàlạt chỉ là một thành phố vệ tinh cần được bảo tồn văn hoá, hình ảnh cổ xưa, dành cho du lịch. Khách du lịch đến đây đi bộ, hay có những xe điện, sử dụng nhiên liệu xanh để bảo tồn môi trường sinh thái và văn hoá với các viện đại học,… như thể tạo lại Hoàng Triều Cương Thổ khi xưa, ai lên đây du lịch sẽ trả tiền để hưởng một thiên nhiên, một phong cảnh lãng mạn,…chớ cứ để xe chạy xịt khói, đeo khẩu trang bú xua la mua thì chỉ có Tây ba lô đến sẽ không thu tiền giới du khách có tiền.
Trong tương lai không ai muốn đến Đàlạt vì quá tầm thường, không có gì đặc sắc, bị ô nhiểm môi trường. Du khách có thể đi đến những nơi khác, ở các xứ khác bên cạnh. Chúng ta cần có những gì đặc sắc mà thiên nhiên cho mới thu hút được du khách.
Đi viếng Cam Bốt thì thấy mỗi đêm họ làm show cho du khách để giới thiệu văn hoá dân tộc của họ. Về Đàlạt, chả thấy gì cả để hốt tiền du khách ban đêm. Tối là cách làm tiền nhiều nhất. Ai đã đi Hạ Uy Di thì tháy họ tổ chức Hulau, ăn uống, văn nghệ núi rừng,..du khách vỗ tay, móc tiền trả không đẹp không lấy tiền. Có tổ chức mấy vụ này sẽ giảm các người bán vé số, dân địa phương có thêm nguồn lợi tức.
Gia đình ở Đàlạt nhưng mỗi lần về mình chỉ ở có 3 ngày rồi đi. Mai sau có lẻ mình sẽ không về lại vì để thời gian đi viếng chỗ khác trên thế giới. Khi xưa mình về có cái cung thiếu nhi, nay họ đập để xây văn phòng, 3 hộp giày xấu xí. Đàlạt theo mình chỉ có mấy nhà nghỉ của kiến trúc sư Hằng Nga mà mình gặp mặt một lần 20 năm về trước là thu hút du khách. Đàlạt cần những kiến trúc khác thường, biến trong thiên nhiên thì sẽ thu hút du khách, còn trái dâu hay ả ti sô ở trên khu thơ ung mại BIg C để che mấy ống thoát hơi của đường hầm thì Chán Mớ Đời.
Người thiết kế cần đi tham quan các thành phố du lịch miền núi trên thế giới rồi áp dụng vào cách phát triển du lịch tại Đàlạt với lịch sử được thành lập từ thời thuộc địa…sẽ giúp Đàlạt phát triển các nơi xung quanh vì khách sạn, nhà nghĩ sẽ được thiết kế ở vùng Liên Khương, Đức Trọng,… xe điện sẽ chở du khách lên Đàlạt qua đèo Prenn mà mình hay thấy ở các nơi trên núi ở Hoa Kỳ, Âu châu. Họ không cho xe tư nhân chạy,.. Dẹp những dây cáp phản cảm ở Datanla.
Tưởng tượng du khách ngồi trên xe điện chạy lên đèo Prenn, hình ảnh ấy rất đẹp đối với mình từ bao năm nay. Khi xưa, còn thấy thác Prenn từ ngoài đường qua rừng thông. Nhờ đó mà thú rừng có thể sinh nở lại với Nai rừng, chim….thăm viếng Nhật Bản tuần rồi, mình có đưa bà cụ đến đảo cạnh Hiroshima, nai rừng ra đi lang thang, cảm thấy thiên nhiên, du khách chụp ảnh đủ trò. Mình về Đàlạt thì tuyệt nhiên không nghe tiếng chim hót nữa.
Về kinh tế, hành chánh thì dời về Bảo Lộc, trồng rau thì đem về Đức Trọng, Tùng Nghĩa. Đàlạt chỉ để lại thiên nhiên như xưa thay vì những tấm nylon mà làm vườn phủ đầy ngoại ô Đàlạt. Nếu không thì du khách chả cần đến vì ngày nay sự toàn cầu hoá, giúp người ta đi du lịch khắp thế giới. Đàlạt chả có gì đặc biệt so với thế giới để du khách, dù là Tây Ba lô đến tham quan.
Chợ Âm Phủ? Sang Cam Bốt, xem chợ Xiêm Reap rất sạch sẻ, ngăn nắp, toàn là tây và đầm đi chơi, dân tình hốt bạc. Mình là kiến trúc sư, khi xưa từng ước mơ thiết kế Đàlạt nhưng sau này về thăm là Chán Mớ Đời.
Khu Hoà Bình, không được bảo trì từ mấy chục năm nay, nên càng xấu xí, dơ bẩn. Các cửa tiệm xung quanh khi xưa được ông thầu khoán Võ Đình Dung xây cất 2 tầng, có chung một loại kiến trúc nên nhìn tổng thể có nét đặc thù nay đều biến thành 4-5 tầng, không có một kiến trúc nào giống loại nào cả, thêm mấy tấm quảng cáo tiếp thị che cả cửa sổ, tạo nên sự hổn loạn trong không gian và màu sắc, có thể xếp vào hạng chủ nghĩa bú xua la mua.
Tóm lại thì đối với mình thì khu Hoà Bình ngày nay, bị mất đi cái vẻ tỉnh lỵ của Đàlạt khi xưa. Do đó có phá đi để làm cái mới thì cũng không có gì chê cả. Không biết là kiến trúc mới sẽ mang tính chất gì hay chỉ vá viếu ăn xổi. Xe cộ lưu thông ra sao, có chỗ để xe hay không cho xe vào, chỉ có xe buýt đưa người đây?
Ai có thời sinh sống tại Đàlạt, có những kỹ niệm đẹp của tuổi trẻ nhưng không nên bắt các người hiện sinh sống tại đây không được cập nhật hoá đời sống của họ với tiện nghi để bắt kịp hệ thống 5 Gờ. Tương tự như mình sống tại hải ngoại nhưng bắt các người em không được thay đổi những gì trong căn nhà cũ được xây từ 55 năm về trước. Đó là sự ích kỷ.
Xong om
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét