Đại hội nhạc trẻ Woodstock với tựa đề “3 Days of Peace & Music” được tổ chức trong 3 ngày từ 15-18/ 8/1969 tại thành phố Woodstock, tiểu bang New York. Trên thực tế thì đã được xẩy ra cách đó 50 dậm, tại thành phố Bethel, New York, sẽ kể sau.
Mình có ghé thăm thành phố này khi đi làm ở Nữu Ước như hiển thị lại những thước phim mình đã xem ngày xưa. Sau này, người ta gọi đại nhạc hội này là đại nhạc hội thế kỷ 20 vì có đến nữa triệu người tham dự, trong khi ban tổ chức dự trù độ 50,000. Người ta ước đoán có trên 1 triệu người không được đến vì kẹt xe, cảnh sát giao thông không cho đi nên phải quay về.
Mình có xem đại nhạc hội LIVE AID tại sân vận động Wembley, Luân Đôn, năm 1985 thì phải khi mình đi làm ở đây. Chỉ có độ 70,000 người. Bruce Springteen hát xong bài Born in USA thì bay qua Philadelphia bằng máy bay Concorde để hát vì hai thành phố đồng tổ chức cùng ngày cùng lúc. Nếu mình không lầm thì có những nước khác cũng tổ chức đại nhạc hội cùng ngày và đã được truyền thông tải hình khắp thế giới.
Ý tưởng tổ chức đại hội nhạc trẻ lớn nhất này được khởi đầu bởi 2 tên tư bản: John Roberts, thừa kế một gia tài khổng lồ và Joel Rosenman , một người bạn đại học. Họ đang tìm ý tưởng cho một chương trình truyền hình, nên đăng quảng cáo trên tờ New York Times và the Wall Street Journal: “Young Men with Unlimited Capital looking for interesting, legitimate investment opportunities and business propositions.”
Họ nhận được nhiều ý tưởng làm ra tiền nhưng có một một ý tưởng khá lạ khiến họ chú ý. Michael Lang, một ông bầu sô nhạc, mới tổ chức một đại nhạc hội ở Florida, và ông Artie Kornfeld, một nhà sản xuất băng nhạc Columbia Records, có thành lập một Music Studio tại Woodstock New York, đã trở thành thánh địa của nền văn hoá phản kháng với những nhạc sĩ như Bod Dylan, Janis Joplin và The Band… Mình cũng có xem phim “The Last Walz “ của ban nhạc The Band tại rạp Ngọc Lan.
Dạo ấy xem vì tò mò nhưng mình chả hiểu gì vì toàn tiếng mỹ nhưng thấy lạ lạ. Mình không bị cuốn hút vào phong trào này. Có lẻ còn trẻ, chỉ nhớ cắt tóc ngắn như lính cho đỡ tốn tiền. Đối với phong trào hippie thì dạo ấy mình còn quá nhỏ để hiểu. Mình coi phim tài liệu của đại hội nhạc trẻ này 4 năm sau đó nên vẫn không am tường.
Hai tên tư bản không màng đến vụ thu âm nhưng lại thích ý tưởng tổ chức đại hội nhạc trẻ. Họ đồng ý tổ chức đại hội nhạc trẻ tại thành phố nhỏ Woodstock mà đến ngày nay hậu duệ của người dân trong làng cứ rên vì du khách đi ngang qua đây, hay ăn cắp bảng tên đường của thành phố để khẳng định là họ có viếng thăm.
Tính ra thì họ lỗ vì bỏ ra cả 2 triệu bạc mà chỉ có 40,000 người mua vé, giá $6/ mỗi ngày, xem như $18. Coi như thu được $720,000 mà tiền trả cát xế, vận chuyển bằng trực thăng, đủ trò,… sân khấu thì làm chưa xong vì 27 ngày trước ngày đại hội mới được giấy phép. Đại hội này trở thành mốc lịch sử của giới trẻ Hoa Kỳ và của thế giới. Qua cuốn phim thì chắc họ lấy lại vốn sau khi chiếu khắp nơi và trên truyền hình.
Ngày nay, nhiều người muốn tổ chức lại nhưng giới trẻ ngày nay đã bị trưởng giả hoá, khó mà có thể sinh sống một cách giản dị trong vòng 72 tiếng đồng hồ, thiếu nước, thiếu ăn, thiếu chỗ vệ sinh, mưa dầm để đến với nhau chia sẻ cảm nhận mình qua âm nhạc. Họ kể là mưa bùn thêm cứt bò đầy nơi vì cánh đồng nuôi bò. Thiên hạ bò xuống ao tắm trần truồng khá là lạ.
Vấn đề là dân quê Woodstock, nông dân như mình thì không thích đám trẻ Hippie thời ấy nên họ tìm đủ mọi cách để chống lại việc tổ chức đại hội này tại làng của họ. Cuối cùng thì có hai vợ chồng Max và Miriam Yasgur đồng ý cho mướn cánh đồng nuôi bò, rộng 600 mẫu của họ ở thành phố Bethel, New York. Tuần trước mình đi viếng một nông trại trồng bơ 500 mẫu. Rộng kinh hồn.
Người mua vé thì đề tên Woodstock nhưng trình diễn tại thành phố Bethel nên thiên hạ như điên, kẹt xe vì cả thế gian dạo ấy chưa có ai tổ chức một đại hội lớn như vậy. Ông mục sư King tổ chức cuộc tuần hành tại Hoa Thịnh Đốn chỉ có 250,000 người trong khi đây 1.5 triệu khắp nơi kéo nhau về một thị trấn nhỏ ở phía Bắc của thành phố Manhattan.
Người ta dự trù độ 50,000 mà giới trẻ nghe đồn nên lái xe từ khắp nơi trên Hoa Kỳ, về đây để tham dự dù không có vé, khách sạn. Họ đi xe, cắm trại,….có đến trên 130,000 chiếc xe đã đến tham dự đại hội do đó người ta ước tính có trên 500,000 người tham dự.
Sau này, có nhiều người muốn tổ chức lại đại nhạc hội như Woodstock hay đúng hơn Bethel nhưng không thể làm nổi vì các luật lệ vệ sinh, an ninh,…
Điểm vui là đại nhạc hội được diễn ra tại Bethel nhưng Woodstock hưởng tiếng nhưng con cháu họ lại bị ăn cắp đồ có gì dính dáng đến cuộc họp mặt hi hữu này.
Ca sĩ Joan Baez, kể cô ta tham dự đại nhạc hội khi có bầu đâu 6 tháng, ông chồng dạo ấy bị tù vì không chịu đi quân dịch sang Việt Nam. Cô ta được chuyên chở đến đại nhạc hội bằng trực thăng vì các đường dẫn đến đại nhạc hội bị nghẹt cứng. Cô ta lên sân khấu trình diễn đâu khoảng 1 giờ sáng. Cô ta kể là khi đến đại nhạc hội thì tránh ăn đồ ăn dành cho ca sĩ,…vì toàn bị trộn với LSD. Quang cảnh không làm cô ta quên dù mấy chục năm sau.
Dạo xem phim này ở Việt Nam thì mình như bò đội nón vì không biết tên các ban nhạc mỹ hay bài hát vì gốc nông dân. Nếu nói đến những bài ca của Út Trà Ôn, Tấn Tài hay Lệ Thuỷ thì họa may. Sau này qua Pháp, Hoa Kỳ tìm tài liệu đọc và xem phim này lại mấy lần mới biết chút chút. Dạo ở Việt Nam, nghe mấy tên bạn học chung nói đến mấy ban nhạc ngoại quốc là mình điếc mờ mắt luôn. Cứ há mồm u chua u chầu u chấu, khiến mấy tên bạn hứng lên nổ banh xác luôn. Phục Lăn chúng, nay nhớ lại thì hiểu chúng chỉ Nổ cho vui chớ cũng i tờ như mình. Chán Mớ Đời
Xem phim tài liệu phỏng vấn hai tên tư bản, đầu tư thì được biết. Ông Roberts kể là khi nghe ông ta kể sẽ tổ chức đại nhạc hội với tên bạn thì ông cha cười. Sau đó gần đến ngày thì ông bố kêu muốn lên trên đó xem. Tới nơi thì sân khấu chưa làm xong mà đã có trên 50,000 người ngồi xung quanh. Thậm chí khi đại nhạc hội bắt đầu thì thợ vẫn còn đóng đinh, thực hiện sân khấu. Ông bố kêu OMG.
Ban tổ chức kêu một rocker chưa nổi tiếng lắm tên Richie Havens, trên nguyên tắc sẽ lên sau nhưng mấy ban nhạc khác không chịu lên hay chưa có mặt vì kẹt xe nên họ đành kêu ông Havens lên. Ông này kêu là tên đánh bass của ông ta chưa đến vì bỏ xe, đang đi bộ đến. Ông này đến đúng lúc ông ta vừa hát xong. Không ngờ đã đưa tên tuổi ông này lên như diều. Ông ta chơi trong vòng 3 tiếng đồng hồ để câu giờ để thợ đóng cho xong sân khấu. Cuối cùng ông ta tự chế bài luôn vì hết nhạc để chơi.
Trong phim có lúc ông nhạc sĩ này đang lên dây đàn, thật ra ông ta đang suy nghĩ sẽ hát bài gì vì đã hát hết bài mà ông ta biết. Ông ta nhìn xuống khán đài thì bổng nhiên tư duy đột phá cụm từ “Tự Do” (freedom) đến với ông ta. Và bản nhạc “freedom/ Motherless child” ra đời trên sân khấu. Nếu ai xem khúc này thì rất độc đáo. Ấn tượng nhất của em.
Năm 2013, khi ông ta qua đời, gia đình ông ta rãi tro hài cốt trên mảnh đất đã làm nên tên tuổi của ông ở Bethel, New York.
Có lẻ bản nhạc của Joe McDonald mà sau này người ta dùng để nói về những ca từ phản chiến với những ca từ như:
“And it's one, two, three, what are we fighting for?Don't ask me I don't give a damn. Next stop is Viet Nam. And it's five, six, seven, open up the pearly gates. Ain't no time to wonder why, whoopee we're all gonna die!”
Mình nhớ đến Carlos Santana vì dạo ấy các ban nhạc tại Việt Nam hay chơi bài Oye Como Va. Ông thần này tưởng phần trình diễn của mình còn lâu nên tọng vào một đô Mescaline thì bị kêu lên.
Phê lên anh ta và ban nhạc chơi “Soul Sacrifice” dài 6 phút khiến đám đông như lên đồng, chơi guita như bị cô đầu nhập mà sau này được có tên trên Hall of Fame của Rock and Roll. Anh chàng chơi trống Michael Shrieve quá hay. Chắc cũng phê thuốc.
Có ban nhạc Anh Quốc tên “Who” chơi vào 5:00 giờ sáng mà sau này ở Pháp quốc mình có xem phim “Tommy” của ban nhạc này năm 1975. Rên rỉ ‘See me. Feel me. Touch me. Heal me.’. Sau đó đập cái đàn rồi quăn xuống khán giả. Kinh. Dạo đó, xem thấy tiếc, khi không đập cây đàn. Sau này qua tây mới khám phá ra mấy tên này, quảng cáo cho công ty bán đàn nên cứ tha hồ đập đàn vô tư.
Có ông thần Jimmy Hendrix, người da đen, có lẻ phê thuốc nên ngứa cái nướu nên chơi đàn bằng răng, nghe éo éo, quái thật. Ông ta chơi quốc ca Hoa Kỳ rồi làm tiếng bom ầm ầm, bế mạc đại hội nhạc này. Năm sau thì ông thần Hendrix này chết vì overdose. Y phục của ông này có ảnh hưởng đến phong trào hippie sau này.
Lúc đầu dự tính lấy tiền nhưng khi số người tham dự quá đông nên xem như miễn phí. Nghe nói có cả triệu người muốn tham dự nhưng cảnh sát của tiểu bang New York, đuổi về, không cho họ đi tiếp nên có đâu gần nữa triệu tham dự. Mưa tùm lùm, thiếu ăn uống, đủ trò.
Quang cảnh khi tan đại nhạc hội thì rác rến từ mấy ngày qua lêu bêu. Sau này ban tổ chức phải đền bù cho ông bà chủ đất nghe nói đâu $70,000. Dân trong vùng tẩy chay ông bà này vì đã cho mướn miếng đất bất chấp sự chống đối của họ. Sau đó mấy năm thì họ bán miếng đất dọn về Florida rồi chết sau đó vài năm.
Xem hình ảnh kít, phân người lêu bêu khắp nơi vì không có nhà vệ sinh gì cả, cứ như bò ra đồng cỏ nội tự nhiên.
Người ta nghĩ hiên tượng Woodstock sẽ nở ra một kỷ nguyên mới cho giới trẻ Hoa Kỳ nhưng trên thực tế đã cáo chung một thế hệ vì sau đó, họ lao vào một xã hội tiêu thụ không ngừng. Những người còn giữ nhân sinh quan của giới Hippie ngày nay được xem là “Marginal” (ngoài lề).
Ngược lại theo các giới trẻ ở bên kia bức màn sắc, Liên Xô hay Đông Âu thì giới trẻ theo dõi đại nhạc hội này qua đài BBC và Âu Châu Tự Do.
Sau vụ này, Việt Nam có tổ chức đại hội nhạc trẻ. Ở Sàigòn thì mình nghe nói nhưng ở Đàlạt thì trên đồi cù có tổ chức một lần và một lần ở Thao Trường. Ngoài ra thì trường Trí Đức có tổ chức đại hội nhạc trẻ liên trường. Có dịp mình kể lại vụ này vì có dính dáng đến đối tượng một thời của mình.
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét