Về quê

Chuyến về quê nội kỳ này tuy đột xuất để lại cho mình kỷ niệm ấm áp của họ tộc dân quê. Mình định bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội rồi bay vào Đàlạt trong ngày, ai ngờ gặp bão, họ hủy chuyến bay nên đành đi từ Đàlạt, mất hai ngày tại Đàlạt.
Mình và cô em út bay đêm từ Đàlạt ra Hà Nội vào lúc nữa đêm thì có người em họ và ông chú họ, từ quê lên đón. Ở Hoa Kỳ thì chắc ai đến thì kêu Uber đến chớ ít có ai ra phi trường đón vào lúc nữa đêm. Anh tài xế taxi cũng là cháu họ, nó bảo họ không cho vào nên bắt cả đám đi bộ ra khỏi sân bay Nội Bài. Chán mớ đời.
Về quê xa lắc xa lơ, ngồi xe vừa buồn ngủ vừa nghe ông chú và người em hỏi chuyện. Xe chạy lòng vòng trên đê, dọc sông Đáy mà nhà thơ Quang Dũng kể qua bài “Đôi bờ” mà nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương phổ thành nhạc phẩm “Đôi mắt người Sơn Tây”….
Tôi từ chinh chiến đã ra đi
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Sông Đáy chạm nguồn qua phủ Quốc
Non nước u hoài, non nước hao gầy, ngày chia tay
Em vì chinh chiến thiếu quê hương
Sài Sơn , Bương Cấn mãi u buồn
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ, em có bao giờ, em thương nhớ thương ….

Phủ Quốc là phủ Quốc Oai, quê nội mình còn xứ Đoài cũng vậy do đó ông nội đặt tên ông cụ mình để nhớ đến xứ Đoài. Quê mình cạnh bên chùa Thầy, rất đẹp.
Vào nhà nội thì có cô em họ, ở trông coi nhang khói đợi rồi mấy anh em đi ngủ vì đã 2 giờ sáng. Đây là lần đầu tiên mình ngủ lại quê vì mấy lần trước, chỉ ghé thăm quê một hai tiếng rồi về lại Hà Nội thêm ngủ lại quê cũng ngại vì cầu xí gì đều ngoài nhà thêm không có vệ sinh.
Đang ngủ thì nghe gà gáy thì mới hiểu người ta gọi gà gáy canh ba rồi từ từ gà khắp nơi thay phiên gáy nhưng mệt quá mình ngủ thiếp lại.
Bổng đâu mình nghe oang oang tiếng nói từ đâu nghe bể tai luôn. Định tình lại thì mới hiểu là cái loa phường. Họ duyệt tin thời sự, mở nhạc “quê hương là chùm khế ngọt” rồi một giọng nói làm mình nhớ đến cô phát ngôn viên đài Mẹ Việt Nam khi xưa nói “đây là đài phát thanh của xã Đồng Quang”, đọc tên những người lao công trận tuyến trong thời kháng chiến chống pháp, dài dài đăng đẳng.
“Trong thời kỳ chống pháp, các lao công trận tuyến của làng ta đã anh dũng đền nợ nước. Sau đây là danh sách Trần văn Bính, sinh ngày 15 tháng 3 năm 1913, đã chết. Lê văn Dĩnh sinh ngày 4 tháng 6 năm 1912, đã chết….” Họ đọc từ 6 giờ sáng đến 7 giờ. Không biết bao nhiêu lần đã chết.
Mình nằm trên giường, trùm mềm nhưng vẫn nghe rõ từng người. Chán mớ đời. Lại chợt nhớ đến người ta kể là có người phải đút lót cán bộ để họ xoay cái loa qua hướng khác rồi nhà ở hướng khác lại bồi dưỡng cho họ xoay về lại hướng kia…
Mình không chịu nổi thức dậy ra sân thì mới nhận ra cái ao to, thấy có bà nào đang giặt quần áo nên ra chào. Hỏi ai đấy thì bà ta lo sợ, hoá ra hàng xóm qua giặt đồ mà không biết mình là ai. Đúng lúc cái loa phường ngưng. May quá.
Mình hỏi cô em đi ăn phở. Cô ta nhìn mình như bò đội nón, nói đây làm gì có phở, muốn ăn gì thì phải ra huyện, có mì gói ăn không. Chán mớ đời.
Có ông chú họ nhà bên ghé qua chào rồi mình đi theo về thăm mẹ của chú nay đã 93 tuổi rồi lần lượt các chú họ khác sang thăm. Cô em phân phát bộ áo dài khăn đóng mua ở chợ Đông 3 rồi đem tặng các chú ở xa.
Hai anh em chạy Honda ra nghĩa trang thăm mộ ông bà. Lần đầu mình có dịp thắp hương mộ của ông bà. Mỗi lần về thì không ai muốn đưa mình ra đồng vì dạo ấy người ta cứ chôn ở ruộng, đi ruộng bẩn vì lội xình đến đầu gối, nay lo sợ bị cưỡng chế nên bà cụ mình mua đất nghĩa trang để dời về các cụ tổ, ông bà được 10 cái mộ. Mình gửi tiền về để lo phần này năm ngoái..
Sau đi thăm các chú họ và bà cô ruột. Bà cô ruột là em của ông cụ, nay 5 chị em trong nhà chỉ còn cô. Cô trông giống bà nội khi xưa. Ngồi nói chuyện cô em họ, kêu đi cữu vạn vì ít học. Cô em nói học hết cấp hai thì nghỉ vì đi học được một tuần nhưng mẹ không có tiền đóng nên nghỉ ở nhà.. Lấy chồng sinh được 2 gái, sợ chồng lấy vợ bé, ráng sinh thêm thằng con trai, mừng hết lớn. Nay đi làm hàng nhái xây được căn nhà 3 tầng.
Gặp cô em dâu, người Thanh Hoá, giọng nói khá là lạ kể thằng em cô cậu đi làm xa, vớt một cô nào đem về, cô này đâm 5 nhát kéo, máu me tùm lum. Công an bắt ở tù một đêm sợ quá, xin chừa không dám đâm nữa, để đi làm nuôi con. Công an bảo ký thì kêu không biết ký vì không đi học, phải lăn tay. Thương dân mình.
Mình và cô em nhìn nhau như thầm nói, may mà ông cụ chạy vào nam nếu không thì anh em mình nay chắc cũng đi đổ bê tông như mấy người em họ. Về quê mới thấy mình quá may mắn trong cuộc đời so với những người em họ trong tộc. Vất vả có đứa phải cho con tha phương cầu thực tận Liên Sô. Phải đóng tiền qua đấy đi làm công trả nợ, còn dư thì gửi về cho cha mẹ báo hiếu.. Có gặp nhau mình cố gắng ăn nói để không chạm tự ái họ.
Kỳ này về thì mình có gặp thêm nhiều ông chú họ, thiếm họ và em họ. Mình mới hiểu văn hoá tre làng ra sao, bắt đầu hiểu anh bạn có bà mẹ ở quê hàng ngày đi mót củi. Nói cho ngay mình chả biết ai là ai, vài ông chú họ, anh em chú bác ruột với ông cụ, ngoài ra những ông chú bên ngoại thì quá xa nhưng ở quê thì lại rất gần.
Ai cũng mời ở lại xơi cơm nhưng phải từ khước vì ngại, ăn người này mà không ăn nhà khác thì bị la thêm nhà quê cũng tốn kém cho họ. Về nhà thì từ đâu, họ hàng ập tới rồi hai cô em họ mua giò ở đâu cho ăn cơm. Mình thấy lấy nước ở đâu để rửa rau nên không dám ăn.
Ngồi tiếp chuyện với chú thiếm hay em họ nhưng lại không biết ai là ai. Có người nhỏ tuổi hơn nhưng cũng phải gọi bằng chú vì mấy ông khi xưa đều bà lớn bà bé nên con trẻ. Có ông kể, kêu ông cụ mình là trông khác xưa. Ông cụ kêu khi tao trốn vào nam thì mày còn chưa sinh thì làm sao biết khác xưa.
Nói chung thì cái tình thân gia tộc khá chặc chẻ ở quê. Ở Hoa Kỳ bà con chả bao giờ gặp nhau, có gặp thì chỉ những người gần chớ xa thì chả bao giờ đi thăm.
Nói là làng nhưng có trên mấy chục ngàn cư dân. Nhớ về lần đầu, đi xe Honda thì chạy trên đê xình lầy suýt té mấy lần nay thì họ cán đường nhựa hết thêm sông Đáy bị ô nhiểm, họ quăn khoai sắn ép xuống sông, biến nước sông thành màu đen cực kỳ hôi thối.
Mấy ông chú bàn nên xây nhà thờ tộc Nguyễn Phúc mà bà cụ dời mộ cụ tổ ra nghĩa trang được.. Nhìn mảnh đất thì quá đẹp.. Mình thì không thích tốn tiền mà không sinh lợi nhưng thấy đất tổ mà không làm thì có cái gì không đúng lắm nên quyết định xây lại, nay phải xây để giữ cơ ngơi cho họ tộc, do ông tổ từ Nghệ An vào lập nghiệp, sau khi cái bát của đình làng bị ai đăng cắp nên sợ bị xử phạt nên trốn vào Hà Tây.
Độ 3 giờ thì mình gọi xe đưa về phi trường Nội Bài. Hai anh em lại vác bưởi từ quê về Đàlạt. Mình tự hỏi nếu mình không đi Tây, sau 75, ông cụ đi tù thì trưởng nam, mình phải về quê sống với ông bà nội như cậu em, đã đi thay cho mình, sau này vào Nam sợ quá, không bao giờ muốn về quê lại. Không biết đời mình sẽ ra sao, lòng vòng với văn hoá tre làng thêm đạo Đức cách mạng.
Xong om

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét