Tuổi thơ và lon sữa

Hôm trước, kể chuyện thả diều làm mình nhớ đến những lon sữa đặt và sữa bột đã theo mình từ thời mới sinh ra đến khi đi tây. Những lon sữa này đã nuôi mình lớn lên trong chiến tranh và đã làm bạn với mình trong cuộc hành trình của tuổi thơ.

Nhà mình dạo ấy có đâu 10 anh em, bà cụ cứ trung bình 18 tháng lại ở cử một tháng rồi ra chợ buôn bán nên chỉ cho con bú vào buổi tối hay sáng sớm còn trong ngày mấy đứa em khóc sữa thì mấy đứa lớn có nhiệm vụ, pha sữa bột SMA hay Guigoz cho đứa bé bú, thật ra là cả hai đứa vì có khi bà cụ sinh năm một nên hay thấy bà cụ cho bú cả hai đứa như cặp sinh đôi. Cứ đứa gần lo săn sóc đứa kế, bồng bế, cho uống sữa,..., anh chị truyền em nối.


Bà cụ kể mình thuộc loài hạp sữa SMA nên mua sữa này cho mình bú.
Mấy đứa em sau thì cũng cho bú SMA và Guigoz, đứa nào hạp sữa nào thì mua sữa đó cho đứa đó bú. Thật ra, cả hai loại sữa này đã nuôi biết bao trẻ em trên thế giới đều do công ty Nestle, Thuỵ Sĩ sản xuất. Mình chỉ nhớ người ta chuộng sữa Guigoz hơn vì có cái nắp bằng nhôm, thong thong, cao cao, có thể dùng đựng cơm, nước trà hay tiêu muối đường trong bếp. Sau 75 thì càng được ưa chuộng hơn vì đi làm rẫy, nghĩa vụ nhất là trong trại tù. Nếu mình không lầm thì hộp SMA, có đường kính to hơn nhưng lại thấp hơn lon Guigoz, cái nắp bằng nhựa nên mau hư. Dạo ấy muốn mở hộp sữa là có cái chìa khoá, dính trên đầu nắp, có cái lỗ nhỏ hình chữ nhật, để đút vào miếng thiết dính nơi cái lon rồi xỏ vào, vặn vặn quay tròn thì mỡ được cái hộp tương tự mấy lon cá mòi của xứ Maroc.

Mỗi sáng có ông đưa bánh mì lại nhà, ông ta lấy bánh mì của lò bánh mì ở Fan Đình Phùng, rồi đi bán ở đường Hai Bà Trưng. Mỗi ngày ông ta giao cho nhà mình năm ổ, loại ngày nay tiệm bánh mì Cali hay làm bán cho đồng hương. Mỗi đứa được nữa ổ, để tránh cải vả, mình cắt đôi ra cho đồng đều. Sau đó pha cho mỗi đứa em một ly sữa với tiêu chuẩn, mỗi ly 1 muỗng cà phê sửa đặt Ông Thọ. Vừa uống nhâm nhi miếng bánh mì, sang hơn thì lâu lâu bà cụ mua ovaltine, pha thêm. Thường thì mấy đứa em xin phần của mình, để dành khi ra chơi ăn, nên chúng chia nhau, rắc đường vào rồi lấy giấy báo gói lại cất trong cặp. Mình đến trường bụng đói teo râu, thằng em ăn phần của mình sau này to cao hơn mình gần cái đầu.

Hồi nhỏ, lúc chưa có quân đội mỹ qua thì hay dùng con dao phay để trên miệng lon sữa Bò rồi một tay cầm lon sửa và tay kia cầm con dao đưa lên rồi thộn xuống đất, cái mũi nhọn của con dao đâm thủng màn thiết của lon, rồi từ từ bẻ con dao xuống cái cạnh lon, để khoét thành một cái lỗ. Sau đó xoay lại đầu bên kia đối diện của cái lỗ làm thêm một lỗ nữa để không khí có thể vào thì sữa mới chảy ra được. Sau này quân đội mỹ sang thì có hai loại đồ khui, một để khui đồ hộp, không cần đến con dao phay, hai là cái đồ khui bia, nước ngọt. Lúc đó chỉ cần bấm hai lỗ của lon sữa là thoải mái con gà rô ti. Sau này sang Thuỵ Sĩ, mình có mua con dao thuỵ sĩ, có đủ trò, đeo bên người suốt mấy chục năm đến khi đi máy bay sau vụ khủng bố 9/11, bị tịch thu.

Lon đồ hộp của mỹ thì hơi nhỏ nên không nhớ có chơi gì không với mấy cai lon mỹ, cũng có thể bắt đầu lớn nên chả thiết chơi mấy thứ này, khi thấy con gái hàng xóm có bụ. Mình chỉ nhớ có một loại lon khui ra, bên trong có cái lon nhỏ để bơ đậu phụng, mà không cần đồ khui, có cái móc dính trên nắp hộp, chỉ cần khơi nó lên rồi kéo cái rẹt là lon được mở và một phần để bánh biscuit, quẹt bơ đậu phụng ăn bơ thừa sữa cặn của đế quốc mỹ thấy hạnh phúc cuộc đời. Thêm lon đồ hộp trái cây, có đào Peach hay pear, bỏ tủ lạnh ăn ngon không thể tả. Nhớ có lần ông cụ chở tới nhà ông bạn làm sở mỹ owr xóm Địa Dư, khu nhà của PDD. Vào nhà ông này thấy cái tủ lạnh, mình cứ đứng xem cái tủ lạnh lần đầu tiên trong đời được mục thị cái máy nghe rè rè. Ông ta lấy một hộp sữa tươi, cho mình một ly, bảo là sữa tươi, uống vào như uống thuốc tiên, ngon cực. Dạo đó cứ ước gì được ăn như vậy mỗi ngày, nay ở mỹ thì chả đụng tới.

Khi xưa thích uống sữa đặt vì dạo đó không có sữa tươi, nhất là có ovaltine vào thì nức nở. Sau này, đọc Historia được biết một người mỹ, đi Anh quốc về thì thấy sữa bò trên tàu bị hư rất nhiều, trên tàu có nuôi bò để lấy sữa cho hành khách uống nên mới nghĩ cách làm sữa đặt theo phương pháp nước trái cây thời đó.

Trong thời gian nội chiến Hoa Kỳ, chính phủ mỹ mua của công ty này rất nhiều lon sữa cho binh sĩ uống hàng ngày. Sau chiến tranh thì binh lính quen uống sữa lon nên tìm mua nên kỹ nghệ này lan truyền và nuôi trẻ em khắp thế giới. Ngày nay thấy món này là sợ vì xem ra chỉ có 26 calorie mà đường thì rất nhiều.

Mình mong đợi lon sữa cho mau hết vì có thể dùng nó làm đồ chơi. Lấy dao phay đục cho văng phần đã được khui, lấy búa đập dẹp mấy cái mảnh để tránh đứt tay. Sau đó lấy cái đinh, đục cái lỗ ở giữa lon rồi xỏ sợi dây dù hay dây thừng nhỏ qua cái lỗ rồi thắc lại cho chặc. Đầu dây kia thì xỏ vào cái lon khác sau đó thì cởi dép ra, để hai cái lon song song, rồi bỏ một chân lên cái lon, lấy ngón chân cái và ngón chân kế, kẹp sợi dây dù hay dây thừng, tương tự với chân kia rồi hai tay cầm sợi dây dù, từ từ kéo sợi dây lên đồng thời nhất chân lên như con múa rối rồi bước tới như robot, lạng quạng là té chổng ngỗng. Chân phải nhón lên vì cái cạnh lon có thể làm đau bàn chân. Trong xóm, có nhiều đứa chạy trên lon, tài thật. Dạo đó mình phục đám học trường Việt, rất giỏi về chơi lon.

Nhắc đến đây thì lại nhớ đến hai cái nạn. Kiếm hai miếng gỗ rồi đóng ngang thân gỗ hai miếng gỗ nhỏ độ 30 cm thành hai cái nạn rồi leo lên đứng trên hai cái cạnh gỗ rồi đi cà xình, khá vui vi fboorng nhiên thấy cao lớn như Phù đổng. Có lần đi trên đường Thi Sách, vấp trợt ra sao, mình bị té, cái miệng trúng miếng gỗ đang cầm, rách cái miệng nay vẫn còn cái thẹo dài.

Mấy cuộn chỉ không thì dùng làm bánh xe, gắn cái lon sữa bò, có đục nhiều lỗ vào cái cuộn chỉ, cắm cây nến nhỏ vào cái lon, khi dùng cái que để đẫy cái cuộn chỉ thì cái lon được gắn qua cái sợi dây kẻm, quay vòng vòng, ánh sáng của cái nến toả ra qua các lỗ thấy phê trong đêm Trung Thu. Ngoài tiệm họ có bán mấy xe kiểu này có hình con bướm, đạp cánh nức nở nhưng không có tiền đành tự chế tự chơi.

Hồi mới bắt đầu để ý tới gái gú thì có màn chơi tạt lon trong xóm. Con trai và con gái chơi chung. Vẽ cái ô vuông rồi đặt cái lon trong đó, kẽ làn mức đối diện với cái lon độ 5 thước tây. Mấy đứa chơi thì đứng gần chổ cái lon rồi ném chiếc dép của mình cho gần hay ngay cái làn mức. Đứa nào xa nhất thì bị giữ lon. Cả đám thay phiên nhau tạt lon, nếu trúng lon thì đứa có nhiệm vụ giữ lon phải chạy lượm cho nhanh rồi đặt lại trong ô, mới được chạy đập vào người kẻ tạt lon, nếu trúng thì được tạt lon còn đứa bị đập trúng người thì làm tên giữ lon. Dạo đó mỗi lần đụng tới mấy cô hàng xóm sao thấy lâng lâng như chiếc máu bay lên thẳng. Nói như thằng Thuận, nếu dạo đó mà hiểu biết như ngày nay thì chắc nó theo gương của Bob Hope (bốc hốt mấy cô hàng xóm). He he he.

Lâu lâu, mỗi đứa trong xóm rũ nhau đem lon sữa bò ở nhà ra, chồng lên như ở hội chợ bà sơ ở Domaine de Marie, rồi thay nhau ném lon. Còn có trò làm Graham Bell, lấy hai cái lon, đục lỗ rồi sỏ dây len vào rồi kéo ra xa, núp trong phòng rồi nói điện thoại nhưng chả nghe gì cả trong lon, chỉ nghe tiếng mấy thằng hay con trong xóm gào hét trong buồng ngủ,... Có lần chơi kiểu này, làm sao bị rối cuốn len bị ông cụ tẩn cho một trận nhớ đời nên cạch đến giờ không dám chơi trò nghiên cứu, sáng chế khoa học nữa.

Khi có con thì cho uống sữa bột của mỹ nên quên hai loại Guigoz và SMA. Ra chợ Việt Nam thì thấy có bán loại sữa đặt có đường nhưng mua sữa của mỹ có vẻ chắc ăn hơn là của mấy anh ba tàu, nhất lại rẽ hơn. Ngẫm lại sữa lon đã nuôi mình lớn lên và cũng gíup mình tiêu khiển, tự chế đồ chơi trong quảng đời thơ ấu xưa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét