Ở trường, con mình được giảng dạy, phải đeo đuổi đam mê, thực hiện giấc mơ của chúng khiến mình giật mình vì khi xưa, lúc còn đi học mình cũng có đam mê, giấc mơ, có thể nói là nhiều giấc mơ.
Khi thì mơ thành Vic Morrow, đi đánh giặc, sau khi xem “L’ enfer des hommes”, khi thì mơ làm biệt kích sau khi xem “Les canons de Navarone”, khi thì mơ làm kinh tế gia, khi thì mơ làm bác sĩ, khi thì làm kỹ sư chế tạo phi thuyền, khi thì muốn làm phi công như bài hát “anh Quốc ơi…” nói về một người phi công, từng bỏ bom dinh Gia Long để lật đổ ông Diệm, bị Hà Nội bắn rớt. Sau 75 thì khám phá ra ông Phạm Phú Quốc này chưa chết như đài Sàigòn rao rao, tuyên truyền khi xưa. Tương tự ông hồi chánh viên Nguyễn Văn Bé mà đài quân đội khi xưa cứ rao rảo mỗi ngày “tôi là Nguyễn Văn Bé, hiện còn sống đây…” mà Việt Cộng kêu ông ta đã hy sinh cho cách mạng. Sau này đọc tài liệu của mỹ về chiến tranh chiêu hồi khá hay.
Có dạo mình tải video của ông Steve Jobs, khi bị ung thư, nói về cuộc đời cho mấy đứa con xem để động viên chúng học. Trong cuốn “So good they can’t ignore you: why skills trump passion in the search for work you love”, tác giả Cal Newport nói rằng; nói ai theo đuổi đam mê của họ sẽ có những hậu quả không lường được.
Tỷ phú Mark Cuban cho hay: “một trong những điều giả dối lớn nhất mà người ta cổ động là đeo đuổi đam mê của bạn, vì đó là lời khuyên tệ hại nhất mà chúng ta nhận hay chia sẻ”. Tại sao ông Cuban không tin vào sự đeo đuổi niềm đam mê mà chúng ta thường nghe bởi thầy giáo ở học đường; hay đeo đuổi những gì mình yêu thích.
Hỏi mấy người thầy là họ có yêu hay đam mê nghề của họ. Mình nhớ có ông thầy dạy pháp văn, kêu là khi xưa thầy đậu vào đại học văn khoa và Phú Thọ. Cuối cùng thầy chọn học môn pháp văn để đi dạy vì nhàn, lương giáo sư dạo ấy cao. Sau này vật đỗi sao dời, thầy tiếc hùi hụi nghề kỹ sư. Thằng con mình có ông thầy dạy toán đi làm thêm trong nhà hàng để có thêm tiền nuôi con của cô bồ. Tình cờ gặp ở tiệm ăn nên phải cho boa nhiều nếu không sợ thầy buồn. Cuối cùng chịu không nổi ông thầy bỏ cô bồ, khỏi phải đi làm thêm.
Đọc sách báo thì cứ nghe nói “đeo đuổi đam mê của mình”. Vấn đề là chúng ta có rất nhiều đam mê. Có lẻ vì vậy mà người Việt rất đam mê tứ đổ tường, chết sống cũng theo 4 thứ này mới là nam nhi đại trượng phu.
Ở Hoa Kỳ, có một loại thương mại mà chắc chắn 1000% là thất bại, đó là mở tiệm bán đồ cỗ “antiques”. Mấy bà về già hay thích săn lùng đồ cỗ, rồi kêu ông chồng cho tiền mở tiệm rồi ngồi ngáp ruồi, tốn tiền khơi khơi. Muốn hại ai, người Mỹ xúi họ mở tiệm đồ cỗ.
Trên thực tế, ai mà bỏ nhiều thì giờ vào những gì người ta giỏi hay có khiếu thì người ta sẽ đạt như người xưa hay nói: ‘nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Khi xưa mình thích hát lắm đến khi gặp đồng chí gái thì cô nàng kêu: ‘xin lỗi anh, giọng của anh rất tồi” khiến mình bừng tĩnh cơn mê, bỏ đàn hát từ đó, xoay qua học nghề mua nhà cho thuê. Từ đó không từ bỏ mua nhà dù đồng chí gái có cấm. Cho nên mình nghĩ đừng bao giờ theo đuổi đam mê của mình, mà theo đuổi những cố gắng, những gì mình có khiếu.
Trong cuốn “So Good They Can't Ignore You: Why Skills Trump Passion in the Search for Work You Love” Cal Newport, tác giả cho rằng; khuyên ai đeo đuổi đam mê của mình có thể đưa họ đến thảm hoạ. Sự khuyên bảo này gây nhiều phá sản vì ít ai thành công trong công việc làm ăn mở công ty. Người ta hay nhầm lẫn sở thích và đam mê trong công ăn việc làm.
Nếu đi viếng vùng Hồ Ly Vọng ở thành phố những thiên thần, chúng ta thấy rất nhiều phục vụ viên trong các tiệm ăn, hay quán rượu, mơ trở thành minh tinh màn bạc, để rồi một ngày nào đó nhìn lại đời mình thấy rong rêu. Họ bận áo quần, hoá trang các minh tinh nổi tiếng, đứng ở đại lộ Hồ Ly Vọng để chụp hình với du khách, kiếm tiền boa độ nhật.
Khác với đam mê, sự cố gắng học hỏi sẽ đưa đến chuyên môn vì đam mê luôn luôn cần thời gian và sự cố gắng để luyện tập. Thông thường, một người tài giỏi khởi đầu bởi học hỏi rồi nhờ cố gắng luyện tập, dần dần đạt những thành công nho nhỏ, khuyến khích, giúp họ cố gắng thêm. Mình nhớ mấy đứa con bị đồng chí gái bắt học đàn dương cầm, vĩ cầm. Chúng chán như con gián nên sau bao nhiêu năm, chả thấy khá khá gì cả lại tốn bộn tiền.
Ngược lại cho chúng bơi thì chúng mê, tập mỗi ngày 2 tiếng, cứ phá kỹ lục của đội bơi rồi sau này của trường. Cố gắng học tập nhiều sẽ giúp chúng ta tiến bộ, và khi đã tiến bộ thì chúng ta càng cố gắng hơn sẽ đạt những thành tích nho nhỏ rồi từ từ lên cấp cao hơn. Để rồi một ngày nào đó, chúng ta thức dậy và giác ngộ là chúng ta làm những gì chúng ta yêu thích dù không khởi đầu bởi sự đam mê.
Một sự thật mà không ai chối cãi đó là ít ai từ bỏ những gì mà họ thích và giỏi cả. Khi người ta thấy sự thăng tiến của mình về vấn đề nào mà mình chịu khó thì khó bỏ thì giờ, lại cố gắng tìm tòi hỏi hỏi thêm. Họ cảm thấy sung sướng khi đạt được chút gì thành công sau bao nhiêu cố gắng và tiếp tục.
Mình nhớ nói chuyện với một ông chủ quán ế như chợ chiều. Ông ta kể khi xưa bạn ông đến ăn phở ở nhà ông ta thì họ khen, xúi ông ta mở tiệm nay mở tiệm không thấy ai lại. Ông ta đam mê nấu phở nhưng không giỏi về quản trị tiệm phở nên cuối cùng đóng tiệm.
Mình vô tình đi học mua nhà cũ để cho thuê. Mua được một căn rồi 2 căn rồi 3 căn khiến mình phải bỏ công đi học thêm về quản lý nhà cho thuê rồi từ từ mua thêm đến nay chớ cả đời chả bao giờ nghĩ là sẽ vào con đường này. Nhưng càng học lại càng mê, càng bỏ thời gian học tập thêm.
Người Mỹ hay nói: “Don't follow your passion. Follow your effort.” Cố gắng, bỏ thì giờ để hoàn thiện nghề nghiệp của mình rồi mượn những thành tích nho nhỏ để tự khuyến khích giúp mình làm việc năng nổ hơn. Như ai nói:"The one thing in life that you can control is your effort”.
Xong om
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét