
Hai xứ này nói tiếng khác nhau nhưng Nga Sô gom lại như để chia để trị, hai giống dân xung khắc để dễ cai trị tương tự xứ Nam Tư được gom lại nhiều nước đến khi khối Liên Xô tan rã thì các nước này đòi tự trị, chém giết nhau rồi dành lại độc lập. Ngày nay, Praha là thủ đô của Tiệp còn Bratislava là thủ đô của Slovakia.
Mình nghe đến Prague sau năm Mậu Thân, khi báo chí nói đến Mùa Xuân của Prague (Le printemps de Prague), khi các sinh viên ủng hộ cải cách của ông Alexander Ducek, tổng thư ký đảng Cộng Sản Tiệp Khắc, chủ trương thay đổi hệ thống của Liên Xô mà người Pháp thường gọi le socialisme au visage humaine (chủ nghĩa xã hội nhân bản?). Tháng 8 năm 1968, hồng quân Nga Sô đem xe tăng chiếm đóng Tiệp Khắc, dẹp bạo loạn như năm 1956 ở Hung Gia Lợi mà ngày nay có thấy viện bảo tàng kể lại diễn biến của biến động này mà người âu châu mong mỏi.
Sau này sang Tây thì được đọc cuốn Le Procès của Frank Kafka khiến mình mơ mơ mộng mộng về xứ này nên muốn làm một chuyến viếng xứ này từ mấy chục năm nay nhất là khi xem phim Amadeus của đạo diễn Milos Forman nói về cuộc đời của nhạc sĩ Mozart, quay mấy cảnh ở thành phố này, có cảnh ngay lâu đài Charles nên càng muốn đi viếng.
Sau này với nhóm Hiến Chương 77, gồm các văn nghệ sĩ, khoa học gia Tiệp Khắc tụ họp tranh đấu cho sự cải cách, tương tự ở Ba Lan có phong trào Đoàn Kết,… dẫn đến sự lật đổ của đảng cộng sản.
Như đa số các thành phố ở Âu châu đều được thành lập bên cạnh những con sông để tiện di chuyển hàng hoá, thương buồm và nước để uống và dùng cho nông nghiệp. Thủ đô Prague có dòng sông Vlatava, có dòng nước chảy rất xiết, nghe nói có đến 6 cái đập nhỏ để cản sức nước chảy mạnh, các thuyền được chạy trong góc, cạnh bờ để lên xuống. Chổ cầu Charles có khúc người ta gọi “Góc Quỷ Dữ” vì nước chảy xiết, dùng làm nhà máy xay lúa nhất là về mùa xuân khi tuyết tan. Dòng sông đổ về sông Elbe, nổi tiếng trong những chuyến hành quân của quân đội Napoleon mà khi xưa ông tây dạy sử địa cứ nói mệt thở.
Ngày nay, mình thấy họ dùng các thân cây, nối lại với nhau cho thiên nga và chim đậu, nhất là giúp nước chảy rất chậm để du khách có thể mướn pedalo, đạp ra giữa dòng sông chơi. Nhìn những pedalo với những hình thù xe huê kỳ, lòng vòng ngoài sông thấy hơi phản cảm nhưng kinh tế là trên hết. Nói đến xe huê kỳ, thành phố này có dịch vụ đi vòng vòng trên những chiếc xe cũ Huê kỳ, kiểu ở Havana, Cuba. Có nhiều chiếc mình nghĩ họ độ lại như mấy chiếc limousine.
Đi ngoài đường thấy có quảng cáo nhiều mục văn hoá như hoà tấu Bolero của Ravel, hay 4 mùa của Vivaldi hay những vỡ kịch của các tác giả Tiệp nhưng vào lúc 5:00 chiều, quá sớm. Có nhà múa được gọi là Fred & Ginger được thiết kế bởi kiến trúc sư Vladimir Milunic và Frank Gehry, nằm cạnh bờ sông khá đặc thù. Có thấy vài nơi có để mấy bức tượng di động của điêu khắc gia David Cerny khá độc đáo.
Sáng nay dậy, đi mua bánh mì và croisssant cho vợ. Một ổ baguette, 3 cái croissant tốn 10 đô. Tối qua có mua trái cây và dưa leo, trứng,…nên ăn điểm tâm ở nhà rất hoành tráng, trưa tối thì đi ăn tiệm.
Ăn xong thì leo lên đồi đến lâu đài vua chúa thời xưa. Nói về kiến trúc thì không có gì đặc sắc, nhà cửa được kiến thiết theo kiểu Baroque, có mấy nhà thờ thì kiểu gothique cũ hơn. Khi thiếu đất thì họ xây thêm mấy căn nhà nhỏ cạnh nhà thờ nên choáng hết vẽ uy nghi của nhà thờ Chúa. Nước này là chư hầu của Đế Quốc Áo-Hung nên không giàu bằng Áo, Pháp, Anh quốc nên lâu đài cho vua chúa xoàn xoàn hơn nhưng địa thế của lâu đài khá đẹp. Bên ngoài có vườn thượng uyển dễ thương, phía sau thì có nhà nghỉ mát mùa hè với vườn hoa.
Mái nhà và máng xối nước mưa được thiết kế khá giản dị, không dấu đi như ở Pháp, Ý,... chỉ để cái que sắt chống lên có chân ở tường. Kiểu này mùa đông tuyết nặng có thể làm xập dàn máng xối lại tốn công sửa chửa. Mái nhà họ làm theo kiểu bên Đức nên mùa đông khá mệt vì tuyết, chắc dân họ phải leo lên mái nhà để xúc tuyết.
Đi vòng vòng chụp hình cho đồng chí gái xong thì đi bộ xuống mấy thang cấp nghe đâu trên 207 cái, rồi lang thang ra cây cầu đá nối liền hai bờ sông. Hú vía, may là không lên bằng các thang cấp này vì chỉ có một chỗ để kiểm soát an ninh vào trong, sợ bỏ bom nên thiên hạ nối đuôi đứng đợi trong khi phía bên kia có đến 4 chỗ khám xét nên vào nhanh hơn. Nghe nói đến chiếc cầu Charles này rất nhiều nhưng khi đến thì so với mấy cây cầu ở Ý thì không có gì là đặc biệt, mấy bức tượng các ông thánh, được gắn 5 sao vàng, chắc là để nói đến 5 châu, được gắn sau này. Mình thấy ở các nhà thờ, phía ngoài họ sơn son thếp vàng các tượng thánh khá nhiều. Không biết bằng vàng thật hay chỉ là sơn màu vàng.
Trước khi lên đường thì mình có xem một cuốn phim của đài truyền hình Anh Quốc, có tên phóng viên cài theo máy quay lén, cho thấy mấy cảnh bị móc túi nhanh kinh hồn. Có tên kia người anh, nói là ở Praha đến 10 năm, vừa đi với tên phóng viên thì gặp một cô gái, bổng nhiên ngừng trước mặt, sờ chim hỏi muốn làm tình không. Tên này nói không thì khi cô gái vừa đi thì hắn không tìm thấy cái ví tiền nữa, chạy đi kiếm cô này thì lục trong bóp không thấy gì nên cũng run, may không bị gì hết.
Mình để ý, thợ họ đang làm lại lề đường cho người đi bộ, họ làm theo kiểu xưa, lấy mấy cục đá độ 6cm x 6 cm x 4 cm đặt xuống đất rồi phủ cát ở các khe, trông rất bắt mắt, chỉ khổ là nhiều chỗ đất lún nên lại bị bong ra, mấy cục đá nằm rải rác bên lề, đi bộ lớ quớ lại vấp phải. Trên nguyên tắc, người ta phải lấy máy dập đất cho cứng lại như xe hủ lô chạy trên đường trước khi đổ nhựa, trải cát rồi đá. Mình thấy họ chỉ trải cát rồi gắn đá lên trên. Vào mùa đông, lạnh cóng rồi mùa hè sẽ làm cho lề đường co giản, sẽ long mấy cục đá. Hy vọng nhân công rẻ vì công làm rất đắc, tốn thời gian mà không chắc, phải làm lại sau mùa đông.
Thêm nữa mấy bà mà đi cao gót ở đây chắc mệt. Hỏi đồng chí gái thì cô nàng tuy mang giày thường nhưng đi đứng khó khăn vì trơn trợt. Sáng nay phải mua cho đồng chí gái đôi giày Bata, có chụp hình trước tiệm đề bảng hiệu Bata’. Không biết có dính dáng gì đến giày Bata thời xưa.
Năm 1968, khi sinh viên ở Pháp xuống đường biểu tình, làm cách mạng văn hoá theo Mao Trạch Đông, các sinh viên nhổ hết đá lót đường (pavé) ở khu La Tinh, để ném đá cảnh sát cơ động dẹp biểu tình nên sau vụ này, chính phủ Pháp cho nhổ hết các đường lót đá từ mấy trăm năm để tráng nhựa. Trong tương lai khi sinh viên ở đây, biểu tình thì họ chỉ nạy đá lề đường lên là có thể chọi cảnh sát.
Ghé lại xem cái đồng hồ thiên văn nổi tiếng ở khu phố cỗ, tồn tại sau 600 năm, được tân trang lại nhiều lần. Nghe nói mới sửa chữa xong hồi tháng 9 năm nay, cách đây 2 tuần. Mình thấy họ gắn cái lưới gà che đồng hồ và các tượng để chim bồ câu không đậu lại và ỉa trên tượng các thánh như ở Venice. Đứng xa nên chả thấy gì cả, không biết đồng hồ chỉ mặt trời và mặt trăng có chạy hay không. Chắc chỉ vẽ sơn màu lại cho đẹp để du khách chụp hình. Lưới gà cũng che một phần.
May là đi vào trung tuần tháng 10 vì nếu đi vào mùa hè thì chắc không có chỗ mà đi vì du khách khá đông, cứ như ở bên Tàu. Thành phố nhỏ mà du khách đến viếng nghe nói là thứ 5 ở âu châu. Do đó chỉ thấy các cửa hàng sống về du khách, bán kỷ niệm, tiệm ăn uống, áo quần,… thấy dân Tiệp thì ít mà dân ngoại quốc thì nhiều, chắc phải ra ngoại ô hay đi tỉnh khác thì mới biết được người sở tại sinh sống ra sao. Phụ nữ Tiệp hút thuốc rất nhiều, không thua gì đầm ở Tây ngày xưa.
Vòng vòng thì thấy các tiệm mát xa Thái Lan đầy, có thể chủ là Tiệp rồi mướn mấy cô Thái đấm bóp. Đi bộ mệt vào đây đấm bóp cho nhẹ nhàng chân tay. Hôm qua đồng chí gái đi bộ 18 cây số với đôi giày chiến đấu mới mua nên hôm nay cho vào tiệm mát xa. Hoá ra là người Phi Luật Tân, bận đồ Thái. Chủ là người Tiệp, cứ thấy á đông là Ok, không phân biệt là Thái 100% hay không. Có bà du khách người Thái chạy vào hỏi đường bằng tiếng Thái, bà Phi Luật Tân đứng như ngỗng ị, ú ớ.
Thức ăn thì đủ loại cho du khách, Pizza, hamburger, KFC, Burger King, tiệm McDonalds, hay xúc xích giá rẻ hơn thức ăn bản xứ nhưng Starbuck thì nhiều. Thiên hạ uống McCoffee trong mấy cái ly thay vì ly giấy ở Mỹ. Nay mới nhớ đến cô bạn mỹ ngày xưa, khi đi chơi với cô nàng, cô ta nói về Mỹ sẽ mua cổ phiếu của Levi’s vì thấy dân tình mấy xứ Âu Châu bận đồ Jean rất nhiều. Có vài tiệm ăn Việt Nam, cứ thấy đề phở ở Foods Court trong các thương xá.
Các tiệm Mini Market toàn do người Việt nắm giữ tương tự ở Rome do các dân từ Sri Lanka hay Ấn Độ làm chủ vì mở cửa khuya. Dân Tiệp chưa bị vi khuẩn Tư Bản xâm nhập vào máu. Nghe nói có đến 60,000 kiều bào đến từ Việt Nam, có cả khu thương mại người Việt có cái tên Sapa nhưng chắc sẽ không đi viếng vì cách trung tâm khá xa. Mình có xem hình, chắc lèo tèo hơn khu Bolsa Cali.
Chợ này, năm vừa rồi được thiên hạ nhắc đến khi có mấy người sinh sống ở đây được Hà Nội, nhờ mướn xe chạy qua Bá Linh để giúp bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đem về Hà Nội, qua ngã Tiệp Khắc. Hà Nội mượn chuyên cơ của cựu bộ trưởng Tiệp Khắc để chở TXT qua Nga Sô, lấy máy bay Hàng Không Việt Nam về Hà Nội khiến chính phủ Đức mất mặt, không hiểu sẽ ra sao. Chắc lại phải nhượng bộ về kinh tế để được bán hàng hoá sang Âu Châu. Vào thương xá, thấy quần áo, giày dép Madze in Việt Nam không. Có cặp vợ chồng gốc Thái Nguyên, di dân sang đây từ 19 năm, có cửa hàng bán trái cây rau cỏ, mở cửa đến 12 giờ đêm. Họ kể năm nào cũng về Việt Nam ăn Tết.
Có mấy thương xá, lên sân thượng của họ, có nhà hàng ngồi trên sân thượng nhìn toàn cảnh thành phố khá đẹp ngược lại không được xem người ta đi coi đi lại. Không cần ăn, gọi nước cũng được. Dân xứ này mới ngủ dậy sáng là đã chơi một ly cối bia hơi.
Vào tiệm mình kêu món Goulash, mà từ ngày sang Cali đến giờ chưa được ăn lại. Món này cổ truyền của Hung Gia Lợi nhưng chắc người Tiệp cũng có nấu. Hôm nào sang Hung Gia Lợi ăn lại. Món này đại cay nhưng có lẻ vì du khách, họ để riêng ớt nên chả thấy cay, trong khi thằng con chơi món vịt Tiệp nướng rất ngon còn đồng chí gái thì chơi cá hồi, không phải thức ăn của người sở tại. Đi ngoài đường thấy họ quay chân heo như kiểu Panzit của Phi Luật Tân nhưng to quá nên không dám rờ. Ăn xong đồng chí gái kêu một hộp kem rồi kêu đi chơi, ăn không cần giữ eo.
Ngày nay đi bộ trên 18 cây số, nên đồng chí gái ít nói, chắc mệt quá. Mai mua cái vé một ngày đi xe điện và xe buýt. Cứ nhảy xe lên ngồi rồi khi nào muốn nhảy xuống là nhảy. Vé một ngày đâu 6 đô.
Hôm nay thì xem như đã đi hết mấy chỗ chính của Praha nên đi lòng vòng chơi cạnh bờ sông. Trời vào thu nên lá cây bắt đầu đổ sang màu vàng, đỏ nên khá đẹp may là chưa mưa. Sáng nay, ra tiệm ăn sáng. Nghe nói tiệm này có trên 100 năm, chỉ bị đình chỉ dưới thời Cộng Sản. Bồi bếp ăn bận sang trọng trong khi mình thì dáng dấp bần cố nông. Rất ngon nhất là ly sô cô la nóng hổi, rất đặc, không ngọt, nức nở nhưng mụ vợ kêu không có chi là đặc biệt, thèm món phở. Đi chơi mấy ngàn cây số lại thèm phở. Chán Mớ Đời
Cạnh bờ sông có nhà hát Opera, được thiết kế theo kiểu nhà hát ở Paris của kiến trúc sư Fournier, bên cạnh thì có nhà hát kịch được xây dựng dưới thời cộng sản, một ụ bê tông mà người ta gọi nôm na là kiến trúc kiểu bạo tàn (Brutalist), tượng trưng cho chủ nghĩa cộng sản. Thật ra không phải tất cả những toà bin đinh thiết kế thời cộng sản đều xấu, có viện bảo tàng quốc gia khá đẹp mắt. Mình có thấy vài toà nhà khác dưới thời cộng sản thì nay đã được tân trang lại một chút, có chỗ phải che lưới gà vì bồ câu đậu ỉa mất xác. Thời cộng sản chắc không có bồ câu nên kiến trúc sư không để ý tới.
Hôm nay có ghé lại nhà ga xe lửa xem. Dân tình đi xe điện rồi kéo lê vali đến nhà ga. Được cái là xứ này, họ có trang bị những nhà vệ sinh công cộng nên cũng dễ thở cho du khách. Cũng có chỗ đòi tiền, có chỗ miễn phí nhưng ít ra có chỗ để đi.
Có đại lộ rất rộng dẫn đến quảng trường Stanilas, trước mặt thư viện quốc gia, có rất nhiều tiệm may mặt nổi tiếng, tương tự Champs Elysees. Có xem cảnh đệ nhị thế chiến, quân đội Đức Quốc Xã bắn chết người Tiệp. Ngoại ô của Prague có một trại tập trung kiểu Dachau, giam giữ và thủ tiêu người Do Thái trong thời đệ nhị thế chiến nhưng không dám đưa đồng chí gái đi xem. Mình đã viếng Dachau và Mauthausen thời còn trẻ nên tởn tới già. Kinh hoàng ! Con người tàn độc với đồng loại.
Nói chung thì thành phố khá dễ thương, nhà cửa được xây 4-5 tầng, làm bằng ngói đỏ, đa số được xây dựng thời Baroque, ngày nay họ đang tân trang lại các toà nhà như để giữ gìn kho tàng văn hoá của tổ tiên để lại nhưng có lẻ mình sẽ không trở lại. Có nhiều thành phố đến rồi đi nhưng mình vẫn ước ao trở lại như Roma, Paris, Madrid, Venice, Luân Đôn, Berlin,…
Có lai rai vài building được thiết kế theo kiến trúc hiện đại nhưng rất ít. Những building được xây cất dưới thời Cộng Sản thì người ta tìm cách che chúng đi qua những tân trang gượng gạo. Không có thì giờ để điều nghiên thêm văn hoá sở tại như nhạc và mỹ thuật nhưng rất khó vì đa số được thiết bị theo nhu cầu của du khách, khó có những buổi trình diễn hiện đại để tìm hiểu thêm về người Tiệp nghĩ gì về, tạo dựng tương lai hay chỉ sống dựa vào du khách với kho tàng văn hoá cổ xưa để lại, may mắn không bị tàn phá trong các cuộc chiến trước đây.
Xong om
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét