Những thiên sứ của Văn-học

Nguyễn Hoàng Sơn

12 B
Có một người ngoan đạo, ngày nào cũng đi lễ, cầu nguyện, sống gương mẫu theo kinh thánh đã dạy. Một hôm trời mưa có người hàng xóm gõ cửa, kêu phải di tản vì vỡ đê, ông từ chối và nói Chúa sẽ cứu rỗi ông ta. Khi nước lên tới tầng thứ nhất thì có một người chèo ghe qua nhà, kêu ông ta đi nhưng ông từ chối và tiếp tục cầu nguyện. Cuối cùng ông phải leo lên nóc nhà vì nước đã ngập hết căn nhà. Bỗng dưng có một chiếc trực thăng bay qua, bảo ông ta đu dây lên, nhưng ông ta từ chối vì tin mình là người tốt, Thượng Đế sẽ cứu ông ta. Khi lên thiên đàng, ông ta trách thánh Phao Lô sao không cứu vớt mặc dù ông ta đã sống tuân theo lời chúa dạy mỗi ngày. Thánh Phao Lô nói: "Ta đã gửi 3 Thiên sứ đến cứu ngươi nhưng ngươi không chịu theo họ". Trong đời sống, chúng ta có duyên gặp những người xa lạ rồi thành quen, họ có thể khuyên bảo hay giúp ta một việc gì. Nếu đón nhận thì cuộc đời mình sẽ có sự thay đổi. Họ là những... Thiên Sứ của đấng tối cao nào đó phái đến để báo động hay hướng dẫn mình!!!
Ngồi nhìn lại con đường đã đi qua, gặp những bạn đã đi chung một chặng đường trong đời, có những ảnh hưởng khác nhau trong cuộc sống rồi...chia tay.

Năm lớp 11B, tuy không ngồi cùng bàn, Ngô Văn Thuỷ (cô Thuỷ) hay rủ Sơn đi thăm mấy ông thầy dòng ở Giáo Hoàng Chủng Viện để Sơn mượn sách còn Thuỷ thì không. Dạo đó được các thầy cho mượn sách đọc thì thích lắm vì hầu như mình đã đọc hết sách truyện thuê của nhà sách Minh Thu đường Phan Đình Phùng. Hình như gia đình Minh Thu bây giờ cũng định cư ở bên Mỹ. Không gian nhỏ bé của Đà Lạt đôi khi khiến mình muốn bay nhảy thật xa nên niềm vui đọc sách giúp đầu óc mở mang, mơ về những phương trời và một tương lai rộng lớn hơn.

Lúc nộp đơn xin đi du học, đang lo vì ít hy vọng thì nhận thư của Hùng Con Cua ở Saigon kèm theo cái nghị định của bộ Giáo Dục cho đi xuất ngoại. Gần 40 năm, Sơn cố tìm kiếm Hùng thì bỗng dưng hôm nay Phi Nga xuất hiện để cho tin tức về Hùng và những người bạn năm xưa.

27 năm về trước sang Mỹ chơi, ghé thăm Nhị Anh ở San Diego thì được tặng 3 cuốn sách trong đó cuốn "you can negotiate anything" của Herbert Cohen. Nó đã trở thành cẩm nang cho đời sống. Nhớ có lần đi chơi với cô bạn, cô ta nói chỉ có 60 phút để "đả thông tư tưởng" vì phải trực nhà thương. Lúc đó có người bán dạo hoa hồng ghé lại mời. Sơn mất 15 phút để trả giá nên không bao giờ gặp lại cô ta! Cuốn sách đó coi như chìa khoá mở cửa cho mình một hướng đi khác trong cuộc đời. Sơn xin đính chính là mình không phải con bà Sơn Hà ở đường Phan Đình Phùng như Nhị Anh kể trong bài những con đường ký-ức\.. Nhà Sơn ở Hai Bà Trưng, khu cư xá công chánh. Có lần Nhị Anh lái xe của thầy đi qua nhà cô nào ở đường Thi Sách bị kẹt xe trong bùn, Sơn phải lấy xe jeep kéo ra vũng lầy. Khi sang Mỹ chơi, có ghé thăm gia đình thầy Chử Bá Anh và cô Vi Khuê thì Nhất Anh cứ bảo Sơn phải lấy vợ vì "nhỏ có mẹ, lớn có vợ". Rồi không ngờ gặp lại Tam Anh giúp Sơn quyết định sang Mỹ làm việc ở New York. Qua bạn bè của Tam Anh, lại "phát hiện" ra "đồng chí gái". Lúc đó mới hiểu"công danh phú quý không bằng có Vợ".

Hồi còn sinh viên, trong 3 tháng hè Sơn hay đi hitch hiking khắp Âu Châu. Vai mang ba lô, tay cầm giá vẽ đi quá giang xe thiên hạ từ tỉnh này sang tỉnh kia. Tính đến nay cũng trên 40 nước, sinh sống tại 6 quốc gia và thay đổi thành phố 14 lần. Nói đủ thứ tiếng nên lộn tiếng này qua tiếng kia. Đi du lịch vẽ tranh bán để trả tiền ăn ở Youth Hostel, còn dư tiền để đóng tiền học và gửi về VN. Bây giờ ở Cali, mỗi ngày phải nói 4 ngôn ngữ: tiếng Mỹ, tiếng Mễ với khách hàng và thợ rồi về nhà nói tiếng Việt. Có lúc mấy đứa con giở chứng, kêu phải nói tiếng Pháp để tụi nó thực tập nên ở nhà như cái vở hài kịch, nhất là khi có con cháu của mấy người bạn ở Âu Châu sang chơi.

Dạo mới lập gia đình Sơn có được mời về Hà Nội dự hội thảo về phát triển VN. Lần thứ nhì về thì ông Lý Quang Diệu rút lui nên mình cũng hứa với vợ là sẽ không khắc khoải về VN nữa. Sơn học kiến trúc vì có giấc mơ giúp xây dựng lại VN. Đi nhiều nước để làm việc cho những kts nổi tiếng như I.M Pei, Norman Foster, Rafael Vignoli,...học hỏi thêm kiến thức. Sau này đi du lịch với vợ con có đưa đi viếng những công trình ở Âu Châu, Á Châu, Phi Châu. Ngày xưa, ông Nguyễn Trãi từ quan về ở ẩn vẫn bị tru di tam tộc. Còn Nguyễn Thạc, có lẽ bị nhà Lê gửi sang Trung Hoa theo lệ triều cống hàng năm, được vua Tàu thâu dụng để xây dựng Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh mà ngày nay là niềm tự hào của TQ, một kho tàng văn hoá của nhân loại. Nếu ông ta ở lại VN thì có thể cũng không đóng góp được gì cho đất nước hay con người! Đi làm kiến trúc bên Mỹ thì thấy nhà thầu làm nhiều tiền hơn nên xoay qua đi thầu, lại thấy developers có đồng ra đồng vào hơn nên mua đất, chia lô, vẽ, xây rồi bán. Lại thấy mấy người có nhà cho thuê không phải lo chạy gạo từng ngày nên bắt chước mua nhà cũ, sửa lại cho thuê. Đến nay thì không cần phải...làm việc nữa! Vợ cứ la hoài vì thiên hạ kêu vẽ và xây nhà cho họ nhưng từ chối dù họ trả thù lao hậu hĩnh. Hàng ngày xách xe chạy vòng vòng chơi, vì sợ ở nhà vợ lại sai vặt.Tính vài năm nữa cô con gái út vào đại học thì sẽ trở lại khăn gói đi giang hồ. Lần này thì có "đồng chí Vợ" đi theo để pha màu cho mình vẽ. Ngày xưa, đọc "Anh hùng Xạ Điêu" Sơn mê nhân vật Hoàng Dung, không ngờ sau này lấy vợ có rất nhiều điểm tương đồng còn mình thì vẫn ngơ ngơ như ngày xưa, bị vợ la hoài.

Những mẫu chuyện kể ở trên đều liên quan đến những Thiên Sứ mà Sơn đã gặp ở Văn Học. Có thể có những Thiên Sứ khác đến giúp Sơn nhưng vô tình không hiểu được thông điệp của họ, cũng có thể quên. Sơn viết lên đây để cám ơn các Thiên Sứ của Văn Học, cám ơn thầy CBA đã cho học miễn phí hai năm và tất cả những người bạn đã đi cùng một chặng đường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét