Những mảnh đời tôi quen

Nguyễn Hoàng Sơn

Về Việt Nam, đi thăm những người quen khi xưa thì thấy nhiều người rất giàu nhưng cũng có nhiều người nghèo không thể tả, thẩm định, coi như nghèo tận cùng bần số. Mình không hiểu, đánh đổ chế độ tư bản, phong kiến bóc lột để xây dựng một xã hội công bằng nhưng 40 năm qua, hình như sự chênh lệch giai cấp còn quá hơn xưa.

Lần đầu tiên về thì có tìm gặp bác P, bạn hàng với bà cụ mình khi xưa. Mình nhớ hồi nhỏ có tấm hình Bác bồng mình khi tắm cho mình ở ấp Ánh Sáng, lòi con chim đen như ớt mọi. Dạo ấy Bác làm ăn khá giả nhưng kỳ về trước thì thấy bác bán cái xập ngoài chợ, mướn cái tiệm ở đường Minh Mạng, bán áo quần nhưng nghe Bác rên là bị ai dựt hụi nên phải trả nợ mệt thở. Kỳ này thì có ghé nhà Bác mướn một phòng ở dốc Nhà Làng nhưng đóng cửa, nghe nói bác bị tai biến nên ra cái quán của cô con gái ở dốc Nhà Làng, nhờ đưa tiền biếu Bác chút đỉnh để thanh thuốc. Cái khổ ở Việt Nam, người dân bình thường về già, không có hưu lương như cán bộ nhà nước hay có công với cách mạng nên đau ốm là khổ cho con cháu, đã nghèo lại còn nghèo hơn.

Có ông quen ở Nha Trang, khi xưa có cơi ngơi to lớn ở đường Lê Thánh Tôn, nay nghe con cháu kể là ở Sàigòn, sống trên chiếc ghe ở gần cầu chữ Y, con cháu chả để ý đến cặp vợ chồng già, một thời hét ra lửa, giàu nứt vách trước 75.

Hôm trước ra mua hai ổ bánh mì thịt cho ông cụ mang theo vì ông muốn về sớm có việc chi đó với đạo hữu. Mình thấy một tên mới 6 giờ sáng đã cầm chai bia nên hỏi chị bán bánh mì. Chị bảo là tên này làm khổ vợ con, sủa xe gắn máy, có đồng nào là nhậu hết đồng đó rồi còn đánh đập vợ con làm mình nhớ đến những trận đòn của ông cụ khi xưa.

Hôm qua đi thăm bà dì của người em rể, thấy nhà cửa bây giờ to lớn. Cái chòi khi xưa rang kẹo bán nay là địa điểm của ba căn nhà do cô ta gầy dựng cho con cháu. Tiệm kẹo nổi tiếng bán khắp Việt Nam. Hỏi nhờ đâu mà cô khá giả, bà dì bảo là nhờ bỏ được thằng chồng hắc ám, tối ngày say rượu. Nhiều cô gái ở Việt Nam không muốn lấy chồng vì thấy đàn ông con trai nhậu suốt ngày.

Mình có gặp một cô quen với gia đình ở Khánh Hoà, kể là bỏ chồng thì bị họ hàng chống đối nhất là người công giáo. Cô kể thằng chồng về say sưa, ói mửa phải dọn hoài nên chán, có lần chồng say, lấy dây dù cột, quăng ra đường, đổi ổ khoá. Gia đình chửi bới nhưng cô ta không màng, một mình nuôi con còn tên chồng thì mất tích. Nhờ vậy mà ngày nay khá giả, nuôi cá kiểng để bán qua Mỹ, nghe kể lợi tức độ từ $10,000.00 - $15,000.00/ tháng.

Nghe nói dân Việt nhậu nhưng chưa bao giờ mục kích. Kỳ này về thì thấy mấy người bạn học cũ, uống rượu pha và bia khiến mình dù không uống nhưng cảm thấy mệt theo, nhất mấy ông thần hút thuốc, chịu không nổi nhất là trong phòng kín. Có một người thầy hỏi mình đi khắp năm châu, ở tây mấy chục năm sao không biết uống rượu. Mình kể Tây bắt đầu uống rượu nho sau đệ nhất thế chiến, khi các quân đội tham chiến sử dụng khí giới hơi ngạt khiến nước uống bị ô nhiễm nên binh lính phải uống rượu nho nên khi giải ngũ họ bắt đầu uống rượu nho giúp ngành trồng nho làm rượu được phát triển ở Âu châu rồi lan đến bên Mỹ.

Nói chuyện một hồi thì ai đó hỏi tại sao họ gọi Eau de vie, mình chỉ nhớ mấy loại rượu hơi mạnh thường được làm bằng trái cây nên Tây gọi là eau de vie de fruit vì rượu trong thánh kinh được xem là huyết của Chúa nên khi làm lễ ở nhà thờ, người ta có rượu và bánh, tượng trưng cho máu và thịt của đấng cứu thế.

Chỉ khác là dân Tây họ làm rượu mạnh để bán cho ngoại quốc, chớ dân của họ không uống như hủ chìm kiểu Việt Nam. Thông thường sau bữa cơm, họ uống cà phê và một ly nhỏ rượu mạnh để giúp nóng bụng, máu chạy cho tiêu cơm, chớ không như ở VN, uống như trà đá. Vào tiệm ăn mình thấy thực khách Việt kêu rượu nho, bỏ đá vào ly thay vì uống với nhiệt độ của phòng ăn. Nếu Tây mà thấy cảnh này thì chắc té xỉu. Vấn đề là uống rượu nhiều thì gan sẽ bị phá cho nên trong tương lai, gia đình con cháu sẽ phải trả tiền nhà thương cho các dân nhậu thì thiệt thòi cho con cháu.

Có lẽ vì vậy mà người ta nói" đời cha ăn mặn đời con khát nước" vì khi ông cha về già, đau ốm thì con cháu phải cong lưng ra trả tiền nhà thương rồi cũng chết nên gia sản đều bay hết. Nghèo vẫn hoàn nghèo, nghèo lâu, nghèo không bao giờ ngóc đầu lên. Không phải chỉ có đại gia hay cán bộ mới nhậu, dân nghèo cũng uống, như để quên đi thực tại, sống không có ngày mai. Người ta không ý thức về những hậu quả để lại cho con cháu gánh khi mình bị bệnh.

Đi tập dưỡng sinh với bà cụ xong, hỏi chổ nào bán mì quảng ngon thì nghe nói ở ngã ba chùa, tính chút nữa ghé qua bên đó ăn. Ai ngờ bà cụ ghé vào một quán nhỏ bên đường, thấy một cặp vợ chồng trẻ, đứng bán bún cá và mì quảng, mới mở quán đâu 1 tuẩn lễ. Cô vợ thì thấp và gầy như con tép, điện nước từ trên xuống bằng phẳng như cái thớt. Hỏi hai vợ chồng chịu khó ghê nhỉ, cô vợ nói chưa lấy nhau chú ơi. Nghe giọng thì chắc từ Nghệ An vào, còn ông chồng chưa cưới thì kể tốt nghiệp đại học hai phân khoa du lịch và sư phạm nhưng không có việc làm nên cả hai mượn tiền, nấu bún cá 12,000/ tô và mì quảng 15,000/ tô. Lại nghe kể học ra trường, đi làm chỉ được lương 3 triệu đồng hay $150.00/ tháng nên mới hiểu bài hát:" học hành sau 5 năm, kiếm được 1 mảnh bằng, ngờ đâu ấy là bằng thừa...." Trước khách sạn, có cô bé mới tốt nghiệp đại học, làm cho công ty Taxi, đợi khách trọ ra là mở cửa taxi cho du khách nên thấy cũng tội. Học 5 năm đại học ra để mở cửa cho xe taxi. Đi tiệm ăn, thấy người phục vụ quán ăn, bưng hầu thực khách rất tội, bị la hét on sòm mà hình như cũng không ai cho boa. Mình mất mấy chục năm ở xứ người mới không có trò la lối trong tiệm ăn, xem phục vụ viên như người làm, ô sin. Có lần mình gặp thầy của mấy đứa con là phục vụ viên ở tiệm ăn, thầy trò nói chuyện nhau rồi con mình cho tiền boa ông thầy. Ngoài giờ dạy, hắn phải đi làm thêm bồi bàn để nuôi 4 đứa con của cô bồ. Nghe nói hắn đã bỏ chạy tình yêu mua 1 tặng 4 nên dạo này đi ăn, không còn thấy hắn nữa.

Trong ngày kỷ niệm 60 năm cưới nhau của ông bà cụ, mình gặp lại hay lần đầu mấy đứa em, con của bà dì, em cùng mẹ khác cha với bà cụ. Có một cô em khi mình đi Tây thì cô nàng đâu 1 tuổi, nay nghe nói bị hư thận. Năm ngoái có nghe tin thì mình có gửi tiền về cho nay nghe nói phải đi lọc máu hàng tuần, tay chân gân nổi tùm lum. Mình tính đi thăm mấy chỗ mà vợ chồng mình hay giúp đỡ từ 25 năm qua thì quyết định dùng số tiền đưa cho cô em họ lo thang thuốc, hy vọng sẽ thay được ít nhất một lá thận. Mấy đứa em mình thì sau 20 chục năm te tua nhưng nhờ đổi mới nên buôn bán cũng đủ ăn nhưng nhìn mấy đứa em bà con thì thấy thương. Không biết cuộc đời của mấy em có thay đổi sau này vì thấy chồng cũng dân nhậu, uống 15 lon bia, may là có người kêu ngưng uống.

Mình vẫn thấy những người gánh hàng rong như 40 năm về trước, chỉ khác là công nghệ ngày nay giúp họ khỏi phải rao như xưa. Bà mua ve chai, đúng hơn là chai nhựa, cầm cái kèn con nít chơi, bóp bóp nghe e e e để ai có chai nhựa, đồ nhựa đem ra bán, biết đâu là vợ của chú Hoả tương lai. Vẫn thấy những bà bán đậu hủ, gánh cái quang gióng, kêu rao đậu hủ, hay nồi bánh canh, bún riêu,... Ra chợ thì vẫn thấy người ta ngồi bán ba nải chuối hay vài cái kẹo, không biết thu nhập bao nhiêu. Thấy một ông có hai đứa con dại độ 2,3 tuổi, chân không có giày dép, chạy vòng vòng trên lề đường, trong khi ông ta chẻ mấy cây tre làm lác, để xếp mấy con chim, gà bằng lác bán cho con nít.

Mình quen một cặp vợ chồng đại gia về địa ốc, xây cao ốc bán giàu nứt vách rồi ông chồng theo một bà nào rồi bà vợ chạy theo ông khác. Họ theo Thiên chúa giáo nên không ly dị nên cứ “sugar you you go, sugar me me go”, cho nên cũng không hạnh phúc, con cháu lêu bêu không biết đâu là bến bờ.

Có lẽ hình ảnh đau thương nhất là gặp lại một người bạn học cũ, tuy không thân. Anh ta ít nói nhưng cũng kể cho mình cho mình nghe cuộc đời anh ta sau 75. Đậu Tú tài IBM xong thì ra Huế học y khoa đến 75 thì tìm cách khai man lý lịch nhưng đến năm thứ 3 thì bị đuổi học vì con của ngụy quân rồi đi làm tìm cách sống qua ngày. Vợ ly dị đi Mỹ với người con gái út, anh ta sống với cô con gái đầu, phụ con lo cho hai đứa cháu ngoại. Nếu mình không lầm, anh ta cũng thuộc loại học sinh khá trong lớp, đậu cao.

Biết bao nhiêu người cũng thế hệ mình lâm vào tình trạng này. Tuổi trẻ học giỏi với bao nhiêu mộng ước rồi bị dập tắt vì lý lịch gia đình để rồi đi bên lề cuộc đời, mất cả niềm tin của lẻ sống để đợi ngày ra đi về cởi Vĩnh Hằng trong khi những người có lý lịch cách mạng hò hét trong các tiệm ăn, bia ôm,..., tự giết mình bằng cách ăn chơi, bia rượu trong khói thuốc. Lúc đó mới hiểu mình may mắn được đi Tây để có thể thực hiện mộng ước riêng tư để nhìn lại 40 năm qua, đã sống có Ý nghĩa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét