Hồi nhỏ mình nghe người lớn kể bà cụ bị tù hai lần; một lần bị mật thám của Tây bắt khi năm 17 tuổi và một lần bị mật vụ của chính phủ Ngô Đình Diệm bắt sau khi sinh mình được 4 tháng. Bà cụ đem mình theo vào trong lao. Lao là nơi người ta nhốt tù ở Đàlạt, nếu mình không lầm ở gần hồ Xuân Hương, có cái dốc đi lên gần cầu Ông Đạo, gần bùng binh, phía sau lưng cà phê Hạnh Tâm nhưng chưa bao giờ lên đây ngoài trừ bà cụ đem theo khi còn bé.
Sau này, có trung tâm thẩm vấn, nơi nhốt và lấy khẩu cung mấy người bị tình nghi theo Việt Cộng trong Bá Đa Lộc. Mình có lên đây một lần. Dạo ấy, mình có quen một tên tập chung Thái Cực Đạo ở Lasan Adran, bố hắn làm ở đây. Một hôm ông bố chở 2 đứa lên Lasan nhưng còn sớm nên bò vào đây. Mình đi vòng vòng thì thấy một tên hàng xóm khi xưa, lớn hơn mình mấy tuổi, ngồi trong một phòng tù. Thất kinh.
Trên đường Thi Sách, có nhà ông Đề, giám đốc trung tâm này. Ông này có đứa con gái đầu tên Thu thì phải, học Hùng Vương, có bồ rất sớm. Nhà ông ta, có hàng rào kẻm gai và hoa Dã Quỳ mọc đầy xung quanh. Loại tròn tròn của mỹ, họ gắn thêm mấy cái lon bia để ai đụng hay xê dịch hàng rào thì nghe len ken. Ông ta đem tù về làm, có cảnh sát cầm súng đứng gác. Lúc đó mình mới thấy mặt Việt Cộng là ai. Phòng ngủ mình nằm phía đường Thi Sách nên đêm đêm nhất là khi mưa gió, hay nghe tiếng len ken, tiếng chó hàng xóm tru nghe buồn thối ruột.
Kể tới đây thì nhớ loại hàng rào ở tiểu khu, góc Pasteur và Hùng Vương, người ta gọi là hàng rào chống B40.
Dạo ấy, khu phố 2 là nơi mình cư ngụ, có trụ sở ở trên Số 4, đường La Sơn Phu Tử. Làm sổ gia đình hay mua gạo đều phải lên đây. Ai đi nhân dân tự vệ thì lên phía sau trường Đa Nghĩa, đường Thi Sách để canh gác. Khu phố 1 có trụ sở ở đường Duy Tân, chỗ cái đình An Hoà, từ đường phải đi xuống mấy thang cấp, có ông Ngô La làm chủ tịch khu phố này. Ông này quen với gia đình mình nên ghi danh mình ở khu phố 1, khỏi phải đi gác nhân dân tự vệ, vẫn được cấp thẻ nhân dân tự vệ, để ra đường cảnh sát hỏi giấy vẫn bình yên. Dạo ấy con trai ra đường là phải có hai bửu bối: thẻ nhân dân tự vệ và giấy miễn dịch. Có tên hàng xóm rớt tú tài nên làm giấy tờ giả để học lại, nhưng chưa hết hè, chưa đi học lại nên chưa có giấy miễn dịch. Một hôm hắn kêu chở hắn ra khu Hoà Bình ngắm gái thì bị tuần cảnh chậm lại, có cò Giao nữa, không có đủ giấy tờ, cảnh sát kêu đứng đó. May quá có ông Ngô La đứng đó nên mình nói chêm vào nên ông Ngô La cho đi. Hú vía. Về ông bố tên này la mình quá cở.
Ông trưởng ấp trên số 4 hay bị Việt Cộng ban đêm mò ra, bắt giết hay bắt đám trẻ đi lính MTGPMN. Có dạo, sau Mậu Thân, ông cụ mình và mình đêm đêm ra phố ngũ nhờ nhà bà con, tiệm Hiệp Thạnh ở số 11 đường Duy Tân.
Có lần thằng Tuấn ở đường Thi Sách rũ mình đi gác Nhân Dân Tự vệ ở trường Đa Nghĩa, ông cụ không cho đi. Tối đó, nằm vùng về bắn B40 vào đồn Nhân Dân Tự Vệ, khiến mình tởn tới già, hết muốn đi lính, đi Tây cho nó lành. Tối đó, nghe cạch cạch đùng cạch cạch đùng rồi ầm phía số 4. Mình với ông cụ đứng trên lầu nhìn về phía Số 4. Kinh
Dạo mình bắt đầu kể về thời con nít ở Đàlạt cho mấy người bạn học cũ qua i-meo, rồi có những người cùng trường nhưng khác niên khoá, có người chuyền imeo cho anh chị hay bạn bè, kêu mình viết tiếp nay mình tải mấy bài cũ lên mạng facebook thì khám phá ra có nhiều người từng hay hiện nay sống tại Đàlạt cũng muốn biết thêm về Đàlạt trước 75. Cuốn phim Đàlạt ngày xưa bị cắt cái rụp năm 75 như khi đi xem xi nê bị đứt phim rồi họ chiếu phim khác. Khác cái là đoạn sau bị ráp nối theo phim khác. Cái vui là mình nhận được tin nhắn có nhiều người trẻ tuổi, kêu ông này bà kia mà mình có nhắc khi kể về Đàlạt khi xưa là ông nội, bà ngoại của cháu.
Có người hỏi mình tại sao người ta kêu ông ngoại cháu là “Xu” khiến mình như bò đội nón. Nhắc đến anh Đồng Thiện Minh, rễ ông Xu Huệ, huấn luyện mình Không Thủ Đạo mỗi sáng ở hãng cưa của ông Xu Huệ. Hỏi vòng vòng mấy người lớn tuổi ở Đàlạt như bà cụ mình hay chú Phấn, tiệm thuốc tây Minh Tâm xưa ở đường Duy Tân thì không ai biết, nhưng đa số ai có hãng cưa tại Đàlạt khi xưa đều được gọi là “Xu”. Mình đoán là do từ “scierie” của pháp có nghĩa là hãng cưa, “scier” là động từ còn “scieur” là thợ cưa nên có thể người Đàlạt, đa số là người Huế khi xưa, di cư vào Đàlạt, đọc trại đi là “xu” để gọi người làm hãng cưa tương tự người Sàigòn gọi “bia” là “la de” do từ “lave” của pháp. Nếu ai biết thì giải thích dùm.
Hôm qua đi mua bún bò đem về đãi khách thì nhà hàng chưa làm xong thì bà chủ kêu mình ngồi xuống, làm tô bún bò trong khi chờ đợi thì anh chồng mới ngồi xuống đấu láo. Mình hỏi hắn từ “xu” là ở đâu ra. Hắn nghĩ là do từ “Cai” vì mấy người có máu mặt tại Đàlạt khi xưa đều làm “cai” thời tây. Mình mới nhớ đến từ “SUperviseur” của tây. Mấy người này, thời tây đi làm cho tây rồi học nghề, chịu khó thì Tây cho lên làm cai, sau tây về nước thì làm chủ. Người Việt mình không rành tiếng Tây nên cứ gọi ngắn gọn “SU” thay vì “superviseur” rồi biến thành “xu” như Xu Huệ, Xu Tiếng,….mà đa số là những người có hãng cưa hay thầu khoán khi xưa ở Đàlạt.
Từ 1965 trở đi thì có vài nhà thầu Đàlạt, chặt cây thông 3 lá để xuất cảng cho Nhật. 10 năm sau khi Việt Cộng vô thì bị lên án xuất cảng thông, thu hồi ngoại tệ để nuôi dưỡng chiến tranh, đánh phá cách mạng thế là họ đánh tư bản mại sản rồi đi tù.
Tương tự đường Duy Tân, khi xưa thời tây gọi là “Rue Maréchal Foch » người Đàlạt thế hệ bố mẹ mình hay gọi là Ma Ri Xanh Phúc khiến mình như bò đội nón, thắc mắc vì trong lịch sử pháp đã học không có ai tên Marie Sainte Fuch cả. Sau qua tây mới hiểu là thống chế, người hùng thế chiến thứ nhất của Pháp, có cái tên Ferdinand Jean Marie Foch. Người ta đặt tên đường bên tây lấy tên ông “Maréchal Foch » Chán Mớ Đời
Có người kể cho mình là hay thắc mắc tên ông “Thông Ba”, lúc đầu tưởng là ông ta làm thông ngôn nhưng sau người lớn kêu là vì ông ta làm cho nhà đèn, có công việc là thông dây điện nên người ta gọi “Thông” tên Ba nên gọi Thông Ba. Khi xưa, thời Tây có hai loại người chính giúp thực dân trong việc hành chánh: thông ngôn và thư ký nên người ta hay gọi thầy thông và thầy ký cho gọn.
Có người hỏi mình trong xóm của hai anh chàng thợ may Sơn và Tánh, ở giữa đường Hai Bà Trưng và Thi Sách khi xưa, có nhớ căn nhà sơn màu đen khiến mình như bò đội nón. Có người hỏi mình còn nhớ ông cò chạy mô tô với cò Giao, là ông ngoại cháu, bạn thân với bố của bác. Dạo ấy Đàlạt có 4 người chạy mô tô là cò Giao và cò Tý, cò Khương và cò Mạnh. Hai ông cò Giao và Tý là trưởng toán, được đào tạo từ hiến binh khi xưa. Có người cho biết là tên mình kể sai,…nên mình có sửa lại cho đúng. Có người cho mình đáp số về những người bạn hay quen khi xưa, sau 75, đi vùng kinh tế mới Tà In,…
Có thể bài mình viết làm cấu trúc rồi ai nhớ cái gì thì cứ thêm vào, từ từ các mảnh ký ức họp lại sẽ hiện lên bức tranh của Đàlạt khi xưa. Hy vọng, mấy bác xứ tiếp tục kể ký ức của mình vào diễn đàn. Có người nhắc mình đến những người hàng ron, gánh bán đậu hũ, bánh mì,…làm mình nhớ lại hình ảnh những người này. Có lẻ mình không ăn mấy hàng này nên không nhớ. Sẽ cập nhật hoá thêm những người này trong bài.
Bà cụ mình kể năm 1950, trước tiệm Đức Xương Long, Việt Minh ám sát ông Sáu Thơm, mật thám. Bà cụ bán hàng ở Chợ Cũ, khu hội trường Hoà Bình ngày nay, nghe bụp bụp. Dạo ấy, Việt Minh có một nhóm biệt động riêng để ám sát ai không theo họ và những kẻ làm tay sai cho thực dân. Nhạc sĩ Văn Cao kể là dạo ấy ông ta là đại uý biệt động, được lệnh ám sát nhiều người theo các đảng phái khác, chống Pháp nhưng không theo Việt Minh.
Thời tây, Đàlạt có hai tên mật thám khét tiếng là Sáu Thơm và Xếp Minh, ở đường Duy Tân. Nghe kể ông Xếp Minh nói là tối sẽ ngủ trên sân thượng để canh chừng nhóm theo Việt Minh đi rãi truyền đơn, trong nhóm có bà cụ mình nhưng bị người làm (theo Việt Minh) cho uống thuốc ngủ nên nằm lăn đơ trên sân thượng. Sau này bị ám sát trong rạp Ngọc Hiệp. Có 2 người trong biệt đội ám sát này là con của một tiệm ở đường Minh Mạng hay Duy Tân, sau này đi tập kết hay nằm vùng. Không biết sau 75 có trở lại Đàlạt hay không thì mình không biết vì đã đi tây năm 74. Hình như có người chết năm 1974 còn một người sau này qua Mỹ.
Dạo mẹ mình còn bị nhốt trong lao thì tây có bắn xử tử 20 người trên Cam Ly, tòng phạm trong mấy vụ ám sát, có một người sống sót trong cuộc xử bắn này vì sợ quá nên té xỉu trước khi bị bắn, tây tưởng chết nên bỏ qua. Nay nhân vật này, Dì Lan hiện còn sống ở Số 4, biết bà cụ mình. Còn người ám sát có biệt danh là Kê Sơn, thì nay đang nằm bệnh viện ở San Francisco, nghe nói bị suyễn. Xin dấu tên cúng cơm. Nghe nói ông này thích kể lại thành tích đấu tranh ngày ấy khiến 20 người ở Đàlạt bị bắn.
Dạo mình còn ở Đàlạt, có hai người làm chiến dịch Phụng Hoàng mà ông cụ mình quen, anh Bôn đá banh cho đội tuyển Đàlạt, hình như nhà ở đường Phan Đình Phùng, gần dốc Cẩm Đô và ông bầu đá banh, tên Thanh thì phải, đậu xe trước nhà hàng Nam Sơn, bị Việt Cộng gài lựu đạn, nổ chết. Dạo ấy, Đàlạt hay có nạn nhà của ai làm cho chính quyền hay không cúng tiền cho Việt Cộng, bị đặt chất nổ như cây xăng Ngã Ba Chùa, rạp xi nê Ngọc Lan, hay nhà NĐT, gần góc Ngã 3 chùa,… nhà ông cậu bà con của mình làm trưởng ty cảnh sát cũng nổ bị xón đái luôn. Mình có kể về ông cậu này ở bài khác.
Bà cụ mình nghe lời dì Ty, con bà Cửu Viện ở đường Duy Tân, cù rủ gia nhập Việt Minh. Trong nhóm có bác Phấn và bác Minh của tiệm thuốc Minh Tâm, ở đường Duy Tân khi xưa. Hai bác này phát hiện ra mối tình hữu nghị khi bị bắt trong tù. Ra tù đăng ký quản lý đời nhau nay định cư miền Bắc Cali. Đa số giới trẻ thời ấy, ở khu gần Hoà Bình, theo tổ chức này cả. Không theo thì bị thủ tiêu như ông cụ mình suýt bị giết ở làng khi du kích bao vây nhà ban đêm, phải vượt tường hàng xóm, trốn vào nam. Ông cụ mình thì chống Việt Minh còn bà cụ theo Việt Minh. Chán Mớ Đời
Ông Phạm Quỳnh, bố của bà tiệm thuốc tây Nguyễn Văn An, khu Hoà Bình, bị Việt Minh ám sát. Bà cụ mình hay kể về bà này vì có quen nhau từ xưa ngoài Huế.
Bà cụ mình kể ban đêm, ông Phúng, tiệm Hiệp Thạnh, khoá cửa thì bà cụ lên sân thượng, nơi phơi đồ giặt, rồi nhảy xuống đường, đi rãi truyền đơn chống thực dân. Có lần ông Phúng tạt sô nước vào người bà cụ, kêu lên nhà ngủ. Quần áo ướt nên không đi họp ban được. Ở Đàlạt ai cũng tưởng bà cụ mình là con của ông bà Phúng, thật ra là cháu. Mệ ngoại mình là chị em bạn dì với ông Phúng, em ruột của bà Võ Quang Tiềm. Mệ ngoại nghèo, một mình nuôi mấy người con nên cho mẹ vào Đàlạt giúp việc cho nhà ông bà Phúng.
Bà cụ bị bắt vì người làm nhà ông Võ Quang Hàm, bố của cô Minh, báo cho người chú làm mật thám nên hai chị em cô Minh bị bắt, rồi đến bác Hiển rồi dì Ty, rồi mấy người trên số 4,… tổ trưởng bị bắt khai hết trọn ổ. Nghe bà cụ kể mình mới hiểu là cái tính giả ngu, giả khờ của mình là từ bà cụ ra. Bạn bè hay người Việt hay kêu mình thuộc dạng ngu lâu dốt sớm.
Bà cụ bị trói tay, trói chân lại rồi bị mật thám trấn nước. Bà cụ uống nước nhiều quá đâm no, hết đói nên tinh thần tĩnh táo, minh mẫn lại, đột phá tư duy, kêu u châu u châu từ từ để tui nói. Thế là mật thám dừng tay. Mật thám hỏi thì bà cụ kêu mấy ôn chỉ cho tui nói đi, tui chữ nghĩa không biết chi, mật thám hỏi đi tàu bay tàu thuỷ chưa (tàu bay là bị tra điện còn tàu thuỷ là bị trấn nước). Bà cụ kêu tàu bay thì chưa đi còn tàu thuỷ thì đi rồi. Mật thám hỏi đi khi nào. Đi từ Huế vô Tourane (Đà Nẳng) rồi vô Sàigòn. Sau đó lấy xe đò lên Đàlạt. Bà cụ kể lại hành trình từ Huế vô Đàlạt năm 15 tuổi.
Tên mật thám viết lời khai, kêu con này ngu, không biết gì đâu khiến bà cụ mừng vì giả khờ, ai ngờ có tên mật thám người nam, ngồi trong phòng kêu “lịt lịt mà địt ra khói” khiến bà cụ mặt xanh như đít nhái. Bà cụ ở tù được 4 tháng, gia đình ông bà Phúng, tiệm Hiệp Thạnh thay phiên nhau đi bới xách (thăm nuôi). Sau được ông Võ Quang Tiềm xin ông tỉnh trưởng Đàlạt, Cao Minh Hiệu nên được tha về.
Còn nhiều người khác như chú Phấn (Minh Tâm đường Duy Tân) bị đưa ra bắc ở trại giam Hoả Lò rồi đưa đi ở trại an trí Thanh Liệt ở Thanh Hoá mà tây gọi là “Camp de surveillance Administrative Thanh Liet Hanoi, Vietnam”. Đến 54 thì một số về lại Đàlạt còn một số thì ở lại miền bắc. Có người kể là đang nằm ở Hoả Lò, nghe radio trực tiếp trận bóng, nghe trung phong Bửu Ngự, người Đàlạt đá lọt lưới khung thành. Bác Ngự mới qua đời năm vừa rồi ở Nam Cali.
Hôm trước nói chuyện với Dì Luận, con ông Đàn, tiệm Long Hưng, số 9 đường Duy Tân. Dì kể là khi bà cụ sinh ra mình, dì được lệnh bà Đàn, em dâu của bà Võ Quang Tiềm, đem đồ ăn xuống cho bà cụ mình ở cử ở Ấp Ánh Sáng. Ấp này đa số là người làng Kế Môn, Thừa Thiên vào đây ở. Làng này nổi tiếng về nghề thợ bạc mà mình đã kể rồi như Bùi Vàng, Bùi Duy Chước, hay bố của Huỳnh Ngọc Ánh,…
Bà cụ kêu ở tù thực dân cho ăn cơm ngon lắm, có bàn Ping pông để đánh, đủ trò do đó không ai muốn vượt ngục. Vợ chồng Bác Phấn gặp lại bà cụ mình ở Đàlạt, kể thời đó được ăn cơm cháy, nước thịt kho đủ trò,… Phụ nữ ngồi không thì thêu khăn, áo đủ trò nên bà cụ mình cũng bắt chước học, nhờ bà Phúng tiếp tế khăn chỉ để thêu. Sau này có người hỏi bà cụ có đi học nữ công gia chánh thì nói không, nhờ Tây thực dân bỏ tù mới học được. Bà cụ mình cũng được dạy đọc và viết trong tù. Có lẻ ở tù thấy không đói khổ như Việt Minh tuyên truyền, bà cụ mình cứ khen ông Cao Minh Hiệu, cho bàn Ping Pông để đánh, ăn cơm ngon,…nên hết căm thù tay sai thực dân.
Bà cụ thì cả đời không được đi học, sau này có bình dân học vụ nên bà cụ tranh thủ tối đi học thêm nên mới biết đọc biết viết. Mình khám phá ra mấy người bạn của mẹ khi xưa, như Dì Bơn, Dì Mến,… không ai biết đọc cả, khi xưa họ hay nhờ mình đọc thư hay báo, xem họ viết cái chi. Mấy dì này phải nhờ mẹ làm Cyrano de Bẻrgerac, đọc và viết thư hồi âm cho mấy ông nào theo đuổi mấy Dì. Ông cụ mình thì có đòn khác.
Khi phát hiện ra bà cụ mình ở Đàlạt, ông cụ hay viết thư rồi được bạn bè cho biết có ông nào theo bà cụ ở Đàlạt. Ông cụ mình là lính Ngự Lâm quân nên Bảo Đại ở đâu thì ông cụ đi theo đó. Ông cụ sợ ông kia ở Đàlạt vớt mất đối tượng nên viết thư, giả tên ông ta, viết cho Dì Mến, làm chung với bà cụ trong tiệm Hiệp Thạnh. Thế là bà cụ được Dì Mến đưa thư, nhờ đọc rồi nổi xung lên choảng ông kia. Tình ngay lý gian. Nhờ vậy Sơn đen nhưng tâm hồn sơn trong trắng mới ra đời. He he he
Nhà tù kêu mấy người tù, ai xung phong ra chợ mua hàng, đưa cho 100 đồng bạc Đông Dương thời ấy rất to. Không ai dám nhận, bà cụ còn trẻ, nhận rồi ra chợ về tiệm Hiệp Thạnh lấy đồ, 100 cái chén, tô, muỗng, đũa,… nói tới đũa thì người Đàlạt khi xưa hay xài đũa muông. Đũa này được làm tại một làng gần đèo Sông Pha, trên đường đi Phan Rang, họ dùng một loại cây ở vùng này tên Muông. Họ làm đũa xong thì lấy vôi pha với nước rồi ngâm ít ngày thì đũa biến thành màu đen bóng láng. Đũa tàu làm ngày nay thì được ngâm với hoá chất để cho khỏi đen màu hay bị mốc. Rất độc.
Bà cụ mình bán hàng xén nên nhiều khi họ giao đũa chưa ngâm vì không có thì giờ vì người ta đặt nhiều quá rồi dặn cách thức ngâm để ra màu đen. Dạo ấy bà cụ mua đồ xén ở hai công ty Thiên Nhiên ở Trại Mát và Vĩnh Tường nếu mình không lầm ở Phi Nôm vì mấy địa dư này có đất sét tốt. Nếu mình không lầm thì Thiên Nhiên của cô Hai, người Tàu có đĩa chén sơn màu xanh da trời còn Vĩnh Tường thì màu mè đẹp. Ngoài ra bà cụ còn buôn đồ Nhật Bản, đồ tàu bán lậu qua biên giới Miên. Lâu lâu thấy mấy bà từ Sàigòn lên chào hàng. Mỗi lần họ chở hàng lên cho bà cụ, mình phải xách đồ vào kho mệt thở.
Lần thứ nhì đi tù sau khi sinh mình được 3, 4 tháng. Dạo ấy đất nước bị chia đôi sau hiệp định Geneva. Một số người miền nam theo cộng sản thì ra Bắc sinh sống mà người ta gọi đi tập kết còn người miền Bắc muốn vào nam sinh sống thì gọi là di cư. Có 1 triệu người từ miền bắc di cư vào nam còn vài trăm ngàn người từ miền nam tập kết ra bắc. Sau thấy người đi vào nam nhiều quá nên Hà Nội ngăn cản nên có nhiều gia đình trốn qua Lào rồi vào nam. Hà Nội để lại hệ thống nằm vùng vũ trang kháng chiến, sau giúp họ thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, làm hậu cần cho các sư đoàn chính quy từ bắc, vượt Trường Sơn theo đường mòn Hồ Chí Minh vào nam.
Điển hình nhà văn Vũ Hạnh mà khi xưa mình có đọc vài tác phẩm của ông này, như Người Việt Cao Quý,... kể là có vô mật khu Việt Cộng, được lệnh của Trần Văn Trà, viết báo và sách để chống chính quyền miền nam. Hôm trước thấy hình ông tướng nằm vùng Nguyễn Hữu Hạnh, nay bán vé số, gia đình ở trong nghĩa địa thấy thê lương.
Mật vụ của chính phủ Ngô Đình Diệm truy lùng người cộng sản được cài ở lại. Họ bắt một bà ở Phan Rang, bà này khai bà cụ mình nên bị còng đầu. Đem theo mình vào lao. Mật vụ đem bà ấy tới nhận diện bà cụ thì bà cụ chỉ mặt, kêu bà đến mua đồ tui không bán rồi thù oán chi mà khai tui. Bà này kêu mật vụ đánh quá nên nhớ ai thì nói đó nên mật vụ nhốt bà cụ. Sau 75, bà cụ có gặp lại bà này.
Dạo ấy ông cụ, hết làm Ngự Lâm Quân, được chuyển sang quân đội miền nam, về phép, đến lao bảo lãnh hai mẹ con ra. Có thể mình khóc quá, hay đánh rấm thối quá nên mật vụ thả ra. He he he
Trước 1945, ôn ngoại mình là lính khố xanh, cai tù ở lao Thừa Phủ, Huế nên thiên hạ hay kêu ông Cai Thất vì làm đến bật Đội Thất của lính Khố Xanh. Hình như lính Khố Xanh có đến 9 cấp bậc, không nhớ rõ. Sau 1945 thì đi theo Việt Minh, ra chiến khu ở ngoài Vinh, chống Pháp nên sau 1954, về quê sống không dám lên Huế vì sợ nhóm của Ngô đình Cẩn nên nhà cửa ở Huế mất hết. Ôn ngoại mình làm cai tù nhưng không biết đọc và viết vì khi xưa, mình đọc truyện Tam Quốc Chí và Đông Chu Liệt Quốc cho ôn ngoại nghe mỗi ngày nên mới nhớ lỏm bỏm đến nay.
Thế kỷ 20, người Đàlạt bị mất nhà cửa năm 1945, chạy tản cư khi Tây đổ bộ. Khi hồi cư, nhà cửa bị người khác chiếm ở nhưng không dám đòi vì sợ mang tội theo Việt Minh. Mình có đọc hồi ký ông nào kêu cái nhà nghỉ “Saigonnais” ở đường Minh Mạng, cạnh bi da Hồng Ngọc là của gia đình ông ta nhưng khi hồi cư thì có người chiếm nhưng không dám nói gì cả. Chắc sợ bị chụp mũ là chạy tản cư theo Việt Minh thì ốm đòn với mật vụ.
Nghe mẹ vợ mình kể là ông bố vợ dạo ấy cũng ra chiến khu, sau đó sợ Tây bố ráp, mẹ vợ mình dắt 2 người con, đi tìm chồng ở chiến khu như Việt Minh rêu rao. Ra tới chiến khu, hành trình khổ cực lắm, gặp bố vợ. Bố vợ dẫn vào bụi rậm làm một tăng rồi kêu về lại Huế, ở đây nguy hiểm thế là 9 tháng 10 ngày sau, ông anh thứ 3 của vợ ra đời sau 5 phút giao lưu ở chiến khu. He hehe.
Mệ ngoại mình cũng đem con ra chiến khu vì sợ ở quê, tây bố ráp. Trong chuyến này, mình có mấy người cậu và một bà dì chết trên đường đi tìm chồng, cha đến khi gặp ôn ngoại thì ôn la, sao lại đem con ra đây, nguy hiểm. Mệ ngoại giận ôn ngoại tới khi chết. Hồi nhỏ ngồi hóng chuyện mệ ngoại nói chuyện với mấy người bà con thì hiểu như vậy. Bà ngoại sinh được 10 người con, chết 5 trong thời ôn ngoại đi theo Việt Minh.
30 năm sau, người Đàlạt lại bị người miền Bắc vào chiếm thêm một lần nữa. Có tiền thì vượt biển không thì lên vùng kinh tế làm lại cuộc đời. Chán Mớ Đời
Dạo mình nạp đơn xin đi du học, có phần siêu tra lý lịch gia đình, ông cụ mình ngại về quá khứ cách mạng của bà cụ nhưng rồi mình vẫn được nghị định của chính phủ miền nam cho đi Tây thậm chí những người theo cộng sản như ông đại tá Phạm Ngọc Thảo cũng được chính quyền Sàigòn cho con cháu họ đi Hoa Kỳ. Con bà Ngô Bá Thành, chống đối chính phủ miền nam, cũng được đi du học với học bổng, sau này làm giáo sư đại học Harvard,… Sau này mới nghe là những người đi tập kết, con cháu của họ ở miền nam vẫn được đối xử tử tế, đi học đàng hoàng, không có vụ học tài thi lý lịch sau 75 với 13 giai cấp mà gia đình mình thuộc diện 13.
Nghe người lớn kể chuyện thì khó hình dung được sự cực khổ của họ, đã chịu đựng thời xưa. Tương tự những đứa cháu của mình, không bao giờ hiểu được cuộc sống thời bao cấp để hiểu cuộc sống ngày nay của người Việt. Thế hệ ngày nay, không có khái niệm hay so sánh miền nam trước 75 và ngày nay.
Mình thì phục bà cụ mình. Có lẻ sinh trưởng tại miền trung nghèo nàn nên rất chịu khó. Nhà nghèo phải vào Đàlạt đi làm cho người ta để gửi tiền về cho mệ ngoại nuôi ông cậu ăn học. Mệ ngoại muốn cho ông cậu nghỉ học, đi học thợ may nhưng bà cụ nói cứ để ông cậu đi học, bà cụ gửi thêm tiền. Trong mấy chị em, ông cậu mình là người độc nhất được đi học đến tú tài I.
Có bài thơ “người mẹ trùng khơi” của ông cậu của đối tượng một thời làm, trong thời đi kháng chiến chống pháp nhưng mình không biết tên.
Con đi đâu con về đâu
Cuộc đời của mẹ là câu trả lời
Cuộc đời của mẹ là câu trả lời
Xong om
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét