Khu Hoà-Bình thời xưa

Hôm trước thấy ông Lê Huy Cầm, tải tấm hình này lên mạng rồi hỏi thiên hạ. Được chụp ở đâu. Nhìn hình thì thấy phía sau là tiệm bánh mì Vĩnh Chấn, nằm ngay đầu đường Duy Tân. Thấy một phần trụ điện trước tiệm Vĩnh Chấn thì biết ngay là trước cửa tiệm Đức Xương Long của gia đình Huỳnh Quốc Lương nay cư ngụ ở Úc Đại Lợi. Đến 3 ông sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Quốc Gia trong bộ đồ vía mỗi lần được ra khỏi trường.

Kế đến thấy ông bán khô mực trước tiệm bán radio, máy truyền hình Việt Hoa của Khu Hoà BÌnh, được xem là trung tâm thành phố Đà Lạt xưa. Tấm ảnh này khiến mình nhớ đến một thời lớn lên tại Đà Lạt. Khu phố này là nơi mình đi lại nhiều lần vào cuối tuần ra chợ Đà Lạt, dọn hàng cho bà cụ, sáng và chiều. 

Mình nhớ năm thi đậu BEPC (Trung học Pháp), ông cụ mua cho cái đồng hồ không người lái, hai cửa sổ và ba mái chèo hiệu Citizen ở tiệm đồng hồ Tiến Đạt ngay bên rạp xi-nê Hoà Bình. Đứng trước rạp Hoà Bình thì tiệm Tiến Đạt nằm phía bên trái, sau mấy cái panneau gắn hình ảnh của phim sắp chiếu trong nay mai, có rào lưới sợ dân chúng buồn buồn đập kính để lấy hình đem về nhà treo. Rạp xi-nê Hoà Bình to nhất trong ba rạp chiếu bóng ở Đà Lạt, xung quanh rạp là các cửa hàng nhỏ được coi là trung tâm của thành phố. Điểm đặc biệt là có một cái chuông cao để gắn cái còi ụ, báo động giới nghiêm. Nhà mình ở Hai bà Trưng mà còn nghe nên không hiểu dân ở trong phố chắc nghe rất to.
Hình này chụp ngày chủ nhật vì sinh viên Võ Bị hay được ra vào ngày cuối tuần. Mấy cô gái Đà Lạt hay lấy sĩ quan Võ Bị. Thấy oai hùng quá, rồi có nhiều người trở thành goá phụ. Gần xóm mình có anh Thống, đậu thủ khao Võ Bị, ra trận chết. Chán Mớ Đời 

Khu này trước khi mình ra đời là chợ chính của Đà Lạt, sau này Chợ Mới được xây cất thì khu chợ này được đập phá để xây lại được dân địa phương gọi là Chợ Cũ hay Khu Hoà Bình. Sau này, KTS Ngô Viết Thụ thiết kế thêm cái cầu nối liền khu Hoà Bình tới lầu 2 của chợ Mới và cái cầu thang từ góc Lê Đại Hành và Thành Thái xuống chợ Mới ngay bến xe Lam, Chi Lăng. Trước hội trường Hoà Bình là công trường khá lớn của hai đường Thành Thái từ rạp Ngọc Lan đến và đường Lê Đại Hành từ cầu ông Đạo lên. Mỗi lần có mít tinh thì được tổ chức tại đây. Hồi nhỏ thời đệ nhất Cộng Hoà, mình thấy các cuộc mít tinh của đoàn Thanh niên Cộng Hoà, áo xanh mà ông cụ là thành viên được tập họp tại đây.

Sau này thời chính phủ NCK, có cho dựng một pháp trường bằng bao cát gần khu bán Lan, phía sau vũ trường Tulipe Rouge.

Cửa vào rạp xi-nê Hoà Bình được nâng cao lên vì cái nền của rạp bên trong được xây cao từ cửa ra vào và nghiêng thấp từ từ xuống màn ảnh để người ngồi dãy ghế phía sau không bị cái đầu của khán giả phía trước che khuất cho nên phải bước lên mấy bậc thang cấp mới vào foyer của rạp, bên trái là phòng bán vé mà mình từng chen lấn như đi ăn cướp để mua vé nhất là ba ngày Tết. Thường mấy ngày Tết họ chiếu phim tồi nhất vì ai cũng đi coi, sau đó vài tuần khi khán giả hết tiền lì xì thì mới chiếu phim hay. Đối diện phòng bán vé là nơi quảng cáo các hình ảnh của phim đang chiếu hay sắp chiếu. Sau khi chen lấn mua được vé thì phải bước lên vài thang cấp mới vào được hội trường. Bên trong được chia làm hai dãy ghế. Hình như có ba loại vé cho ba loại ghế xanh vàng đỏ. Vé đắt nhất là màu xanh, gần cửa ra vào, sau đến vàng thì phải, rồi đỏ gần màn ảnh. Hồi nhỏ mình hay mua vé bình dân, ngồi hàng ghế đỏ nên coi xong thường là hai suất cho đã ghiền nên bước ra khỏi rạp là đói meo, mắt hoa, chóng mặt. Mình coi ở đây Dr. Zhivago, Le Cid, Tần Thuỷ Hoàng, La colère d' Achille, Tân Độc Thủ Đại Hiệp có Khương Đại Vệ đóng, Thập Tam Thái Bảo mà cuối cùng KĐV bị tứ Mã phân thây...

Sau năm Mậu Thân thì mình nhớ có lần lính Lực Lượng Đặc Biệt của Mỹ gồm toàn người Nùng, gốc Tàu,...được Mỹ trả lương đi lùng các lính cảnh sát dã chiến đánh. Mình đang ở chợ dưới thì nghe súng liên thanh thì ngạc nhiên vì dạo đó lính VNCH xài toàn M1 hay Garant bắn từng viên, chỉ có AK 47 mới bắn liên thanh được nhưng tiếng nổ nghe khác, nhìn ra thì thấy vài tên lính cảnh sát dã chiến chạy từ cầu thang chợ xuống bến xe lam rồi chạy vào dưới chợ núp, trong khi mấy tên lính LLĐB ôm súng AR17 chạy đi lùng. Sau này mới hiểu lý do; có một tên LLĐB gốc Hoa đang đứng chơi với tên soát vé ở rạp Hoà Bình thì có mấy tên lính cảnh sát dã chiến muốn vào coi cọp nhưng tên LLĐB không cho bị CSDC đánh thì anh chàng này chạy về trại kêu lính LLĐB mà mình có biết vài tên vì trên đường Thi Sách có tên D. đầu bò, người Nùng, nói giọng bắc cả dòng họ nó đi LLĐB hay lái xe Jeep Mỹ về, đeo súng AR 15, lựu đạn cá nhân loại nhỏ,...

Cuối rạp thì có hai cửa thoát phòng cháy, bên phải thì chạy thẳng ra ngoài cạnh tiệm bazar của một ông người chà và còn cửa bên trái thì chạy thẳng ra bên tiệm kính Anh Lân. Phía sau chỗ tiệm Thanh Nhàn, nơi có con đường đi xuyên khu Hoà Bình từ tiệm Mekong xuống cầu thang vô lầu hai của chợ Mới thì có một cái cửa đôi phòng cháy. Hậu trường của rạp này nhỏ nên các gánh hát cải lương không mượn chỗ này vì không làm sân khấu được nên chỉ có tổ chức đại nhạc hội của Phi Thoàn, Tùng Lâm thôi. Trường Văn Học thường mướn rạp này để chiếu phim hay văn nghệ cho học sinh của trường xem. Mình nhớ coi phim Nắng Chiều có người đẹp Bình Dương đóng và một lần trường Văn Học tổ chức văn nghệ có mời ban nhạc Rolling Wheels chơi.

Ông chủ tiệm đồng hồ Tiến Đạt, người Bắc, có cái tiệm coi như rộng nhất ở khu này vì ba căn nhập lại, sát góc bên trái của rạp Hoà Bình. Lúc mới xây thì chia ra từng căn cở tiệm sửa radio Việt Quang nhưng dần dà có người bán thì mấy hàng bên cạnh mua, nới rộng thêm tiệm của họ.

Mỗi lần đi bát phố ở khu này, mình hay ghé lại xem đồng hồ Seiko, Bulova, Citizen,.. Mình thích nhất hiệu Seiko nhưng ông cụ mua hiệu Citizen vì rẻ nhưng cũng là niềm hạnh phúc vô biên. Sau này sang Tây thì cái đồng hồ này chết máy nên cũng không đeo đồng hồ tự dạo đó.

Năm ngoái về thăm Đà Lạt mình vẫn thấy cái đồng hồ con gà treo tường mà 50 trước bà cụ mình mua ở tiệm này, nay không còn chạy nữa. Năm 3ème mình bắt đầu không thấy rõ chữ trên bảng nên phải xin lên bàn đầu ngồi nhưng ông cụ không cho đi khám mắt đến khi sang Văn Học thì oải quá năn nỉ ông cụ đưa ra tiệm kính Anh Lân để đo mắt thì thấy cận trên 4 độ. Có lẽ ông cụ mình là gốc Bắc Kỳ nên quen hay mua đồ ở mấy tiệm do dân Bắc Kỳ làm chủ. Tiệm Anh Lân cũng rộng tương tự tiệm Tiến Đạt, có cái bảng đọc chữ khi khám mắt ở giữa để xem độ cận của khách hàng. Mấy anh em mình đều là thân chủ của tiệm Anh Lân đến 75. Tiến Đạt thì sau 75 không thấy trở lại Đà Lạt.

Cạnh tiệm Anh Lân là tiệm sửa radio Việt Quang, có thâu băng nhạc chắc lậu nên dạo đó đi ngang là nghe nhạc Phượng Hoàng vang rền trời.

Có lẽ dãy tiệm này hướng Tây hay Nam nên thấy có mấy tấm vải, biển quảng cáo được che nắng mưa. Nghe nói bà Việt Quang nay sống ở ấp Cô Giang, trồng Lan bán. Ông cụ mình thân với ông Việt Quang nên hay tụ tập ở đây với nhóm đặc phái viên của tờ báo Tiền Tuyến và Con Ong.

Trong nhóm này có chú Nê, anh của chú Nô ở ấp Cô Giang hay hát trên đài phát thanh Đà Lạt. Chú Nê ngày xưa có dạo đi tù chung với bà cụ mình khi tham gia kháng chiến chống Tây. Chú Nô đi lính, hay đánh bóng bàn với anh Tín, du học bên Nhật về, đánh kỉểu cầm thìa, vô địch vùng 2 ở cái tiệm cho mướn bàn ở đường Minh Mạng, ngay dốc Tăng Bạt Hổ, đối diện tiệm chè Long Phụng Lầu. Mổi lần có tin gì lạ thì ông cụ mình hay đánh điện tín về Saigon. Nhóm này hay trù trì ở nhà hàng Mekong nơi tổ chức tiệc cưới của ông bà cụ mình khi xưa. Mình có ăn mì xào với ông cụ ở tiệm này một lần khi đậu bằng Trung học Pháp.

Nguyễn Bình, ông thầy dạy Thái cực đạo của mình bị 302 chĩa súng đánh hội đồng tại đây khi ngồi uống cà phê với hai cô gái. Ông này chả dạy gì cả, cứ vác xe moto 125 cc chở gái chạy vòng vòng.
Cạnh tiệm Mekong thì có tiệm bán radio, máy truyền hình Việt Hoa. Bên cạnh là tiệm bazar Sàigòn cua rông người Ấn Độ.

Dãy nhà này rất sâu, ăn ra phía sau tới cái đường nhỏ phía sau, hình như tên đường là Nguyễn Biểu nối đường Minh Mạng và Tăng bạt Hổ, có mấy quán nhỏ bán thức ăn, có bà 7 Quốc bán sữa đậu nành. Mình nhớ có lần ông cụ mình dẫn vào tiệm Việt Hoa bán máy truyền hình, máy nghe đĩa nhạc, radio,.. Mình mê cái tivi vì lúc đó buổi chiều đang phát sóng chương trình đố vui để học rồi vài tuần sau thấy ông cụ bê cái máy nghe đĩa về, cũng to như máy tivi, có bốn chân, có radio và máy quay đĩa, hiệu Panasonic. Ông cụ mình mua đĩa hát và dì Thương ở tiệm Hiệp Thạnh, đường Duy Tân cho mình mấy cái đĩa cải lương cũ 78 tours vì dạo đó người ta sản xuất đĩa 45 vòng có hai bản nhạc hay 33 vòng có nhiều bản nhạc còn 78 vòng thì nó dày và nặng. Khi đĩa quay thì mình cũng chóng mặt vì 78 vòng/ phút, sợ rè kim hay cà lăm. Mấy cái đĩa cũ này hay bị rè nên cứ bị cà lăm. Út Trà Ôn hát 30 năm qua, 30 năm qua, 30 năm qua,...Cũng nhờ mấy đĩa cải lương này mà mình mới biết Tình Anh Bán Chiếu của Út Trà Ôn nên bắt đầu mê cải lương từ dạo đó.

Năm Mậu Thân, gia đình dì Ba Ca trên số 4 chạy tản cư xuống nhà mình. Dì Ba Ca kêu mệ ngoại mình bằng Dì, khuôn mặt rất giống bà ngoại còn dượng Ba Ca thì làm ở ty Kiến Thiết thì phải. Thời Tây, dượng làm nghề tiêm thuốc phiện cho mấy đệ tử của nàng tiên nâu.

Dượng hay kể chuyện dân đi ăn trộm ngày xưa, thổi thuốc mê vào nhà rồi cạy cửa vào ăn trộm hay cách têm thuốc bàn đèn ra sao để được tiền boa. Khi Việt Cộng vào thì gia đình dì đào hầm phía sau vườn để núp. Hôm mồng Ba khi nghe tiếng súng và bom êm nên dượng Ba Ca chui ra khỏi hầm để lên bàn thờ lạy tiễn ông bà để xin mấy đòn bánh tét cho mấy đứa con ăn thì nhìn ra sân thấy quả bom chưa nổ nằm chình ình trước sân.

Hai phút sau là cả nhà bỏ của, chạy lấy người xuống nhà mình xin tá túc. Dì dượng có 5 trai 1 gái, anh đầu tên Việt, học nghề thợ tiện ở tiệm Luồng Điện của ông nội Trần Trọng Ân ở đường Phan Đình Phùng, bên cạnh có chiếc xe mì của bà Tàu bán mì vịt tiềm buổi chiều, hay đeo con phía sau lưng để bán mì còn ông chồng thì tối ngày binh xập xám chướng. Anh Việt sau này đi Xây Dựng Nông Thôn ở Tùng Nghĩa.

Người kế là chị Hoa, rồi anh Hiệp, Thành (Bồn lừa của Trần Hưng Đạo) nghe nói sau này làm nghề cắt tóc ở La Sơn Phú Tử rồi Tèo Anh, Tèo Em,.. Mỗi tối sau khi ăn cơm là hai gia đình ngồi quanh cái máy nghe tin tức đài BBC chương trình Việt Ngữ, rồi mở mấy cái đĩa của ban AVT 45 vòng. Cứ nghe đi nghe lại mấy đĩa hát này trong vòng ba tháng nghĩ hè bất đắc dĩ vì VC có chơi thêm tổng công kích đợt 2, nên ngày nay mình có thể giả giọng Huế, Bắc, Quảng,.. Ngày nào hai gia đình đều ngồi bên cái máy, nghe tới nghe lui đến hết mấy đĩa thì nghe lại rồi cười đến ngày nay mình vẫn còn thuộc mấy bài này. Sau này tới thời nghe băng loại 180 thì ông cụ có mua cái máy hiệu TEAC rồi thâu băng ở tiệm Việt Quang. Dạo ông bà cụ mình sang chơi, mình có đưa ông bà cụ đi ngày Đà Lạt thì có gặp bà Việt Hoa đang ở quận Cam.

Cạnh Việt Hoa là tiệm của bà Phúc Thị Lai, bán vải rồi đến tiệm Chà Và, chuyên bán đồ Mỹ phẩm cho phụ nữ nên mình chỉ nhớ sơ sơ rồi đến tiệm Đức Xưng Long, bán tạp hoá rồi Lưu Vĩnh Ký bán sắt, có thêm cái tiệm ở bên đường Duy Tân. Ông Lưu Vĩnh Ký này, ngày xưa muốn hỏi bà cụ mình cho con trai của ông ta nhưng bà cụ không chịu, nếu không thì nay mình đã mang tên Lưu Linh.
Đường Tăng Bạt Hổ , góc tiệm ăn Mekong ngày xưa

Đối diện tiệm ăn Mekong, góc đường Tăng Bạt Hổ thì có tiệm vàng Bùi Thị Hiếu, con của ông Bùi Duy Chước, có mấy người con học Yersin, nghe nói nay ở bên Pháp. Tiệm này được coi là một trong những tiệm vàng đầu tiên ở Đà Lạt, bên cạnh là tiệm giầy Trung Việt rồi tiệm sách Liên Thanh, có con học Yersin rồi đến nhà in Lâm Viên của thằng Phước, người cao cao mà có thời mình học tư chung ở nhà tên này với anh Mai, con ông thầy Kim, người Bắc ở trong xóm, sau lưng phòng mạch Bác sĩ Lương, ông nội của Tuấn Toto ở Phan Đình Phùng. Anh chàng này học Yersin lớp première, một con mắt bị hư hay lé sau này đi đâu không biết. Có lần hè mình học tư với chị của một tên Hà, học chung ở Yersin ở góc Duy Tân và Phan Đình Phùng, sau biệt thự của gia đình tên Hà này, hình như dân bắc kỳ là đường Thủ Khoa Huân. Mình có gặp lại ông thầy Kim khi về thăm Đà Lạt trong lúc ăn phở với ông cụ ở bến xe Tùng Nghĩa, sau lưng khu Hoà Bình, kể sang Mỹ rồi về VN sống với bà vợ thứ hai, cạnh tiệm Lâm Viên thì có tiệm phở gà Bắc Hương, nhà Nguyễn Đăng Sơn có thời học chung với mình sau qua trường Việt trước, đậu Tú tài đi du học ở Pháp trước mình một năm, học ở Troyes, nghe nói nay vẫn ở Pháp, lấy vợ made in VN. Tên này dạo đi Hướng Đạo thường được xem là hướng đạo viên gương mẫu, hình như chung đoàn với Đinh Gia Lành, Nguyễn Trung Thiện. Cạnh đó thì có tiệm Phở Tùng, bị cháy sau Mậu Thân cạnh cái dốc đi xuống đường Phan Đình Phùng gần tiệm bảo hiểm Nguyễn Đình Hoè và tiệm uốn tóc Ba Lê. Mình nhớ dạo đó đứng ở nhà mình bên Hai Bà Trưng thấy lửa khói mịt mù như thời VC tổng tấn công hình như cây xăng ở bến xe gần đó bị cháy. Sau này xây lại thì rất đông khách như các thầy địa lý bảo mua nhà cháy là hên, làm ăn phát đạt.
Black paint cho tui bổ túc thêm mấy "căn hộ"của khu nhà tui:
Cạnh nhà in Lâm Viên(mà bây giờ đổi thành khách sạn Europa)là nhà hàng cơm tám giò chả của thím Mỹ Hương (mẹ của Nguyễn đăng Sơn, bố Sơn làm trên đài phát thanh Dalat), kế đó là phở Tùng, nhà may Ngân (trước đó là tiệm ăn Bắc Hương), nhà hàng Mai Hương (cháu của thím Mỹ Hương), nhà hàng tàu của bà Sao, ngân hàng phát triển nông nghiệp,k hách sạn của ông Ngô La, lò bún bà Hoạt,nhà sách Khải Minh, tiệm bánh rồng vàng Hải Dương, nhà may Chí Công, tiệm giày Khanh...(wow nhờ đọc mấy bài về Dalat của đen thui mà mình cũng sáng ra một chút). Trước đó khi tiệm phở Tùng bị cháy bố mẹ tui có mua lại khu này và dự tính là sẽ xây thương xá Dalat,nhưng xây được nửa chừng thì không mấy người đặt mua gian hàng nên đã trở thành nhà ở.

Dãy đối diện nhà sách Khai Trí thì có tiệm giày Bata, tiệm bà Phúc, bà Lê Thị khiêm bán len. Một trong hai bà này là mẹ của Nam Trân hay Đào, học Yersin với mình. Có Ngân hàng Tín Nghĩa mà một thời mình bỏ tiền trong này trước khi đi Tây. Phía bên góc gần cầu thang vào chợ Mới thì có tiệm bà Cháu, người Huế bán xe đạp, Honda góc Phan Bội Châu, sau này xây cái nhà mấy tầng. Tiệm của ông Tây bán rượu, tiệm hình Nam Sơn và có tiệm bán đồ cho du khách mà hồi nhỏ mình lấy mấy bịch hột xanh đỏ tím vàng đem về nhà rồi mấy anh em xúm lại xâu chỉ, làm vòng để giao lại để họ bán cho du khách. Phía bên cái đồi nhìn xuống chợ mới thì có mấy cái kiosque bán đồ lưu niệm cho du khách, họ cưa gỗ thông, đánh vernis vẽ thác Cam Ly, Hồ Xuân Hương,....mình có học nghề này tính sang Tây cưa gỗ bán kiếm tiền ăn học nhưng khi qua Tây thì không có đất dụng võ, chỉ có cưa vài con rồng tặng Tây đầm.

Hình như Ngô Văn Thuỷ 11B, có làm mấy cái thiệp, cắt hình bóng con gái với mái tóc thề, dán giấy pelure trắng hay hồng, thiên thanh rồi ép hoa pensée vào rồi để mối ở mấy cái kiosque này, bán cho con gái trời bắt mộng mơ, trai mê gái hay du khách. Chổ này hay có một ông bán bong bóng đẫy xe đạp bán mà hồi nhỏ mình hay mua, gần mấy hàng bán Hoa Lan và bãi giữ xe Honda cho rạp Hoà Bình.

Phía dãy Hoà Bình bên phải của rạp thì có một tiệm bazar của một ông Chà và Ấn độ mà trước khi đi Tây, ông cụ mình có mua một sợi dây nịt cho mình ở đây. Có hai anh em học Trần Hưng Đạo có một cái quầy trước một tiệm, chắc thuê của cái tiệm ở đây làm nghề ép nhựa, ai có giấy tờ gì đều đem ra đây bọc nylon lại hết. Họ chỉ có cái bàn, gắn cái fermature bằng sắt ở trên miếng gỗ và cái bàn ủi bằng than thêm hai cuộn nylon. Họ lấy kéo cắt giấy nylon theo khổ rồi kẹp giấy tờ vào, để cái mé trên cái fermature rồi lấy cái bàn ủi, đẩy trên cái khăn chồng lên tấm nylon để tránh nhựa chảy rồi lấy cái kéo cắt gọn ghẻ lại kiếm tiền dễ dàng. Sau này hai tên này đi lính nên chỉ còn ông bố làm. Mình hay đứng xem hai anh em này ép nylon khi trú mưa ở đây.

Có lò bánh mì Vĩnh chấn và Vĩnh Hoà hình như là anh em đối diện nhau trên đầu đường Duy Tân. Hình như mình có học chung với Mã Kiến Lương, con tiệm Vĩnh Hoà, sau này hắn đổi tên, khai trụt tuổi thành Mã Kiến Hậu, đánh vũ cầu rất chiến. Sau Mậu Thân nhà hắn mua được cái máy làm bánh mì bằng điện đầu tiên ở Đà Lạt nên làm ăn rất khá giả, hàng ngày cứ thấy Thiên Hạ bu lại đứng đợi mua bánh mì mới ra lò.

Trời lạnh vừa đi vừa ăn cái bánh mì điện mới ra lò rất là tuyệt vời, nếu chịu khó đợi về nhà thì lấy bơ mặn trét lên, ăn khỏi chê tương tự ngày nay con mình thích bánh mì Tip Top hay Lee's sandwiches.

Cạnh tiệm này có tiệm thuốc Tây Minh Tâm của bác Phấn, nay ở San Jose. Lúc vượt biên thì gia đình bác đến trại tạm cư ở ngoại ô Paris thì mình có ghé thăm nhưng sau này sang Mỹ sinh sống, hình như có cô con gái tên Lili học Yersin với mình một thời. Nghe nói sau này lấy con trai của ông bà Đoàn, ở số 4, gần nhà Phạm Đình Kháng. Chương có thời cũng học chung vơi mình ở Ỷersin, đi du học bên Mỹ trước mình, có em trai tên Trình, mà mình có mời đến Văn Học đánh trống khi tổ chức văn nghệ năm 12B. Ông bà Đoàn trước 75 có xây xong hai ba căn nhà ngay khách sạn Cẩm Đô nhìn chéo qua dốc Nhà Làng. Mình có vào nhà này một hai lần nghe mấy tay này chơi nhạc, hình như bản ruột của tên Trình là Les Marionettes vì cứ nghe hắn hát đi hát lại khiến mình thuộc lòng. Ông Đoàn làm về đốn cây rừng xuất khẩu dạo đó nên được coi là đại gia của những năm sau Mậu Thân. Nghe nói ông nay đã về lại sống ở Đà Lạt với người vợ sau này.

Sau này tiệm bánh mì Vĩnh Chấn có trang bị thêm cái lò bánh mì điện nên bớt tình trạng phải đứng hàng giờ dưới trời mưa để mua được ổ bánh mì. Ngay góc Duy Tân và Minh Mạng có tiệm vàng Kim Thịnh của gia đình thằng Biểu, người Huế, bé con học Yersin với mình hay bị bắt nạt nhưng nó có cái mồm to nhất Ỷersin nên sau này không tên nào dám ăn hiếp nó vì sợ bị nó đem tam đời tứ đại ra chửi. Gần đó hình như có tiệm vàng gì quên tên vì thiên hạ hay gọi Bùi Vàng, nhà của anh em Bùi Văn Đông, Bùi Thị Hoa. Mình học chung với Bùi Văn Đông sau này hắn học nhảy qua trường việt rồi đi du học thì phải. Bùi thị Hoa nay ở Paris, quen thân với cô em kế của mình, hình như đi cùng ghe hay gặp lại nhau ở Paris. Chỗ này có hai chiếc xe đẩy bán bánh mì thịt, xịt tương ớt đỏ, dưa leo. Bánh mì này họ lấy ở lò Phan Đình Phùng, chỗ dốc đi lên nhà thờ Tin Lành, đường Hàm Nghi, có cái giếng bên cây mít, cạnh chỗ dạy của ông giáo Kim mà mình có học hè hồi nhỏ. Họ bỏ bột nổi khá nhiều nên phồng to kiểu bánh mì ổ Chè Cali. 

Mỗi sáng có ông Tàu lấy bánh mì ở đây bỏ trong cái bao bố trùm cái mền để giữ bánh mì cho nóng rồi qua đường Hai Bà Trưng rao bán, giao cho nhà mình năm ổ, mỗi đứa nửa ổ nhưng mấy đứa em lớn ăn không đủ nên mình phải nhịn đói đi học. Có lẽ vì vậy mà mình nhỏ con nhất nhà vì hai thằng em cao hơn mình gần một cái đầu. Khu này còn có mấy người bán cóc ổi, thơm, bắp nướng vào mùa lạnh, xoa chút mỡ hành lên trên ăn nức nở. Bánh mì dạo đó mình mê nhất là bánh mì thịt của Tulipe Rouge chỗ bến xe đò Chi Lăng, làm theo kiểu Tây, baguette có paté, sauce mayonnaise gói giấy trắng in chữ sạch sẽ trong khi mấy chỗ khác, gói bằng giấy báo nhưng đắt tiền. Ngoài ra có cái nhà làm bánh croissant ở góc Duy Tân, Hải Thượng, chổ gara Trung Tín ngó qua bùng binh, đi ngang thơm lừng lựng mình hay vào mua bánh mới ra lò ăn.

Cạnh tiệm Vĩnh Chấn có tiệm thuốc Con Cua bán dầu Nhị thiên đường và rượu thuốc mà mình hay gọi Huỳnh Quốc Hùng là Khương Đại Vệ, tán gái nhanh như thần. Từ tiệm Vĩnh Chấn đi lại phía đường Thành Thái thì có tiệm thuốc Tây Nguyễn Văn An, nhà hàng Shanghai mà mình hay đem bồ câu đến đây bán. Dạo đó, nhà mình có nuôi Bồ câu, mình sơn chuồng rất đẹp so với nhà ông Quán nên chim của ông ta hay ở đâu hay bay về chuồng của mình để cù rũ, đạp mái thế là mình canh me, bắt mấy con chim dại gái này đem ra tiệm ăn này bán để họ làm Bồ câu hầm thuốc Bắc, hạt sen cho khách. Kế đó thì có tiệm vàng của bà Tư Bổ, tiệm Song Song của Vĩnh Ích, chắc cùng dòng họ với Vĩnh Chấn, bán cà phê, trà rồi đến tiệm ông bà Võ Quang Tiềm mà bà cụ mình kêu bằng Dì Dượng, chị em bạn dì với mệ ngoại mình, bán rượu.
Tiệm ông Võ Quang Tiềm (Vinh Hưng)

Khi mới vào Đà Lạt lập nghiệp, ông Võ Quang Tiềm làm nghề thợ may, sau xoay qua bán rượu và thuốc lá Cẩm Lệ. Thời Tây, thuốc lá, thuốc phiện và rượu là do nhà cầm quyền quản lý nên chỉ có môn bài mới được bán. Ai nấu rượu lậu hay bán thuốc phiện lậu bị bỏ tù. Ông Tiềm là đại lí ở vùng Cao Nguyên bán sĩ lại cho các tiệm bán lẻ trong vùng nên rất giàu, có mấy tiệm ở đường Hàm Nghi làm kho chứa rượu và hàng.

Mình thấy mấy cái lu to bằng sành đựng rượu trong tiệm. Khi bà cụ mình lập gia đình thì ông Tiềm có nói xuống thành phố Di Linh, ở nhà của ông và bán rượu ở đó nhưng bà cụ mình đã buôn bán ở chợ cũ nay là rạp Hoà Bình.

Thời Tây thì dân mình sợ nhất là lính Lê Dương (légionnaire) và Mặt Gạch (malgache). Nhóm lính trước là những thành phần bất hảo, bị tiền án tử hình hay lính đào ngũ,... Khi vào đoàn lính này thì coi như quá khứ bị xoá bỏ nên lính này không sợ chết, đi tới đâu là cướp hiếp tới đó còn lính mặt gạch thì dân thuộc địa Pháp ở Madagascar, Phi Châu như người VN được tuyển sang Pháp đánh giặc trong hai thế chiến. Năm 1945, lính Tây thay thế lính Anh, đổ bộ lại Đông Dương để giải giới quân đội Nhật thì dân Đà Lạt bỏ chạy tản cư vì phong trào kháng chiến chống Pháp tuyên truyền, ông Tiềm không chịu tản cư, ở lại Đà Lạt và mua nhà của dân chạy loạn với giá rẻ như bèo nên sau này được coi là người giàu nhất Đà Lạt. Khi hồi cư thì có một số người bị chiếm đoạt nhà cửa, tiệm buôn tương tự sau 75 nhưng không dám hó hé vì sợ bị chụp mũ theo Việt Minh. Sau 75 thì nhà nước tịch thu hết cả 100 căn nhà cho thuê, khách sạn và tài sản trong thời kỳ đánh tư sản, nay hình như chỉ còn một căn nhà do một người cháu ở thì phải. Lần đầu tiên về thăm Đà Lạt thì có đi thăm mộ ông bà ở Mã Thánh do người con rể KTS Ngô Viết Thụ phát hoạ nhưng nay nghe nói khu này bị giải tỏa nên không biết con cháu dời đi đâu vì mấy người con còn sống đều ở bên Pháp.
Chợ Cũ Đà Lạt xưa, còn được gọi là Chợ Cây. Lúc này dãy tiệm chụp hình Hồng Châu được xây cất. Dãy phố của rông Võ Đình Dung đã được xấy cất.
Hình này cho thấy dãy phố bên phải đã được xây, sau này ông Ngô Viết Thụ thiết kế lại, phá bỏ, đền cho mấy người chủ dãy nhà dưới chợ Mới
Nhìn từ đầu đường Duy Tân chỗ tiệm thuốc bắc Hai COn Cua
Mình có nhiều tấm ảnh thời Tây, để hôm nào buồn đời mình tải lên và chú thích. Mình tính làm chuyện này lâu rồi mấy năm tước nhưng lười. Phải tìm động lực 

Nghe nói khu Hoà Bình là do ông Võ Đình Dung, thầu khoán xây cất, ông ta làm chủ mấy căn ở dãy phố này. Thời Tây, ông Võ đình Dung, bà con chi bên vợ mình đi thầu xây cất rồi tụi Tây giao tiền giả nhưng tối nên không kiểm lại. Về nhà tối ngủ bà vợ thấy ai về mách nên đêm khuya thức dậy, xét lại mới khám phá ra tiền giả nên đem đốt hết. Vừa đốt xong là bảo an kéo lại lục soát nhà nhưng không thấy nên sau đó ông bà mới cúng tiền xây chùa Linh Sơn, được xem là nhà hảo tâm nổi tiếng của Đà Lạt rồi hưu trí, không làm ăn thầu xây cất nữa. Nghe kể cách làm ăn hại nhau khi xưa và ngày nay nên mình không dám nghĩ đến làm ăn hay về sinh sống tại VN.

Cạnh tiệm ông Võ Quang Tiềm thì có một ngân hàng hình như Đông Phương, Văn phòng Hàng Không Việt Nam, đến tiệm ăn Nam Sơn trước bãi xe taxi mà anh Bôn và Thanh của đội banh Đà Lạt bị VC gài lựu đạn nơi xe bị nổ chết, cuối cùng là phòng nha sĩ Trình, bố tên Hy học Yersin với mình có lần nhổ mình mấy cái răng và mấy thang cấp nối đường Thành Thái qua Trương Vĩnh Ký chỗ trường Đoàn Thị Điểm mà mình từng học Hội Việt Mỹ ở đây.

Phía sau dãy phố này là đường Trương Vĩnh Ký, có mấy quán ăn mà nổi tiếng nhất là quán bánh xèo của hai ông bà người Huế. Xa Đà Lạt 40 năm nhưng mình vẫn nhớ rau xà lách couronne mà ngày xưa ăn phở thường có rau này. Bên Tây thì mình có ăn loại rau này có vị hơi đắng đắng, dòn dòn, lá có răng tua tua nhưng bên Mỹ thì không thấy bán. Về Đà Lạt tuy thèm nhưng không dám ăn vì lần đầu về mình bị Tào Tháo rượt ói mật xanh luôn vì ăn rau. (còn tiếp)
Sơn đen
11/29/13