Bình dân học vụ tài chánh

Tiền là một từ ngữ mà người ta nói đến thường nhật nhưng ít ai để ý hay học ngôn ngữ này. Dạo mình tìm cách làm thêm tiền để mua sữa cho con nên có hỏi một anh bạn, từng là giảng viên đại học về kinh tế, bồi dưỡng mình chút vốn về tài chánh. Cái khổ là lúc anh ta đem ra những lý luận kinh tế, nói thao thao bất tuyệt từ keysnes qua Marx từ mấy 100 năm nay thì mình đực ra như bò đội nón. Thêm nữa tuy là mang tên kinh tế gia, dạy đại học nhưng anh chàng không mấy khá giả nên đoán lý thuyết và thực tế khác nhau.
Cuối cùng mình tham gia một hội về đầu tư để bình dân học vụ về tiền bạc, từ từ nhờ những người bần cố nông như mình nói lại với ngôn ngữ bình dân học vụ nên dần dần mới giác ngộ chút chút thêm ghi danh đi học seminar đều đều mấy chục năm nay mới bớt ngu lâu dốt sớm.
Mấy ông già như Rich Dad nói với mình là muốn có tiền thì phải nghiên cứu về nợ và thuế. Mình nghe lời mua sách về thuế để đọc thì được nữa trang là buồn ngủ. Chán mớ đời. Sau này cuối tuần đi học khoá dạy về làm thuế của H&R Block nhưng khoá đầu học được vài tuần thì bỏ vì bận. 10 năm sau mới học xong.
Dần dần thì hiểu có nhiều loại lợi tức như lợi tức thông thường (ordinary income) mà 70% người Mỹ được lợi nhuận này do đi làm công để cứ 2 tuần nhận được tấm ngân phiếu của chủ. Loại lợi nhuận thứ 2 là portfolio income: loại người ta mua bán, đầu tư vào nhà đất, thị trường chứng khoán và loại thứ 3 (passive income) là không làm gì hết vẫn có tiền xài. Ngoài ra có một loại lợi tức ma, người Mỹ gọi là Phantom income.

Trong 3 loại lợi tức chính này thì lợi tức qua sự lao động thì bỏ nhiều thì giờ nhất nhưng lại đóng thuế cao nhất. Có bố người bạn, đại diện ông bà cụ mình đi hỏi vợ cho Sơn đen, từ ngày sang mỹ năm 1975 đến khi ông ta qua đời, không phải đi làm ngày nào, chỉ sống nhờ lợi tức đầu tư mà sống. Mỗi năm đi chơi 4 lần, Á châu, âu châu, mỹ châu và một cruise với bạn bè. Ông bố nói với mình là đừng bao giờ bán rẻ cuộc đời mình cả, đi làm công cho thiên hạ. Bố mẹ anh bạn hay xuống nhà mình chơi, ăn cơm, kêu đồng chí gái là con dâu, sau này về sống ở Sàigòn. Vợ chồng mình dự định đi thăm mẹ của anh bạn khi ghé lại Sàigòn.
Lợi tức này nếu ở Cali sẽ bị đóng thuế từ 15% đến 35% thuế liên bang, 9.3% đến 11% thuế tiểu bang, 3.8% thuế Obamacare và .9% thuế gì gọi đóng góp cho nhà thương thêm 7.5% thuế an sinh xã hội mà chủ mình phải đóng 7.5%, coi như đi đong 15%. Nói chung là phải đóng từ 27.5% đến 49.5% lợi tức qua sự lao động của mình. Nếu tự mình làm chủ thì thêm 7.5% payroll taxes là 57%.
Lợi tức thứ nhì, người Mỹ gọi là Portfolio Income, là lợi tức do mình mua bán như cổ phiếu, mutual funds,…. Loại này ít thuế hơn.
Loại thứ 3 là passive income là không tự tay làm ra tiền nhưng nhờ đầu tư vào nhà đất. Đầu tư vào nhà cho mướn thì được khấu trừ tất cả chi tiêu về nhà cửa, cho mướn nhất là depreciation. Thí dụ căn nhà đầu tiên mình mua giá $179,000, thành phố chia ra căn nhà trị giá 80% và mảnh đất 20%.
Căn nhà được khấu trừ trong vòng 27.5 năm, lấy $144,000/ 27.5 = $5,236/ năm. Mình cho thuê đâu dạo ấy $1,200/ tháng hay $14,400/ năm thì chỉ bị đánh thuế lợi tức $14,400-$5,236 = $9,163, chưa kể tiền chi phí cho căn nhà này.
Loại lợi tức này bị đánh thuế ít nhất nhưng loại lợi tức thích nhất không bị đóng thuế, người Mỹ thường gọi là lợi tức ma.
Điển hình mình mua căn nhà đầu tiên cho thuê giá $179,000, đặt cọc 20% $36,000, mượn ngân hàng 80% hay $144,000. Sau 20 năm, tiền mượn ngân hàng còn đâu $70,000. Ngân hàng kêu mình tái tài trợ được $270,000 vì dạo ấy nhà lên đâu $420,000. Trả số nợ còn lại $70,000 rồi bỏ túi $200,000 không phải trả thuế. Mình sợ đồng chí gái xài hết tiền nên chạy đi mua mấy căn nhà. Xong om. $200,000 này được gọi là tiền ma (phantom Money).
Mình dùng nợ để mua thêm nhà cho thuê để khấu trừ tiền thuê nhà nhận được hàng tháng. Người Mỹ gọi nợ này là nợ tốt (good debt) vì mượn đầu heo nấu cháo còn những ai mượn đầu heo để ăn xài như mượn nợ để mua xe hơi hay áo quần thì gọi là nợ xấu (bad debt). Lý do là nhà cửa có lúc lên có lúc xuống mà nếu khi xuống, không trả được tiền lời thì ngân hàng sẽ tịch thâu căn nhà. Mình có mấy người quen, tái tài trợ nhà lại rồi thừa thắng xông lên, sửa chửa lại nhà bếp, phòng tắm cho hoành tráng rồi mất việc, mất nhà mất vợ.
25 năm về trước giáo sư Thomas J Stanley có ra cuốn sách, nghiên cứu của ông về người giàu ở Hoa Kỳ với tựa là The millionaire next door, cho thấy các triệu phú mỹ sống rất đạm bạc, trả hết nợ mua cổ phiếu các công ty đầu tư cho quỹ hưu trí của mình. Về già thì có tiền bạc để sống vui vẻ đến khi về đất Chúa.
Qua vụ khủng hoảng kinh tế tài chánh năm 2008, khi quỹ hưu trí của nhân viên công ty Enron, trong vài ngày số tiền hưu trí để dành trong vòng mấy chục năm qua bổng biến mất nên người ta phải đặt lại vấn đề có nên tiếp tục bắt chước quy trình của người triệu phú láng giềng. Mình nhớ có quen một cặp 10 năm về trước về hưu kêu có $500,000 trong quỹ hưu trí. Họ tính là có thể về hưu dựa theo cổ phiếu và tiền an sinh xã hội, ngày nay phải đi làm lại ở WalMart ban đêm.
Do đó ngày nay người Mỹ không thể tiếp tục quản lý tài chánh theo kiểu “the millionaire next door” vì tiền bạc hưu trí của họ có thể biến mất rất nhanh, trở thành vô sản vì nợ công quá tải, chính phủ sẽ lạm phát hoá để giựt nợ.
Dạo này thị trường chứng khoán lên như diều, tương tự thị trường chứng khoán Nhật Bản khi mình mới lấy vợ, sau đó banh ta lông đến nay sau 25 năm vẫn chưa ngất đầu lên được. Đi chơi nhưng phải tìm tài liệu đọc để chuẩn bị cho bi hùng ca thị trường chứng khoán của Hoa Kỳ và thế giới trong nay mai. Chán mớ đời.
Hôm mô rảnh viết tiếp.
Đang đợi lên máy bay đi thành phố Sihanouk.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét