Văn hoá Xeo-Phì

Hôm trước có anh nói về văn hoá “Xeo-Phì” khiến một số đông lên tiếng, ném đá loạn cào cào. Có lẻ người Việt mình không quen chia sẻ tư duy nên cứ tưởng thiên hạ chỉ trích mình, phang bú xua la mua.
Dạo trước, mỗi lần đi ăn hay đi đâu với vợ con là mệt. Đang đói, có tô phở, cái bánh trước mặt, không được ăn vì đồng chí gái và cô con gái thay phiên chụp hình để tải lên mạng xã hội rồi mới được ăn thì phở nguội mất.
Nay thấy vợ mình hết chơi trò này còn con gái ở xa, mình muốn theo dõi nó qua Instagram cũng thấy bớt đưa tin. Một khi qua cơn mê, ta lại làm người bình thường. Mỗi lần đi ăn với vợ con là mình bỏ điện thoại trong xe, để dành toàn thời gian cho vợ con. Cố gắng tranh thủ chống cự lại những thôi thúc của nền văn hoá Xeo-phì.
Lâu lâu đồng chí gái kêu mình đi dự gây quỹ, họp mặt chi đó có ca nhạc. Ca sĩ đang rống trên sân khấu, thiên hạ thì nói chuyện loạn xà ngầu như cái chợ trong khi mấy bà chạy lên đứng chật sân khấu, tay cầm cái điện thoại đưa ra rồi tự xeo phì. Không thấy mặt mủi ca sĩ ca sởi ở đâu, chỉ nghe giọng hát. Người nào có chồng thì thấy ông chồng lò mò đứng ở dưới chụp hay quay hình chết bỏ. Bảo đảm về nhà là bị mụ vợ la, kêu chụp gì mà không đợi người ta hóp bụng vào,…
Ông Trump là vị tổng thống, như đa số người Mỹ bị mê hoặc bởi các hình ảnh điện tử thời nay. Có thể xem ông ta, nhà làm chính trị có nhiều người theo dõi nhất tại Hoa Kỳ. Ông ta định nghĩa sự thật qua những biến thể của truyền thông kỹ thuật số “digital media”. Ông ta tự xem mình và thế giới là một chương trình truyền hình thực tế mà ông ta là Siêu Sao và giáo sư Marshall McLuhan đã cảnh báo trong cuốn “Understanding Media” từ lúc mình mới sang Tây.

Ông ta là hình ảnh tiêu biểu cho thời đại kỹ thuật số ngày nay, các biến chuyển từ đề tài này sang đề tài khác quá nhanh chóng như đu theo những cảm xúc lẫn lộn với các quảng cáo. Các đề tài chỉ xẩy ra trong vài giây đồng hồ, không có chiều sâu, chúng ta ít nhớ những gì đã nghe hay thấy vài giây trước đây. Tất cả đều được định hướng bởi các nhóm tài phiệt, thế lực chính trị hay truyền thông để thao túng người dân.
Chúng ta đã thấy kết quả qua cuộc bầu cử Brexit và tổng thống Mỹ vừa qua. Người dân tại Anh Quốc bị định hướng chính trị trên mạng xã hội nên hồ hởi đi bầu Brexit để rồi đến nay, Anh Quốc đã thay thế 2 thủ tướng dân cử nhưng vấn đề Brexit vẫn chưa ngã ngủ như một cặp trai gái hưng phấn lên chơi một trận rồi khám phá ra cô gái bị cấn thai và họ không biết xử lý như thế nào.
Mở Instagram để xem con và mấy đứa cháu làm gì thì các video rất ngắn, chả hiểu gì cả, chỉ kịp xem chúng ăn gì, đi chơi với ai rồi biến mất. Như nhạc của Eminem “Fast and Furious” để nói đến cuộc sống ngày nay chạy đua theo hệ thống 4 Gờ. Hai năm nữa khi người ta xài 5 Gờ thì chỉ Chán Mớ Đời.
Xem American Got Talent, các thí sinh chỉ có 90 giây để biểu diễn và quảng cáo sẽ tiếp tục. Có người than phiền là mình kể chuyện hơi dài. Họ muốn mình nói cái gì ngắn, bùng phát vì trong thời đại xeo phì, 90 giây là thứ xa xí phẩm để bày tỏ cảm tưởng của mỗi người nhưng rồi sau đó, chả ai nhớ đến.
Lâu lâu mình hay xem “Stand up comedy” vì vui. Họ nói những câu tếu trong 60 giây hay 90 giây khiến mọi người cười nhưng vài phút sau thì chả nhớ họ nói gì và vì sao mình cười nhưng được cái là mình đã cười. Khác với khi xưa, nghe kể chuyện cười, diễn viên phải kể lòng vòng rồi “punch line” khiến mọi người cười và cả tháng sau hay mấy năm sau vẫn còn nhớ.
Trong cuốn “Amusing Ourselves to Dealth”, ông Neil Postman cho rằng quan niệm sai lầm, xem những gì đang xảy ra hiện nay như sự thụt lùi văn hóa. Nó còn tệ hơn thế. Văn hóa truyền khẩu đánh giá cao sự ghi nhớ và trau dồi nghệ thuật hùng biện cao. Ông Homer đã kể lại Illiad và Ulyssus mà văn chương của ông ta vẫn hiện hữu đến ngày nay. Các nhà lãnh đạo, nhà viết kịch và nhà thơ trong các nền văn hóa truyền khẩu đã không nói chuyện với công chúng của họ bằng ngữ vựng thô thiển như ngày nay trên mạng.
Người ta chỉ trích ngôn từ ông Trump, nhưng thật ra đó là ngôn ngữ mà người Mỹ ngày nay sử dụng mà chúng ta, thế hệ U70 ít để ý đến. Mình đọc còm thiên hạ, viết “vc”, có ý muốn nói là “vợ chồng” trong khi mình thì nghe đến “vc” là “Việt Cộng”. Chán Mớ Đời
Vấn đề các hình ảnh tải trên mạng, đi kèm thêm từ vựng nghèo nàn, cực ngắn, đột phá không thể kết hợp các câu có ý nghĩa với nhau, tải một thông điệp cho người xem hay đọc. Điều này cho thấy không chỉ từ vựng kém chất lượng của truyền hình, mà quan trọng hơn là sự không mạch lạc của truyền hình. Các người nổi tiếng như Kim Kardashian có thể giao tiếp với hàng chục triệu người Mỹ, cũng được nêu ra trước màn hình, bởi vì họ cũng bị biến đổi về mặt ngôn ngữ và trí tuệ bởi hình ảnh kỹ thuật số khiến lâu ngày họ thiếu khả năng phát hiện những lời nói dối hoặc suy nghĩ hợp lý. Họ là một phần của văn hóa hậu sự thật (post-truth) của chúng ta.
Trên mạng họ đã soạn sẳn những emoticon, các nút Like,…chúng ta chỉ việc nhấn là xong, thay vì viết vài dòng để phát biểu suy tư của chúng ta. Khi xưa, người ta đi biểu tình, là hô hào xuống đường, nay chỉ cần nhấn like là xong om.
Thêm vụ câu like, được nhiều người theo dõi để được trả tiền nếu quảng cáo nên người ta cố ý tạo nên những đột phá, những xì căng đan. Nhiều người chiếu trực tiếp đang làm tình trên mạng cho bạn bè xem, hay giết người,…để được nổi tiếng.
Gần đây dân cư mạng xôn xao về cách tiếp thị của công ty nước ngọt Coca Cola: kêu gọi người Việt ăn mừng chiến thắng bằng cách khui lon. Khiến quan nhớn kêu gào phải cấm khui lon. Công ty quảng cáo thành công, chắc chắn sẽ có thêm nhiều khách hàng nhờ khui lon, hứng lu.
Hình ảnh điện tử là thần tượng hiện đại của chúng ta. Chúng ta tôn thờ sức mạnh và danh tiếng mà họ truyền đạt. Chúng ta khao khát trở thành những người nổi tiếng. Chúng ta đo lường cuộc sống thường nhật, kháng lại những ảo tưởng mà những hình ảnh này phổ biến. Nếu một cái gì đó không xuất hiện trên màn hình hoặc được công bố trên màn hình thì tính xác thực của nó bị nghi ngờ. Vì họ kêu một tấm ảnh bằng 1000 lời nói nhưng nếu tấm ảnh được photoshop dàn dựng thì sao.
Có nhiều người câu “like” nên tạo ra những tin bựa, photo shop rồi tung lên mạng. Rồi người khác lại sử dụng hình ảnh này để truyền cho bạn bè, để được xem mình là người đầu tiên biết được tin này như các phóng viên nhà nghề, săn tin. Đó là chưa kể những tên buôn bán mất dạy, cứ lấy của ai đó rồi lồng vào bảng tiếp thị, quảng cáo cho hàng mình bán vì được nhiều lượt xem “View”.
Chúng ta hồ hởi xây dựng các nền tảng truyền thông xã hội thu nhỏ, cá nhân nơi chúng ta cập nhật hàng ngày bộ phim tự sự của mình, bộ phim xeo-phì khó hiểu, chỏi với sự giao tiếp và tình bạn thân tình truyền thống. Khát khao này được xác nhận bằng hình ảnh điện tử và khán giả của họ đã khiến chúng ta trở thành một người tự cô lập, không hiểu biết, xa lánh và quan trọng hơn là không hạnh phúc.
Mình thấy hình ảnh trong các tiệm ăn, mỗi người cầm cái điện thoại bấm bấm. Họ hiện diện tập thể, ngồi chung bàn nhưng trí óc của họ lại lêu bêu cô độc ở nơi xa vắng. Họ rất cô đơn dù có người thân, bạn bè ngay bên cạnh. Có lẻ đó hình ảnh của Don Quichotte thời nay. Ai trong chúng ta đều là nhân vật của Cervantes . Chúng ta tự hình dung mình là những nhân vật trên mạng ảo, để thoát khỏi sự thật, thực tế của cuộc đời.
Mình may có nhiều người bạn già, không biết sử dụng điện thoại thông minh. Họ chỉ dùng điện thoại từ 10 năm qua để gọi điện thoại nên mỗi lần gặp nhau hàng tuần, không bị quấy rầy bởi những màn lên mạng để xem hình ảnh của mình có bao nhiêu “like”,….
Hình như có những buổi họp mặt, người ta bắt mọi người bỏ điện thoại lên bàn trong một cái giỏ thì phải. Ai mà chịu không nổi vì thiếu cái điện thoại thì sẽ bị phạt, tương tự khi đi họp, phải bỏ điện thoại qua chế độ rung, nếu không sẽ bị phạt,…
Khi ăn cơm, gia đình mình có lệ tắt máy truyền hình, nay phải áp dụng bỏ điện thoại trong phòng. Có lần mình đi học về thương lượng, họ dạy là khi đối tác hỏi thì mình phải tự đếm thầm từ số 1 đến 10, trước khi trả lời. Đối tác không thấy mình trả lời ngay, họ không chịu được sự im lặng nên tiếp tục nói.

Ông John Ralston Saul viết như sau: “We are the image. We are the viewer and the viewed. There is no other distracting presence. And the image has all the Godly powers. It kills at will. Kills effortlessly. Kills beautifully. It dispenses morality. Judges endlessly. The electronic image is man as God and the ritual involved leads us not to a mysterious Holy Trinity but back to ourselves. In the absence of a clear understanding that we are now the only source, these images cannot help but return to the expression of magic and fear proper to idolatrous societies. This in turn facilitates the use of electronic image as propaganda by whoever can control some part of it.”

Câu này khó dịch vì mình không hiểu nhiều về thiên chúa giáo vì ngày nay người ta hay gọi Thuợng Đế đã chết (Dieu est mort).

Theo công ty Nielsen, trung bình người Mỹ mất 4 tiếng 46 phút để xem đài truyền hình mỗi ngày và 11 tiếng mỗi ngày để nghe, xem, đọc những gì liên quan đến truyền thông. Lái xe cũng nghe, đi tắm cũng nghe, ngủ cũng nghe,… những thời gian mà họ sử dụng hàng ngày dành cho những gì về truyền thông đã cắt đứt họ khỏi thực tế, bị trẻ con hoá một cách đơn giãn.

Trong một lớp dạy về đạo đức của giáo sư Michael Sandel, ông ta hỏi sinh viên Harvard là xem phim hoạt hoạ Simpsons hay đọc Shakespeare thì họ chọn thứ nào, đa số đều chọn xem phim hoạt hoạ.

Thông tin được sự thật hoá bằng những thống kê: tỷ số đá banh, bao nhiêu người chết trong vụ lật xe, nhà cháy,… những con số này làm tê liệt sự cảm nhận của mọi người. Nhớ lần đầu tiên sang Hoa Kỳ, xem đài truyền hình lần đầu tiên, mình choáng váng vì người xướng ngôn viên nói quá nhanh so với đài BBC bên Anh Quốc. Rồi ào ào các quảng cáo 60 giây thay nhau hiện lên.

Tin tức trên màn hình không có khả năng truyền đạt sự phức tạp và sắc thái. Nó không có bối cảnh lịch sử, xã hội hoặc văn hóa. Tin tức truyền hình nói về những lời sáo rỗng dễ tiêu hóa về chính trị và văn hóa. Nó là phải giật gân thì mới gây chú ý đến khán giả và phân mảnh. Tốc độ điên cuồng của tin tức trên truyền hình có nghĩa là ngoại trừ khi cung cấp số liệu thống kê, các chương trình chỉ có thể giao dịch theo các khuôn mẫu đã được thiết lập. Tin tức trên truyền hình, về bản chất, đã ly dị với thực tế,..

Ông Neil Postman nói về điện tín ở thế kỷ 19, là cơ sở cho truyền thông ngày nay. Tin tức thời ấy qua điện tín, ngôn ngữ được truyền đi cũng không liên tục. Một điện tín không có nối kết với điện tín đi sau hay trước đó. Mỗi tiêu đề đứng một mình trong bối cảnh riêng.

Nhớ hồi bé, lâu lâu nhà nhận được điện tín từ Huế hay Sàigòn, báo tin ôn ngoại hay mệ ngoại vào thăm. Đọc nhức mắt luôn vì trả tiền từng chữ nên người gửi rất hà tiện chữ nghĩa, lại viết theo lối kiểu mỹ như “sown” cho “sơn”,… nếu mình không lầm thì nhà nhờ ông đưa thư đọc dùm vì ông ta rành, rồi cho ông ta chút tiền.
Người tiếp nhận, đọc điện tín phải cố gắng cung cấp một ý nghĩa tương tự ngày nay, khi nhận email hay tin nhắn, không bỏ dấu. Người gửi không có nghĩa vụ phải làm công việc giải thích cặn kẻ như người ta gửi nhắn tin qua “morse “.

Nhớ có lần, con gái hỏi đồng chí gái chuyện gì. Mẹ nó nhắn tin lại với “Y” khiến nó như bò đội nón vì đọc “Y” như Why (tại sao). Nếu chịu khó đánh thêm e + s thì trở thành “Yes” sẽ làm con gái và mình bớt chưng hửng, phải hỏi lại.

Hình thức liên tục của trang in bắt đầu mất dần sự cộng hưởng của nó như một phép ẩn dụ về cách tiếp thu kiến ​​thức và cách hiểu về thế giới bên ngoài. Hiểu biết về các sự kiện mang một ý nghĩa mới, vì nó không ngụ ý rằng chúng ta, khi đọc hay xem, phải hiểu theo hàm ý, hay kết nối. Kiểu khi xưa, vào nhà ai, gặp bữa, họ mời nhưng lạy trời đừng ăn. Chúng ta không cần vận dụng trí óc để cảm nhận người đối thoại, ý muốn gì khi phát biểu.

Dần dần tin tức biến thành những slogan, như khi người ta viết điện tín khi xưa. Ở Hoa Kỳ, chạy trên xa lộ, chúng ta hay thấy những tấm bảng quảng cáo to lớn, nay được “digital hoá” ra. Thay vì một bích chương quảng cáo một công ty nào đó suốt 1 tháng trời, các quảng cáo khác nhau được tiếp nối 24 trên 24 như chúng ta mở email hay facebook,…đều thấy cập nhật hoá liên tục. Nhiều khi muốn tìm lại thông tin mới xem chưa hết, khi rảnh quay lại là biến mất.

Những ai muốn liên lạc, kết nối ngoài cấu trúc truyền thông hiện tại như viết thư bằng tay, gửi qua bưu điện, phải xem xét tin tức có thật hay không trước khi gửi sẽ khiến người nhận không thể hiểu được. Một khi họ dùng một ngôn ngữ không thuộc trường phái hiện đại kỹ thuật toán thì khó có người cảm thông.
Hàng năm, mình hay viết thư cho mấy người quen lớn tuổi ở pháp, và Ý Đại Lợi, kể những việc chính xẩy ra trong gia đình năm vừa qua. Trong khi con của họ được nối kết với mình trên mạng thì chúng chả cần đọc nhưng đối với người già lại viết thư, viết thiệp chúc Tết mình lại, kể lại các hoạt động con cháu của họ năm vừa qua. Đọc những dòng tự sự này, khiến mình ấm lòng vì tưởng tượng ra những người cháu của họ, nay ra sao, khác với hình ảnh của chúng trên mạng.

Những người duy nhất nắm bắt được sự khác biệt giữa thực tế và ngoại hình, các quy tắc ứng xử và xã hội, là các nhóm cầm quyền và những người thực hiện chương trình của họ: giới tinh hoa khoa học, kỹ thuật làm sáng tỏ các quy tắc ứng xử và chức năng của xã hội. Mọi người có thể hoạt động hiệu quả hơn, mặc dù vô thức, bị chi phối.

Trong cuốn “The Image: A Guide to Pseudo-Reality in America”, ông Daniel Boorstin cho rằng những “tin dỗm” (Fake News) và kịch tính đang thay đổi những tin tức chính xác, trực tiếp. Chúng ta đang sống trong một thế giới, ảo tưởng thật hơn là thực tế như xem phim Việt Nam, thấy cảnh cô gái gánh nước, cô gái tải đạn đánh phấn, tô son quá sự thật.

Ông Boorstin nói tiếp: “We risk being the first people in history to have been able to make their illusions so vivid, so persuasive, so ‘realistic,’ that they can live in them. We are the most illusioned people on earth. Yet we dare not become disillusioned, because our illusions are the very house in which we live; they are our news, our heroes, our adventure, our forms of art, our very experience.”

Ông Trump là một sản phẩm của sự phân rã văn hóa ngày nay mà chúng ta đang kinh qua. Cách ông ta nói, hành động là cách nhiều người Mỹ nói, hành động và suy nghĩ. Họ bầu cho ông ta vì nói cùng một ngôn ngữ, không khép nép, ý tứ như xưa nay, phải uốn lưỡi 7 lần. Ông ta sẽ rời chức vị sau nhiệm kỳ, biến mất khỏi ngành truyền thông như những tổng thống trước đây nhưng sự suy đồi văn hóa sản sinh ra ông ta cũng như chúng ta sẽ vẫn tồn tại, nhiều khi còn quá tệ hơn.
Các tổ chức học thuật, vốn là kho lưu trữ văn hóa và xóa mù chữ, đang tự biến mình, thường bằng tiền của công ty, thành các công cụ điều chỉnh của thời đại kỹ thuật số, mở rộng các khoa liên quan đến công nghệ, kỹ thuật và khoa học máy tính, chuyên ngành lớn nhất tại Princeton và Harvard. Trong khi giảm bớt các ngành học liên quan đến nghệ thuật, triết học, đạo đức, lịch sử và chính trị. Những nguyên tắc này, bắt nguồn từ in ấn, khi Guttenberg sáng chế ra máy in là liều thuốc giải độc duy nhất cho cái chết văn hóa.
Trong bài tiểu luận “The Duty of Mind in a Civilization of Machines”, nhà sử học Perry Miller cho rằng: Nhiệm vụ của trí tuệ trong nền văn minh của máy móc, kêu gọi chúng ta xây dựng các đối trọng với công nghệ truyền thông để chống lại các tác động làm tê liệt trí tuệ của chủ nghĩa hư vô của thời đại. Chúng ta càng tắt màn hình và quay trở lại thế giới in ấn, chúng ta càng tìm kiếm sức mạnh biến đổi của nghệ thuật và văn hóa, chúng ta càng thiết lập lại các mối quan hệ chân chính, tiến hành trực diện hơn là thông qua màn hình, chúng ta càng sử dụng kiến ​​thức để hiểu và đặt thế giới xung quanh chúng ta vào bối cảnh, chúng ta sẽ có thể bảo vệ bản thân khỏi chứng loạn thị kỹ thuật số.
Ngày nay, chúng ta đọc sách qua PDF hay Kindle. Các nhà in dần dần sẽ bị đóng cửa vì chỉ in khi có người đặt mua. Một nền văn hoá được khai sinh từ khi ông Guttenberg chế tạo ra máy in. Chúng ta đọc sách báo và chia sẻ quan điểm của mình vì những người bạn đều đọc cuốn sách đó nên dễ thông cảm và tranh luận dựa trên một căn bản chung.
Ngày nay với thông tin trên mạng quá nhiều để cập nhật hoá. Dần dần khiến mọi người không có khả năng để thanh lọc, tạo dựng cho mình một tư duy riêng. Chúng ta chỉ mượn lời của một soái ca, một thần tượng nào đó để biểu tỏ cảm xúc và cảm nhận.
Thông tin được đơn giãn hoá khiến tư duy chúng ta vẫn trẻ mãi không già.
Chán Mớ Đời

Nguyễn Hoàng Sơn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét