Những thiên sứ một thời


Đi Trung Á chơi, viếng những địa danh được nghe đến trong các lớp sử địa khi xưa, nhớ lại những thầy cô đã dạy mình khi xưa, những người hàng xóm xưa tại Đà Lạt, đã giúp mình có chút kiến thức. Họ nói một điều gì khiến mình nhớ đời hay cho mượn sách báo đọc đã giúp thay đổi cuộc đời mình. Ông tây dạy sử địa nói về Con Đường Tơ Lụa hay dãy núi Caucase trên bản đồ làm mình muốn viếng thăm các nơi này. Hình ảnh đó cứ lêu bêu trong trí nhớ của mình để rồi ngày nay, cố gắng đi thăm viếng để thoả mãn trí nhớ. Vợ mình hay la, sao cứ nhớ mấy chuyện vớ vẩn, không lo làm ăn như thiên hạ.


Mình nghiệm một điều, những gì nghe nói, đọc trên sách vỡ mà không trải nghiệm thì chỉ là hư không. Viếng thăm Trung Á và vùng Caucase có 3 tuần lễ mà mình chứng nghiệm cũng như mục thị những gì đã học và đọc về vùng này, mới hiểu được lịch sử và kinh tế, suy vong của vùng này. Lý do nào họ giàu có để rồi tàn theo thời gian vì không thức thời, thay đổi theo trào lưu của thế giới, kỹ nghệ tiến bộ.


Ông tây dạy pháp văn, giảng về vỡ kịch thơ “Andromaque” của Jean Racine khiến mình mơ mơ về một ngày nào đó, viếng thăm thành Troie để rồi sau này mình đi viếng Thổ Nhĩ Kỳ để duyệt lại tình sử Andromaque và hoàng tử Hector. Tưởng tượng trên thành, nơi Andromaque, một phụ nữ mang thai, nhìn chồng bị Achilles, giết chết rồi kéo lê thân xác xung quanh thành, để ngàn người Vui triệu người sầu rồi sau đó phải chịu hy sinh để kẻ thắng cuộc hiếp dâm, để cứu giọt máu của người chồng quá cố. Bị kịch của Hy Lạp như các bi kịch khác trong chiến tranh, kẻ thắng cuộc định đoạt cuộc đời, gia tộc người thua cuộc.

Thấy hình áo quần truyền thống của phụ nữ Ba Tư đẹp. Không biết hoa thật hay hoa giả

Có lẻ người có ảnh hưởng, đã thay đổi hướng đi của đời mình là thầy Lưu Văn Nguyên, dạy mình hình học năm 11B. Dạo ấy, mới lớn mình không biết tương lai đi về đâu. Đúng hơn là không có mộng ước gì cả. Con mình lớn lên tại Hoa Kỳ, có những mộng ước của tuổi thơ thay dần theo năm tháng. Học đường khuyến khích theo đuổi và thực hiện giấc mơ của chúng. Còn thanh niên Việt Nam khi xưa, chỉ có độc nhất một đáp án: Đi Lính với những khẩu hiệu khá mơ hồ, chiến đấu cho tự do, dân tộc. Mình đoán ngoài Bắc cũng ra rã tuyên truyền giải phóng miền Nam khiến thanh niên xung phong hay bị đưa vào chiến trường miền nam. Chú mình bị B52 dập chết trên đường mòn Hochiminh.


Thấy trong xóm mấy anh lớn tuổi hơn mình, rớt tú tài đi lính rồi mấy tháng sau Chết. Người đậu tú tài rồi vào trường võ bị như anh Thống, ở dốc Hai Bà Trưng, gần cư xá Bưu Điện, ra trường đậu thủ khoa rồi cũng chết nên mình hơi mất định hướng. Mấy người bạn học chung lớp sinh 1955, đang chơi đùa, đá banh, ngắm gái với nhau, bổng nhiên nhận được giấy gọi nhập ngủ sau mùa hè Đỏ Lửa. Việt Nam Cộng Hoà đôn quân để đánh nhau với quân bắc Việt, nơi đó có chú và họ hàng của mình cũng đi bộ đội, sinh Bắc tử nam trong cuộc nội chiến như khi xưa Trịnh Nguyễn phân tranh.


Đậu bằng trung học pháp (B.E.P.C) xong thì mình qua trường Văn Học. Thầy Chử Bá Anh cho học bổng, không còn bị mấy sư huynh nhà dòng, kêu ra khỏi lớp, về nhà lấy tiền đóng học phí để được vào lớp lại vì chỉ tiêu học đường là Tiên Học Phí, Hậu Học Văn. Đỡ tốn biết bao nhiêu tiền cho bà cụ, tháng nào cũng chạy ngược chạy xuôi nuôi 10 đứa con. Mình vẫn nhớ ơn thầy Chử Bá Anh.


Một anh bạn rủ đi thăm mấy ông thầy. Mình có xe gắn máy và anh ta cần xe ôm. Nay mình về Đà Lạt thì anh ta làm tài xế Uber, đón đưa từ phi trường chở mình đi chơi khắp nơi. Anh này là hậu duệ của gia tộc ông Ngô Thời Nhậm. Theo anh ta kể trong gia phả có đề gia tộc có 2 tiến sĩ nhưng không ghi biết tên, khuyên con cháu sau này, nếu không được đi học thì vẫn cố gắng học. Sau 75, thuộc diện con cháu ngụy quân ngụy quyền nên không được tiếp tục học đại học, anh ta vẫn cố nghe lén đài BBC và đài VOA để học thêm anh ngữ. Sau này, Đổi Mới, Việt Cộng cần người biết anh ngữ nên anh ta được trọng dụng, nay về hưu là đại gia tại Đà Lạt.

Thầy Lưu Văn Nguyên khi mình về Đà Lạt trước khi thầy qua đời. Năm sau, mình về Đà Lạt kịp đi đám thầy. Thầy nói là thương Phạm Minh Cường còn hơn con ruột vì chăm sóc cho thầy vào tuổi già.

Cứ mỗi ngày, sau ăn cơm, lại đến thăm các thầy như thầy Đan Đình Soạn, dạy Công Dân, giáo sư trường Chiến Tranh Chính Trị, thầy Hồ Thanh Tâm, dạy Sử Địa, thầy Lý Công Thuận dạy đại số. Các thầy cho mượn sách đọc như cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, giúp mình hiểu thêm về cộng sản, lý do phải đánh Việt Cộng. 


Người đã gây ảnh hưởng nhiều nhất về cuộc đời mình là thầy Nguyên, đã thay đổi hướng đi đời mình. Ngồi nói chuyện về tương lai thì thầy khuyên mình ráng học, đậu cao để đi du học, cả phí đời. Thầy đã gieo hạt mầm mà chính mình cũng không tin tưởng lắm vì dạo ấy đi du học như đi lên trời nhưng cũng cố gắng học. Từ đó, mình hết đi chơi vớ vẩn, đi học về thì ôn bài, làm bài tập, đọc sách thêm. Sáng thì chạy qua Ngã Ba Chùa tập võ với anh Minh, rể ông Xu Huệ.


Dạo đó, có một cặp vợ chồng dọn đến nhà bà Thường, số 47/3 Hai Bà Trưng. Ông chồng, tên Nhân đi xây dựng nông thôn, cô vợ làm ở ty công chánh. Một hôm, chú gọi lại ngồi nói chuyện ngoài sân rồi chú kêu vào nhà, lấy cho mình mượn tủ sách Học làm Người của ông Hoàng Xuân Việt biên soạn, với mấy cuốn thuộc loại Đắc Nhân Tâm. Nghe kể ông Hoàng Xuân Việt dịch sách học làm người nhưng quên dịch cuốn học làm chồng và vợ vì nghe đâu vợ ông ta bỏ ông ta. Nghe nói chú Nhân nay rất thành công, mình về Đà Lạt, gọi điện thoại nhưng không ai bắt điện thoại cả. Chưa có duyên gặp lại.


Đem về nhà đọc ngấu nghiến. Nói cho ngay tiếng Việt mình lúc đó cực tồi mà tiếng Tây cùng ngang lứa vì không có tiền mua sách. Phải đánh vần, nhiều khi phải hỏi cô em kế, nghĩa của mấy từ mình không biết. Nhà không có tự điển. Đi học chỉ có cuốn tự điển Petit Larousse, sau này đem theo qua Tây. Dạo ấy, có chị Gái hàng xóm, hay cho mình mượn sách tiểu thuyết để đọc. Nay chị ta ở đâu gần Canoga Park trên Los Angeles. Chưa có dịp gặp lại.


Sau khi đậu tú tài, mình nhờ thầy Nguyên viết cho lá thư giới thiệu đại học bên tây để nộp đơn. Thầy viết lá thư bằng pháp ngữ rất chuẩn. Hai ông cậu bà con, du học bên Tây, con của ông bà Phúng và ông bà Đàng ở số 9 và 11 Duy Tân, xin vào đại học Roubaix và giấy tờ bảo lãnh. Trời ị trúng đầu, mình được đi Tây. Nhớ có chào thầy trước khi đi Tây, thầy cảm thấy hãnh diện về mình, đã nghe lời thầy, cố gắng học để du học. Mấy chục năm sau, gặp lại thầy, thầy nhắc đến lá thư xưa, viết ra sao.

Hôm trước, mình nói chuyện với một người dì bên Úc, con ông bà Phúng. Mình kể nhờ hai cậu, con ông bà PHúng và Đàng giúp đỡ mà mình mới đi Tây được. Dì lại kể cuộc đời lạ lắm. Anh của dì, du học từ năm 1955 giúp mình đi tây thì sau này mẹ mình lại giúp gia đình dì vượt biển đi Úc. Dì cho ông chồng, em rể của thầy Phạm Kế Viêm, đi vượt biển mấy lần, vàng vòng gì bay hết, đi thăm nuôi khi ở tù, công an khu vực làm khó dễ. Cuối cùng mẹ mình tìm được tuy-dô cho Dượng đi, qua bên đó rồi trả vàng sau. Chuyến đó lại đi lọt. Nay cả gia đình đoàn tụ, sống hạnh phúc bên Úc Đại Lợi. Cho thấy cuộc đời rất hay. Mình giúp ai rồi sau đó, họ lại giúp con cháu của mình.


Qua Tây thì mình gặp nhiều người tốt lắm. Ông Yves Gignac, chủ tịch hội cựu chiến binh Pháp, cho mình học bổng của hội, cho quần áo cũ bận suốt mấy năm trời. Qua ông này mình mới hiểu thêm về OAS, vì ông ta nằm trong tổ chức này, bị De Gaulle cho đi tù mấy năm. Qua ông ta mình có ăn cơm với mấy ông tướng ngày xưa, tham chiến tại Việt Nam như Raoul Salan, Bigeard, bác sĩ Grovin, y sĩ trưởng ở Điện Biên Phủ,… chính ông Gignac là tác giả của cuốn Le Dragon D’Annam. Cả hơn năm trời, ông ta gặp ông Bảo Đại hàng tuần với bà Monique để phỏng vấn, để đặt câu hỏi ông Bảo Đại kể lại chuyện xưa. Từ ông ta mình học cách đọc sách. Ông này chả có bằng cấp đại học gì cả mà hiểu biết rất nhiều. Chắc khi ở tù đọc sách nhiều.


Ông ta có giới thiệu mình một nhân vật nổi tiếng của hải quân Pháp mà có lần có phim nói về nhân vật này do Jacques Perrin đóng. Le Crabe Tambour. Ông này tham chiến tại Việt Nam, rồi Algerie, tham gia OAS, ám sát hụt De Gaulle rồi đi tù. Khi xuống thành phố Nimes chơi, mình có ngủ lại nhà ông ta mấy hôm, được ông Pierre Guillaume chở đi vẽ Pont Du Gard. Hình như ông ta có quen Bob Denard, một tay lính đánh thuê khét tiếng phi châu. Ông có kể khi ông Bảo Đại lên tàu của ông ta để ký giấy tờ nhận Việt Nam do người Pháp trao trả lại sau Điện Biên pHủ.


Mấy người kia ăn cơm với họ được vài lần khi họ lên Paris có việc. Ông tướng Bigeard đầu hàng tại Điện Biên Phủ, có nói với mình là thất trận, ông ta vẫn phục ông Võ Nguyên Giáp. Mình có hỏi về Trung Cộng giúp đỡ nhưng ông ta chỉ cười. Hình như dạo đó ông ta là dân biểu của vùng ông ta ở. Lâu lâu lên Paris để họp quốc hội. Bác sĩ Grovin thì kể mỗi sáng đi bơi 1 cây số nên sau này qua Cali, sáng là mình bò đi bơi 1 cây số. 


Ông Guillaume là Tây mà lối sống rất Á đông, ông ta ngủ không dùng gối mà lại dùng cái miếng gỗ của người Tàu, lót dưới cổ, móng tay để dài như các kẻ sĩ nho giáo ngày xưa, thậm chí giường cũng trải chiếu ngủ, không nằm nệm. Không vợ con gì cả. Thời trẻ đi đánh giặc rồi bị ở tù, ra tù thì quá tuổi. Sau này để nhà lại cho người cháu trai, lấy vợ Maroc, con người em hay anh chết trận mà mình có gặp tại Rabat. Ăn cơm nhà anh ta. Ông Guillaume dặn mình là qua Ma-rốc thì cẩn thận với phụ nữ tại đây. Họ sống trong nền văn hoá áp bức phụ nữ nên tìm cách thoát khỏi xứ họ nên hay dụ khị đàn ông. Sang xứ này thấy phụ nữ đẹp nức nở, may là mình không ở lại làm việc với một kiến trúc sư người Việt, bạn vua Hassan II, nếu không giờ này cũng Alah Akbar.

Cũng qua ông Gignac, mình được giới thiệu hai gia đình; gia đình ông Marco, sinh ra tại Algerie và bị đuổi qua Pháp. Ông ta làm thầu khoán, giàu có, qua gương ông ta sau này mình bỏ nghề kiến trúc làm thầu khoán. Và một gia đình nữa là tên Lebrousse, một cựu chiến binh tại Đông-Dương. Họ hay mời mình lại nhà ăn Giáng Sinh cho đỡ buồn khi thiên hạ đón mừng Chúa ra đời, cứu nhân loại. Sau này về hưu tại Saint Jean de Luz nên mình hết gặp lại cũng như mấy người con lập gia đình đi mất biệt,


Ngoài ra có hai gia đình người Pháp đã giúp đỡ mình rất nhiều trong thời gian đi học. Gia đình Cayla qua một anh bạn, cháu rể của bà Cayla. Bà Cayla cho mình mướn căn phòng ô-sin trên lầu nhưng rồi sau vài tháng, bà ta không lấy tiền nữa. Xem mình như con nuôi trong nhà. Tết hay tiệc tùng gì đều hú mình đến dự với gia đình bà ta. Khi mấy người em mình vượt biển sang thì họ bảo lãnh sang Pháp, nuôi trong nhà, dạy tiếng Tây. Mấy người em mình vẫn liên lạc con cháu của họ vào những buổi họp mặt gia đình. Sang năm mình tính về Tây thăm mấy bà này trước khi họ về thiên quốc. Lần chót về, gia đình mình có xuống Grenoble, họp mặt đại gia đình của ông bà, rất vui. Nay chúa ngoại cháu nội đầy.

Một gia đình khác là Pellerin, ông bà nội của một anh bạn học dưới mình 3 lớp, xem như đàn em trong trường kiến trúc. Quen gia đình này thì mới biết giàu sang là sao. Họ có mấy chung cư cho mướn ở đại lộ Wagram, gần Champs Elysees. Khi xưa, họ là một trong những nhà thành lập công ty xà bông Roget Gallet. Họ có nhà ở ngoại ô Paris để con cháu cuối tuần ra đó chơi, đánh quần vợt, bơi lội. Có căn nhà nghỉ mát ở Villefranche gần Nice ở miền nam Pháp để mùa đông xuống đó ở. Ngoài ra họ có mấy trăm mẫu rừng ở Saint Severs, Normandie để đi săn. Bà vợ là con của một thượng nghi sĩ của Pháp nên họ giàu từ nhiều đời.


Mình có đi đến đó mấy lần với tên bạn và bố anh ta vào mùa thu. Họ có súng đi săn chim rừng và một lâu đài ở Vauville, Normandie, ngay biển. Họ có mời mình đến ở mấy ngày, thấy giàu sướng thiệt. Ông bà PELLERIN cho mình một căn phòng ô-sin ở đường Wagram khiến mình phải ở chỗ này vài ngày, chỗ nhà bà Cayla ít ngày trong tuần. Cách đây mấy năm, nghe tin anh bạn bị lẫn dù trẻ hơn mình 3 năm nên về thăm. Nhìn bạn trả nhớ về không thấy buồn vì không có ai để kể chuyện xưa, những kỷ niệm của thời trẻ. Cô vợ ngồi cạnh rất buồn.

Ở Hoa Kỳ thì phải kể đến ông bà Wilson mà mình hay gọi Rich Dad, đã giúp mình và dạy rất nhiều trong việc thương lượng mua nhà cho thuê. Ông Jack Fullerton dạy mình về thuế vụ trong khi ông Mic Blackwell chỉ mình cách quản lý người thuê nhà. 


Năm ngoái ba người này rủ nhau về thiên quốc khiến mình hụt hẫng, mất 3 người thầy, không biết nói chuyện với ai khi muốn mua nhà cửa. Nói cho ngay thì mấy năm qua mình mua nhà không cần hỏi mấy người này vì cảm thấy quyết định đúng đắn thêm họ cũng bệnh tật, sức khỏe Yếu. Cho thấy cuộc đời có hợp có tan. 


Nhìn lại thì chặng đường đời đi qua, mình may mắn gặp rất nhiều người tử tế, thuộc nhiều chủng tộc, việt có, Tây có, Ý có, Mỹ có, Ma-rốc có,… Họ cho mình ăn một bữa cơm, cho quá giang xe một chặng đường, tặng một cuốn sách, nói một điều gì đã giúp mình thay hướng đi như đi làm việc ở một nước khác, giới thiệu một người tình, người bạn đời. Đó là những thiên sứ được gửi đến giúp đỡ mình trên đường đời.

Đời rất kỳ lạ. 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn