Những trận đòn năm xưa


Hôm trước, có người tải tấm ảnh trên mạng, hình một người phụ nữ dấu cái roi sau lưng và đàng xa 2 đứa bé đang băn khoăn, lo ngại khiến mình nhớ đến những trận đòn của một thời tại Đà Lạt. Năm mình vào trường tiểu học Yersin cũng là năm gia đình mình dọn về cư xá công chánh ở đường Hai Bà Trưng. Cư xá gồm một dãy nhà có 7 căn, nằm giữa đường Hai Bà Trưng và Thi Sách. Căn đầu tiên số 47/1 có một cặp vợ chồng ở từ khi cư xá mới xây cất, nhà mình là số 47/2. Căn 47/1 có hai vợ chồng lớn tuổi người nam, ở vài năm rồi dọn về đường Nguyễn Trãi, bàn giao lại căn nhà, gia đình mình chuyển qua 47/1 ở tới giờ. Hàng xóm thì có nhà bà Thường số 47/3, nhà ông bà Khoa là số 47/4, nhà ông bà Kiếm là số 47/5, 47/6 là nhà con Thuý, có anh là thằng Dư, 47/7 là nhà ông Nhân.

Trong xóm gọi ông bà Hai, không con. Ông Hai làm cai lục lộ cho ty công chánh, theo đạo Cao Đài còn bà ta, ở nhà, theo đạo Hoà Hảo. Trong xóm hay thì thầm với nhau hai vợ chồng khác đạo sống với nhau được. Mình thì chả biết Hoà Hảo là đạo gì và Cao Đài là đạo chi nên cứ trố mắt nhìn họ. Nếu hỏi người lớn là bị ăn bợp tai kêu con nít ăn cơm hớt. Ông Hai là bạn cùng quê với bố tướng Đổ Cao Trí, hình như tên Đổ Cao Lụa thì phải. Chiều nào tài xế cũng chở ông ta đến nhậu với ông Hai. Sau này bà cụ nhờ ông Lụa nói với tướng Trí, can thiệp để ông cụ mình trở về Đà Lạt lại. Dạo ấy ông tướng Trí đóng ở quân khu 2 nên chỉ cần nói một câu là trưởng khu công Chánh ký giấy tờ cho ông cụ về Đà Lạt.


Bà Hai có một người con gái nuôi ở Sàigòn. Chỉ nhớ có lần gia đình cô con gái lên Đà Lạt với một đám con. Tối tối mấy đứa cháu làm văn nghệ, múa cái gì cho ông bà xem, mình chạy qua nhà đứng xem cọp. Nhớ có đứa con gái út cứ đi vòng vòng trên phảng, hát má em hừng đông đi cày bừa, tía em hưng đông đi cầy bừa, vừa đi vừa quơ tay như quăn thóc. Mình không hiểu nên hỏi nó tía là gì, cày bừa là gì. Nó nhìn mình như nhìn người điên, kêu ngu vậy. Gái Sàigòn chảnh lắm. Mấy anh em dân Sàigòn này lạ lắm. Họ ăn cơm với bơ bỏ 2 muỗng đường cát và trộn lên ăn như dân Sàigòn. Mình có bắt chước ăn nhưng khó ăn cơm tây và Lào phải để cho con chó ăn. Đó là lần đầu mình gặp dân Sàigòn đến khi về Sàigòn sau khi đậu tú tài.


Bà Hai mê cải lương lắm, chiều nào cũng mở đài Sàigòn nghe cải lương. Có lẻ vì nghe đài phát thanh của bà ta nên sau này mình mê cải lương. Cứ mỗi lần Thành Được, MInh Cảnh lên một câu là mình nổi da gà. Mình mê nhất Út Trà Ôn với bài tình anh bán chiếu. Dạo ấy, mỗi lần các gánh cải lương lên Đà Lạt thì đóng đô tại rạp Ngọc Hiệp. Mỗi ngày họ hát một tuồng khác nhau. Cứ sáng là họ mướn chiếc xe Lam, gắn cái loa trên trần, hai cái panneaux gắn bên hông xe, rồi chạy khắp Đà Lạt, rao tuồng tối này hát. Xe Lam chạy thì lâu lâu họ quăng một xấp chương trình. Một hôm nghe xe rao từ bên đường Phan Đình Phùng, bà Hai kêu mình vô nhà, bảo chạy xuống đường xem họ hát tuồng gì tối nay, để bà ta đi xem.

Hình chụp rạp Ngọc Hiệp khi gánh Thủ đô đóng đô hát Hai Lần Thu Hẹn khiến mình bị đòn

Xe Lam thường chạy từ rạp Ngọc Hiệp đến ngã ba chùa rồi lên mả thánh, quẹo qua La Sơn Phụ Tử, chạy ngược về Hai Bà Trưng rồi lên dốc Duy Tân, chạy ra chợ. Mình canh me qua tiếng phóng thanh để biết xe đang chạy đến đâu. Độ nghe tiếng phóng thanh từ trường Đa Nghĩa là chạy xuống đường Hai BÀ Trưng đứng ngóng. Xe Lam chạy đến là bắt đầu chạy theo đưa tay xin tờ program nơi ông cầm cái loa. Ông này không đưa, lại quăng xuống đường cho mấy đứa ở cư xá Địa Dư chụp. Mình trớt quớt, không có tờ programme đem về lập chiến công với bà Hai.


Buồn đời, mình chạy về nhà bà Hai kêu hôm nay họ hát tuồng ”Hai Lan Thu Hen”, mình nói tiếng Việt như con mình ngày nay, không bỏ dấu khiến bà Hai mặt như ngỗng ị, hỏi lại. Mình vẫn kiên định lập trường lập lại Hai Lan Thu Hen, khiến con Thuý, hàng xóm ôm bụng cười. Con này mất dậy, học trường Đa nghĩa, thừa nước đục thả câu, mét với bà Hai là Sơn đen không biết đọc tiếng Việt, tuồng tối này là “Hai Lần Thu Hẹn”, do gánh Thủ Đô trình diễn với đào Mỹ Châu. Mình căm thù con Thuý này vì làm tài lanh. Con này đặt tên mình là Cu Đen vì khi chơi năm mười, trốn trong hóc kẹt, nói đòi xem chim mình nên tuột quần cho nó xem rồi khi nó cho mình xem chim của nó là mình ngọng. Học ngu từ đó đến giờ. Sau này gia đình nó dọn lên Bàn Mê Thuột nên không gặp lại từ đó.


Nói tới xe Lam quảng cáo mới nhớ có dạo người ta quảng cáo bột ngọt vị hương và bột giặt Viso con ngỗng của ông Trương Văn Khôi. Họ cũng mướn xe Lam chạy vòng vòng các đường tại Đà Lạt để rao bán. Thường họ ngừng ngay xóm Địa Dư, kêu gọi mấy bà vợ công chức ra mua. Xóm mình thì ở trên đồi nên xa, khó nghe rao hàng. Thường bà cụ mua ngoài chợ rẻ hơn là xe Lam bán.


Một hôm, ngày 25 tháng 12 năm nào thì không nhớ. Mình thức giấc, ra sân chơi thì thấy chiếc xe 2 CV của ông tây, trong Cam Ly không nhớ tên. Ông này chở cô Cúc hàng xóm đi ăn tiệc Giáng SInh về rồi ngủ lại nhà cô ta. Chiếc xe đậu nơi sân chình ình khiến mình không có chỗ chơi bắn bi. Cái mất dậy là ông tây lấy cục gạch chấn cửa của nhà mình để chấn cái bánh xe của ông ta. Mỗi lần bê cái gì nặng vào nhà thì phải lấy cục gạch này chận lại để gió khỏi dập cánh cửa. Mình cảm thấy ông tây không hỏi han gì cả tự nhiên lấy. Máu căm thù đế quốc thực dân tây nổi lên, mình lại chiếc xe và cố rút cục gạch ra.


Sau một hồi, mình loay hoay mới rút được cục gạch ra khỏi bánh xe. Niềm hân hoan chưa kịp nở trên môi, bổng mình thấy chiếc xe 2 CV từ từ chuyển động, chạy từ từ như trêu mình rồi ùm, chiếc xe lọt vào cái hố mương to đùng. Mình cầm cục gạch, mặt như bò đội nón, run lẩy bẩy nhìn chiếc xe lật dưới hố. Sợ quá mình chạy vào nhà nằm núp dưới giường. Một hồi sau, bà Hai la hét, chạy vào nhà mình, cúi xuống giường lôi cổ mình ra, béo tai. Ông tây nhìn mình với tất cả mọi căm thù của tên thực dân Phú Lang sa. Thế là mình bị bà Hai khệnh cho một trận mưa roi mây rồi tối về bà cụ lại khệnh nữa. Thời niên thiếu mình chỉ nhớ ăn đòn.


Ông bà Hai có một người bạn giàu có ở Sàigòn, có cô con gái học ở nội trú Couvent des Oiseaux nên cuối tuần, ông bà hay đón cô ta về nhà, dẫn đi ăn. Lâu lâu vợ chồng người bạn lái xe nhà lên thăm, ngụ tại Lữ Quán Sàigòn ở đường Mình Mạng. Một ngày đẹp trời, ông Hai xin được miếng đất ở góc đường NGuyễn Trãi và đường lên Nhà Địa Dư, Grand Lycee (quên tên đường). Bà bạn bỏ tiền ra xây hai căn nhà, một cho ông bà Hai và một cho họ khi lên Đà Lạt nghỉ mát. Kể lòng vòng để giải thích mình bị cái huông ăn đòn với vợ chồng ông bà Hai.


Ông cụ bị đồng nghiệp chơi xấu, bị đổi lên làm việc tại khu công chánh trung phần tại Ban Mê Thuột nên ở nhà, mình không có ai nắn gân cả. Sau này, mình quen thằng Nguyên, bố nó mới kể lý do ông cụ mình bị đổi lên Ban Mê Thuột. Trong văn phòng có mấy tên ăn hối lộ, ông cụ thì không nhận nên khi có thanh tra từ Sàigòn lên, mấy tên này lén bỏ rượu và thuốc lá trong hộc bàn của ông cụ. Tình ngay lý gian nên bị đổi lên Ban Mê Thuột, tha hồ cho mấy tên làm trong phòng Kiều lộ ăn hối lộ. 


Mẹ mình, mỗi ngày đi buôn bán ngoài chợ, nhờ bà Hai dạy dỗ dùm. Xem như trưa nào mình cũng bị ăn đòn vì ăn xong mình đâu có ngủ, chạy ra sân chơi với mấy đứa hàng xóm. La hét, cãi nhau chi đó khiến bà Hai ngủ không được nên khi quá giấc ngủ, bà ta ra sân, lôi đầu mình vào cho mấy cái roi mây, dạy mình lòng căm thù mấy người già. Tối về, mình ngu nên mét bà cụ, bà cụ lại dẫn mình sang xin lỗi bà Hai, cảm ơn bà đã thay mẹ mình dạy dỗ rồi tẩn mình thêm một trận. 


Từ đó khôn ra, ăn đòn thì câm họng, nói lên thì bị khệnh nữa. Như câu chuyện con chim con trên cây rớt xuống đất, trúng ngay bãi cứt bò. Nó khóc la hét thì có con cáo nghe bò lại, lượm con chim lên rồi hả họng cho to, bỏ vào mồm.

Bà cụ tại Abu Dabhi

Sau này, mình tìm cách trả thù bà Hai. Người quân tử 10 năm trả thù chưa muộn. Chiều chiều bà ta thắp hương ngoài trời, có trò vái tứ phương 8 hướng nên mình đột phá tư duy, bò lên cây mai ngoài sân, để khi bà ta cầm 3 cây hương khấn vái 8 phương là có quay về phía mình, đang ngồi trên cây như con khỉ khiến mình vui vui được bà ta vái đến một hôm, bổng nhiên bà ta phát hiện con khỉ trên cây, thấy mình ngồi tróc ngóc trên cây khi lá mai rụng hết để đâm chồi hoa mai. Thế là bị bà ta kéo xuống đánh cho một trận nhớ đời. Kêu mày bắt tao lạy mày hả. Còn qua nhà mách với bà cụ, khệnh cho mình một trận. Kêu không dạy thằng này, sau này nó đi ăn cướp. 


Ông cụ mình khi xưa là y tá trong quân đội, khi giải ngủ, về làm công chức, có đem cái hộp cứu thương bằng thiết của pháp về, bỏ trong thùng đạn đại liên bằng sắt. Nghe kể ông cụ mới giải ngủ, làm nghề chích thuốc dạo, kiếm tiền nuôi con. Một mặt đi học đêm để đổ bằng tiểu học ở trường Thăng Long hay HIếu hỌc ở đường Hai Bà Trưng. Trong cái hộp cứu thương có hai ống seringue, mấy mũi kim và một cái kéo để cắt băng rất bén. Mỗi lần nhà có ai đau, cần chích thuốc là mình có nhiệm vụ đun nồi ấm nước sôi, lấy seringue và kim để bỏ trụng nước sôi để sát trùng. Lấy mấy ống thuốc bằng ve chai, có hai đầu 2 ống dẹp dẹp. Mình lấy cái lưỡi cưa nhỏ, cưa cưa một cái ống cho gãy. Ông cụ lấy kim gắn vào seringue rồi từ từ rút cái ống để thuốc trong cái ống được chảy vào seringue. Mình lấy bông Gòn, chấm chút alcool đưa cho ông cụ xoa xoa trên cái đít của mấy đứa em. Rồi phịch cây kim được cắm sâu vào đít mấy đứa em bị đau, mặt nhăn nhó. 


Ông cụ mình không học tâm lý chích thuốc. Sau này mình thấy một ông bác sĩ ở ngoài bolsa, nay qua đời rồi. Ông ta chích có bài bản lắm. Ông ta cứ xoa xoa mông bên kia rồi chích mông bên này. Mình cứ chú ý vào Mông đang được xoa nên khi ông ta chích không cảm nhận đau gì cả. Ông cụ mình chích là mình sợ tái mặt vì cứ xoa xong là chích nhất khi chích không đeo kính cận. Kinh


Bà Hai hay qua nhà mượn cái kéo cắt băng của ông cụ để cắt mấy nhánh hoa hồng của bà ta rồi khi bà ta dọn nhà thì cái kéo bổng mất tích, một đi không trở lại. Mình bị ông cụ khệnh cho một trận về tội không bảo vệ tài sản. Một hôm đi học ở Grand Lycee, có hai giờ đầu nghỉ nên mình đi xe đò Chi Lăng, ngừng trước nhà bà Hai, còn thì giờ nên mình ghé vô nhà chơi. Ai ngờ khám phá ra cái kéo mà mình bị trận đòn nằm khơi khơi trên bàn nhà bà hai. Mình lén lén lấy bỏ vào cặp rồi chạy luôn lên trường. Mình không hiểu, bà ta thường đánh mình, dạy đỗ không được ăn cắp đồ của người ta mà nay lại vớt cái kéo để mình bị đòn. Có lẻ ở Đà Lạt bà Hai là người đầu tiên trồng nho tại Đà Lạt. Có lần dàn nho của bà ta vừa ra được mấy chùm nho, mình lén vớt ăn thấy chua chi lạ. Bị bà ta bắt gặp khệnh cho một trận.


Mồng 3 Tết là bố mẹ mình hay thuê xe Lam chạy xuống nhà bà để chúc tết người hàng xóm thân quen, đã không quản ngại, thay thế ông bà cụ dạy dỗ mình. Đúng hơn là đã can thiệp để cho gia đình mình dọn qua nhà của ông bà. Mình đi theo với thằng em vì nghĩ sẽ được lì xì. Đến nhà vòng tay ngoan ngoãn, chào chúc ông bà được nhiều sức khoẻ, sống lâu trăm tuổi để dạy dỗ cháu, chả thấy tiền lì xì, ngoài 2 cục kẹo nên Chán Mớ Đời. Người lớn họ nói chuyện lâu dễ sợ nên mình xin phép chạy qua bên kia đường, đến nhà hai anh em tên Phi Long chơi. Hai tên này rủ lên đồi thông chơi, nay mình về thì thông không còn, chỉ có nhà và nhà cao tầng. Hai anh em mình chơi bắn súng bằng chíu với hai anh em kia. Khi trời tối thì mới nhớ sực đến ông bà cụ nên chạy lại nhà bà Hai. Bà Hai kêu bố mẹ mày về rồi, đi đâu mà ba má mày tìm cả buổi.

Thế là hai anh em chạy về nhà từ nha Địa Dư về đến Hai Bà Trưng, mất cả 2 tiếng hơn. Nguy hiểm nhất là đi ngang cái am Sohier, nghe nói linh lắm. Cây thông um tùm, mình khấn chết bỏ khi đi ngang qua cái am, cúi đầu lâm râm khấn rồi chạy rồi ngừng thở.

Am Sohier khi xưa, chạy xe ngang đây là phải cởi nón, cái cua này nguy hiểm nhất là trời mưa. Hình như con gái ông Phác Râu trong hình 

Về tới nhà thì thấy mấy đứa em ngoài sân, dành nhau báo cáo tình hình chiến sự. Ông cụ đi đánh bài nên nhẹ nhỏm một phần, bà cụ nói đợi về cho no đòn. Cả trưa tới giờ đến nhà bà hai chả cho ăn gì cả, chạy chơi đói rã, chạy về nhà còn nhận hung tin là chuẩn bị bị đánh. Mấy cô em kêu bà cụ sang nhà hàng xóm, chút về xử tội.


Thường ngày mấy người em mình rất ghét mình nên đây là cơ hội lập công trả thù. Ở nhà, mỗi lần mình đi đâu về là ôi thôi mấy cô mấy cậu, cứ đến mét mình về cô nào đánh hay lấy cái gì đó khiến mình điên đầu. Buồn buồn mình kéo cả dám ra khệnh cho mấy roi nên em mình rất ghét mình.


Mình tranh thủ lấy miếng bánh tét chiên ăn với dưa món xong thì bà cụ về. Hỏi thằng sơn đâu, nằm lên phảng, nơi cả nhà ăn cơm. Mấy cô em dành nhau chạy đi lấy cái chổi lông gà, la hét đủ trò rồi đứa nào nhanh chân trước, trân trọng cầm cái chổi lông gà đến đưa hai tay cho bà cụ như lập công, trả thù thằng anh ác ôn hay đánh em.


Bà cụ mình thì có cái tính lạ lắm. Chắc học từ khi đi kháng chiến bị mật thám tây bắt cho đi tàu bay và tàu thủy trong lao. Thay vì khệnh cho xong như ông cụ mình, bà cụ ngồi xuống, nhịp nhịp cái chổi lông gà trên mông mình như tra tấn tinh thần. Như mọi lần đi chợ lựa trái cây, bóp bóp hay mua thịt, phải lật lên lật xuống để coi người bán có dấu phần thịt đen phía bên kia khiến người bán xót ruột. Rồi nói này nói nọ, mình nằm nghe tiếng nhịp của chổi lông gà lên mông, lòng quặn muốn són ra quần, cứ dạ cố dạ đại, kêu từ nay con xin chừa, không dám tái phạm đủ trò như người tù cải tạo trả bài cho quản giáo. Đã quán triệt đường lối cách mạng, dạy dỗ trở nên người mới của xã hội chủ nghĩa. Con đã đi sai đường lạc lối, nay nhờ ngọn đuốc cách mạng nên đã giác ngộ về tội lỗi của mình.


Bổng nhiên mình nhớ đến một câu chuyện giáo khoa. Có ông nào bên tàu, có mẹ già. Một hôm bà mẹ kêu vô khệnh cho mấy roi. Ông ta khóc như mưa bất khiến bà mẹ ngạc nhiên hỏi; thường mẹ đánh con không khóc sao hôm nay con lại khóc. Ông này lại rống to hơn, mếu máo. Nói khi xưa mẹ đánh con đau nhưng con không sao, nay con thấy mẹ đánh không đau nên biết tuổi mẹ già sức yếu nên con khóc. Con không muốn xa mẹ.

Mình nhận ra 2 cô giáo (cô Huệ và một bà đầm không nhớ tên) và một thầy giáo (M. Didier) dạy mình khi xưa tại Petit Lycee.

Thế là sau khi nằm xuống cái phảng hôi mùi nước mắm từ mấy anh em ăn cơm, dành nhau. Bà cụ từ tốn nhận cái chổi lông gà từ người em nội thù. Bà cụ hỏi đi đâu rồi nói không được đi khỏi nhà đủ trò rồi bắt đầu quất cái chổi lông gà. Mình bắt chước ông tầu, khóc như mưa bấc khiến bà cụ điên lên khệnh tiếp. Đau quá mình mới nói ở trường cô giáo dạy ông nào khóc vì mẹ đánh đau. Bà cụ kêu mi trù ẻo tau chết, già mau, lại khệnh tiếp khiến mông mình ngày nay chai luôn. Từ đó mình hết dám theo gương nhị thập tứ Hiếu. Ai muốn làm người con có hiếu thì cứ việc làm. Mình sợ rồi có hiếu để ăn đòn. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn