Sơn đen đi DU HỌC

Có anh kia học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt xưa, hay thắc mắc về mình nên cứ nhắn tin hỏi đủ thứ. Sao lại du học, sao lại học kiến trúc này nọ. Mình chỉ biết trời ị trúng đầu thì được đi chớ ai biết. Nhiều người bạn học rất giỏi nhưng đi du học không được. Mình thì học cực ngu nhưng bà rá đậu tú tài nên được đi du học. Tại sao có người đi vượt biển hơn 10 lần mà vẫn không đi được, nhiều người chỉ đi một lần như đồng chí gái thì lại lọt. Khó giải thích. Anh này tò mò hỏi hoài nên Chán Mớ Đời, mình kể chuyện trời ị trúng đầu đi tây để khỏi phải trả lời hoài.

Khi xưa, đi tây được xem như lên trời. Ai mà được đi xuất ngoại hay du học về là được bạn bè, họ hàng người ta nể phục. Có ông thầy dạy hội việt mỹ kể đi tây đức về, kể chuyện bên đức nghe phê chi lạ. Mình nhớ khi học thầy Hoàng Trọng Hàn, nghe thầy kể chuyện thời thầy đi du học ở Hoa Kỳ. Như ở trong ký túc xá, có máy bán nước ngọt, bánh kẹo đồ ăn. Có lần bỏ tiền vào, thì máy không đưa bánh mì nên mấy người bạn thi nhau đập cái máy thì bánh mì rớt ra. Sau này cứ nhìn xung quanh không thấy ai là sinh viên Việt Nam đập cái máy,… sau này sang Mỹ, có người rủ mình gắn mấy cái máy bán nước trong trường học nhưng nhớ đến chuyện thầy Hàn kể nên mình thôi.
Nghe thầy kể mà cứ tưởng tượng cái máy ra sao vì chưa bao giờ thấy trong xi-nê. Vào nhà ông bà Phúng lại thấy hình ảnh của cậu Mạnh đi du học bên tây trước khi mình ra đời hay vào nhà thằng Nguyên, HÙng Con Cua thấy hình ảnh anh của hai tên này du học ở Gia-nã-đại lại càng làm mình mê, mơ đến một khung trời đại học bên tây, bên mỹ. Năm đệ nhất mình chơi thân với hai tên Nguyên và Hùng Con Cua vì chúng đều có anh đi du học. Lâu lâu đài phát thanh Sàigòn cho nghe tiếng hát của ca sĩ Thái Thanh về những bài hát nói về Paris khiến mình nức nở, mơ mơ màn màn, kể cho bạn học giấc mơ lên trời đi tây khiến chúng cười toé bún bò Chợ mới Đà Lạt.


Trời ị trúng đầu thi tú tài đậu có hạng, mình được chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, ra nghị định cho du học qua tây. Muốn được du học cũng phải trải qua một vài lần sưu tra của bộ nội vụ về gia cảnh. Ông cụ mình làm công chức, trước kia có đi lính nên tạm ổn. Nhìn lại cuộc đời, thấy số mình may mắn, thực hiện gần hết những gì mình mong ước, lại được bonus thêm bà vợ hiền lành, sinh 2 đứa con hiền như mẹ.

Mình nhận được nghị định của nha du học, cho phép đi du học do HÙng COn Cua từ Sàigòn gửi lên. Lá thư lại chui vào dưới ghế salon. Lý do là ông đưa thư, nhét dưới cửa rồi mấy đứa em lấy chơi ra sao lại rơi dưới ghế mất mấy ngày. Hôm sau mình chạy về Sàigòn, ra nha du học để lấy giấy tờ chi đó rồi chạy đến bộ nội vụ, đâu gần bưu điện Sàigòn. Mình vào sớm nhất nhưng tên long tong, kêu mình đứng đợi rồi sau đó mình hỏi sao mấy người đến sau lại được lên lầu nên hắn cho lên rồi cũng đợi, không thấy gọi tên đến khi cuối cùng đâu 4 giờ, mình thấy ông bố đi với thằng con, ông bố đưa cái phong bì cho tên ngồi ký giấy tờ. 


Lúc đó mình mới đột phá tư duy là tham nhũng như đọc báo. Cuối cùng chỉ còn mình nên bò lại dù hắn chả kêu. Hắn kêu hết giờ làm việc, mai trở lại khiến mình đứng tim, kêu hết tiền ở nhà trọ, mai phải trở về Đà Lạt. Hắn nghe có vẻ bùi tai, cả ngày nhận phong bì hơi nhiều nên thí cô hồn cho Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen. Thế là hắn đóng dấu, ký sổ thông hành. Cho thấy mình rất may mắn trong đời khi gặp lộn xộn là ai đó nhắc tuồng bên tai cho mình để nói chuyện với đối tác là xong.


Cầm sổ thông hành vui quá cỡ thợ mộc, chạy xuống lầu ra đường gặp tên bạn. Hắn học đại học Sàigòn nên hôm đó xung phong chở mình đi, đứng ngoài đợi từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Mình xin lỗi kêu chúng bắt đợi chớ mình có muốn đâu, năn nỉ hắn chở tới toà lãnh sự pháp. Vô đưa giấy tờ và sổ thông hành, đóng dấu cái rụp. Không làm khó dễ gì cả. Ra về, mời tên bạn đi ăn cả hắn chửi. Cũng tội anh chàng này học giỏi hơn mình, đậu tú tài pháp hạng assez bien nhưng không đi du học được nên buồn. Lần đầu tiên về Đà Lạt, có gặp anh bạn này, chạy xe ôm. Sáng hôm sau mình chạy về Đà Lạt. Không ngờ hai năm cố gắng học đi du học như lời thầy Nguyên khuyên đã thành sự thật. Trong đầu phát hoạ kế hoạch năm sau trở về quê hương.


Trước khi đi Tây, bà cụ phải chuẩn bị áo quần. Nghe nói bên đó lạnh lắm nên bà cụ ra chợ trời, mua áo quần ấm của mấy bà sơ Domaine de Marie bán, sau này người ta gọi là đồ SIDA vì được nhân dân Hoa Kỳ tặng qua cơ quan AIDS. Việt Nam đọc ngược lại. Đồ mỹ thì đa số là to lớn so với thân gầy của mình. Cuối cùng cũng được một cái áo manteau. Áo len thì Đà Lạt thiếu gì. Cần một bộ đồ vía để lên máy bay. Bạn bè kêu đừng có ra Văn Gừng hay Hoàng Nho ở đường Minh Mạng mà lên nhà hai ông thần tên Sơn và Tánh. Nghe nói may đẹp lắm nên bò lên. Mình không hiểu hai ông thần này ở tuổi quân dịch sao không đi lính mà ở nhà may áo quần cho thanh niên Đà Lạt. Cũng gốc thể họ đi lính nhưng trao tiền lương cho vị chỉ huy rồi ở nhà may. Nghe kể mấy người gốc tàu đi lính kiểng như vậy.

Bà cụ ra hàng bà Phúng, bán vãi ở ngoài chợ mua sấp vãi đem đến hai ông thần sắp sữa thay thế Văn Gừng và Hoàng Nho. Ông cụ dẫn đi chỗ khu Hoà BÌnh, có một tiệm nhỏ của ông Ấn Độ, mua cho cái nịt. Lần đầu tiên trong đời, mới được đeo nịt. Thường mình lấy dây dừa, thòng qua mấy cái quai quần rồi buộc lại. Không phải tiệm Saigonnais cạnh tiệm Việt Hoa. Phía bên kia tiệm Tiến Đạt, quán nhỏ thôi. Ông cụ dẫn xuống tiệm giày Mỹ Hưng ở đường Minh Mạng, đóng cho đôi giầy mà dạo ấy giới trẻ hay mang, đôi giầy có cái mủi tròn tròn nhô lên chỗ mấy ngón chân. Bà cụ mua cho cái Vali ngoài chợ. Thế là xong một chiếc Vali, với cuốn tự điển Larousse. Thế là đúng ngày lên máy bay về Sàigòn không dám đi xe đò vì sợ Việt Cộng chận đường, thay vì đi tây lại được đi theo giải phóng cách mạng là khổ. 


Lần đầu tiên đi máy bay khiến mình cũng lo âu, nhớ sinh viên Nguyễn Thái Bình, không tặc muốn máy bay bay ra bắc. Bố thằng Đa, bác Chín có chiếc xe van đức VW, chở học sinh đi học, qua nhà chở hai bố con ra ga Đà Lạt. Xe lửa bị Việt Cộng phá nên họ trưng dụng nhà ga làm văn phòng hàng không Việt Nam. Cân hành lý và làm thủ tục xong xuôi thì họ cho xe ca chở xuống phi trường Liên Khương. Dạo ấy phi trường Liên Khương đối với mình to lớn. Xuất trình giấy tờ hoãn dịch và căn cước mới được lên máy bay. Dạo ấy mình có ghi danh học đại học Đà Lạt được đâu 1 tháng để có giấy hoãn dịch.


Ở Sàigòn một ngày, đi thăm bà con, gặp ông Tư, anh mệ ngoại được ông ta đưa tiền đôla đổi chui vì mình chỉ được phép đổi 700 phật lăng pháp. Ông ta đưa mình thêm 500 đô. Xem như mình được bà cụ cho 500 đô và 700 quan để tạo dựng sự nghiệp, có thêm chiếc lắc 1 lượng. Bà cụ nói khi nào hết tiền thì bán cái lắc vàng. Sau này mình nhờ cậu Tri, con ông Võ Quang Tiềm về Đà Lạt thăm nhà, đưa lại cho bà cụ. 


Hôm trước đọc trên Facebook, anh của người bạn học xưa, nói một tạ gạo giá 20,000 khiến mình ngạc nhiên vì thời mình ở Đà Lạt rẻ hơn vì bà cụ bán gạo chui. Mình là người chở đi giao cho thiên hạ tại nhà. Hôm qua nói chuyện với bà cụ, bà cụ nói 20,000 đồng một tạ gạo là giá khi chạy di tản vào Sàigòn còn trước đó thì rẻ hơn như mình đã nói là 1,200 đồng/ 50 ký (gạo mỹ viện trợ) bán tại khu phố với sổ gia đình, gạo tốt thì 1,500 đồng/50 ký. Thời đó chỉ có đường mới bán bao một tạ còn gạo mỹ là 50 ký hay cân anh. Không rõ lắm.


Bà cụ mình bán gạo của cô Ba chỉ, tiệm Bình Lợi, cô này sau 75 mới biết cô ta làm kinh tài cho Việt Cộng cô ta đi qua Thái Lan, gặp bà Nguyễn Thị Bình, để nhận chỉ thị. Mình có danh sách một lô người Đà Lạt làm kinh tài cho Việt Cộng trước 75, mà Việt Cộng gọi là tư bản dân tộc, rồi ai nấy đều bỏ Đà Lạt chạy qua mỹ và Gia-nã-đại. Có lần cô Ba Chỉ gọi mẹ mình vào nói có 100 bao gạo mới về, giá 1,200 nếu ai mua thì lấy bán. Đâu 1 tiếng sau, có một bà ghé lại hỏi mua 100 bao gạo, mẹ mình kêu 1,400 một bao, lời 200 đồng mỗi bao. Bà ta không trả gì cả. Sau 75, hóa ra bà ta là Việt Cộng nằm vùng đi mua gạo cho Việt Cộng chắc ở Núi Voi. Mình đoán là cô Ba Chỉ không muốn đưa thẳng gạo cho bà này nhưng nhờ mẹ mình bán dùm để khỏi lo ngại vì ông cụ mình là công chức. Việt Cộng vô thành phố cho ông cụ mình đi cải tạo mút mùa nên bà cụ Chán Mớ Đời không dám hó hé với nhà nước mới.

Mont Saint Michel 

Ngoài ra mẹ mình có mua thu mua gạo của mấy bà sơ, ông cha được Mỹ viện trợ và của tên đại uý Địa Phương Quân, đánh bài đem gạo của lính đi bán. Mẹ mình không có thẻ bài bán gạo nên bán chui. Sau này mới hiểu dân miền Nam nằm vùng hoặc buôn bán nhu yếu phẩm cho Việt Cộng để đánh phá miền Nam. Kiểu mỹ viện trợ gạo đường, sữa đủ thứ, người miền Nam đem bán cho Việt Cộng nuôi quân. Nói cho ngày Việt Cộng làm tiền mấy người làm ăn tại Đà Lạt, ai không theo họ hay cúng cho họ thì họ đặt chất nổ làm gương như vụ nổ cây xăng ở Ngã Ba Chùa, và vài căn khác khi xưa tại Đà Lạt.


Đọc báo Việt Cộng, họ kể về những tên kinh tài, đổi đôla tại Sàigòn để mua nhu yếu phẩm cho bộ đội. Chỉ huy Việt Cộng vào nam, chỉ cần đem vàng của liên Xô đi đổi tiền để mua nhu yếu phẩm như trường hợp bà nằm vùng mua 100 gạo của mẹ mình. Tương tự ngày nay, mỹ đánh chiếm Iraq, Á Phủ Hãn, đem tiền vào rồi tham nhũng, họ bán lúa mì, nhu yếu phẩm cho Taliban nên Hoa Kỳ Chán Mớ Đời nên rút lui. Có dịp mình kể vụ Việt Cộng nằm vùng đổi tiền đô la để giúp Việt Cộng mua nhu yếu phẩm, đánh quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Thiếu tá Lê Xuân Phong của tiểu đoàn 204 (đại đội 302 xưa) kể đi hành quân, bắt gặp một ba lô đâu có 5,000 đô la, chia cho cả đại đội. Nếu hiểu vấn đề như vậy thì mới hiểu lý do Việt Nam Cộng Hoà là kẻ thua cuộc.


Nhờ bà cụ bán gạo mình mới có tiền túi. Ăn cơm trưa xong thì mình ra chợ, bà cụ dặn chở gạo giao cho ai là mình khiên bao gạo 50 ký, bỏ lên xe gắn máy rồi đi giao hàng. Nhiều khi khách hàng buồn đời, boa cho mình một ít. Mỗi lần chở một bao gạo đến nhà người mua thì bà cụ cho 50 đồng. Xem như mình là người chạy xe Gap giao hàng đầu tiên tại Đà Lạt. Tiền do mình làm ra thì mình bổng nhiên không muốn xài. Mình bỏ ngân hàng Đông Phương Ngân hàng ở Khu Hoà BÌnh. Mình gửi thư mua cổ phiếu công ty ở Sàigòn, nhưng họ viết thư trả lời là số tiền mình muốn mua ít quá. Khi đi Tây, mình rút ra được 40,000 đồng. Đưa bà cụ đổi tiền đi tây.


Trong số học sinh Văn Học đi du học năm đó thì xem như mình đi đầu tiên rồi đến Hùng Con Cua hai ngày sau, Nguyên thì đi Gia-nã-đại đâu 3 tuần lễ sau, còn 4 người con của thầy Chử Bá Anh thì đâu tháng 3/75 mới đi. Trước khi Sàigòn mất. Mình tưởng họ đi trước mình, ai ngờ, sau này hỏi lại mới biết mình là học sinh Văn Học đi đầu tiên. Đà Lạt dạo đó có Chương, con ông bà Đoàn, Hùng, con ông Đinh Văn Đệ và tên Nguyễn Thế Hùng, con của ông Nguyễn Hợp Đoàn là đi sớm nhất.


Hôm sau ra phi trường Tân Sơn Nhứt, được xem là phi trường có máy bay lên xuống nhiều nhất đông Nam Á. Mình có bà dì, con ông Tư làm ở quầy vé Air Việt Nam nên thủ tục nhanh chóng, Vali nặng cũng qua luôn. Bà Phúng nhờ mình đem mức bánh cho cậu Mạnh và quà cho gia đình bên vợ. Diện bộ đồ vía lần đầu tiên và cũng lần cuối vì sang tây thấy mình không giống ai, tây đầm nhìn bộ đồ vía như bộ đội Trường Sơn vào Sàigòn. Đến khi qua Mỹ mới mua bộ đồ vía để đi ăn đám cưới, dùng tới ngày nay.


Đi qua cửa cổng thì quay lại chào ông cụ. Bổng nhiên ông cụ khóc, nói từ đây mình tự lo liệu cuộc đời như báo trước tai hoạ sẽ xụp xuống miền Nam. Có ông cậu bà con làm tại phi trường, dẫn mình đi tè vì có bà nào ngồi ngay cửa nhà vệ sinh, xòe tay ra lấy tiền mà mình thì không có tiền Việt Nam.

Lần đầu tiên đi máy bay quốc tế nên mình cứ theo phương châm, you do sao I do theo. Thấy một tên mít, sinh viên về thăm nhà với con bồ đầm, ngồi hàng ghế trước mình là cứ bám theo khi quá cảnh phi trường Vọng Các, rồi Tân Đề Li, đến phi trường Teheran trước khi hạ cánh xuống Roissy Charles de Gaulle.


(Còn tiếp) Những ngày đầu trên đất Pháp

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn