7 ngày đợi mong


Mình thuộc dạng ngu lâu dốt sớm nên từ bé, đi học được thầy cô, bạn học xem là cực ngu vì mình hay hỏi bậy bạ, không dính dáng đến bài học, thầy cô hay tránh trả lời khi đưa tay lên. Điển hình là tại sao người ta gọi những ngày trong tuần như thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ 6, thứ 7 rồi ngày Chúa Nhật hay Chủ nhật … nên hay bị bạn bè học chung kêu sao mày dốt thế, thậm chí ngày nay gặp lại bạn học xưa, chúng vẫn còn kêu mặt mày sao ngu lâu thế, ngu có truyền thống như đã ghi khắc trong tâm khảm chúng.
Mình thắc mắc, hỏi tại sao người ta gọi thứ 2, 3, 4, 5, 6, 7 mà không bắt đầu bằng Ngày Thứ 1 rồi ngưng ở Ngày Thứ 7 thay vì chơi Chúa Nhật hay Chủ Nhật. Lớn lớn một chút thì bắt đầu phân biệt có người theo đạo Phật như gia đình mình, cũng có nhà theo đạo chúa nên họ gọi Ngày Chủ Nhật, (ngày tự chủ) thành Ngày của Chúa để nhắc họ đi Lễ, cầu nguyện Chúa. Sau này đi kiếm vợ thì gặp cô nào kêu Chúa Nhật là biết ngay em là người có đạo nên tìm cách trốn ngay, nếu không lại nghe giảng mình là đứa con hoang đàng của Chúa, bỏ chúa, phải trở về đạo.


May mình được đi Tây nên hỏi lòng vòng thì thầy giáo hay bạn bè, hình như họ có sự đồng thuận, mình hỏi cái gì, thay vì kêu mình ngu thì họ trả lời nếu biết còn không thì kêu mình kiếm tự điển mà tra, không suy diễn như người Việt, kêu mình là đồ ngu, ăn chi mà ngu rứa. Chán Mớ Đời

Ở với Tây Đầm thì lại khám phá ra là sau cuộc cách mạng máu lửa 14/7/1789, vào năm 1793, các lực lượng cách mạng, đổi cách tính giờ và ngày… nói chung là mình chỉ học về phương diện chính trị của cuộc cách mạng này nhưng về những thay đổi về văn hoá, khoa học thì ít nghe ai nói đến.

Vào viện bảo tàng, thì khám phá người Pháp tính thời gian, thay vì 24 tiếng như ngày nay, họ đổi thành một ngày có 10 tiếng và 10 ngày trong tuần thay vì 7 ngày đợi mong như bài hát nào khi xưa, mình hay nghe mấy cô trong lớp hát e e. Mình chỉ đợi mong 5 ngày đi học chóng qua, cuối tuần đi chơi còn mấy cô này lại hát 7 ngày đợi mong đi học cả tuần nên mình chả hiểu con gà kê gì cả. Lớn lên mới hiểu mấy cô đợi mong thằng bồ dẫn đi ăn quà.

Rồi người Pháp còn chơi một tiếng có đến 100 phút, 1 phút có đến 100 giây đồng hồ khi họ đổi hệ thống Metric. Mình viếng đủ loại viện bảo tàng của Tây vì sinh viên được miễn phí. Vào mùa đông, phòng ô sin của mình không có sưởi, nên cuối tuần cứ phải bò vào mấy viện bảo tàng từ sáng đến đóng cửa để tránh lạnh, thấy mấy cái đồng hồ thời sau cách mạng, đã ngu lâu dốt sớm, lại cảm thấy ngu bền dốt vững như đồng chí gái hay nhìn mình như thầm hỏi: “Mi ăn chi mà ngu rứa?”

Họ giải thích hệ thống giờ 10/100/100: thí dụ làm việc được 70% trong ngày, xem như 7 tiếng thay vì 16 tiếng 48 phút theo kiểu 24/60/60.


Dân tây dạo đó ít học nên tính giờ theo 60 phút 60 giây thì họ như bò đội nón nên các nhà Hàn Lâm đề nghị hoàng đế Napoleon đổi thành hệ thống này như hệ thống hoá về cách tính đo lường các khoảng cách như mét (mètre), cây số (kilométre) hay kí lô (kilogramme), cà ram (gramme), hay lít (litre) cho có vẻ Cartésien hơn. Nông dân có thể bắt chước Descartes kêu “je plante donc j’existe” ngày nay thì “tôi lai chim là tôi hiện hữu”. Chán Mớ Đời
Nhưng chỉ mấy năm sau, là họ đổi ngược lại vì thay đổi giờ giấc kiểu mới, làm đồng hồ mới tốn tiền. Cứ mỗi năm các xứ tây phương đổi giờ mùa đông, mùa hạ là cha con chửi bới nên Âu châu mới bỏ vụ đổi giờ bắt đầu năm tới. Cơ thể con người cần được ngủ 8 tiếng hay 1/3 thời gian của mỗi ngày. Họ chia 3.3 tiếng đồng hồ của thời Napoleon thì làm sao ai canh cho đúng.

Cùng có thể bác sĩ quen đếm nhịp tim đập nay bảo họ đếm cách khác thì chỉ có điên mà thôi. Thay vì 120 nhịp mỗi phút nay lại bác sĩ đếm 120 nhịp cho 100 giây đồng hồ. Đang đếm phải xem đồng hồ chỉ 100 giây hay mỗi giây là 1.2 nhịp thì bác sĩ tổn thọ trước khi chữa bệnh cho bệnh nhân. Nhiều khi quen với một hệ thống , chúng ta lại sống theo lối đếm này cũng quen. Tương tự khi mình sang làm việc tại Anh quốc, dân ở đây tuy sử dụng hệ thống metric nhưng khi giao tiếp họ vẫn quen sử dụng hệ thống Imperial như gọi “half Pint” khi vào Pub uống bia,….khiến mình cũng lộn xộn đến khi sang Hoa Kỳ thì từ từ mới quen.

Họ vẫn giữ hệ thống đo lường theo hệ số 100 (metric system) như kilo, mét, hectare,… để làm khác đi với hệ thống đo lường của Anh Quốc mà người Mỹ hay gọi và còn sử dụng đến ngày nay “Imperial system”. Khi mình qua mỹ thì họ có nói sẽ sử dụng hệ thống metric trong vài năm tới mà khắp nơi thế giới dùng nhưng mấy chục năm rồi vẫn vậy. Thật ra đổi hệ thống sẽ mất rất nhiều tiền. Điển hình, xe bị hư phải thay phụ kiện. Xe cũ theo hệ thống imperial mà chỉ bán đồ theo hệ thống metric là ngọng. Cửa nhà hư mà đi thay thì tìm đâu ra với hệ thống metric. 

Tương tự, khi xưa người ta chạy xe hay cởi ngựa bên trái vì người ta thuận tay phải nên đeo kiếm bên trái, dễ rút kiếm bằng tay phải nếu bị tấn công bất thình lình. Xem xi nê, nếu để ý thì các hiệp sĩ đạo đều đi bên trái. Ông thần Napoleon lại thuận tay trái nên bắt binh lính đi duyệt binh phải, từ đó người ta lái xe bên tay phải trong khi ở Anh Quốc, xứ Phù Tang,… vẫn còn đi bên trái như mấy trăm năm về trước.

Trở lại vụ ngày thứ tự trong tuần. Mình có cái tật là đột suất nhớ cái gì thì viết cái đó nên chạy lòng vòng. Mình khám phá lý do người ta gọi Ngày thứ 2 là vì Ngày Chủ Nhật hay Chúa Nhật được xem là Ngày thứ nhất trong tuần. Vấn đề là tại sao ngày chủ nhật là ngày thứ nhất.

Cái này phải lội ngược về lịch sử của Trung Á, mấy thiên niên kỷ trước mà khi xưa lúc học về lịch sử, mấy ông tây bà đầm làm mình điên điên về Asiemineure, với các thành phố Babylon, dân Assyrie,… họ chỉ nói khống khống, chả có hình ảnh gì cả, ngoài cái bản đồ. Sau này sang Tây mới học lại lịch sử nghệ thuật thì mới hiểu con gà tồ. Năm nay được đi chơi mấy vùng này nên mới giác ngộ cách mạng những gì ông tây bà đầm khi xưa giảng.

Nền văn minh Babylon được xem là cao nhất thời ấy. Mình có kể vụ này rồi khi họ bắt người Do Thái đem về xứ họ làm nô lệ, nên Do Thái Giáo chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn minh này như Đại Hồng Thuỷ của Noah, tương tự trong Epic of Gilgamesh, hay ngày nghỉ của Do Thái là ngày Sabbath, sử dụng hệ thống 7 ngày trong tuần đưa đến Cựu Ước kể về Thượng Đế Toàn Năng thành lập thế giới trong 6 ngày thêm một ngày để nghỉ vì không biết dùng ngày còn lại để làm chuyện gì … cho thấy các sử gia hay mấy ông cố đạo, chỉ quy nạp rồi suy diễn nhưng chưa có thực nghiệm nên cứ khi kẹt là ngưng, chế đại ra câu trả lời. Con chiên lại tin như thần.

Họ đã biết đọc thiên văn trước mấy ông tàu, tìm được 7 cái sao trên trời: Sun (mặt trời), Mercury, Venus, Moon (mặt trăng), Mars, Jupiter và Saturn. Do đó người ta đoán là nền văn minh này sử dụng hệ thống 7 ngày cho chu kỳ của một tuần lễ dựa theo 7 ngôi sao của ngành thiên văn học của họ. Có mấy ông thần tin Kinh Dịch, Âm Dương Ngũ Hành nên gượng ghép cho là ngoài mặt trời và mặt trăng, 5 ngôi sao kia tượng trưng cho ngũ hành, để chứng minh văn minh của Tàu là siêu việt. Cứ suy diễn nhưng không kiểm chứng nên người Tây Phương không ai tin. Trong khi đó nền văn minh Aztec ở Mễ Tây Cơ thì tính đến 13 ngày một chu kỳ cho mỗi tuần, giờ giấc cũng khác. Khi nào rảnh kể tiếp vụ này. Mỗi lần chặt cây trong vườn, ông thợ gốc Guatemala nói đợi đến ngày rằm mới chặt chúng, sẽ giúp cây mọc lại khỏe mạnh nên mình đánh chìu theo. 

Gần đây âu châu người ta phải xét lại định nghĩa của một kí lô gram vì nghe nói hơi sai biệt sức nặng mà người ta sử dụng từ thời Napoleon đến độ một hạt bụi.

Cứ theo thánh kinh thì người sinh sống trong nền văn minh Hy-La sử dụng một tuần 7 ngày đến khi ông hoàng đế Constantin của đế chế La Mã, trở về đạo Thiên Chúa Giáo. Năm 321 sau Chúa Giáng Sinh, ông hoàng đế này ban lệnh ngày chủ nhật là ngày đầu tiên trong tuần còn ngày thứ 7 là ngày nghỉ Sabbath như người Do Thái thường dùng từ mấy ngàn năm nay.

 Lí do là ngày ông Giê Su sống lại, sau 3 ngày đã tắt thở, khởi đầu cho một tương lai mới, một tuần lễ mới. Người La Mã dùng tên các thần linh của họ để đặt tên cho mỗi ngày. Từ anh ngữ cho những ngày dựa vào các cỗ ngữ của Anh Quốc, chịu nhiều ảnh hưởng của người Bắc Âu và Đức quốc, bị ảnh hưởng của La Mã.


Ngày thứ 1: Sunday là ngay của thần Mặt Trời đến từ Sunnandæg đến từ cụm từ la tinh dies Solis hay Thần Mặt Trời. Các xứ la tinh thì gọi là Dies dominicus, ngày của Chúa , Tây gọi là Dimanche, Jour du Seigneur, để nhớ đến ngày Chúa Giê Su sống lại mà người ta tưởng niệm hàng năm qua ngày Phục Sinh.

Ngày thứ 2: Monday được xem là ngày của Thần Mặt Trăng, là em của Thần Mặt Trời (Moon God hay Mōnandæg). Theo tiếng La Tinh thì Mặt trăng là Lunae. Tây gọi là Lundi (Lun từ Lune, mặt trăng và di là ngày)

Ngày Thứ 3: Tuesday, được mang tên theo một Thần của người Bắc Âu tên Týr. Tiếng La Tinh gọi ngày thứ 3 là dies Martis, theo thần Chiến Tranh, Mars. Tây gọi là Mardi (Mar là Mars, di là ngày)

Ngày thứ 4: Wednesday đến từ tiếng anh cổ điển Wōdnesdæg, tên của thần Odin của người bắc Âu, đến từ tiếng la tinh dies Mercurii, đến từ thần Mercury, tây gọi là Mercredi (Mercure và Di).


Ngày thứ 5: Thursday đến từ Þūnresdæg or Thunor , thần Thor . Tiếng La Tinh là dies Iovis, nhưng chữ I trong hy lạp lại trở thành “j” trong anh ngữ như thần Jupiter. Tây gọi là Jeudi.


Ngày thứ 6: Friday hay Frīgedæg khi xưa, gọi theo bà vợ của thần Odin, tên Frigg, tượng trưng cho cái đẹp,tình yêu và sinh sản mà tiếng La tinh gọi là Venus, la tinh gọi là dies Veneris và tây gọi là Vendredi.


Ngày thứ 7: Saturday or Sæturnesdæg có tên la tinh là dies Saturni gọi theo thần La mã Saturn. 

 

Ngày nay có nhiều nước ở miền nam âu châu như Tây Ban Nha gọi ngày thứ 7 là Sabado, có nguồn gốc từ Sabbath, cũng là ngày mà người Do Thái gọi là ngày nghỉ, tương tự tiếng Ả Rập Yaum as-sabt , cũng gọi tương tự là ngày nghỉ. Người Do Thái bị đuổi ra khỏi xứ họ thì có hai nhánh, một theo hướng Bắc lên Đông Âu, Nga Sô còn nhánh kia thì theo về phía Tây Ban Nha, nơi co người Do Thái cự ngụ rất đông đến khi bà hoàng hậu Isabella tống người Maure và Do Thái ra khỏi nước họ nếu không chịu trở về đạo như mình.


Đến năm 1988, hiệp hội chi ở Âu châu quyết định ngày thứ 2 là ngày đầu tuần.

Hồi nhỏ nghe bà cụ nói về giờ Ta, có 12 tiếng nhưng mỗi giờ lại là 2 tiếng của người Tây Phương, lại làm mình khư khư khó hiểu nên lại tìm tài liệu đọc. Lần sau kể tiếp.

Nói chung những cái thắc mắc hồi bé khiến mình hay bị lộn xộn đầu óc. Lớn lên từ từ đi kiếm sách báo đọc để tự giải mã các câu hỏi vớ vẩn. Chán Mớ Đời


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn