Xưng hô Mày và Tao

Hôm nay, có một anh khi xưa học chính trị kinh doanh Đà Lạt, từ Pháp gọi điện thoại làm quen. Anh ta hơn mình 4 tuổi mà cứ xưng “toi” với “moi”, khiến mình nhớ đến hai anh bạn, dân Marie Curie và Yersin Đà Lạt. Anh chàng học Yersin thì cứ toi với moi khiến anh chàng Sàigòn kêu hôm qua tao đi xe lửa, tao leo lên toa, tao đái trên đầu toa. Nói chuyện gần 2 tiếng đòng hồ, anh ta kể về những kỷ niệm tại Đà Lạt, tán gái ra sao,…hôm nào rãnh mình tóm tắc lại. Lâu lâu nói chuyện với dân cựu Đà Lạt khá vui.

Hôm trước, có nhiều người còm kêu mình bất lịch sự khi xưng mày tao với người ngoại quốc. Mình có kể đi ăn với ông thợ rồi mình xưng mày tao với ông ta. Họ kêu là dịch sang tiếng Việt không ổn. Mình thì không sợ thằng Tây nào cả. Ngoại quốc mà cà chớn mình chửi ngay, không bao giờ khúm núm trước ngoại quốc.

Ông thợ nhỏ tuổi hơn mình, khi mình nói chuyện với ông ta bằng tiếng Mễ thì “tu y yo” thay vì “usted y Yo”. Mình nói chuyện với người thuê nhà thì dùng “Usted” để gọi họ, dù họ nhỏ tuổi hơn mình. Tiếng Tây thường gọi là “tutoyer” như (toi et moi) hay vouvoyer (vous et moi), tiếng Đức cũng dùng Du hoặc Zie và Ich để chỉ định người đối thoại lớn tuổi, thân mật hay lịch sự cũng như tiếng Ý “tu, voi”.

Tiếng anh thì giản tiện hơn chỉ có “you” nhưng thật ra nếu để ý khi dùng từ You, có rất nhiều cách để gọi vì trong cái giọng có chứa một tinh thần tôn trọng người lớn tuổi hơn hay thân mật với người đồng hay nhỏ tuổi.

Mình thấy một bài viết trên trang Đức ngữ, nói về cách chào hỏi của mỗi vùng của xứ này rất khác nhau cho một câu chào hàng ngày. Cụm từ chào thường nhật “guten tag“ mà mỗi địa phương nói cách khác nhau như “tagchen” ở vùng Sachsen hay vùng Bayern là “servus”,  hay “gunn tach” ở vùng Rheinland,… một người ở Bayern có thể kêu người ở vùng khác là bất lịch sự khi chào họ Gutten tag. Hay ngược lại. Chắc không. 

Bản đồ xứ Đức sau khi thống nhất, chỉ có một cụm từ “guten tag” là mỗi vùng nói cách khác.

Khi mình ở Thuỵ Sĩ, vùng Basel thì viết Đức ngữ nhưng họ nói phương ngữ của họ, gọi là Basideutch lên Zurich thì lại nghe một phương ngữ khác, họ gọi là Zurideutch. Mình chỉ biết học thêm rồi tuỳ người mà nói chuyện, đâu dám kêu họ bất lịch sự.


Tương tự sang Ý Đại Lợi cũng vậy, ở vùng Torino thì họ nói phương ngữ của họ của vùng Piemonte, chạy vài trăm cây số đến vùng Brescia thì họ nói chả hiểu gì cả. Chưa nói đến vùng Catalunya nếu mình nói tiếng Castillana thì dân địa phương không trả lời. Đến vùng Basque cũng mù tịt vì họ nói phương ngữ của họ. Mình đang chuẩn bị đi chơi với vợ vùng này. Hy vọng kỳ này giới trẻ được âu châu hoá, không còn khừng khừng như khi xưa.

Gái Ý Đại Lợi mỗi vùng có một cách chạy theo thời trang

Người Việt cũng lâm vào tình trạng này. Có nhiều người bị dị ứng khi mình gọi vợ mình bằng đồng chí gái hay đồng chí vợ. Có người kêu mình ngôn ngữ mình dùng không hợp với sở thích của họ. Có lẻ những người này chưa bao giờ đọc sách của nhà văn Dương Thu Hương, bà ta gọi đồng chí cái đồng chí đực.  Có người cho rằng mình phải viết thuần tiếng Việt, mình bắt chước bà Dương Thu Hương viết tiếng Việt, chỉ đổi từ “cái” thành “gái” cho bớt mùi cách mạng. Mình chỉ ghi lại những gì mình nghĩ, một nông dân ở miền nam Cali, đâu có bằng cấp, trí thức, lịch sự như họ. Họ chém gió nào là mình bất lịch sự đủ trò vì mày tao với bạn bè của mình.


Mỗi lần gặp lại bạn học cũ khi xưa, mình rất vui vì gọi nhau mày tao, chửi thề đủ trò như thời còn đi học, thấy có gì thân quen, sướng cái mồm. Gặp mấy ông nào, không thân lắm khi xưa thì họ hay xưng tên và tôi khiến mình mất hứng, thấy có chút gì xa cách. Chỉ một anh bạn xưa là mình phải xưng tên với anh chàng vì khi xưa anh chàng này rất hiền, không bao giờ thấy chửi thề như mình. Mấy tên bạn thân khi xưa gặp lại mình biết ai còn xem mình là bạn một thời qua cách xưng hô. Mày và tao hay ông và tôi.


Cách xưng hô không thông thường vì có chút gì nối kết tuỳ đối tượng. Bạn bè thân quen thì mày tao có vẻ thân thương còn tôi với ông thì mình không cảm nhận được tình cảm. Có mấy ông bạn gốc Huế thì xưng Ôn với tui cũng vui hay mấy ông bắc cầy thì bác với em cũng thân thiện.


Ở Bolsa mình có anh bạn học thời xưa, có tiệm ăn Ghiền Mì Gõ, nay sắp ra thêm hai tiệm ăn khác. Anh này mỗi lần gặp là mày tao với nhau nên mình hay gặp, ăn bún bò của mụ vợ anh ta nấu. Mình mê nhất là món cơm hến của vợ anh ta.

Mình đọc đâu đó cho biết sáng thức giấc, việc đầu tiên là xem những gì đẹp suốt 20 giây đồng hồ thì trong ngày, mọi việc sẽ đẹp thông suốt nên tải mấy tấm ảnh phụ nữ đẹp để xem mỗi sáng.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn