Kể chuyện tếu qua ngoại ngữ

Sáng nay đến phiên mình làm Joke Master, người kể chuyện vui tại hội Toastmasters. Buổi họp lúc nào cũng khởi đầu với lời cầu nguyện Chúa Toàn Năng và lời tuyên thệ trung thành với lá cờ Hoa Kỳ, do một người được chỉ định. Đa số các hội viên đều theo đạo thiên chúa giáo, ngoại trừ 1 bà theo Do Thái Giáo. Khi nào đến phiên mình, thay vì cầu nguyện thiên chúa, mình đọc một câu lời hay ý đẹp nào của một triết gia, hay thi sĩ, nhà văn để mọi người cùng suy nghĩ.
Sau đó đến phần người kể chuyện vui (Joke master). Thật ra kể chuyện vui trước đám đông rất khó ngay cả người Mỹ vì làm sao để các hội viên hiểu câu chuyện. Chuyện vui khiến buổi họp vui vẻ thân mật hơn. Lúc đầu mình kể chuyện vui của người Pháp hay đức mà mình nghe bên Âu châu thì không có thằng mỹ nào cười. Cho thấy tuỳ văn hoá, có câu chuyện khiến người Pháp cười mà người Mỹ khó hiểu vì không cùng văn hoá, địa lý với người Pháp. 

Khi kể chuyện cười, phải để ý về những người nghe. Nếu họ là dân ngoan đạo, thì đừng bao giờ kể chuyện tếu về tôn giáo. Mấy bà gốc Huế thì thích nghe chuyện dê. Mấy bà bắc thì thích chuyện dâm. Người nam thì mình ít quen nên không rõ lắm.


Khi mình sang pháp thì lúc đầu, tây đầm kể chuyện tếu lâm thì mình như bò đội nón chả hiểu gì cả. Dần dần qua vài năm tháng mới thấm nhuần được cái tính hài hước của người Pháp. Thường họ hay chọc quê dân Bỉ và đức. Còn người Anh quốc hay chọc quê người Ái Nhỉ Lan và Tô Cách Lan. Mình ở tây lâu nhất nên thấy người Pháp rất kỳ thị, chọc quê đủ loại dân. Có dạo một tên tây hình như tên Pierre Péchin, hay giả giọng người ả rập để chọc quê khiến tây đầm cười, chiều nào cũng mở đài radio để nghe tên này. Tên này có câu cuối cùng là “tu bouffes ou tu bouffes pas, tu crèves quand même.” Hình như người ả rập tìm cách đánh ông ta. Nếu mình không lầm là mỗi chiều ông ta nhận điện thoại trên đài Europe 1 với câu chuyện La cigale et la fourmi, câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine, mà khi xưa, học với ông tây bà đầm.


Con ve thì suốt mùa hè, hát hò trong khi con kiến thì cứ làm việc, đi tha thức ăn về đầy tổ. Mùa đông đến thì con ve đói, mới bò lại tổ con kiến xin ăn. Con kiến không cho đuổi đi khiến con ve đói và chết. Trong khi đó con kiến có đủ thứ để ăn, nên đem đồ ăn ra ăn ngày chưa đủ tranh thủ ăn đêm rồi bội thực lăn đùng ra chết. Ông Péchin này kêu “tu bouffes ou tu bouffes pas, tu crèves quand même”, nghĩa là ăn hay không ăn cũng chết. Ông ta giả giọng người ả rập mà tây đầm khi xưa gọi là “bougnoules” nay thì ”beurs”.

Để ai không hiểu tiếng pháp, đây là một anh cải trang thành phụ nữ đi tè

Điển hình mình kể chuyện về một người bạn do thái, hè được bố mẹ gửi về DO Thái vào dịp nghỉ hè để làm việc từ thiện trong các kibutz. Một hôm, bà mẹ chạy lại nhà, gõ cửa hỏi có tin tức gì con trai bà ta. mình nói là anh ta gửi một bưu thiếp, kể là đã trở về đạo Thiên Chúa Giáo. Bà mẹ nghe vậy, khóc quá cỡ thợ mộc, chạy lại synagogue hỏi ông Rabbi, cố đạo do thái giáo. Ông Rabbi nghe bà ta kể là gửi con trai về Jerusalem, thì anh ta trở vào đạo Thiên CHúa giáo. Ông Rabbi nghe vậy thì kêu “ủa! Con trai tôi cũng vậy”, cả hai cùng cầu nguyện thượng đế. Sau một hồi thì thượng đế xuất hiện, hỏi chuyện gì thì cả hai kể là gửi con trai về thành Jerusalem thì chúng vào đạo thiên chúa giáo. Thượng đế nghe vậy thì cũng ngạc nhiên “ủa! Con trai của hai vị cũng vào đạo thiên chúa giáo”. Người pháp hay Ý Đại Lợi đều hiểu câu chuyện này vì thượng đế gửi người con do thái đến thành Jerusalem và ông ấy đã lập ra Thiên Chúa giáo nhưng không hiểu lý do nào người Mỹ không cười dù họ theo thiên chúa giáo cũng có thể vì mình kể không đúng theo cách giúp người Mỹ hiểu câu chuyện.


Sáng nay, mình kể câu chuyện về một đoàn du khách viếng thăm vườn nuôi cá sấu ở Florida. Họ cho đoàn du khách lên chiếc phà chạy ra xa để xem mấy con cá sấu bơi lội tung tăng trên hồ. Bổng nhiên ông chủ vườn cá sấu tuyên bố, ai nhảy xuống hồ, bơi vào bờ mà sống sót, ông ta sẽ thưởng 1 triệu đô. Cả đám nhìn nhau, không ai nhúc nhích bổng nhiên có một ông nhảy xuống và cố bơi cho nhanh trong khi mấy con cá sấu ào ào lội theo sau để táp ông ta. May mắn ông ta lên đến bờ. Ông chủ giữ đúng lời hứa trao giải thưởng 1 triệu. Phóng viên nghe tin chạy đến, chụp hình phỏng vấn đài truyền hình. Hỏi động cơ nào đã khiến ông liều mình nhảy xuống bơi đua với cá sấu để nhận giải thưởng mà trước đây chưa ai dám làm. Ông ta thành thật nói, tôi đâu có nhảy, ai xô tôi xuống nên bắt buộc phải bơi cố mà sống. Khi xem hình, người ta thấy bà vợ đứng bên cạnh mỉm cười. Cho thấy sau lưng một người đàn ông thành đạt là có một phụ nữ đẩy phía sau. Hôm nay bà rá, có lẻ mình quen đứng trước thiên hạ nên chậm rãi, lên giọng xuống giọng và biết ngừng, nhìn thiên hạ nên ai nấy cũng cười té lửa.

Ngày xưa, hàng tuần mình đọc Hara Kiri cho những bác không đọc được tiếng pháp. Hình của một ông tây ngồi ngoài vườn, kêu bà vợ đang hát Karaoke trong nhà nên ông ta phải ra ngoài cả sợ hàng xóm kêu ông ta bạo hành mụ vợ.

Chuyện tếu lâm việt ngữ thì mình có nhiều lắm. Chuyện H.O., chuyện vượt biên, chuyện bộ đội,… chuyện bắc kỳ, chuyện người quảng, chuyện người Huế. Đủ trò. Mụ vợ thích nghe lắm để khi đi gặp bạn của mụ, mụ kể. Nhiều khi đang kể, mụ quên, phải hỏi mình răn sao nữa. Chán Mớ Đời 


Kể chuyện tếu lâm, khá vui giúp các buổi họp mặt phấn khởi hơn nhưng phải biết cách kể nếu không chả ai cười. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn