Những điều cần thiết khi hưu trí

Sau đệ nhị thế chiến, dân số Hoa Kỳ trải qua một hiện tượng mà các nhà xã hội học gọi là baby boom. Từ năm 1946 đến năm 1964, dân số Hoa Kỳ gia tăng rất cao. Có đến 76.4 triệu người được sinh ra trong 18 năm. Có lẻ các thanh niên sống sót trở về từ mặt trận, hoà bình nên người Mỹ không lo Âu nên sinh sản nhiều, cũng có thể chưa khám phá ra thuốc ngừa thai. Thêm các đạo luật ra đời nhằm giúp đỡ các cựu chiến binh, đã giúp kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng nhanh chóng. Một công nhân có thể nuôi vợ con, mua nhà và sở hữu xe hơi, tủ lạnh, máy truyền hình. Giấc mơ Hoa Kỳ của bao nhiêu công nhân trên thế giới.

Người ta giải thích khi con nít ra đời thì các công ty bán tả thức ăn cho con nít như Johnson Johnson lên như diều rồi người ta mua nhà khiến kỹ nghệ xây cất tăng trưởng, cần mua xe để chở vợ con đi chơi. Sau đó người ta cần để dành tiền cho con đi học đại học, rồi để dành tiền về hưu, khi về hưu thì đi chơi rồi chuẩn bị hậu sự, mua đất nghĩa địa. Mình khám phá ra các nhà chôn cất tang đều nằm trong tay các đại công ty. Họ mua thu hết để kiểm soát thị trường nghĩa địa tang điếu.

Các nước có cuộc phát triển lớn mạnh sau đệ nhị thế chiến như Nhật Bản hay Trung Cộng từ 30 năm qua. Việt Nam là sân sau của Trung Cộng. Các nước tây phương rút ra khỏi Trung Cộng, Việt Nam hy vọng các nước tây phương sẽ đầu tư vào Việt Nam. Áo quần giày dép chớ về kỹ thuật thì chắc không, như trường hợp Intel vừa quyết định xây cất nhà máy tại Ba Lan thay vì tại Việt Nam.

Hiện tượng dân số gia tăng này cũng xẩy ra tại Việt Nam sau 75. Dân số lên cao đến khi Hà Nội ra lệnh “trai hay gái chỉ hai mà thôi”. Nghe kể phụ nữ bên kẻ thua cuộc miền nam sợ kẻ thắng cuộc bắt lấy thương phế binh bộ đội nên gái miền Nam ùa nhau lập gia đình, đưa đến nạn nhân mãn. Đối tượng một thời kể, sau 75, đi thanh niên xung phong hay thuỷ lợi chi đó, có một cán bộ hay bộ đội dê nên sợ quá. Ông chồng đến hỏi thì nhận lời ngay, sợ lấy bộ đội về Bắc. Ai ngờ dân ngoài Bắc theo cuộc nam tiến, vào trong nam không chịu về, còn kêu gọi người làng vào Nam như chiến thuật biển người của bộ đội bác Hồ. Nay về Đà Lạt, người từ miền Bắc đông hơn dân Đà Lạt xưa.

Người Mỹ tại Hoa Kỳ hiện nay được chia ra theo nhiều thế hệ: BabyBoomers (1946-1964, 76 triệu người), Gen X (1965-1980, 65 triệu), Millennials (1981- 1995 72 triệu người) và Gen Z (1996-  69 triệu người). Hoa Kỳ là nước Tây phương không có vấn đề dân số nhân mãn như Âu Châu, Trung Cộng, Hàn Quốc, hay Nhật Bản,… các thế hệ chỉ thua nhau vài triệu người trong khi ở âu châu và á châu có rất nhiều vấn đề. Chỉ có vấn đề là người Mỹ da trắng ít đẻ như âu châu nên sẽ biến thành thiểu số trong tương lai.

Theo dân số học, thì muốn thay một cặp vợ chồng, cần sinh sản đến 2.1 người con, phòng hờ chết sớm,… chưa nói đến đồng tính. Ngày nay Đức quốc và Ý Đại Lợi có tỷ lệ sinh sản là 1.1. Hàn quốc còn thấp hơn cũng như Trung Cộng với chính sách 1 con. Chính sách quốc gia hạn chế sinh con đẻ cái để tập trung vào kiến thiết và tăng trưởng kinh tế. Sau đệ nhị thế chiến Nhật Bản khuyến khích người dân sinh sản ít nên ngày nay, thế hệ hưu trí được xem là gần 50% dân số và tương lai còn gia tăng trong khi đó người cao tuổi lại sống lâu. Người Nhật có số người sống trên 100 tuổi nhiều nhất thế giới. Tiền bỏ ra để nuôi người già sẽ khiến kinh tế không gia tăng. Tưởng tượng trong 30 năm tới người Tàu sẽ mất 1/3 dân số của họ. Nội nuôi người già cũng là gánh nặng cho họ. Mình có mua cổ phiếu của mấy công ty tàu về hưu trí. Cứ tính một cặp chồng người Tàu nuôi một con, thêm bố mẹ vợ và bố mẹ chồng chưa kể ông bà nội ông bà ngoại.

Ngày nay, chúng ta thấy hiện tượng là 16% nhà cửa ở quê hay vùng nhỏ bé của Nhật Bản đều bỏ trống vì không có người thừa kế. Bên Ý Đại Lợi, họ bán nhà ở quê trong các làng giá 1 Euro, với điều kiện là phải ở đó hay sửa sang lại. Tương tự không có người thừa kế nên thành phố phải ra luật như vậy đến khuyến khích dân ngoại quốc, mua nhà cửa của họ. Mình hỏi gia đình bạn ở La MÃ về căn nhà của họ ở Pretare, cạnh núi Dolomites mà mình có ghé chơi hai lần khi xưa. Mấy năm trước bị động đất, mình hỏi có sửa lại không thì được biết là không. Không có tiền sửa chửa cũng như bán không ai mua.

Thế hệ sinh trong suốt 18 năm từ 1946 đến 1964 được gọi là Baby boomers hay gọi tắc là Boomers. Ngày nay thế hệ này đang bắt đầu hưu trí và gặp nhiều vấn đề ngoài dự đoán nên cần phải thay đổi tư duy để khi hưu trí không bị ngạc nhiên. 

Trước đây, người ta thường vẽ tương lai hưu trí của thế hệ này rất hoành tráng. Lý do là khi thế hệ này chào đời, Hoa Kỳ trải qua thời kỳ phát triển giàu sang cực kỳ chưa từng có trong lịch sử nước này. Đa số đều có nhà cửa, xe hơi, tủ lạnh,… do đó họ tiên đoán khi về hưu thế hệ này sẽ đi du lịch, ăn sung mặt sướng sau những năm tháng gian khổ, lao động giúp Hoa Kỳ giàu có, chiến thắng cuộc chiến tranh ý thức hệ với Liên Sô. Thực tế hôm nay cho thấy rất xa với những gì người ta dự đoán khi xưa. Điển hình như:


Tài chánh bất an


Khi mình sang Hoa Kỳ làm việc, các chuyên gia tài Chánh, đưa ra tiêu chí khi về hưu, cần 1 triệu đô la để sống vui vẻ, không âu lo những ngày cuối đời. Ngày nay họ lại kêu cần 2 triệu mà lạm phát năm nay trên 5.7%. Người về hưu mong đợi một lương hưu trí cố định cộng thêm tiền tiết kiệm đủ giúp họ có một cuộc sống tốt đẹp trong những ngày tháng hoàng hôn của đời người. Nhiều công ty lâu đời bị phá sản vì tiền hưu trí và bảo hiểm sức khoẻ cho cựu nhân viên về hưu. Trước covid một tô phở là $7, nay gấp đôi nên hết muốn đi ăn phở.


Tháng vừa rồi mình đi Mễ tây cơ chơi thì khám phá ra công ty Sears rất được dân chúng sở tại yêu mến. Tại Hoa Kỳ thì công ty này bị phá sản. Lý do là trả tiền hưu trí và bảo hiểm sức khoẻ cho cựu nhân viên hưu trí quá nhiều. Để tránh vấn nạn, chính phủ Hoa Kỳ chuyển trách nhiệm của công ty qua nhân viên bằng cách thành lập các chương trình hữu trí như IRA và 401(k),… về hưu chúng bây không có tiền thì lỗi  chúng mày, đừng có đổ lỗi cho chính phủ. Bao nhiêu người đi làm có khả năng hiểu về đầu tư cho quỹ hưu trí của mình. Mình nhớ dạo mới sang Hoa Kỳ đi làm, họ có cho gặp nghe nói về 401(k) nhưng chả hiểu gì cả. Nay về già là ngọng.


Thậm chí các công đoàn lao động cũng đang gặp rắc rối. Các đoàn viên đi làm, công đoàn đấu tranh, có lương cao nhưng phải chi một số tiền cho công đoàn, bỏ vào quỹ hưu trí cho các đoàn viên về hưu. Dạo mình mới lấy vợ, quận Cam bị lộn xộn. Ông thần quản lý tiền bạc của quận chơi cha thiên hạ, đưa cho Merrill Lynch đầu tư sao mất khá nhiều tiền khiến Quận Cam phải khai phá sản. 10 năm sau mới vực lại được, đánh thuế dân tình mệt thở. Hay Calpers cũng bị lộn xộn nhưng họ tìm cách dấu, ít nói đến.

Khi thế hệ Boomers ra đời, họ được hướng dẫn giáo dục như sau: ráng học giỏi, vào đại học, sau đó làm việc cho một công ty, khi về hưu, công ty sẽ lo cho những ngày yên bình hưu trí đời người. Ai nấy đều làm việc giúp chủ làm giàu rồi khi họ khám phá ra tiền hưu trí cho nhân viên về hưu quá đắt, công ty khai phá sản như Sears. Các công ty sản xuất xe hơi như Ford, GM nhờ chính phủ bảo kê, bơm tiền, không đóng thuế, nhưng cuối năm vẫn không được lợi nhuận. Dạo này, thấy nhân viên thuộc công đoàn lao động đình công nên họ đang chuyển dần các cơ sở sản xuất xe hơi điện xuống miền Nam Hoa Kỳ, nơi ít có các công đoàn lao động. Hôm nào rảnh mình sẽ kể vụ này, nền kinh tế Hoa Kỳ đang di chuyển về miền nam Hoa Kỳ. Họ miễn thuế cho các công ty mở cơ sở sản xuất tại đây. Khác với thời cách mạng kỹ nghệ, nội chiến. Ai về hưu nên dọn về các vùng miền nam vì tương lai là miền nam Hoa Kỳ, như trả thù cuộc nội chiến khi xưa. Miền bắc thắng cuộc nội chiến nên bao nhiêu tiền bạc đầu tư đều thực hiện tại các tiểu bang miền bắc.


Thực tế cho thấy nhiều người thuộc thế hệ boomer không chuẩn bị kỹ lưỡng tài chánh trong suốt quá trình lao động để có tiền hưu trí. Các chương trình lương hưu trí hứa hẹn trước kia của công ty bị huỷ bỏ để chuyển qua các chương trình 401(k) do chính cá nhân tự lo liệu. Báo chí tuyên truyền cho rằng quyền tự do chọn lựa cho tương lai của mình thay vì trong tay của chủ hãng. Bao nhiêu người có khả năng để tự đóng góp tiền hưu trí, lựa chọn các cổ phiếu để mua. Nếu chính phủ không bắt buộc rút tiền lương để đóng cho an sinh xã hội thì chắc không ai đóng. Kinh tế Hoa Kỳ là tiêu dùng nên chính phủ khuyến khích người dân phải mua sắm, không tiết kiệm. Cứ thấy khuyến mải.


Ngày nay muốn vào viện dưỡng lão phải tốn từ $5,000 đến $7,000/ tháng. Có bao nhiêu người trong chúng ta có khả năng để trả số tiền lớn này. Đó là chưa kể chúng ta phải rút tiền từ 401(k) hay quỹ tiết kiệm, đóng thuế rồi mới trả. Tùy theo mỗi cá nhân số tiền đóng thuế này còn lên nhiều.


Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và sự gia tăng tốn kém về y tế có thể bào mòn sự cố định tài chính ngoài dự định của đa số chúng ta. Trong 24 tiếng đồng hồ, chúng ta thấy quỹ hưu trí của các nhân viên đã bỏ cả đời làm việc cho công ty Enron hay những công ty khác biến theo mây khói. Khiến họ vừa mất việc vừa mất luôn tiền hưu trí để dành từ bao nhiêu năm qua. Khi chúng ta không còn tiền hưu trí thì khó nói chuyện về hưu. Ông thầy dạy mình về thị trường chứng khoán cho biết, ông ta phải mua nhà cho thuê để lỡ có chuyện gì xẩy ra cho ông ta thì bà vợ còn có tiền thuê nhà để sống vì đâu phải ai cũng biết mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán như ông ta.

Y tế chăm sóc sức khoẻ mắc mỏ khiến bà này không có quần áo để bận


Trước đây, chính phủ cũng như công ty hứa chúng ta sẽ được bảo hiểm hoàn toàn qua Medicare về hưu. 

Thực tế cho thấy chi phí chăm sóc sức khỏe và chăm sóc dài hạn (long term CARE) ngày càng leo thang, cùng với những khoảng trống trong phạm vi bảo hiểm của Medicare, đã khiến nhiều người thuộc thế hệ Boomers phải vật lộn với chi phí y tế. Medicare chỉ cho phần A và B còn mấy phần kia thì kệ xác chúng mầy, tự lo liệu. Mình mới đọc hôm qua, có đến 61 chương trình bảo hiểm cho các phần khác phụ thuộc Medicare. Ai có can đảm đọc hết. Đang tính đọc cho hết để xem ra sao vì sang năm đồng chí gái sẽ bắt đầu nhận Medicare. Nghe nói có nhiều người trả tiền thuốc uống mỗi tháng lên cả $600-$1,000. Có dịp mình sẽ kể về y phí sẽ khiến chúng ta bị phá sản nếu chúng ta không dự tính trước.


Tuổi thọ và làm việc lâu hơn dự định


Về hưu ở tuổi 65 và tận hưởng cuộc sống nhàn nhã cho quãng đời còn lại. Khi Hoa Kỳ thành lập an sinh xã hội thì người Mỹ thọ trung bình vào tuổi 63.5, xem như họ sẽ chết 18 tháng trước khi nhận được tiền an sinh xã hội hay hưu trí. Nếu chết sớm thì lợi cho công ty cũng như chính phủ khỏi phải chi phí hưu trí cho nhân viên hay công chức. Dạo ấy 25 người Mỹ đi làm để nuôi một người Mỹ hưu trí. Cứ tưởng tượng anh đi làm cả đời cho công ty rồi 2 năm trước khi về hưu, anh lăn đùng ra chết. Xếp sẽ đọc văn điếu, cảm ơn anh vì đã giúp công ty khỏi trả tiền hưu trí cho anh. Nên nhớ Hoa Kỳ theo chủ nghĩa tư bản.


Ngày nay 5 người Mỹ đi làm nuôi một người Mỹ về hưu và năm 2030, 3 người Mỹ đi làm để nuôi 1 người Mỹ về hưu. Câu hỏi thường được đặt ra là liệu chúng ta có còn nhận được tiền an sinh xã hội. Do đó chúng ta thấy quảng cáo của chính phủ qua các tên tự xung là chuyên gia tài Chánh, khuyên chúng ta hoảng nhận tiền an sinh xã hội, đợi đến 70 tuổi rồi lấy ra. Mình có ông bạn Mỹ, nghe lời nên làm việc thêm vài năm để nhận tiền an sinh xã hội nhiều hơn, lăn đùng ra chết. Không biết bà vợ có lãnh được phẩn của bà ta hay ông chồng nếu không thì bù trớt.


Nay thì người Mỹ sống trung bình đến 75 tuổi và phụ nữ đến 82 tuổi và trong tương lai sẽ sống thọ hơn nhờ các tiến bộ y khoa. Cứ xem Nhật Bản. Tuổi thọ tăng lên và tiền tiết kiệm không đủ để sinh sống, buộc nhiều người thuộc thế hệ Boomers phải làm việc thêm trong những năm nghỉ hưu của họ, thường là làm những công việc bán thời gian hoặc lương thấp hơn. Vào các tiệm Walmart hay MacDonald ban đêm sẽ thấy nhiều nhân viên lão thành. Nay máy móc đã bắt đầu thay thế nhân viên. Có thẻ tỏng tương lai vào tiệm cà phê Starbucks, chúng ta sẽ mua cà phê qua máy robot. Hôm trước mình thấy video một cái bếp tàu, có robot tự chiên xào, cơm chiên,…


Các công ty Hoa Kỳ sa thải các nhân viên ở tuổi trên 40 vì họ có thể mướn các sinh viên mới ra trường rẻ hơn và chăm làm việc. Do đó chúng ta thường thấy bạn hữu kỹ sư trở thành các chuyên gia địa ốc hay bán bảo hiểm sau 40 tuổi. Mình có anh bạn bán xe hơi trên 25 năm sau khi công ty sa thải nghề kỹ sư của anh ta.

Tiền an sinh xã hội không chắc chắn. 


Như đã kể trên an sinh xã hội được thành lập nhằm phụ cấp tiền hưu trí, với chương trình hưu trí của công ty vào thời gian người Mỹ chết ở tuổi 63.5 thay vì sống dai như ngày nay. Đưa đến tình huống tài chính eo hẹp khi về hưu và có thể trong tương lai sẽ bị cắt giảm, có khả năng cạn kiệt quỹ này khiến người hưu trí lo ngại. Cứ đến mùa bầu cử là các ứng cử viên chỉ nói đến sẽ không huỷ bỏ an sinh xã hội, để hốt phiếu.


Khi xưa, vợ chồng mình đi làm, hàng tháng phải đóng 6.3% tiền lương cho an sinh xã hội và công ty đóng 6.3% cho nhân viên, xem như 12.6%. Chính phủ lấy tiền đó để trả cho những người đã về hưu. Dân số ngày nay ít lại, người Mỹ về hưu đông hơn vì thế hệ Boomers rất đông, nếu không lầm là trên 76 triệu người. Họ tính đến năm 2030, thì thế hệ về hưu đông hơn thế hệ dưới 18 tuổi. Số tiền người Mỹ đóng cho an sinh xã hội, không phải đóng thuế. Khi lấy ra thì bị chính phủ đánh thuế.


Các nước Tây phương bị khủng hoảng về dân số nên họ phải cho nhập cư người di dân để mấy người này đi làm nuôi dân của họ. Người Đức nhận đâu trên 1 triệu người, ông BIden để di dân tràn qua biên giới là có mục đích của chính phủ ông ta. Ở Cali, ít khi thấy người Mỹ trắng nào đi cắt cỏ. Vào tiệm ăn Việt Nam, toàn là người Mễ nấu ăn, phục vụ thì đa số nay là các sinh viên du học.


Khi họ bỏ chương trình hưu trí của các công ty, chính phủ ra luật khuyến dụ người Mỹ là tôn trọng sự tự do chọn lựa của người Mỹ nên để họ tự chọn lựa chương trình 401(k) đủ trò. Nếu các công ty còn trả tiền cho quỹ hưu trí cho nhân viên thì chắc chắn các giám đốc cũng như tổng giám đốc sẽ không có lương bổng cao hàng triệu triệu như ngày nay. Cứ xem lương bổng tại Âu châu sẽ biết. Xem bài của Forbes, báo tài Chánh rất nổi tiếng thế giới, mới được người Tàu mua trong khi truyền thông hô hoán là Trung Cộng sắp chết.


https://www.forbes.com/sites/forbesleadershipforum/2013/03/13/do-ceos-make-much-more-in-the-u-s-than-elsewhere-no/?sh=53c5b206be2c


Trước đây, khi mình còn làm thầu khoán, lâu lâu có người nhờ mình làm cho cái hợp đồng xây nhà để họ rút tiền từ 401(k) ra. Không biết để làm gì chắc để mua xe xịn cho vợ. Đâu phải ai cũng biết cách đầu tư vào thị trường chứng khoán. Họ không bỏ tiền vào thì về già chỉ trông mong vào an sinh xã hội. Với đà lạm phát như điên. Trước COVID, ăn tô phở $7 nay $14 với tiền an sinh xã hội chắc chỉ ăn phở gói hay mì Ma MA. Mình nghe kể thời tổng thống Carter, lạm phát lên như điên khiến tiền lời lên đến 16%.

Chi phí gia cư và sinh hoạt thường nhật 


Giấc mơ Hoa Kỳ là sở hữu một ngôi nhà được trả hết nợ khi về hưu và chi phí sinh hoạt thường nhật thấp so với thời còn đi làm việc. Tại Hoa Kỳ thường người ta mượn tiền 30 năm để mua nhà. Với ý định là khi họ trả hết nợ nhà thì cũng là lúc họ có thể vui thú hưởng nhàn quãng đời còn lại của họ. Không phải trả tiền nhà nên sẽ dư tiền đi chơi, làm những việc họ không thể trong thời gian đi làm. Hơn 30 năm về trước, mình mua căn nhà đầu tiên với tiền lời 7.5% như hiện tại. Vấn đề là vài năm sau tiền lời xuống 6.5% thậm chí vài năm trước đây xuống đến 3%. Chúng ta đứng trước lựa chọn; tái tài trợ lại căn nhà với tiền lời ít hơn hay giữ tiền lời cũ và tiếp tục trả. Ai nấy cũng chọn tái tài trợ lại thì nay về hưu, chúng ta vẫn còn phải trả tiền nợ nên khó khăn về tài chính vì lương bổng chấm dứt.


Người Mỹ trung bình đổi nhà mỗi 7 năm. Gia đình mình đổi nhà 5 lần từ 30 năm qua. Khi mới lấy nhau, họ mua một căn nhà nhỏ cho hai vợ chồng rồi khi có con lớn thì dọn đến căn nhà gần trường học mẫu giáo. Vài năm sau con lên trung học thì dọn đến gần trường trung học, cho nên họ phải mượn nợ mỗi khi dọn nhà nhà mới, bán nhà cũ. Cho nên không nên tái tài trợ lại căn nhà vì vài năm sau là dọn nhà, bán nhà cũ, mượn nợ mới. Dạo này, khó dọn nhà vì tiền lời đang trả là 3% mà mua nhà mới thì trả 8% nên ai nấy hết muốn thay đổi nhà cửa. Mình vì không bán nhà nên tái tài trợ lại mấy căn nhà trước khi dọn ra để cho mướn.


Trên thực tế: Nhiều người thuộc thế hệ Boomers đang bước vào giai đoạn nghỉ hưu với khoản nợ thế chấp và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng khiến việc duy trì mức sống của họ trở nên khó khăn. Có người kêu bán nhà, mua Mobile home, trả mỗi tháng $1,500 tiền thuê đất. Hai vợ chồng lãnh $4,000 tiền an sinh xã hội/ tháng. Hy vọng đủ sống. Vấn đề là khi về hưu thì càng uống thuốc, nhiều người phải trả thêm tiền mua thuốc đến $60-$900/ tháng. Coi như hết đi du lịch, thăm con cháu ở xa.


Trách nhiệm gia đình


Trước đây chúng ta nghĩ sẽ thoát khỏi những trách nhiệm, con cái trưởng thành có tính tự lập, ra riêng. Trên thực tế: Ngày càng nhiều người thuộc thế hệ Boomers thấy mình thuộc 'thế hệ bánh sandwich', hỗ trợ cả cha mẹ già và con cái trưởng thành đang đối mặt với những thách thức kinh tế. Cha mẹ sống lâu trên 80 tuổi, con thì chưa đâu ra đâu, đa số còn cắm dùi tại nhà vì chúng nghĩ ngu gì dọn ra khỏi nhà cho cực.

Đối với các gia đình Á đông, với truyền thống chu cấp cha mẹ già, cho thấy hưu trí khó khăn. Một mặt chúng ta phải chăm sóc bố mẹ chồng và bố mẹ vợ, ngoài ra phải lo cho con chưa độc lập về kinh tế. Vai trò bánh mì kẹp này sẽ gây khó khăn cho chúng ta, bỏ việc du hí như đã dự định. Tiền bạc để dành cũng bay theo cánh chim biền biệt. Chỉ còn giấc mơ nào.


Tháng trước đọc báo ý, cho biết có một bà mẹ, ra toà xin đuổi 2 thằng con ra khỏi nhà vì chả làm gì, không phụ dọn nấu ăn gì cả. Cứ ăn bám vào tiền lương hưu bổng ít ỏi của bà. Công ăn việc làm được tự động hóa hết. Vào các tiệm ăn MacDonalds, thấy không còn người đứng lấy order, thiên hạ mua qua điện thoại hay máy rồi đến quần lấy thức ăn. Vào tiệm ăn Nhật hay đại hàn ở vùng này, thấy robot đem thức ăn ra cho chúng ta. Lại có máy robot nấu ăn trong các tiệm ăn tàu. 


Thay đổi lối sống


Trước khi nghỉ hưu chúng ta kỳ vọng đi du lịch, viếng thăm những nơi được nghe đến, xem phim, đi hành hương, sinh hoạt giải trí đền bù lại những năm tháng hy sinh lao động.

Trên thực tế khi về hưu, tài chính chúng ta bị hạn chế, các vấn đề sức khỏe và các trách nhiệm khác, hạn chế khả năng của chúng ta trong việc tận hưởng các hoạt động giải trí, đã lên kế hoạch từ bao nhiêu năm qua.

Ảnh hưởng của công nghệ


Ai trong chúng ta đều kỳ vọng một cuộc sống đơn giản hơn khi về hưu, ít phụ thuộc vào công nghệ. Trên thực tế, sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ đã khiến chúng ta cần phải thích nghi và học hỏi các kỹ năng mới để duy trì kết nối và quản lý cuộc sống của họ một cách hiệu quả. Chúng ta liên tục phải học cách sử dụng điện thoại thông minh vì có những ứng dụng liên quan đến sức khoẻ, y tế, nối kết với con cháu ở xa, bác sĩ, nhà thương. Ông nuôi ong mới được gắn cái máy trợ tim, có cái máy ở nhà cứ liên tục báo tin cho nhà thương 24/24 khiến ông ta ngạc nhiên phải chịu khó học rờ mó cái máy để hiểu thêm.


Đối với chúng ta, nghỉ hưu đã trở thành giai đoạn thích ứng và đánh giá lại cá nhân và cuộc sống. Chúng ta phải đi học lại tại đại học cộng đồng với những lớp học về công nghệ, … Những thách thức mới mà chúng ta đối đầu, khiến chúng ta cần phải đánh giá lại các kế hoạch, chương trình nghỉ hưu và phải tập trung vào kế hoạch tài chính, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và điều chỉnh lối sống. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen

Nguyễn Hoàng Sơn