Nhớ ơn cứu tử

Hôm trước, đọc tờ báo tây cho biết thành phố nhỏ bé tên Le Chambon-sur-Lignon, vừa nhận được một số tiền là $2 triệu Euro từ di chúc của một người áo tên Eric Schwam. Người dân của thành phố này cho biết, ông này muốn trả ơn thành phố này đã cứu ông ta và gia đình thoát sự truy đuổi của quân đội Nazi cách đây 80 năm khi quân đội Nazi chiếm đóng một phần nước Pháp. Lính Đức quốc xã hốt các người dân gốc Do Thái khắp âu châu, đẩy vào các trại tập trung. Nghe nói có đến 6 triệu người gốc do thái bị giết.


Ông Schwam ghi trong di chúc, yêu cầu thành phố sử dụng tiền ông ta để giúp các sinh hoạt giáo dục của làng và cho học bổng các học sinh địa phương. Tại sao ông ta không cho những cơ quan thiện nguyện mà lại cho thành phố này.

Ông Eric Schwam, người đã hiến tặng trên 2 triệu đô cho ngôi làng đã cứu giúp gia đình ông ta khi chạy trốn sự săn đuổi của quân đội Nazi

Ngôi làng Le Chambon-sur-Lignon, có một truyền thống cứu giúp các người tỵ nạn lâu đời. Vào thế kỷ 17, khi các người theo đạo Tin Lành mà người Pháp gọi Les Huguenots, chạy trốn các cuộc lùng bắt của chính quyền công giáo. Ở Pháp có dạo có cuộc chiến tôn giáo (Guerre des Religions) Sau này có đến 200,000 theo đạo Tin Lành ở Pháp chạy loạn qua Thuỵ Sĩ hay các nước theo Tin Lành.

Hai vợ chồng mục sư đã kêu gọi con chiên của họ cứu giúp người do thái chạy trốn Đức quốc xã.


Trong đệ nhị thế chiến dưới sự dẫn dắt của một vị mục sư trong làng, cứu giúp các người gốc Do Thái trốn đến đây, bị truy lùng bởi quân đội Nazi. Họ dấu các người tỵ nạn do thái trên núi gần làng. Khi nào quân đội nazi rời làng thì họ chạy lên rừng núi để kêu họ trở về nhà. Sau ông mục sư bị bắt còn người em thì bị dời qua trại tập trung ở Đức và chết tại đó.


Ít ai biết rõ làm sao gia đình ông Schwam lưu lạc đến làng Le Chambon/Lignon. Chỉ biết họ đến pháp và bị chế độ Vichy nhốt trong trại Rivesaltes, gần biên giới Tây Ban Nha. Trại này có đâu 8,000 tù nhân và được chuyển đến trại Auschwitz và các trại tập trung khác. Trại này đóng cửa vào năm 1942 và đa số các người gốc do thái đều bị chuyển đến các trại tập trung và bị kết liễu cuộc đời. Không ai biết gia đình Schwam bằng cách nào chạy thoát đến làng này.


Ngôi làng có truyền thống cứu giúp người tỵ nạn
Ngôi làng nằm phía nam của của  thành phố lớn thứ nhì của Pháp ; Lyon

Sau chiến tranh, gia đình ông ta trở về Áo quốc, bố ông ta là bác sĩ ở thành Vienne nhưng ông ta ở lại Pháp. Eric Schwam, qua đời vào tuổi 90, đến làng này vào năm 1943, được dấu trong một ngôi trường và ở tại làng đến năm 1950. Ông ta học dược khoa tại Lyon rồi lập gia đình với một phụ nữ pháp trong vùng và không có con.


Thị trưởng của thành phố cho biết số tiền nhận được rất lớn, sẽ được dùng cho các hoạt động giáo dục và tặng học bổng cho học sinh địa phương theo di chúc của ông Schwam.


Nghe kể người dân trong làng dấu các người tỵ nạn trong làng, làm giấy tờ giả cho họ và giúp họ vượt biên giới sang Thuỵ Sĩ. Có thể mấy người Huguenots này qua Thụy Sĩ lập ra phái Calvinist do một ông người Pháp tên Jean Calvin. 

Từ thế kỷ 17, dân trong làng đa số là người theo đạo Tin Lành, những người từng bị chính quyền công giáo truy lùng. Trong đệ nhị thế chiến, làng này đã cứu giúp trên 2,500 người gốc do thái thoát các cuộc truy lùng của nazi và các “tây gian”, những người tây bán nước, làm tay sai cho người đức. (Collaborateur)


Ngoài ra, dân làng cũng cứu các linh mục trong thời gian sau cách mạng Pháp 1789 và các người thuộc phe cộng hoà trong thời gian nội chiến tại Tây Ban Nha và gần đây họ giúp mấy các người tỵ nạn đến từ phi châu, trung đông. Trước đó, các linh mục ra lệnh truy lùng các người theo đạo Tin Lành, khiến họ bỏ chạy trốn qua Thuỵ Sĩ hay các xứ khác ở âu châu dễ dãi với người theo đạo Tin Lành. Sau đó con cháu họ không nề hà khi cách mạng truy lùng mấy vị linh mục có dính dáng đến hoàng cung, vẫn cứu giúp họ. Cho thấy tin thần của họ như đã hiểu rõ sự ruồng bỏ, truy lùng vì đức tin của họ. Nhà thờ công giáo lo sợ như thời Sô Viết, ai không tin vào chủ nghĩa cộng sản thì họ bỏ vào các viện tâm thần để chửa trị. Anh không tin là vì anh bị điên.


Mình thấy mấy người tỵ nạn, la lối như Mỹ trắng, kêu không cho người di dân nhập cư nữa. Kêu là di dân bất hợp pháp. Khi người Việt bỏ nước ra đi tìm tự do, ai may mắn, không chết trên biển cả, đến các đảo của Nam Dương, MÃ lai, Thái Lan,…đâu có chiếu khán nhập cảnh, xem như di dân lậu. Nhiều người còn kể là bị lính của mấy xứ này đối xử tệ bạc. Ngày nay chúng ta có sổ thông hành Hoa Kỳ nhưng không nên quên quá khứ một thời. Những người di dân lậu, đều trả mấy cây vàng hay mạng sống của họ, để ra đi vì chính phủ họ tham nhũng, bạo ngược hay không cho họ thờ phụng tín ngưỡng của họ.

Trẻ em do thái được dân làng cứu thoát.


Mình có xem một phim tài liệu về vụ bài chống người nhập cư của một phóng viên người anh nhưng vợ là người Mỹ, con ông ta cũng lấy quốc tịch mỹ. Hoa Kỳ là một quốc gia có truyền thống nhận các người di dân, tỵ nạn từ thời lập quốc khi người âu châu đến Hoa Kỳ. Người da trắng đến từ âu châu đâu có xin chiếu khán mấy ông người bản địa. Họ được người bản địa giúp đỡ khi lên bờ rồi từ từ lấn chiếm đất đai của người bản địa để thành lập Hoa Kỳ. Nay người Mỹ da trắng rất lo sợ cho tương lai vì họ sẽ thành thiểu số vì người da trắng không chịu đẻ. Trong khi di dân da màu đầu năm sinh trai, cuối năm sinh gái. Họ lo ngại nền chính trị của Hoa Kỳ sẽ bị các chủng tộc da màu khác nắm giữ.


Người do thái hùng mạnh vì họ luôn luôn sử dụng Holocaust do đó mình phải viết kể cuộc hành trình tìm tự do của vợ mình vượt biển ra sao, cho con và mấy đứa cháu hiểu. Hôm trước, đi chơi thì có anh tổ chức tàu vượt biển có vợ mình đi theo tàu. Anh ta tổ chức họp mặt các người trên chuyến tàu PB 835 để con cháu của những người này hiểu về quá khứ, đau thương khi 30/4 đến, đi cải tạo rồi bỏ nước ra đi. Anh ta mời mình nhưng không tham dự được vì đang ở Uzbekistan. Tiếc là vợ chồng đi chơi không có nhà để đem mấy đứa con lại.

Khi xưa, ở Việt Nam học lịch sử, thầy kêu người Pháp thực dân gian ác. Đến khi mình sang Pháp thì thấy người Pháp rất tốt bụng. Họ giúp đỡ người tỵ nạn đen vàng đến từ khắp nơi. Có thể người Pháp sang Việt Nam là những người xấu. Họ lạm dụng vai trò của chính phủ Pháp tại Việt Nam nên lợi dụng để làm giàu trên xương máu của người Việt như những chuyện nghe kể trong các rừng cao su, hầm mỏ. Mình không sống vào thời đó nên không hiểu nhiều.


Mình vẫn mang ơn người Pháp đã giúp đỡ mình khi mới sang tây nhất là sau 30/4/75. Họ cho mình học bổng, cho mình mướn nhà không lấy tiền, giáo dục mình. Ơn này mình không bao giờ quên. Chắc sang năm phải về Pháp thăm lại một số ân nhân trước khi họ về thiên quốc. Khi mấy người tỵ nạn đến Hoa Kỳ, nhớ ơn mấy người Pháp đã giúp mình khi đến pháp, mình có dành một căn hộ để giúp một gia đình Syria ở tạm trong thời gian làm thủ tục giấy tờ tỵ nạn,…


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn