Vệ sinh theo dòng đời

Dạo này vụ cúm tàu làm đảo lộn mọi giá trị thường nhật mà con người ôm ấp từ lâu, chạy đua thực hiện ”giấc mơ Hoa Kỳ”. Mới hôm qua, người ta dành dật nhau, xếp hàng để vào tiệm LV mua ví dù chỉ được phép mua một cái dù có tiền đầy như quân nguyên. Thậm chí có người mua hàng nhái vì không có khả năng mua hàng thiệt từ tiệm chính cống để khẳng định tư thế mình trong xã hội Định hướng tiêu thụ. Bận và xài đồ xịn là mức đo bề ngoài về sự thành đạt trong xã hội.

Hôm nay, người nào đi chợ, mua được bịch giấy vệ sinh thì mặt rất hồ hởi phấn khởi như Có bác hồ trong ngày vui đại thắng. Người ta không chú ý nhìn người đeo cái ví Làm Vườn mà không có giấy vệ sinh để chu toàn bãi đáp. Vụ cúm tàu cho mình thấy quan điểm về đời sống, an nhàn, không đua đòi với thiên hạ là chuẩn.

Hôm kia có anh bạn, gọi điện thoại kêu mày nghiên cứu về sức khoẻ nay coronavirus bò đến là chúa gọi về. Tìm hiểu chi cho mệt, cứ ăn chơi cho thoả rồi về với chúa. Mỗi người có một nhân sinh quan về cuộc sống nên không thể nào đánh giá ai đúng ai sai được. Quan trọng là họ hạnh phúc hay không.

Một chiếc máy bay rời phi trường Los Angeles với điểm đến là New York. Trên lộ trình bay của họ, chắc chắn sẽ gặp gió bão, thổi đến thổi ngược, làm áp lực khiến chiếc bay cách xa lộ trình. Nếu họ có la bàn, máy định vị thì phi công sẽ tìm cách lái phi cơ về đúng lộ trình, còn nếu không thì cuốn theo chiều gió.

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ có những áp lực, thay đổi bất ngờ, bệnh hoạn, nhưng nếu chúng ta có một mục tiêu, máy định vị giúp chúng ta qua cơn bão, chướng ngại trong cuộc đời. Coronavirus đến rồi sẽ đi, chúng ta cần bình tỉnh để tránh cuộc đời mình bị ảnh hưởng những tác động môi trường xung quanh. Xong om

Hôm qua đi chợ mua giấy vệ sinh cho vợ khiến mình nhớ lại hành trình từ bé đến nay khi giải quyết vệ sinh, rất nhiêu khê và nhiều thay đổi. Sáng nay, nói chuyện với một chị hàng xóm xưa ở Đàlạt, khiến mình nhớ lại thời bé ở Đàlạt, các sinh hoạt trong xóm.

Nhà mình có 11 anh em, theo tập tục gia đình anh truyền em nối, nghĩa là áo quần, giầy dép của đứa lớn bận chật thì truyền qua đứa kế và như vậy đến 75 khi ông cụ mình đi cải tạo 15 năm, chấm dứt cuộc chuyên chính sinh sản, thêm người thêm của, chúa cho bao nhiêu nhận bấy nhiêu, nếu không chắc bà cụ cũng sản xuất thêm vài đứa em. Mình có 2 cô em sinh sau ngày mình đi tây, gần 20 năm sau mới gặp lần đầu. Kinh

Khi xưa, mình thừa kế, bận áo quần cũ của ông cụ, nay con mình quăng quần áo cũ thì mình lượm bận làm vườn khiến mụ vợ nổi điên, kêu quần áo của con mà sao anh bận. Vào vườn có ai thấy đâu, chim sóc, coyote đâu có phân biệt áo quần, không để ý đến luật thừa kế “con quăng cha lượm”.

Theo luật thừa kế của gia đình mình, áo quần được truyền cho nhau thì tả quấn cho con nít cũng được định chế theo mô hình định hướng kinh tế thị trường tại gia “anh truyền em nối”. Nhà mình dạo ấy, bà cụ may một lố tả để quấn cho đứa mới ra đời. Tả có hình Tam giác, hình như họ lấy bao bột mì để may thì phải, lâu quá không nhớ nổi, ai nhớ thì cho em xin để cập nhật hoá. Dạo ấy có bà dì làm thợ may ở nhà nên thấy dì lấy cái bao bột mì cắt xéo ra làm hai. Nghe nói họ lấy vãi tàu, khổ 90 cm rồi cắt chéo thành hình Tam giác.

Chỉ nhớ là để tả dưới mông em của mình, Lấy bình xịt phấn để khỏi bị rát, rồi quấn lại xung quanh bụng, rồi lấy góc thứ ba giữa hai cái chân, phũ lên cái bụng rồi lấy cái kim băng, ghim lại nhưng phải cẩn thận nếu không lại chích vào bụng em mình là mệt. Rồi quàn khăn lông ở ngoài cho ấm chân. Sau này có con, dùng tả đế quốc thì tiện hơn, xài xong thì quăng thùng rác. Xong om

Các nhà trong xóm, con đông, cứ thấy đứa kế bế đứa nhỏ hơn đi chơi hay cho ăn. Nghề ô-sin được thực tập khi lên 4-5 tuổi rồi. Có lẻ vì vậy mà dân mình sinh ra để làm ô-sin cho các dân tộc khác, cứ thấy mấy pano kêu gọi yêu nước, giống nòi là đi lao động quốc tế, xuất khẩu lao động. Mình có mấy người em họ đi làm ở đâu bên Lào, Nga,.. vợ con ở quê làm ô-sin cho mấy ông chú bà cô. Chán Mớ Đời 

Khi nào thay tả thì đem giặt bằng bàn chải chà loại bự. Phải hà tiện nước vì phải đi xách nước ở giếng trên xóm ông Ba Tây, Thi sách hay vườn ông Ba Đà. Mình nhớ thối kinh khủng nhất khi thiếu người giúp việc, mình được giao trách nhiệm này, rồi từ từ mấy cô em lớn lên, được thụ hưởng giáo trình ô-sin-hoá, tiếp thu nghiệp vụ chức năng này. Sau này, bà cụ mình làm ăn khá nên mướn hai người giúp việc, một ngoài chợ, một ở trong nhà nên cũng đỡ phần giặt ủi xếp tả. Có lần một bà gốc Quảng nhảy núi, theo Việt Cộng. Dạo đó ông cụ mình hoảng lắm vì sợ bà này đêm đêm mò về với đám nằm vùng. Kinh

Phần vệ sinh thì đi cầu ở khu cầu tiêu công cộng của cư xá, nằm ở cuối xóm. Chỗ này có 3 cầu tiêu, 2 phòng tắm và 3 bể nước để thiên hạ ra đây giặt áo quần. Chỉ khổ là nước máy làm bằng ống gan nên sau 10 năm bị sét hết thêm dân cư ở đường Hai Bà Trưng càng ngày càng đông nên khu mình ở trên dốc đồi nên nước không lên tới, rốt cuộc không sử dụng phòng tắm hay bể nước để giặt đồ, chỉ còn lại 3 cầu tiêu vẫn được trưng dụng.

Khi nào mình chuyển bụng là hàng xóm đều biết cả vì phải đi qua một dãy 6 cái nhà của xóm, gặp mấy cô hàng xóm là cuối mặt, e thẹn, như bài thơ của ông Nguyễn Nhược Pháp, đi chùa Hương, kêu em mót tè quá, miệng lâm râm nam mô xê ra đi à. Sau này, nghe trường ca “con đường cái quan” của Phạm Duy, mình có chế lại lời theo tình huống đi nhà vệ sinh trong xóm. Vợ cấm không cho hát, kêu ba láp ba sàm.

Mỗi lần đi thì xách theo một thùng nước và một tờ giấy báo nhỏ như Ngô tổng thống đi kinh lý. Thùng nước thì dùng thùng dầu ăn của nhân dân dân Hoa Kỳ tặng nhân dân Việt Nam, nhưng mấy ông lớn nhận rồi đem bán cho nhân dân Việt Nam, lấy tiền bỏ túi, đưa đến tình trạng bất mãn, mất lòng dân rồi đến tháng 4 75.

Thường thường nhà mình mua nguyên thùng dầu vì rẻ hơn là đem chai đi đong ở các tiệm chạp phô. Họ ăn gian. Mình để ý bà Thủ trên đường Thi Sách, có trò ăn gian này. Kinh. Khi đem thùng dầu về, mình có nhiệm vụ chiết ra mấy chai nhỏ để dùng nấu ăn. Khi hết thì lấy con dao bầu, để lên nắp rồi lấy búa đập xuống và tuần tự, đục lỗ nhỏ theo sát riềng thùng dầu. Sau này, lính mỹ qua Việt Nam, đồ hộp đầy đường nên có cái khui lon, dễ sử dụng hơn là con dao bầu.

Sau đó lấy búa đập dẹp mấy cái cạnh để khỏi bị đứt tay bởi các vết cắt của dao bầu. Sau đó lấy khúc gỗ, cưa cho vừa tầm chiều ngang của thùng dầu. Lấy vỏ xe đạp cũ rồi cắt từng miếng nhỏ để lót, đóng đinh. Lý do là có vỏ cao su thì Đinh không bị lỏng, tuột khi gỗ bị khô lại. Dạo đó không biết dùng Đinh vít cho chắc hơn.

Trong xóm có 7 gia đình nên chia nhau trưng dụng 3 cầu tiêu công cộng. Sau ông Mãn và ông Vinh làm nhà cầu riêng ở nhà họ nên chỉ còn 5, gia đình anh Bình chiếm miếng đất phía sau cầu tiêu công cộng làm cái nhà gỗ và lợp tôn nên xin gia nhập hộ khẩu cầu xí quốc doanh của xóm. Cứ 2 gia đình tiếp thu một nhà cầu, có ổ khoá để tránh các gia đình khác đi lén.

Mỗi lần đi cầu là mình xé một 1/4 tờ báo cũ Tiền Tuyến hay Con Ong, ông cụ mình mua báo tháng 2 tờ này, mở khoá văn phòng đọc báo của liên danh 2 gia đình rồi vào ngồi chòm hổm như cầu tiêu bên Nhật Bản ở phi trường. Đặt thùng nước xuống rồi lấy tờ giấy báo ra đọc dù đã đọc mấy tuần trước. Đó là lúc mình học, tập đánh vần tiếng Việt, nhờ đó mà ngày nay mới biết tiếng Việt để kể chuyện ngày xưa cho dân Đàlạt.

Sau khi đánh vần ê a để đọc tờ giấy báo cũ và để kết thúc cuộc đọc báo trong mưa bom thì vò tờ giấy báo lại cho nhàu, rồi xé làm tư để làm giấy vệ sinh. Nếu còn dư giấy thì móc vào vào cái đinh ngay tường để người vào sau có giấy để xử lý chức năng nghiệp vụ. Sau đó phải canh để dội nước xuống cầu tiêu nhằm thanh toán xác địch tại chiến trường, vì nếu hụt thì hết nước, phải chạy về nhà, múc lon nước khác. Xong om

Mình kể chuyện này cho mấy đứa con khiến chúng nhìn mình như bò đội nón, lắc đầu không hiểu cái xứ cha ông ở tít mù khơi, lạc hậu đến thế. Chúng đâu có biết đi ngoài đồng ở trong vườn Suối Tía, chỉ có kinh qua những vụ này mới hiểu và quý trọng cuộc đời.

Cái khổ nhất là vào mùa mưa thì không đọc báo được, lý do mái ngói bị con nít đánh nhau, quăng đá bể mái nên bị dột. Do đó phải cầm dù, che mưa trong nhà cầu. Ban đêm thì đem theo cái đèn cầy hay cái đèn hột vịt vì không có điện. Vào mùa mưa, ban đêm đi là cực hình vì che dù, cầm đèn, ngồi nghe mưa rơi tí tách, những giọt nước mưa dột rớt lỏm đỏm trên cái dù. Phần thì sợ ma vì xung quanh nhà vệ sinh toàn là cây dã quỳ mọc hoang. Kinh

Chưa hết, mình còn kể chuyện về Bảo Lộc, thăm bà Tư, em của ông ngoại của mình, trồng trà hiệu ”Nguyễn Đăng”. Có cái chòi sau nhà, lợp bằng tranh, có cái hầm xí rồi họ bỏ hai miếng gỗ hai bên để ngồi chòm hổm. Có lần không biết ăn cái gì đau bụng mình chạy ra đây ngồi thoải mái trút bom xuống vùng địch vì mình thấy dòi, bò đầy ở dưới hầm. Sau đó thì mới khám phá ra không có giấy nên kêu cứu, bà Tư chạy ra, rút cái đọt tranh ở mái, quẹt quẹt, rồi kêu mình ra cái lu hứng nước mưa để rửa đít. Xong om

Có vụ đi cầu ở Sàigòn trên hồ nuôi cá tra thì không dám kể cho con nghe. Mình nhớ hồi nhỏ, có lần ông cụ mình đi công tác ở Sàigòn, đem mình theo về Sàigòn mấy ngày, ở nhà ông Trẻ, bác họ của ông cụ mình, mình kêu ông Trẻ vì ông này chỉ lớn ông cụ mấy tuổi.

Sáng đầu tiên ở Sàigòn, mình muốn đi vệ sinh thì cô Oanh, hơn mình đâu 4 tuổi, dẫn mình ra ngoài bờ sông, dắt lên cái cầu nhỏ rồi kêu ngồi xuống giữa hai thanh gỗ mà sau này xem phim “Slumplord millionaire” mới đưa mình về không gian ngày ấy với những hãi hùng.

Chỗ này là có tấm gỗ chấn phía trước, cao độ nữa thước để tránh thiên hạ nhìn chim bướm, rồi thấy dân trong xóm cũng lần là ngồi xung quanh trên mấy thanh gỗ, nói chuyện với nhau như pháo tết. Bổng nghe cái bỏm rồi ào ào ở dưới nước. Một đàn cá ở đâu bay lên táp tới tấp rỉa rỉa khiến mình thất kinh, sợ té xuống hồ là toi đời Sơn đen Đàlạt.

Nghe kể là sau khi Việt Cộng vào thì có chương trình nuôi cá tra quốc doanh, hợp tác xã nên họ xây cầu tiêu công cộng để dân trong xã ra đó bồi dưỡng thực phẩm hữu cơ cho cá, không cần trụ sinh như ngày nay. Để nói lên cuộc sống của con người mới xã hội chủ nghĩa, họ cho xây nhà cầu tiêu nam nữ riêng biệt không như thời Việt Nam Cộng Hoà, để chung chạ, làm mất phẩm giá của con người xã hội chủ nghĩa.

Cái khổ là họ thấy cá nuôi trong hồ dưới hầm xí của phụ nữ thì ốm yếu, còn phía bên nam thì to khoẻ như cá đế quốc. Ủy ban nhân dân xã mới họp lại để điều nghiên, xem có thành phần thù địch, phản động nào xâm nhập đánh phá cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Các cán bộ canh nông được điều về để công tác, điều nghiên, truy cứu vấn đề nhưng không tìm ra nguyên nhân có hai loại cá, mập và gầy.

Cuối cùng có một kỹ sư canh nông tốt nghiệp thạc sỹ từ mốt cô va về nhận ra ngay vấn đề. Dưới hầm cầu tiêu của phụ nữ thì cá không chịu ăn, cứ doi mắt nhìn lên khi mấy chị em phụ nữ đi oanh tạc, còn phía bên hồ cá của Nam thì dành nhau ăn như điên như dại.

Sang Tây thì ở lầu cuối, cầu tiêu chung ở ngoài hành lang, tương tự như thời ở Đàlạt, nên dễ thích nghi, chỉ tội là trời mùa đông thì lạnh quá khiến đi buổi sáng đi cầu, đông đặt không ra được, phải đợi vào trường có sưởi ấm mới hết nghẹt. Kinh

Có lần tới nhà thằng bạn tây, vào phòng tắm thấy có bồn cầu và bên cạnh có một bồn cầu nhỏ khác, lại có cái vòi khiến mình không hiểu. Hỏi ra mới biết tây gọi là cái “bidet” để rửa chim rửa khu. Chán Mớ Đời 

Dạo viếng thăm Nhật Bản lần đầu tiên, ở khách sạn Hilton, thấy có bàn cầu không người lái, nghĩa là sau khi làm thủ tục thông ống cống xong thì chỉ cần bấm cái nút là có vòi nước ấm bắn lên để mình lắc lắc cái Mông để bấm tọa độ, cự ly rồi đến bấm cái nút để hông khô cái mông. 

Thấy hay, mình đặt mua, đem về gắn trong phòng tắm, không dám gắn ở phòng tắm khách vì sợ khách vào rồi cứ đứng thử đủ trò, tạo nên giờ cao điểm khi nhà có khách hay tiệc tùng. Cái này thì hấp dẫn vì mùa đông thì cái ghế có sưởi ấm, ngồi thoải mái đọc báo như ngày xưa.

Mất bao nhiêu năm từ đi cầu ở Bảo Lộc với lá tranh đến bồn cầu không người lái, cho thấy mình nếm đủ loại cầu xí và văn hoá vệ sinh của đủ loại trên thế giới. Nếu vụ đại dịch này kéo dài, hết giấy vệ sinh, có thể mình phải trở về thời còn bé, dùng báo cũ, không chết thằng tây nào. Xong om

Nhs