Coronavirus và tương lai

Từ ngày sang Hoa Kỳ, mình chứng kiến được hai cuộc khủng hoảng lớn; cuộc khủng bố 9/11 và khủng hoảng tài chánh năm 2008. Những cuộc khủng hoảng này đã thay đổi đời sống nhân sự của xã hội Hoa Kỳ, đi du lịch hay đầu tư mua nhà bất động sản.

Sau 9/11, thiên hạ có cái nhìn ít thiện cảm, thậm chí còn nghi ngờ tất cả những ai che mặt, hay có khuôn mặt ả rập, qua vụ khủng bố ở thành phố San Bernardino, California.

Vụ đại dịch Coronavirus sẽ thay đổi thế giới và xung quanh chúng ta từ các liên hệ xã hội, tôn giáo, kỹ thuật, giáo dục và tài chánh,….

Các thay đổi ra sao thì chưa biết vì với kỹ thuật thông tin, điện toán thì chắc chắn sẽ có nhiều kỹ thuật tự nhiên sinh sôi nảy nở do nhu cầu của dân chúng. Điểu chắc chắn là sẽ có thay đổi về chính phủ, y tế, kinh tế, đời sống dân sự,…

Đại dịch cướp mất sự hồn nhiên của mọi người, các tập tục giao tiếp trong xã hội có thể sẽ bị thay đổi khi chúng ta tự giác khi chạm vào những vật ở nơi công cộng, ở chung với người khác trong một không gian kín, có thể đem lại rủi ro, bệnh tật nguy hiểm cho chúng ta. Những nhận thức sau đại dịch sẽ trở thành bản chất mới sẽ dần dân tập khi bắt tay hay chạm người quen hay đối tác kinh doanh. Chúng ta sẽ rửa tay và không chạm tay vào mặt của mình như chỉ dẫn của cơ quan y tế phòng chống bệnh tập.  

Giao tiếp trực tiếp đối tác hay công chức ở các cơ quan chính phủ, đưa đến những lo toan vệ sinh y tế, nên có lẻ người ta sẽ làm thủ tục, nộp đơn, thậm chí bầu phiếu qua mạng, vô hình trung sẽ làm xa cách nhân loại vì khoảng cách như hiện tại, con người và người thân tuy gần như cách xa khi mỗi người ôm cái điện thoại cầm tay.

Sau cuộc khủng bố 9/11, người Mỹ bổng nhiên thức tỉnh, nhiều thanh niên trẻ đăng lính để đi đánh các tên khủng bố, thậm chí có người đã giải ngủ, trở lại quân ngủ để ra trận, nói lên tinh thần ái quốc của người Mỹ. Cuộc chiến mới sẽ không có binh sĩ, súng ống mà các tân binh của cuộc chiến mới sẽ là các y sĩ, y tá, dược sĩ, thầy giáo, các tiểu thương gia,…

Telemedecine, sẽ được áp dụng nhiều hơn hiện nay, để tránh lây nhiễm tại các phòng mạch. Chúng ta có thể ở tại nhà hay văn phòng để được bác sĩ khám bệnh qua FaceTime hay truyền hình, giới hạn sự di chuyển, mất thì giờ.

Vào tiệm ăn, người Mỹ thường hay trả tiền cho các quân nhân hiện diện trong tiệm ăn để cảm ơn sự hy sinh chiến đấu, bảo vệ an ninh của người Mỹ. Trong cuộc chiến mới, người ta sẽ cảm ơn các y sĩ, y tá,…bất chấp nguy-hiểm để cứu chữa bệnh nhân vì y đức thay vì nuôi bệnh nhân như hiện tại. Có thể chúng ta thể hiện lòng ái quốc qua xây dựng, kiểm soát sức khoẻ và y tế cộng đồng, tạo dựng một cộng đồng, xã hội được chú ý, chăm sóc cho nhau hầu tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp và khoẻ mạnh cho nhau.

Chúng ta thấy quốc hội, đại biểu hai phe chửi bới nhau từ 50 năm qua, bổng nhiên âm thầm ngồi lại với nhau để biểu quyết đạo luật mới nhằm chống lại đại dịch, biết đâu sẽ khởi đầu một kỷ nguyên mới, khi người ta chợt nhận ra vi-khuẩn, bệnh tật không chọn ai theo đảng Dân CHủ hay Cộng Hoà. Có lẻ chúng ta sẽ chung sức nhau để thoả hiệp tạo dựng một nền y tế cộng đồng lành mạnh hơn đưa đến một sự đoàn kết quốc gia như Anh Quốc, bị chia rẽ nhưng sau 56 ngày bị bom của Nazi, toàn dân và các đảng phái chống chọi nhau, kết đoàn để ra sức chống lại Nazi, đưa đến cuộc chiến thắng của quân đội đồng minh, dựa vào Anh Quốc để đổ bộ qua Pháp vì toàn thể âu châu đã bị Nazi khổng chế.

Hoa Kỳ tương đối sống lành mạnh bao nhiêu năm qua từ khi Liên Xô sụp đỗ và cao trào chủ nghĩa cá nhân lên tột đỉnh. Người Mỹ chỉ nghĩ đến quyền lợi, sở thích cá nhân của mình, bảo vệ cá voi, cá heo,… họ ít nghĩ đến các việc xa xôi, ở các nước khác.

Sau đại dịch kết thúc, có lẻ người Mỹ sẽ thay đổi và đầu tư về các môi trường như y tế và các dịch vụ công cộng. Con người trải qua cuộc đại dịch, sẽ nhận ra số phận của mình được liên kết với cộng đồng. Một người láng giềng, không chịu ở nhà trong đại dịch, hay một người làm bếp bị bệnh nhưng chủ tiệm không cho phép nghỉ có lương, có thể đưa bệnh tật đến cho ta. Do đó ý định thành lập y tế cho mọi người (Universal healthcare) của đảng dân chủ sẽ được đảng Cộng Hoà ủng hộ.

Về mặt kinh tế và trật tự xã hội, người ta sẽ tạo dựng một nền tảng mà chính phủ sẽ bảo đảm thu nhập cho người Mỹ bị mất việc trong một cuộc suy thoái lớn. Chính phủ sẽ giúp giảm nợ sinh viên. Đại dịch sẽ giúp chúng ta xét lại chúng ta là ai và chúng ta xem trọng điều gì trong cuộc sống về lâu về dài. 

Cuộc tự cách ly giúp chúng ta suy nghĩ lại cuộc đời, không cần mua sắm áo quần, đồ hiệu do các quảng cáo làm áp lực khách tiêu dùng mua. Giàu có nhưng vẫn bị nhiễm vi-khuẩn như mọi người, có quyền lực vẫn bị chết vì vi khuẩn.

Khi mình sang Hoa Kỳ thì điều khiến mình ngạc nhiên nhất là các lễ tôn giáo được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình. Sau này mới hiểu là có nhiều gia đình mỹ ở xứ khỉ ho cò gáy nên đi lễ khá xa cho họ. Do đó họ phải nghe giảng giáo lý qua truyền hình hay đài phát thanh.

Các lễ tôn giáo như ramadan của người theo hồi giáo, Passover của người do thái hay lễ phục sinh của thiên chúa giáo hay Phật đản sẽ được cử hành ra sao khi người ta ngại đám đông. Sự tìm kiếm tâm linh qua tôn giáo sẽ thay đổi khi người ta trải qua thời gian tự cách ly, theo dõi các lễ tôn giáo trên các kênh khác nhau của các tôn giáo, nhà thờ. Các mục sư, Iman sẽ phải ra sức để thuyết phục con chiên của mình từ xa qua mạng hay truyền hình, như các chiến sĩ cho công bằng xã hội.

Người ta nhận thấy trong vụ đại dịch này, tự cách ly thì các app như Netflixparty, Discord, Google Docs  Hay Zoom,..được công chúng sử dụng rất nhiều để liên lạc với nhau hay xem xi-nê chung hay Eventbrite được sử dụng rất nhiều cho các buổi họp mặt tại gia, thậm chí các rạp xi-nê ngoài trời đang được thịnh hành trở lại. Ai nấy ngồi trong xe, ăn bắp rang, uống CoCa cola và xem xi-nê không sợ bị lây nhiễm,… có dịp mình sẽ kể vụ này.

Dạo mình mới sang Hoa Kỳ, có xem phim Philadelphia do tài tử Tom Hanks, đóng vai luật sư bị bệnh SIDA, nói lên vấn nạn của giới đồng tính đang sống qua cơn đại dịch của họ, đã khiến xã hội thay đổi cái nhìn về nhóm đồng tính. Chính phủ không can thiệp nên cộng đồng của giới đồng tính tạo dựng các tổ chức tương trợ lẫn nhau và giúp thay đổi cái nhìn của xã hội. Gần đây có một ứng cử viên tổng thống đồng tính, cho thấy sự chấp nhận của xã hội ngày nay về những dị biệt cá nhân, ngoài trừ số đông vì tôn giáo.

Qua kinh nghiệm của SIDA thì có lẻ sau vụ đại dịch này, xã hội sẽ tự thay đổi, người Mỹ sẽ tự động tạo dựng các nhóm, tổ chức để bảo vệ môi trường y tế và sức khoẻ trong các sinh hoạt chung.

Đại dịch này cho thấy những khuyết điểm trong hạ tầng cơ sở y tế Hoa Kỳ, vì hàng triệu người Mỹ đã lúng túng trong cuộc khủng hoảng này mà không có mạng lưới an toàn. Người thân bị bệnh và con cháu nghỉ học vô thời hạn và không có lựa chọn về tài chính, sức khoẻ. Có lẻ quốc hội trong tương lai sẽ ra các luật gia đình, hầu giúp đỡ nhân viên đi làm nghỉ có lương để lo cho gia đình.

Mấy đại biểu quốc hội Hoa Kỳ bị nhiễm vi-khuẩn cô-rô-na. Khởi đầu, quốc hội Hoa Kỳ theo chỉ số 1 đại biểu cho 30,000 người Mỹ nhưng hiện nay trung bình một đại biểu quốc hội đại diện đến 770,000 cử tri. Do đó trong tương lai, có thể quốc hội sẽ được thông qua mạng hay sẽ trở lại quy chế; 1 đại biểu cho 30,000 cử tri để họ có thể bảo đảm quyền lợi của cử tri của họ thay vì chạy đi xin tiền ứng cử lại.

Hoa Kỳ là một xã hội với văn hoá tiêu thụ, các công ty ra sức tiếp thị để bán các hình ảnh giấc mơ. Sau đại dịch, có thể người ta sẽ suy nghĩ khác đi về thời trang, khi dành tiền để mua cái ví LV để rồi chả ai thèm để ý trong khi bị lộn xộn thì mấy cái ví xịn cũng trở thành vô nghĩa. Nguo ta sẽ thay đổi thước đo về những gì nên sở hữu thay vì chạy theo thời trang như điên cuồng. 

Họ sẽ để ý đến môi trường nhiều hơn khi họ nhận thấy sự tự cách ly đã khiến nước của thành phố Venice trong sạch hơn, không khí các thành phố bổng nhiên trong lành hơn,… họ sẽ dễ chấp nhận các năng lượng xanh dù có đắt hơn nhưng lại bảo vệ môi trường.

Tự cách ly sẽ khiến vợ chồng gần gũi nhau hơn thay vì lướt sóng trên mạng, sẽ có một thế hệ babyboom mới ra đời. Dân số trên thế giới sẽ gia tăng.

Về mặt kinh tế, các công ty đa quốc gia sẽ cân nhắc về hiệu quả và chi phí và lợi ích của hệ thống cung cầu được toàn cầu hoá và sự cung ứng trong nước. Họ sẽ chuyển qua chuỗi cung ứng nội địa và giảm sự phụ thuộc vào hệ thống cung ứng toàn cầu rẻ nhân công nhưng dễ bị gián đoạn. Việc này sẽ làm giá thành gia tăng nhưng khách tiêu dùng sẽ chấp nhận và sẽ bỏ bớt tiêu thụ những gì không cần thiết.

Gia đình mình hay đi ăn tiệm vì tiện lợi và nhanh nhưng mấy ngày nay, tự cách ly, mình phải nấu cơm cho vợ và hai đứa con ăn. Bổng nhiên thấy là lạ vì đã lâu không còn nấu cơm cho con ăn nhưng lại thích nên chắc sẽ nấu ăn đều hơn Để được ăn tại gia. Một số tiệm ăn có thể sẽ đóng cửa luôn nếu tình trạng này kéo dài.

Nhớ hồi nhỏ mấy ông tây bà đầm dạy văn chương, 1 đoạn trong cuốn “La Peste” của ông Albert Camus nhưng ngu lâu dốt sớm nên chả hiểu, sau này qua Tây, có tìm đọc lại cuốn sách này. Ông ta kể bệnh dịch đã xoá sổ 1 thị trấn ở quê hương ông ta (Algérie) vì tính nhất quán. Thị trấn quá buồn chán nên thị dân dành hết tâm huyết để nuôi dưỡng thói quen và mất nhiều thì giờ để nhận ra cái chết đang rình rập họ.

Nếu so sánh thời ông Camus và hiện nay, chúng ta chỉ cần có bệnh tật và chế độ độc tài để khiến chúng ta lắng nghe ý thức chung, óc tưởng tượng và sự lập dị của chúng ta. Thời gian tự cách ly sẽ giúp chúng ta nhận thức là chúng ta có thời gian rất ngắn trên cỏi đời này. Tại sao phải đua đòi, chạy theo thời trang khi cái chết đang rình rập chúng ta như ông Camus đã kể.

Chúng ta có những tập quán khiến chúng ta sống như cái máy, không thay đổi nên không có thói quen nhìn xa, quan sát những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta, đến khi nước đến trôn thì đã quá muộn. Chúng ta tiêu xài phung phí để rồi khi cơn đại dịch xuất hiện mới nhận thức về tư duy, cuộc sống thường nhật mới hiểu cái gì mới quan trọng trong cuộc sống.

Mình có hai vợ chồng hàng xóm gốc Việt. Nghe mình rên là đi chợ không thấy gạo vì hai đứa con về nhà để tự cách ly nên bà vợ kêu ông chồng đem bao gạo lức 5 cân sang tặng rồi còn làm xôi Lạp xưởng đem qua cho ăn. Trong lúc hoạn nạn, những cử chỉ tuy tầm thường nhưng đã nói lên được tình người chưa mất trong một xã hội tiêu thụ như điên loạn.

Tương lai sẽ thay đổi và tình người sẽ được nêu lên nhiều hơn là lòng ích kỷ. Người giàu sẽ chịu đóng thuế nhiều hơn để giúp Hoa Kỳ xây dựng một cái lưới an toàn phúc lợi cho toàn dân thay vì chửi bới người nghèo,... xã hội sẽ trở nên nhân bản hơn đầy tình người.

Nhs