Âm nhạc một thời Đàlạt xưa

Tuần này, trong cuộc họp mặt Toastmasters, có tiêu đề về các thế hệ tại Hoa Kỳ, một ông nói về những bài hát mà ông ta ưa thích thời trẻ nên khi lái xe, mở nhạc của đài vệ tinh Sirius để nghe lại Elvis Presley, Louis Amstrong,…. ông ta cho rằng âm nhạc đánh dấu văn hoá, biến chuyển của mỗi thế hệ của chúng ta, khiến mình nghĩ đến những bài ca với bao kỷ niệm mà mình yêu thích từ khi còn ở Việt Nam.

Ở Việt Nam thì mình có nghe nói đến nhạc cổ điển tây phương nhưng chưa bao giờ được nghe, còn các ban nhạc trẻ ngoại quốc như “The Beatles, Rolling Stones,….” thì chỉ nghe đám học chung trường nói nhưng chưa bao giờ được nghe, cho thấy mình thuộc loại ngu lâu dốt bền. 

Đi học thấy chúng cầm mấy đĩa hát 33 hay 45 vòng, cho nhau mượn. Nhà mình có một cái máy quay đĩa nhạc hiệu National, mua ở tiệm Công Đồng, ở đường Minh Mạng, đối diện tiệm giày Việt Hưng. Có mấy đĩa nhạc mua ở tiệm Hiệp Thạnh, đường Duy Tân. Hình như dì Thanh, nay ở Úc, bán không được mấy cái đĩa cải lương 78 vòng nên có cho mình đem về nghe. Do đó mà mình mê cải lương từ bé đến nay. Mình mê Út Trà Ôn còn hơn mê kẹo kéo.

Tết Mậu Thân, Việt Cộng vào, bom mỹ thả trên số 4, gia đình dì Ba Ca chạy tản cư xuống nhà mình. Tối tối, sau khi ăn cơm, 2 gia đình ngồi quanh cái máy quay đĩa để nghe đài BBC rồi sau đó mở đi mở lại mỗi ngày cái đĩa hát duy nhất mà ông cụ mua để ăn Tết. Đó là đĩa của ban AVT với những bài như “3 bà mẹ chồng, em tập vespa “ khiến mình nhớ lời đến ngày nay vì được nghe đi nghe lại mỗi đêm suốt 2 tháng trời nghỉ học.

Hàng xóm mình có một tên học trên mình đâu 5 lớp ở Yersin. Qua nhà ông thần này thì thấy có máy đĩa hát nhỏ. Ông thần cho nghe nhạc tây với mấy ca sĩ như Sylvie Vartan, Dalida, Françoise Hardy,… nghe chả hiểu gì hết nhưng cũng gật gật đầu như ta đây hiểu biết, trình độ thẩm âm cực kỳ. Mình thích nhất là hắn cho xem mấy báo Playboy đủ trò còn nhạc nhiệt thì chả màng. He he he 

Mấy cái đĩa 78 vòng này chạy nhanh chóng mặt, mau làm mòn mấy cây kim nên hay bị hát cà lăm. Mình mê bài “tình anh bán chiếu” của Út Trà Ôn đến nay vẫn ngâm nga bên vợ “tình anh bán bơ trọn đời không phai”. À nói đến bơ, hôm qua thợ hái hết bơ trên vườn. 

Dạo này bơ đắt hơn mọi năm nên mình hái bán cho xong. Tên đại diện của công ty mua sĩ, cho biết là vào tháng 5 này, bơ của Mễ và Peru sẽ nhập cảng cũng một lúc nên không dám để dành bán sau này. Hái hết thì mới nhớ là con vi-rút Corona khiến quan thuế, có lẻ không cho bơ của Mễ nhập vào. Chắc mình lại bán sớm hơn, số trời không cho làm giàu.

Có mấy ông bạn già, đem phu nhân lên vườn chơi. Đi bộ có 200 thước là họ oải rồi. Thấy họ tung tăng, hăm hở đi hái trái khiến mình vui lây. Hôm trước, có anh chàng kia quen qua Facebook, cựu học sinh Adran, lên vườn với bà đầm, đem cưa đến tỉa mấy cây quít. Anh chàng này cho mình một ý tưởng là năm tới, đem rao bán quít cho mấy chùa để thầy cho Lộc các tín nữ. Mình có thể hái quít với lá để bán cho chùa. Tại mấy năm nay, cứ để bạn bè lên hái ăn cho đả. Mình hái về, ép nước cho vợ con uống. Ngon hơn nước cam nhiều.

Bạn học trường tây, chúng chê mình là khiếm khuyết văn hoá, âm nhạc. Nghĩ lại, có thể chúng chỉ nghe ai nói đến rồi tương lên mây để khẳng định ta đây là dân hiểu biết nhiều. Đàlạt dạo ấy có một ban nhạc có tên Rolling Wheels, nghe nói đánh cho phòng trà nào mà mình có dịp nghe họ chơi cho trường Văn Học một lần vào lễ tất niên chi đó ở rạp Hoà Bình.

Sau này, mình sang học Văn Học thì mới thấy đám học chung hay tụ lại hát với mấy cô vào giờ ra chơi. Có lần tên học chung lớp tên Phụng thì phải, dân ở Cầu Đất, đứng lên hát trong lớp bài “tôi muốn” khiến cả lớp hoan hô đủ trò. Mình hỏi tên ngồi bên cạnh, hắn nhìn mình như nhìn mọi cà răng căng tai, kêu mày không biết Elvis Phương và ban nhạc Phượng Hoàng sao? khiến mình suýt bị quê vì thiếu văn hoá, nông dân không được bồi dưỡng về âm nhạc hiện đại.

Mỗi lần ra chơi thì đám con trai con gái hay ngồi hát cho nhau nghe trong lớp. Thấy vui vui, nên mình hát theo, ai ngờ bị chúng chửi kêu hát như ngáp ruồi nên đành câm. Có thể chúng ganh tị với giọng ca của mình? Bọn con trai hay hát “ em tan trường về, anh theo Ngọ về,….” Rồi ré lên cười khiến mình không hiểu. 

Sau hỏi ra thì mới biết trong lớp có một cô tên Ngọ, em của anh Bôn đá banh cho đội tuyển Đàlạt, ở đường Phan Đình Phùng nên đoán là chúng đổi lời hát để chọc cô này. Ai ngờ sau này ra hải ngoại, đọc tài liệu mới khám phá ra là ông thi sĩ Phạm Thiên Thư, mê cô học trò nào tên Hoàng Thị Ngọ nên mới làm bài thơ, nhớ về mối tình nắng mưa bụi mờ của ông ta.

Mình thì may mắn hơn ông thi sĩ này, khi xưa tan trường mình không cần phải đi theo đối tượng, đi song song cho nói oai. He he he. Mình có kể vụ này qua “ngày xưa Fan thị” rồi.

Kể tới đây mới nhớ một tên Bắc kỳ, hay đi chơi với thằng Dân, đường Tăng Văn Danh. Tên này kể là kết một cô học sinh Bùi Thị Xuân, tên Nhung, thân hình khá đẫy đà nhưng có đôi mắt đẹp. Mình cận thị nên chỉ nhìn xa xa khi chạy xe, liếc cái rẹt. Hắn có chỉ mình một lần. Ngày nào, mưa nắng chi hắn cũng ra đứng ở ngay bùng binh Hải Thượng và Duy Tân, để chờ cô nàng đi học về. Nếu mình không lầm thì cô này ở cư xá Phạm Ngũ Lão, cùng cư xá với Bùi Thanh, Hàng thị Ngọc Hiền và Kim Liên, vợ thằng Đa bây giờ.

Xóm công chức này có nhiều cô đẹp ngày xưa, nay về mình chả nhận ra đâu vào đâu. Vợ thằng Đa, nữ sinh Couvent des oiseaux, la mình sao thời đó, không biết cô nàng khiến mình ngọng vì Đàlạt rộng mênh mông sao mình biết hết mấy cô gái đẹp. Được cái là vợ nó và đối tượng một thời, vẫn chưa bị thời gian làm phai mờ vẻ đẹp khi đã trên 6 bó. 

Dạo mình học Văn Học thì có màn ra chơi, thầy CBA có mở nhạc cho cả trường nghe. Mấy cuốn băng nhạc trẻ hay Trường Sơn của Duy Khánh,…thậm chí còn kêu học sinh hát hò, thâu băng rồi cho phát thanh trên đài vô tuyến điện Văn Học nên mình được bồi dưỡng chút ít về nhạc trẻ, nhạc việt hay nhạc ngoại quốc được dịch sang việt ngữ.

Dạo ấy có một tên trong lớp, chuyên viết thư cho đài phát thanh Đàlạt, chương trình nhạc yêu cầu mỗi tuần, hình như chiều thứ 6, để thân tặng các bạn học nên mình để tâm nghe đài phát thanh để nghe chương trình này. Mình nghe Ngô Văn Thuỷ nói nên mở radio hàng tuần. Nghe phát ngôn viên đọc PMC thân tặng các bạn học lớp 11 B Văn Học là mình thấy ấm người dù không chơi thân với tên này. Năm sau, hắn đổi sang ban A nên chỉ thân tặng các bạn học 12 A nên mình hết nghe. Sau này, về lại Đàlạt thì anh chàng này hay tổ chức họp mặt, cho mình gặp lại bạn học và thầy cũ nhất là đối tượng một thời của mình ở Đàlạt.

Thật ra nhạc ngoại quốc được du nhập vào Việt Nam, đa số là nhạc cũ của tây hay mỹ. Dạo ấy chưa có Internet nên mất thời gian lâu để sách báo ngoại quốc được chuyển sang Việt Nam, bán ở chợ trời cho nên đa số các bản nhạc đều mất 3-4 năm mới được thính giả người Việt nghe đến.

Hè năm chuẩn bị qua trường việt, mình có học hè ở trường Việt Anh. Cuối khoá, có văn nghệ bỏ túi trong lớp, ông thầy dạy hoá, học lớp tiếng Nhật buổi chiều với mình, hát bài Sakura, rồi đề nghị mình nói một tràng tiếng nhật vì không biết hát. 

Sau đó, có một tên ở đâu trong đường Hoàng Diệu, hình như tên Anh Dũng hát bài “mal” lời Việt, nghe là lạ vì hắn cứ rên “đau, đau, trời ơi đau,…” rồi cô học sinh Couvent des oiseaux hát, cũng bài này bằng tiếng pháp nghe phê hơn (Mal! Au fond du cœur, oui j’ai mal...). Đó là lần đầu tiên mình được thính thị nhạc trẻ thời đó thay vì mấy đĩa cãi lương. Đúng là gốc nông dân.

Năm 12 B thì mấy ông cha trường nhà dòng Trí Đức, ấp Xuân An, cạnh nhà thờ Con GÀ, có tổ chức đại hội nhạc trẻ học sinh liên trường, hình như tháng 11 hay trước Giáng Sinh. Mình làm trưởng lớp 12 B nên thầy CBA giao mình luôn vụ này, kêu mấy tên biết chơi đàn như Nguyễn Đình Tài, Trần Thiện Tân, trống như Hùng Con Cua thêm vài cô làm ca sĩ chưa có tên tuổi trong trường để thành lập ban nhạc của trường Văn Học để đi thi đua.

TRƯỜNG TRUNG HỌC TRÍ ĐỨC. NẾU MÌNH KHÔNG LẦM THÌ BAN NHẠC Ở LẦU 3, CẠNH CẦU THANG
Nghe nói con trai của Photo Hồng Châu, nay ở hải ngoại và có giữ rất nhiều hình ảnh của ông bố, quen bà cụ mình. Hy vọng có ngày sẽ gặp được để xem hình ảnh Đàlạt khi xưa. 
Mình thì chả biết gì về văn nghệ, chỉ có nhiệm vụ kêu réo thiên hạ rồi mỗi tuần dợt một lần ở nhà thầy CBA. Ai không có xe thì mình chở xuống. 

Rút kinh nghiệm năm trước, mình cũng bị học sinh trong lớp bầu làm trưởng lớp thay vì Đoàn Thị Hường nên phải tham gia ban hợp ca của trường. Mình hát như con dê đực, bị ông thầy Ẩn dạy nhạc thì phải, la hoài khiến bị quê mấy cục. Sau này, phát hiện ra đồng chí gái thì cô nàng kêu giọng anh rất tồi, muốn lấy tui thì làm ơn đừng có hát. Cuối cùng đi hát thi liên trường, ở trường Bùi Thị Xuân thì phải, nhân dịp giải thể thao học đường Đàlạt, ban hợp ca Văn Học về áp chót. Ai nấy cũng nói tại thằng Sơn nhưng hôm đó mình được ông thầy kêu là không được hát, cứ đứng phía sau cho có vẻ xôm trò. Chán Mớ Đời 

Ngày đi thi đấu nhạc trẻ vào buổi chiều ở trường Trí Đức, khán đài thì ở lầu 2 Hay lầu 3, cạnh cái cầu thang. Khi tập thì thằng Tân đánh Bass với đàn 6 dây, đến khi đi thi thì nhà trường và ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn đàn hết nhưng đàn Bass của ban tổ chức lại có 4 dây nên ông thần Tân không biết đánh nên loạng quạng khiến cả ban nhạc chới với. Lúc tập thì hăng say lắm, còn tính chuyện phăng nhưng khi lâm trận, thằng Tân bị hoảng tiều nên ban nhạc chơi cực quái. Mình đứng dưới sân trường nghe bà con đi xem phê bình đủ trò. nhất là ban nhạc chơi bản Mustapha, một dân ca ả rập được đặt lời lại bởi Bob Azzam , mà hồi bé mình hay nghe “chérie, je t’aime, chérie je t’adore,... » mà con nít trong xóm hay nghêu ngao “cái đít ba tàu thằng nào cũng như thằng nấy...”. 

Xem như hôm đó ban nhạc Văn Học chơi bị bể dĩa dù có chị Hường, ban C hay A chi đó, nghe nói là ca sĩ đài phát thanh Đàlạt, hát bản nhạc chi mà có “tóc mai sợi vắn sợi dài, kết duyên chẳng Đặng thương Hoài ngàn năm,…” mình thấy lạ không hiểu vì nghe nói người ta sống có 100 tuổi mà đây tên nào kêu là nhớ đến 1000 năm hay 10 kiếp nên hỏi mấy tên học chung khiến chúng thở dài và lắc đầu kêu mày dốt đến thế là cùng.

Viết tới đây thì nhớ hồi còn bé, học tiểu học, có đi theo thằng Dư trong xóm, anh con Thúy, đến trường Bùi Thị Xuân nghe văn nghệ do hướng đạo Lâm Viên tổ chức, không nhớ vì lễ nào. Mình thấy thiên hạ lên khán đài trên lầu hai còn thiên hạ thì đứng dưới sân trường nghe cổ tay như bắp rang. Có lần mình có đến trường Bồ Đề, nghe văn nghệ Phật Đản, nghe thiên hạ hát “dưới ánh đạo vàng” chi đó khiến mình nản, bỏ về.

Nhớ năm 12B, viện đại học Đàlạt có tổ chức ngày để học sinh lốp 12 ở Đàlạt viếng đại học này, để kiếm sinh viên cho năm tới. Trong nhóm sinh viên hướng dẫn nhóm tụi này thì có một chị sinh viên rất xinh, đánh đàn hát hay, sau này mới khám phá ra nhạc sĩ của bản nhạc “vì đó là em”, được chị ta gửi tặng một CD. Hôm đó có văn nghệ trong hội trường, mình được nghe bản nhạc “cơn mưa phùn” lần đầu tiên bởi một tên sinh viên tóc dài và ông thầy Phó Bá Long, hát bài “khoẻ vì nước bánh ướt tôm khô....”

Ngoài ra, hàng xóm có một chị hay nghe đài phát thanh “Mẹ Việt Nam” hay “Mặt Trận Gươm thiêng ái quốc” nên mình hay qua chơi với tên em của chị này nên nghe ké mấy bản nhạc truy điệu khiến mình rợn tóc gáy với giọng nói của xướng ngôn viên “sinh Bắc tử nam”. Hôm nào rảnh mình kể lại hai cái đài phát thanh này, gây ảnh hưởng khá nhiều cho mình dạo ấy.

Đó là những kỷ niệm của mình về âm nhạc, đánh dấu tuổi thơ của mình ở Đàlạt. Xong om

Không hiểu sao bổng nhiên lại nhớ đến bài thơ ”Nỗi nhớ không ngờcủa Thuận Hữu

Cuộc đời ơi, sao lắm lạ kỳ
Có những năm tháng đi qua mà chẳng thành nỗi nhớ 
Nhưng nhiều khi chỉ một lần gặp gỡ 
Một thoáng nhìn cũng trăn trở mãi trong nhau 
.....

Nhs