Hai chị hàng xóm ngày xưa


Mấy ngày nay, theo chế độ tự cách ly, có dịp nói chuyện với hai chị hàng xóm ngày xưa. Hai chị này bạn học nhau ở trường Bùi thị Xuân, Đàlạt xưa. Mình không gặp lại họ từ 50 năm nay. Có lần, mình nhận tin nhắn trên mạng, có người kêu có phải ”Cu Đen xóm Công Chánh Đàlạt” ngày xưa khiến mình thất kinh. Người này bắt buộc phải là hàng xóm lâu năm mới biết tên cúng cơm ngày xưa ở Đàlạt. Nhấn vào thông tin thì lòi ra hình, tuy đã 50 năm nhưng vẫn còn nét ngày xưa nên nhận ra, và trả lời. Từ đó lòi ra thêm mấy người hàng xóm khác qua chị ta. Vui như tìm lại mùa Xuân, tìm về những hình ảnh của thời ấu thơ. 

Chị này thì mình đã có kể rồi. Ông chồng là kiến trúc sư, cháu của một gia đình hàng xóm từ Sàigòn lên Đàlạt chơi rồi phải lòng cô gái Đàlạt má đỏ môi hồng. Tháng 4 75, anh ta đưa người anh ra toà đại sứ mỹ rồi kẹt cứng, được bốc đi Mỹ luôn với gia đình ông anh. Dạo ấy mình ở bên tây hay làm người đưa thư bất đắc dĩ, chuyển thư từ Hoa Kỳ về Việt Nam qua Paris và ngược lại.

Khi xưa trong xóm có nhiều gia đình và tục lệ người Việt thì hay đặt tên vớ vẩn để ma quỷ, chê tên xấu không bắt con đi nên con cái đều đặt tên như “cu”, con gái thì “gái”, “tí”…. Khổ cái là nhà nào cũng có con trai nên đều gọi “cu” nên khi nói chuyện thì không biết cu nhà ai nên họ thêm tên ông bố phía sau như “cu tám” là con trai ông Tám, cu tàu là con trai ông Tàu,…. Nhà nào nhiều con trai thì đặt thêm cu anh, cu em, cu tí, cu xíu,…. 

Mình vì dang nắng nên thiên hạ trong xóm kêu “cu đen” nên khi nghe chị này gọi tên cúng cơm trong xóm là biết người biết rõ xóm mình ngày xưa. May quá chị này chỉ xeo-phì bỏ lên mạng, không kể chuyện đời xưa nên cũng đỡ lo, bị hàng xóm vạch mặt, điềm chỉ những tội danh ngày xưa.

Gia đình chị này sau Mậu Thân, dọn qua đường Phan Đình Phùng, cạnh tiệm thuốc tây Lâm Viên, hình như bán gạo và sách vở chi đó. Lâu lâu, đi ngang thì mẹ chị ta hay kêu Cu đen, vô tau hỏi cái ni. Hồi nhỏ mình hay chơi với em của chị, tên Phúc thì phải, hay bắn bi, đánh đáo. Mình nhớ nhà đâu có 4, 5 người con, đến khi nghe chị kể là có một lố khiến mình thất kinh, nghĩa là sang Phan Đình Phùng có sản xuất thêm mấy trự.

Mình cũng mừng là gia đình chị đều đoàn tụ bên mỹ hết, con cháu nay đều thành đạt. Bố mẹ chị vẫn còn sống, đều trên 90, gần trăm tuổi, được con cháu loại vào giai cấp “Huế chướng. Người Huế khi còn trẻ được các thi sĩ ví như Huế mơ, Huế mộng nhưng về già thì DNA được biến chất thành “Huế chướng”. Nói chuyện khá lâu, chị ta kể lại chuyện gia đình mình khi xưa ra sao. Kinh vì trí nhớ chị này quá tốt, mình chỉ nhớ mang máng về gia đình của chị vì nhỏ tuổi thua đến 8 tuổi thì phải.

Chỉ nhớ thời gian chị đả thông tư tưởng với ông kiến trúc sư thì con nít hàng xóm, kháo nhau đứng nhìn qua cửa sổ xem hai người hôn nhau và hát bài “ở nơi đấy tôi đã thấy, có hai người ôm nhau….” 50 năm ông chồng vẫn còn ôm vợ khiến bạn bè ganh tị. Chúc mừng cho mối tình hữu nghị trường kỳ răng hở môi lạnh. Hôm qua có anh bạn kêu, tự cách ly mà ác phụ của anh ta cứ 3 giờ sáng lại mò vào giường để gọi đò bên tai.

Sáng nay, mình có nói điện thoại với một chị hàng xóm khác. Mình nhớ chị này nhiều hơn chị kia vì khi xưa hay nói chuyện nhất là được chị ta cho mượn sách Việt ngữ để đọc, nay mới có dịp kể chuyện đời xưa cho thiên hạ nghe về Đàlạt.

Nếu mình không lầm chị ấy học ban B thì phải, ngồi học bài ở phòng khách, hay mở ra-dô, nghe đài “Mẹ Việt Nam” và “Gươm Thiêng Ái Quốc”. Hai đài này phát thanh nhạc tâm lý chiến nên ít uỷ mị bằng đài Sàigòn. Mỗi lần cô xướng ngôn viên đọc bài thơ “sinh Bắc tử nam” của một cán binh Việt Cộng, chết tại chiến trường miền nam, con của bà nào tên Phấn ở Hải Dương là hoảng tóc gáy.

“Từ buổi con lên đường xa mẹ
Theo anh em sang Lào, rồi dấn bước vào Trung
Non xanh núi biếc chập chùng
Sớm nắng biển, chiều mưa rừng gian khổ
Tuổi thanh xuân cuộc đời như hoa nở
Vì hòa bình đâu ngại bước gian nguy
Mấy tháng trời, ngày nghỉ đêm đi
Giày vẹt gót áo sờn vai thấm lạnh
Có những chiều Trường Sơn núi rừng cô quạnh
Mẹ hiền ơi con nhợt nhớ quê mình
Khói lam chiều, giàn mướp lá lên xanh
Con bướm nhỏ mái đình xưa, ôi nhớ quá!
Vào nơi đây tuy đất người xa lạ
Nhưng miền Nam vẫn cùng một quê hương
Vẫn hàng dừa xanh, vẫn những con đường
Vẫn hương lúa ngọt ngào
Tiếng tiêu gợi nhớ
Con trâu về chuồng
Ðã qua buổi ban đầu bỡ ngỡ
Con nhìn ra nào giải phóng gì đâu?
Buổi chợ đông vui, đồng lúa xanh màu
Mái chùa cong buông hồi chuông tín mộ
Lớp học tưng bừng những đàn trẻ nhỏ
Ðang nhịp nhàng vui hát bản đồng ca
Và sau vườn luống cải đã vàng hoa
Ðàn bướm nhỏ rủ nhau về hút mật
Xóm dưới làng trên niềm vui ngây ngất
Sao người ta bắt con phải đốt xóm phá làng
Phải gài mìn gieo tang tóc thương đau
Ðã nhiều lần tay con run rẩy
Khi gài mìn để phút sau bỗng thấy
Xác người tung và máu đổ chan hoà
Máu của ai
Máu của bà con ta
Máu của người như con như mẹ
Ðêm hôm ấy mắt con tràn lệ
Ác mộng về, con trằn trọc thâu canh.”

Hình trên mạng, không nhớ tác giả

Mình sợ nhất là tối tối nghe bản nhạc truy điệu như truy hồn người chết rồi cô xướng ngôn viên kêu “sinh Bắc tử nam” rồi các tên cán binh Việt Cộng chết tại chiến trường miền nam. Năm nào về quê, 4, 5 giờ sáng, cái loa phường trước nhà mình cũng đọc tên những người trong làng chết ở chiến trường Điện Biên khiến mình cũng nổi da gà. 

Dạo ấy hay có máy bay bà già bay qua xóm rồi rải truyền đơn, mình với con nít hàng xóm, chạy đi lượm mệt thở. Toàn là truyền đơn kêu gọi hồi chánh và đài Sàigòn hay rêu rao: ”tôi là Nguyễn Văn Bé hiện còn sống đây,...”, ông Việt Cộng tên nguyễn văn bé bị bắt hay hồi chánh nhưng Việt Cộng rêu rao là ông ta đã hy sinh cho cách mạng chi đó. Sau 75, chắc mấy người hồi chánh đều bị Việt Cộng giết hết.

Hình trên mạng, lâu quá không nhớ tác giả

Chương trình này nhằm tuyên truyền chiến tranh tâm lý khiến Hà Nội lo sợ. Sau này đọc hồi ký của mấy ông cán binh lớn Việt Cộng thì họ cho biết là ở trong rừng, có nghe lén đài Sàigòn, nghe nhạc miền nam, họ không hiểu sao nhạc sĩ miền nam, bị đế quốc Mỹ kèm cụp nô lệ, có thể làm nhiều bài nhạc quá hay như ông Trịnh Công Sơn, Phạm Duy,… sau này mỹ rút quân nên chấm dứt chương trình tâm lý chiến này.

Mình không biết mấy ông Việt Cộng khi nghe đài này ra sao chớ mình nghe đen bài mặc niệm là nổi da gà dù nghe đi nghe lại mỗi ngày.

Theo hồ sơ vừa giải mật của Ngũ Giác Đài, quyển sách "The Secret War Against Hànội" của Richard H. Shultz, Jr., giáo sư chính trị học tại Fletcher School of Law and Diplomacy, đã phân tích những công tác của Mặt trận Gươm Thiêng Ái Quốc, Sacred Sword of the Patriots League. Hình như mình có kể vụ này rồi. Lười mò lại quá. Hà Nội rất lo cuộc chiến tranh tâm lý này, vì không có người trà trộn vào chương trình này do CIA tổ chức.

Khi chương trình được giải thể thì trùm CIA William Colby dự đoán: Tâm lý chiến đã làm Cộng sản thật sự "phát điên" vì tạo cho họ một cuộc sống ngày đêm hoảng hốt. Cuộc chiến bằng trí óc này đáng lý đem lại kết quả khá hơn nếu thượng tầng lãnh đạo Hoa kỳ quyết tâm đánh để thắng và thông suốt tâm lý Á châu. Việt Nam Cộng Hoà sẽ thua nhanh chóng nếu Hoa Kỳ rút quân hoàn toàn.

Hình trên mạng, không biết tác giả


Chị này có người anh trai đầu đi lính Biệt cách nhảy dù, hình như lúc đầu là lực lượng đặc biệt sau được chuyển qua BCND, nhảy đường mòn hcm, giải vây cho An Lộc, nay định cư vùng đông Bắc Hoa Kỳ sau mấy năm cải tạo. Hồi nhỏ trong xóm, mình ngưỡng mộ anh này, nghĩ sau này đi lính chắc đi Biệt cách nhảy dù nhưng rồi trời ị trúng đầu được đi du học.

Chị ta kể là Fan cứng của em, ngày xưa, mỗi ngày cứ mong đợi báo mới để đọc truyện Kim Dung, nay thì hóng xem Sơn đen viết cái gì khiến mình buồn cười, nhớ ngày xưa chị ta hay cho mình mượn sách đọc. Có lần chị đưa cuốn “doctor zhivago” rồi kêu mai trả vì bạn chị đòi. Tối đó, mình thức nguyên đêm đánh vần cuốn sách mà sau này ra Hải ngoại mình xem phim này lại không biết bao nhiêu lần bằng tiếng Tây, tiếng ý, tiếng Đức, tiếng Tây ban nha rồi tiếng anh.

Ông cụ mình thì không bao giờ đọc sách, chỉ đọc báo nhất là báo Thao Trường nên Mậu Thân, mình lấy ra đọc mấy ngàn tờ báo cũ vì ông cụ đọc xong thì làm collection, để dưới cái divan. Mình đọc loáng hết mấy ngàn tờ báo thể thao nên biết đến các cầu thủ như Pele, Kopard, Di Stéfano,… sau này kẹt tiền, kêu bà bán vé chai vô nhà, cân ký bán. Dạo ông cụ sang Hoa Kỳ chơi, thấy báo chí hàng ngày mua đọc, nặng cả ký, ông cụ nói có báo này ở Việt Nam, bán ve chai cũng đủ giàu.

Sau này mướn sách của tiệm Minh Thu ở dường Phan Đình Phùng, Đàlạt, xem như tốn khá tiền vì sách của tiệm này mình đều đọc hết. Hàng xóm, lúc đầu mấy người em của chị này cho mượn Tuổi Hoa để mình tập đánh vần ê a tiếng Việt sau thì chị cho mượn truyện dày hơn để đọc. Không ngờ ngày nay, chị ta lại đón đọc chuyện kể thời Đàlạt. Chị này có công đào tạo mình từ bé. He he he

Ngày xưa, mẹ chị này hay sang nhà mình ăn trầu, hút thuốc Cẩm Lệvowis Mệ ngoại mình và tố mấy ông chồng. Mẹ chị này có nghề chích lể nên mỗi lần cảm cúm là chạy qua nhờ bác ấy chích lễ, bác dạo ấy hơi bị lãng tai nên phải kề tai mà nói. Bố chị này, người cùng làng Dưỡng Mong với ông ngoại mình nên cuối năm, em trai của chị và mình hay đại diện gia đình đi chạp mộ rồi kéo nhau về nhà cậu Thành, chạy xe Lam, ở gần số 4, ăn trưa để biết mặt họ hàng. Hôm trước, mấy người em có tải lên hình ảnh của làng, có cái cổng được xây bởi ông bác của mẹ mình, Nguyễn Chánh Thi, khi ông ta đóng quân tại Huế.

Nói chuyện khá lâu rồi chị phải đi nấu cơm bồi dưỡng phu quân còn mình cũng phải bồi dưỡng đồng chí gái vì dạo này làm việc tại gia. Có dịp chạy lên vùng Los Angeles sẽ ghé thăm chị này. Nghe nói có cô em út và cậu em út đều ở vùng Bolsa. Để sau cơn đại dịch sẽ liên lạc sau. Không biết hai người này còn nhớ đến mình. Xong om

Nhs