Thời sinh viên

Mỗi ngày đi tập, mình hay đi ngang một tiệm cà phê hay quán trà sữa mà đa số gần như 95% là du học sinh từ Việt Nam. Lý do họ nói tiếng Việt và ăn bận khá đặc thù như mang dép kéo lê thê như mình ngày xưa thay vì mang giày bata như nhóm trẻ á đông ở đây.

Mình thấy họ ngồi lướt sóng hay làm bài chi đó không rõ, bên cạnh lúc nào cũng có ly trà sữa hay cà phê hoặc thức ăn. Phía ngoài thì có mấy bàn, mấy cậu sinh viên của đại học OCC, nơi mà điệp viên nằm vùng Phạm Xuân Ẩn từng theo học hay ngồi đánh bài, đánh đàn hát hò. Lâu lâu thì thấy có một đầu tóc vàng hay tóc quăn, chắc bạn của họ ngồi chung. Theo mình đoán chắc họ ăn ở đây và học bài luôn, chỉ về nhà ngủ khi tiệm đóng cửa.

Mình đoán là con đại gia ở Việt Nam sang du học vì thấy họ đi xe láng cóng nhưng cũng thấy trong mấy tiệm ăn Việt, nhiều du học sinh đi làm chui. Gia đình chắc cũng đủ tiền cho du học nhưng phải đi làm thêm để có tiền xài, khác với mấy cậu ấm cô chiêu ở tiệm trà sữa. Ai khôn mở quán này cho sinh viên du học giàu vì mình thấy đông lắm, độ 30-40 người. Mỗi người tốn 1 ly trà sữa và món ăn tối hay trưa là cũng đi đong $20, mỗi ngày cũng có lợi nhuận từ $2,000-$3,000.

Sinh viên ngoại quốc ở Hoa Kỳ có thể đi làm nhưng ít giờ chẳng bù lại khi mình mới qua Pháp, muốn đi làm phải có giấy được phép đi làm (permis de travail) nên không tìm được việc làm hay phải đi làm chui, chủ trả rẻ bằng tiền mặt. Đến khi Sàigòn đầu hàng thì xin vào tỵ nạn, mới được đi làm chính thức.

Nhớ lần đầu tiên đi làm ở bên Tây, hãng không biết trả lương cho mình bằng cách nào vì không có an sinh xã hội hay giấy tờ đi làm. Lý do họ mướn mình, vào giờ chót, có một tên đăng ký đi làm, nổi hứng kêu bận đi không được. Tên Tây quen từng sang Việt Nam, chạy lại phòng trọ của mình vào lúc 6 giờ chiều, may quá mình ở nhà. Hắn hỏi muốn đi làm 1 tuần ở La Clusaz không, theo một đoàn thanh niên đi trượt tuyết trên núi. Bổn phận mình là phụ hai tên đầu bếp, rữa chén bát, chùi cầu tiêu. Mình chả hiểu ất giáp gì nhưng nghe có việc làm là cứ gật đầu như gà nuốt dây thung.

Hắn kêu mình lấy cái túi đựng áo quần, rồi hắn dắt mình ra nhà ga Lyon mà ông Cung Trầm Tưởng làm thơ đủ trò, tả về chia tay cô gái đầm nào đó. Vừa lên xe lửa là xe khởi hành. Hú vía. Đi làm 1 tuần trong colonie de vacance mà tây nhà giàu gửi con lên núi trượt tuyết vào mùa đông. Về lại Paris thì công ty hỏi mình giấy tờ, không có. Cuối cùng họ cũng trả nhưng không nhớ bằng cách nào. Dạo ấy Sàigòn mất thì sổ thông hành của mình vô hiệu lực như không có. 

Sau này, gặp nhiều tên du học sinh ở âu châu thời đó, kêu là sau 75, Hoa Kỳ cho họ di dân sang. Mình không biết vụ này, nếu không đã đi mỹ thời đó thì chắc nay, giàu to. Mất 12 năm lang thang ở âu châu làm người vô tổ quốc, vô gia đình, vô thê tử. Chán Mớ Đời 

Bù lại thì mình có 12 năm đẹp nhất đời mình, đi quá giang xe khắp âu châu và Bắc phi. Vẽ tranh bán cho thiên hạ, sống qua ngày vào mùa hè, làm tiền nhiều hơn đi làm hè, với lương tối thiểu lại được biết xứ này xứ nọ, quen nhiều người bạn mà đến nay vẫn còn liên lạc. Sau này, lên năm thứ 3 thì  ông thầy kêu mình đi vẽ cho văn phòng ông ta nên có đồng vô đồng ra, gửi về cho mẹ, nuôi mấy đứa em và ông cụ trong trại cải tạo.

Có cuốn phim nói về một ông Tỵ nạn, vô tổ quốc, gốc Ba-tư, tên Mehran Karini Nasseri, đến phi trường Charles de Gaulle và không có chiếu khán để đi nước khác nên sống từ tháng 8 năm 1988 đến tháng 7 năm 2006. Ông ta có kể về cuộc đời ông ta qua cuốn “the terminal Man” và đã được dạo diễn Steven Spielberg đưa lên màn bạc với Tom Hanks đóng vai chính.

Ông tỵ nạn gốc Ba-tư, sống 8 năm trời ở Terminal I
Khi nhận được tiền lương đầu tiên, mình ghé vào một quán ăn việt vì thèm cơm Việt Nam quá sau mấy tháng ăn đồ tây. Nhìn vào thực đơn, tim mình muốn ngưng đập. Giá tiền một tô bún bò hay phở đều gấp 20, 25 lần ở Việt Nam. Cuối cùng thấy món bún bò rẻ nhất, giá 2 giờ làm việc của mình nên kêu. Tên bồi bàn người Việt hỏi “c’est tout “ mình gật đầu. Tên này bỏ đi miệng lằm bằm chi đó, khinh bỉ mình. Mình đoán là một tên thân cộng. He he he

Khi tên này bưng ra tô bún bò, mình lại quặng ruột, một chén bún bò chớ không phải tô bún bò Huế thường ăn ở Đàlạt. Giá xem như gấp 40 lần tô bún bò ở Đàlạt. Hôm ấy, mình liếm hết cái chén bún bò, có ớt mình cũng ăn dù rất sợ cay cho đáng đồng tiền bát gạo. Mẹ kiếp 1 bát bún bò bằng 4 chục tô bún bò Đàlạt. 

Từ đó sợ hết dám đi ăn tiệm Việt Nam đến khi đi làm bồi ở tiệm Việt thì tha hồ ăn bún thịt nướng. Có bà vú trong nhà ông Dương Văn Minh, không biết sao lại sang Tây rồi mở tiệm ăn nhỏ có 4 cái bàn trong khu St Severin, bán thức ăn rẻ nên mình bò lại ăn. Một hôm, không thấy thằng con bà ta làm bồi bàn mà khách thì đông nên mình đứng dậy, giúp bà ta bưng thức ăn và gọi món. Sau hôm đó, bà ta kêu thằng con, không chịu học, đi đánh bài, cuối tuần nó đi chơi, nhảy đầm hay đánh bài nên cuối tuần ghé lại giúp bà ta hầu mấy thằng tây con đầm, con cháu thực dân thì mình đồng ý, được ăn cơm miễn phí. He he he

Có hôm, bà ta trả 100 franc mỗi buổi tối, bà kêu ở lại phụ đến khi Métro đóng cửa. Mình kêu taxi về thì tốn 120 franc xem như lỗ vốn nên từ đó, cứ ở lại trễ thì đi bộ về nhà, cũng mất đâu 5, 6 cây số vào mùa đông gió lạnh hay tuyết rơi.

Cái mất dạy với tây đầm là khi đi ăn với chúng, chúng gọi rượu đắt nhất mà mình không uống rượu nhưng khi trả tiền thì chia đồng đều. Mình xin làm người bạn quý bất đắc dĩ, trả tiền uống rượu cho tây đầm, con cháu thực dân. Thù nước thù thực dân của mình mới phát hiện ra khi sang Tây.

Chiếu khán của mình là sinh viên nên phải ghi tên học trường Alliance Française được một tháng để làm giấy tờ lưu trú. Sau đó đi làm chui từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Đi xe Métro về tới nhà vào nữa đêm nên chả biết trời trăng gì về Việt Nam, đến khi một hôm, chủ kêu đi giao hàng cho khách hàng bằng Taxi, tên tài xế hỏi mình người xứ nào, nói Việt Nam, hắn kêu là sáng nay, đám thân cộng chạy vào toà đại sứ Việt Nam Cộng Hoà, đập phá dương cờ cộng sản. Đó là 30/4/1975 của mình. Chán Mớ Đời 

Đi làm thì không được mà niên học đã học nữa năm. Bên tây dạo ấy chỉ có học nguyên năm như ở Việt Nam, không có kiểu như ở Mỹ, từng khoá tam  cá nguyệt. May là chưa vào học vì không biết tiền đâu sống vì sau 3 tuần lễ ở Pháp là mình mất liên lạc với gia đình suốt 2, 3 năm. Sau này cậu Mạnh, con ông bà Phúng, tiệm Hiệp Thạnh ở đường Duy Tân về thăm Việt Nam, mới nhận được lá thư đưa tay của dì Thanh, kể gia đình bình an, bố mình thì Việt Cộng bắt ở tù, lên án 18 năm cải tạo.

Thấy du học sinh ngày nay sướng. Ăn uống tại quán trong khi mình khi xưa đi ăn ở quán cơm đại học, 5 quan pháp một bữa, ngày hai bữa. Sáng nhịn đói. Đi ăn cơm đại học thì mình bắt chước tây, mua chai sữa uống cho có chất bổ, ai ngờ bị đi cầu ná thở, dần dần quen nên cũng đỡ. Cuối tuần thì chạy xuống Cité universitaire, khu ký túc xá của sinh viên để ăn. Chỗ này thì đám thân cộng khá đông nên không dám hỏi chuyện đám mít da vàng.

Sau này có quen một tên sinh viên người Thái Lan, ở đây nên hay ghé phòng nó ăn cơm và tắm rữa vì phòng trọ của mình là phòng ô-sin (chambre de bonne) nên không có phòng tắm, cầu tiêu chi cả. Muốn đi cầu thì ra ngoài hành lang có cầu công cộng như xóm mình khi xưa ở Đàlạt. Hè thì nóng như thiêu đốt nên ra đó tắm nước lạnh. Mùa đông thì đi từ cũng phải bận mấy chục cái áo, lạnh teo chim và đi bơi ở đại học hay đá banh để được tắm. Kinh

Sinh viên tây đầm có trò ăn trưa xong chúng phải uống cà phê, chém gió hay chém tuyết nhưng mình không có tiền nên đành khất, lấy cớ đi vẽ. Trời mùa đông giá lạnh, cũng phải bò ra bờ sông Seine để ngồi vẽ hay đi viếng các nơi triển lãm tranh, nghệ thuật.

Đi học kiến trúc thì mỗi cuối tháng hay hai tháng một lần, tuỳ đồ án. Gần ngày nộp bản vẽ của đồ án thì mấy tên đàn anh kêu bọn đàn em, sinh viên mới vào (nouveaux) phải thức khuya để phụ chúng vẽ hay làm maquette. Được cái mình thích vụ này vì được tụi đàn anh bao đi ăn tiệm nên ăn thả dàn. Lao động vì miếng ăn dù có tồi tàn đi chăng nữa. Đói là ăn. Đó là những lần mình được đi ăn tiệm loại sang 1 tí, và tìm hiểu về thức ăn của tây vì đám tây đầm giải thích cho mình, món này của vùng nào, uống với rượu nào,…bú xua la mua.

Sinh viên kiến trúc hay thức đêm để vẽ thường được gọi là “charrette” vì trong trường có mấy ateliers nhưng ngoài trường cũng có những atelier khác nên đúng 12 giờ ngày nộp đồ án, thì có một ông tây đi xe thổ mộ ngang các atelier ở ngoài trường để lấy bản vẽ của sinh viên nộp đem về trường nên họ cho một sinh viên canh me, khi nào chiếc xe thổ mộ gần đến thì chạy kêu “charrette”, để cha con ngưng vẽ, bê mấy bản vẽ ra nộp nếu không là hết được phép nộp là ngọng. Thông thường một sinh viên kiến trúc mất 10 năm mới ra trường, cho nên khi mình chỉ mất 6 năm được xem là một trong những người ra trường sớm nhất.

Mình thèm ăn cơm tây dạo đó nên charrette nào cũng có mặt mình nhưng nhờ vậy mà sau này mình học hết mấy cái mánh vẽ sao cho choáng của đàn anh nên đi xứ nào cũng kiếm được việc làm. Cứ kêu cựu sinh viên trường cao đẳng quốc gia mỹ thuật Paris là cha con nể rồi. He he he

Dạo mới vào đại học, mình có liên lạc được với một tên học chung khi xưa ở Đàlạt. Hắn rũ về đại học Orsay chơi với đám sinh viên Việt Nam. Mình bò xuống nhưng hoá ra chúng tổ chức nhảy đầm. Mình là dân quê nên ngồi một cục rồi về. Dạo ấy, mất tin tức gia đình, Sàigòn mất nên mình cũng không hứng thú nhảy đầm múa đôi.

Sau này, gặp ông thuyền trưởng của Hải quân pháp ở hội cựu chiến binh viễn chinh tây mà người ta có làm phim về cuộc đời ông ta, từ Việt Nam đến Bắc phi qua phim “le crabe Tambour” đoạt giải Cesar đủ trò. Ông ta tham gia OAS, nhằm ám sát de Gaulle, bị bắt ở tù. Ông ta khuyên mình nên tránh gặp các sinh viên Việt Nam. Lý do là khi họ tụ tập lại thì cứ khóc than về cố hương, làm nản chí cuộc đời, quên cả học hành.

Dạo ấy cứ nghe Khánh Ly hát bài “người di tản buồn” là Chán Mớ Đời, hết muốn làm gì hay bài “chút quà cho quê hương” của Việt Dũng là khóc. Ăn món ngon của Tây cũng nghĩ đến gia đình ở Việt Nam, ông cụ trong trại cải tạo nên mình hiểu ý của ông “le crabe Tambour” nên trốn người Việt. Sau này, đi Ma-rốc, ông ta có giới thiệu mình thằng cháu làm cooperant bên đó. Đám ma ông ta thì mình ở Hoa Kỳ nên không về được, nhất là chỉ biết sau này.

Sau này gặp lại nhóm du học sinh xưa thì đa số bỏ học đi làm hết vì không được gia đình tiếp tế tài chánh sau 75. Chúng còn nói móc mình; chào ông kiến trúc sư. Chán Mớ Đời 

Nói cho ngay các cậu ấm cô chiêu về Việt Nam, dù học OCC cũng le lói, lên làm cha thiên hạ nhưng nhóm du học sinh đi làm thêm, thì chắc sẽ tìm cách ở lại Hoa Kỳ vì về Việt Nam, chả làm gì được ngoại trừ làm việc cho công ty nước ngoài.

Nghĩ lại thời sinh viên nghèo đói, cũng vui. Ngày lễ, tiệm cơm đại học (resto-U) đóng cửa thì mình nấu cơm bằng cái lò ga đi cắm trại rồi, mở một lon cá mòi ma-rốc, ăn ngon nức nở con gà tây hay mua ổ baguette và phong sô-cô-la, kẹp bánh mì ăn cho có sức để học. Vậy mà cũng ra trường được.
Xong om

Nhs