Biến cố khủng bố 9/11 ở Nữu Ước, đã thay đổi cuộc sống của mọi người tại Hoa Kỳ và một số khác trên thế giới. Ra phi trường là phải cởi giày dép, đủ trò dù trước kia vẫn có mấy vụ xét hỏi, kiểm soát hành lý để bảo đảm an ninh nhưng không rình ràng làm mất nhiều thì giờ như ngày nay.
Đại dịch của thế kỷ 21 này, chưa biết sẽ kết thúc lúc nào và ra sao nhưng chắc chắn sẽ để lại rất nhiều ảnh hưởng cho mọi người trên toàn thế giới. Sinh hoạt hàng ngày sẽ thay đổi, các tục lệ xã giao sẽ cải thiện,…
Sau vụ vi-khuẩn corona thì đi phi trường chắc còn mất nhiều thì giờ vì ngoài an ninh ra còn đến kiểm dịch y tế. Sự di chuyển của mọi người sẽ thay đổi khi đi máy bay hay xe lửa, tàu thuỷ. Có điều là các vụ du lịch trên các du thuyền chắc sẽ giảm thiểu rất nhiều qua những hình ảnh các du thuyền cập bến, không được xuống hay không có hải cảng nào đón nhận. Ta sẽ thấy máy nhiệt kế được trang bị khắp nơi ở phi trường, nhà ga, xe buýt,…để cách ly ai có thể bị bệnh. Nghe đồng chí gái kể là công ty hàng không Jetblue sẽ cấm vĩnh viễn một hành khách, không tự ý cách ly trước khi lên máy bay, chỉ thông báo sau khi đáp xuống nơi đến.
Nhà hàng, quán bar sẽ trang bị máy nhiệt kế để cho phép khách hàng vào tiệm hay không,… cuộc sống sẽ thay đổi và chúng ta sẽ phải thay đổi theo luật lệ mới nhân danh sức khoẻ y tế cộng đồng. Hôm qua ra tiệm ăn, lần đầu tiên thấy ngay cái chai khổng lồ để sát trùng tay ở cửa ra vào. Ai nấy đều đến bơm dung dịch sát trùng.
Những khẩu hiệu “thế giới mặt phẳng” hay “toàn cầu hoá” đã và đang được xét lại. Ra đường người Mỹ thấy những người gốc Ả Rập là lo sợ quân khủng bố, tránh xa, đưa đến những kỳ thị chủng tộc xâu xa trong xã hội Mỹ thường được xem là hiệp chúng quốc.
Những tâm tư thầm kín được che đậy bởi mặt nạ đạo đức giả, những câu nói của những người tự nhận văn minh, lên tiếng bảo vệ động vật, môi trường, người nghèo đủ trò để rồi khi con vi khuẩn Corona xuất hiện, giúp bộc phát ra hết, không còn che đậy bởi những ngôn từ trí thức, văn chương.
2 thập kỷ sau cuộc khủng bố, đại dịch coronavirus cũng sẽ thay đổi cuộc sống thường nhật của người Mỹ, về mặt y tế, về quan điểm người á đông nhất là người Tàu. Trên mạng xã hội, chúng ta thấy người Việt chửi bới người Tàu để rồi ra đường lại bị người tây phương kỳ thị, tránh mặt. Các tiệm ăn á đông đều vắng khách người sở tại. Cái mặt nạ yêu thương đồng loại, những câu chỉ trích người khác về kỳ thị chủng tộc, giới tính từ từ được kéo xuống, để lòi ra sự thật những gì người ta nghĩ về người hàng xóm, không có chung màu da.
ông Ricky Gervais lên tiếng trong khi điều khiển chương trình giải Golden Globe năm 2020; “So if you do win an award tonight, don't use it as a platform to make a political speech. You're in no position to lecture the public about anything. You know nothing about the real world. Most of you spent less time in school than Greta Thunberg. So if you win, come up, accept your little award, thank your agent, and your God and fuck off, OK? It's already three hours long. Right, let's do the first award.”
Hôm trước, có người hỏi ông huấn luyện viên của đội banh Liverpool, nghĩ gì về nạn dịch. Ông này kêu không biết, nên hỏi những người chuyên môn về bệnh dịch, ông ta chỉ biết túc cầu. Đó là câu trả lời thành thật nhật vì đa số muốn được nổi tiếng nên thừa cơ hội để phát biểu vớ vẩn để chứng tỏ mình này nọ, làm người nổi tiếng.
Báo chí truyền thông luôn tìm cách bán thông tin nên hay hỏi các minh tinh màn bạc, ca sĩ,…về những liên quan về xã hội môi trường dù những người này không phải là chuyên gia, do đó đưa đến một xã hội bao trùm những tư duy vay mượn từ các câu tuyên bố để nổi tiếng.
Nhớ khi đi học về đầu tư, người ta dặn, khi đau răng thì đi nhà sĩ , chớ hỏi ông thợ sửa xe, khi xe bị hư thì đưa đến tiệm sửa xe thay vì gọi bác sĩ gia đình,… chúng ta có khuynh hướng nể nang và phục các người nổi tiếng nên tin tưởng khi họ tuyên bố vì ngày nay, họ chính là những ông cố đạo truyền thông.
Đọc trên mạng, có nhiều người tải lại tin tức mới cho mọi người về nạn dịch nhưng cũng có người muốn khẳng định gì đó nên tải toàn tin vịt, cộng thêm nhân sinh quan của họ, càng làm mọi người bất an, lo lắng. Hạ viện vừa thông qua một luật về kinh tế để kích cầu nền kinh tế, bị ảnh hưởng đại dịch, cho thấy hành pháp và lập pháp đã làm việc âm thầm từ mấy tháng nay để chuẩn bị các thiệt hại gây nên bởi đại dịch.
Những người chống cộng, lên tiếng chỉ trích Hà Nội nhưng trên thực tế, nạn nhân sẽ là người Việt, nghèo khó chớ không phải các đảng viên giàu có, đi tham quan hạng thương gia hay đánh gôn cực đỉnh.
Dù tranh cải chính trị, bất đồng ý kiến nhưng vì lợi ích của nước mỹ, hai Đảng Dân CHủ và Cộng Hoà, đều thống nhất để biểu quyết luật này và sẽ được tổng thống ký ngay. Cho thấy người Mỹ quan tâm đến quyền lợi quốc gia của họ hơn làm người nổi tiếng. Tiền lời xuống thấp như ở âu châu cho thấy kinh tế đang bị đe doạ còn Âu châu thì qua vụ này chắc còn te tua hơn vì không còn chỗ để xuống tiền lời cũng như Nhật Bản.
Về kinh tế thì người ta sẽ không đưa qua Trung Cộng hay các nước khác để sản xuất hay mua đồ của ngoại quốc vì hậu quả cho thấy 80% dược phẩm từ các nước tây phương đều được sản xuất tại Trung Cộng. Công ty sản xuất Hyundai phải ngưng hoạt động vì đồ phụ tùng từ Trung Cộng không được nhập cảng,… người ta sẽ bố trí sản xuất trong nước, còn ngoài nước thì sẽ ít đi để không bị phụ thuộc.
Chủ nghĩa tư bản đại đồng sẽ được thay đổi bởi chủ nghĩa hồn ai nấy giữ, dân tuý hay đi xa hơn là chủ nghĩa da trắng tuyệt đối.
Các nền xuất cảng hay nhập cảng cũng sẽ được khuếch trương rộng hơn, không lệ thuộc vào một thị trường vì nếu có chuyện lộn xộn là mệt. Mỗi mùa bơ, mình đều tìm vài công ty mua sĩ để thương lượng giá cả. Nếu một công ty kêu không có người đến hái và chở bơ của vườn mình thì phải kêu công ty khác ngay, thay vì để ngoài trời mấy ngày sau khi hái sẽ bị hư,…
Tương tự mình cũng phải tìm kiếm, làm quen với mấy người nuôi ong khác vì lỡ ông mỹ nuôi ong trong vườn mình bị đau ốm hay nghỉ luôn.
Năm nay, giá đầu mùa cao nên mình hái bán cho xong. Bán xong hơi tiếc vì có thể bơ bên Mễ sẽ không được nhập cảng vì coronovirus nhưng nếu bơ mà giá cao quá thì cũng chả có thằng tây con đầm nào mua, kinh tế suy thoái, họ lo mua giấy vệ sinh hơn là ăn bơ nên chắc cũng ổn. Hôm nay, biên giới Mễ và Hoa Kỳ được tạm đóng cửa.
Các nhà mua sĩ đã gửi cho mình giá mua bơ của họ thì thấy xuống 30% so với giá mình bán tháng vừa rồi. Cho thấy người tình không bằng trời tính. Mình bán hết vì thấy giá cao hơn các năm khác vào thời điểm đầu mùa. Bán xong thì tiếc vì đại dịch, họ sẽ cấm cửa biên giới, ai ngờ tiệm ăn không mở cửa nên chả có ai mua bơ. Hú vía
Theo dõi báo chí thì Việt Nam lệ thuộc vào xuất cảng qua Trung Cộng quá nhiều nên khi biên giới bị đóng là ngọng hết. Các nông phẩm đều tụ và được bỏ lại biên giới vì Trung Cộng không cho nhập. Nếu có những thị trường khác thì chắc chắc các nông dân sẽ không bị khốn đốn như lúc này. Thêm sông Mekong bị cạn, đồng ruộng bị khô hết cho thấy viễn kiến của Hà Nội không xa lắm, chỉ ăn bám vào Trung Cộng. Nay chới với. Có lẻ đã quá trễ chăng.
Vào những lúc này thì người Việt mới hiểu là cần buôn bán lương thiện với ngoại quốc vì khi gặp lộn xộn, họ sẽ tiếp tục mua hàng của mình hay viếng thăm Việt Nam. Chứ theo đuổi kiểu chặt chém, mì ăn liền thì khi đụng trận sẽ ngồi tiếc nuối. Du khách sẽ không trở lại ngoài tây ba-lô mới. Xem một tấm ảnh Thái Lan, chụp hàng trăm xe buýt chở du khách đậu bến, mới hiểu du lịch của xứ họ quá mạnh khác xa ở Việt Nam.
Về mặt nhiên liệu, thừa cơ hội này, các nước ả-rập và nga-sô tìm cách phá giá dầu thô để làm các công ty khai thác dầu hoả Hoa Kỳ bị phá sản. Các công ty khai thác dầu mỹ chỉ sống sót nếu giá dầu thô phải bán trên $40/ thùng. Chính phủ Hoa Kỳ, tuyên bố sẽ mua dự trữ dầu thô nhưng trên thực tế là để cứu đám dầu hoả, thay vì đem tiền đầu tư xây hạ tầng, giúp y tế người nghèo khó. Năm 2020, là một năm sẽ được thế giới ghi nhận có nhiều chuyện xẩy ra như năm Mậu Thân.
Về mặt y-tế thì người ta cẩn thận hơn khi tiếp xúc người lạ hay đi du lịch. Ngay bây giờ, gặp nhau người ta không bắt tay mà chắp tay như người Ấn Độ để chào nhau. Có thể du lịch ở nước ngoài sẽ giảm rất nhiều cho thập niên tới đây. Con người sẽ hướng nội nhiều hơn, chỉ du lịch trong nước, ít lên máy bay theo chế độ bế môn toả cảng.
Được biết là mỗi năm có trên 160 triệu người Tàu đi du lịch khắp nơi trên thế giới, và có 146 triệu du khách viếng thăm Trung Cộng. Cho thấy muốn tiếp thị du lịch cho người ngoại quốc trong tương lai, chúng ta cần phải nói đến vấn đề y tế, sạch sẽ thì mới thu hút được du khách hay thực khách.
Sáng nay, ở hội Toastmasters, mọi người áp dụng việc không bắt tay hay ôm khi chào nhau vào buổi sáng mà đưa cùi chỏ ra cụng nhau. Người ta bắt đầu để ý đến sự nhiễm trùng khi tiếp xúc nhau. Có lẻ ai đau sẽ tự ý cách ly ở nhà để không gây nhiễm cho đồng nghiệp hay bạn học. Hội mới ra tuyên cáo là tạm ngừng hoạt động trong thời gian đại dịch.
Về giáo dục, các lớp được hướng dẫn, giảng dạy qua mạng sẽ gia tăng nhiều trong trường học hay đại học. Trường con gái mình, bắt đầu giảng dạy thử qua mạng để chuẩn bị trường hợp đại dịch xảy ra và chính quyền bắt mọi người không được di chuyển. Trước Tết, ở Hương Cảng, các vụ biểu tình đưa đến trường giảng dạy qua mạng và thi qua mạng luôn.
Nói đến con gái thì mới hú vía. Nó theo học USC với chương trình của 3 đại học: USC, khoa học Hương Cảng và Bocconi Milan, Ý-đại-lợi. Năm đầu thì học USC, năm thứ hai thì học đại học Hương Cảng, năm thứ 3 học ở Milan, Ý-đại-lợi. Còn năm cuối cùng thì tự chọn, muốn về trường mẹ thì về còn thì học trường nào cũng được, ra trường sẽ được nhận 3 bằng của 3 đại học trên. Con mình chọn Hương Cảng thay vì về trường mẹ thì mình đồng ý, lý do trả tiền rẻ gấp đôi USC ($72,000/năm).
Ai ngờ biểu tình lung tung xẻng ở Hương Cảng khiến mình lo, kêu khoá cuối cùng về lại USC thì con gái nói để qua Ý-đại-lợi, học. Vụ coronavirus khiến mình la nó, không cho đi. Nó kêu Ý-đại-lợi có hệ thống sức khỏe tốt hơn nhưng mình chửi nó một tăng, nay nó ở lại USC thì vùng Milan bị cách ly, người ý chết như rạ trong mùa đại dịch này. Đa số là người cao niên. Nước này muốn tách riêng đi đêm với Trung Cộng, làm ăn đầu tư để lập lại con đường lụa ngày xưa, Marco Polo đi tàu để làm giàu, thoát khỏi nền kinh tế lừng khừng. Ai ngờ lại bị dịch của người Tàu nặng nhất Âu châu.
Người gốc á-đông, dù có sinh trưởng và lớn lên tại các nước tây phương sẽ bị nghi ngại và người ta sẽ sợ các sản phẩm từ Trung Cộng hay á-châu. Các giới truyền thông sẽ dựa vào vụ đại dịch này để đánh Trung Cộng khiến các nước á châu, phi châu có cơ mưu hợp tác kinh tế với Trung Cộng sẽ suy nghĩ lại. Người ta sẽ theo quy chế Hồn ai nấy giữ.
Nếu ai có rạp Xi-nê thì chắc sẽ đóng cửa luôn vì khán giả sẽ không bao giờ trở lại. Thật ra xã hội đang thay đổi, người ta xem Netflix nhiều hơn là coi phim trên các kênh truyền hình. Khi họ bắt đầu áp dụng hệ thống 5 gờ thì chắc còn thay đổi nhiều hơn.
Người ta sẽ không còn sử dụng tiền tươi nữa mà tất cả đều qua điện thoại hay thẻ tín dụng vì tiền tươi có thể mang theo vi khuẩn.
Có điều mình nghĩ qua vụ này, chúng ta cảm thấy chỉ có một con vi-khuẩn vô hình mà đã làm cả thế giới rúng động, bao nhiều thay đổi, lật mặt nạ thường được dấu sau những cụm từ hoa mỹ. Cho thấy những gì chúng ta đua đòi, chạy theo danh vọng ,…có thể mất trong tích tắc. Cô gái con nhà giàu chơi thời trang với nhóm giàu có, nay Milan, mốt Paris, mai Luân Đôn, bổng chốc bị nhiễm trùng rồi bị Hà Nội, đưa lên truyền thông đánh tới tấp để che mấy cán bộ cao cấp khác, đi cùng chuyến. Các người này có đối thủ rình rập cơ chế, địa vị của họ nên nhảy vào hội đồng, đem hình ảnh vợ con ra bêu xấu dù con nít cần được che mặt.
Trong giai đoạn này, hình ảnh các người ý, Tây-ban-nha bị cách ly, mở cửa sổ, đồng ca, hát cho nhau, nói rõ bản tính con người khi gặp một nguy cơ nào đó, cùng một lứa bên trời lận đận, sẽ đưa họ lại gần với nhau. Chúng ta sẽ đối xử nhau với tính nhân bản hơn là lòng đố kỵ, ganh tức. Họ có thể liên lạc qua mạng nhưng khi bị cách ly thì họ cảm thấy thật sự cô đơn nên đã mở cửa sổ, kêu gọi hàng xóm, hát hò để dấu đi nổi sợ hãi của nổi cô đơn trong cơn đại dịch.
Hôm qua, than với bà hàng xóm là đi chợ hết gạo, bà ta kêu ông chồng đem sang tặng 5 cân gạo lức cho thấy tình người vẫn chưa mất qua các không gian ảo mà chúng ta lướt hàng ngày, xeo-phì, tự sướng. Bao nhiêu người nhấn “Like” nhưng nay chả thấy ai kêu đến nhà tặng cho miếng cá kho,…thường được nhận “lai”, ngoài bà hàng xóm đem cho đĩa xôi Lạp xưởng và 5 cân gạo. Chán Mớ Đời
Đồng chí gái kêu đi chợ mua giấy vệ sinh để trữ khiến mình Chán Mớ Đời. Nói trong ga ra có 2 bọc bự chưa khui, xài cả hai năm chưa hết. Thêm nữa, lần đầu tiên đi du lịch bên Nhật Bản, thấy trong khách sạn có gắn cái bàn cầu nhật Toto nên mình gửi mua để gắn ở nhà giúp đồng chí gái không bị nhiễm trùng tùm lùm nên đâu có cần giấy vệ sinh nhưng mụ vợ cứ la om xòm nên chạy đi chợ. Chả thấy gì cả. Thiên hạ mua sạch từ lâu. Về nhà bị vợ chửi sao không đi xếp hàng lúc 6:00 giờ sáng, đợi 4 tiếng đồng hồ để mua cuộn giấy dù trong ga ra có cả đống. Vợ lúc nào cũng đúng, sáng suốt quang vinh.
Chán Mớ Đời
Nhs