Lịch sử lập lại


Từ khi ông Trump đắc cử, mình nhận thấy trên mạng, mấy tên bạn quen choảng nhau, đúng hơn là chúng không biết nhau, vì mình quen đủ loại người. Qua mạng xã hội thì mình thấy có hai phe mình quen biết choảng nhau, đáng chú ý nhất là nhóm quen gốc Việt. 

Gặp mấy tay chống Trump thì kêu bọn cuồng Fan của Trump ở Bôn Sa còn gặp nhóm ủng hộ Trump thì chửi bọn tỵ nạn ăn cơm mỹ thờ obama chi đó, kêu gọi tự do ngôn luận, tự do dân chủ...với điều kiện do tui lãnh đạo. Thậm chí có người ăn trợ cấp, buồn đời tự xưng là vua hay tổng thống do họ tự bầu lên như Mộ Dung Cô. Khá vui


Tuy cùng là người Việt tỵ nạn nhưng lại khác lập trường chính trị khiến mình nhớ lại thời sinh viên ở Tây. Cộng đồng người Việt hay trong giới sinh viên được chia làm hai phe: bên chống cộng sản và bên ủng hộ Hà Nội. Mỗi năm đến ngày Tết là cứ phá đám lẫn nhau, đập lộn như điên ở khu Maubert. Hiện tượng này không những chỉ xảy ở Pháp mà khi mình sang Ý Đại Lợi làm việc hay Thuỵ Sĩ cũng tương tự.

Lúc đầu mình hơi bị ngố vì hồi nhỏ học việt văn, cô giáo kêu: “ nhiễu điều phủ lấy giá gương, người chung một nước phải thương nhau cùng”. Ra Hải ngoại, gặp người Việt thì mừng rỡ hỏi chuyện, họ nhìn mình như nhìn 3 Lúa. Nhớ dạo mới sang Ý Đại Lợi, trưa ăn cơm ở hội quán sinh viên, bà gác-dan ý kêu có thằng Việt Nam trong phòng đọc báo, mình chạy vào thấy tên Á đông ngồi đọc báo, chạy lại hỏi “Việt Nam hả”. Tên này từ từ nhìn mình với đôi mắt hình viên đạn rồi hỏi giọng quảng nam “có chóng khong?” Mình hỏi chống gì, hắn kêu “chóng cọng”, mình kêu chống chớ, lúc đó hắn mới kêu ngồi xuống nói chuyện.

Dạo học cao-học về môn “phát triển đệ Tam thế giới” ở trường bách-khoa Lausanne, Thuỵ-sĩ mình có làm luận án ra trường về sự canh tân của Nhật Bản dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng, được biết là chính phủ Nhật chỉ gửi các chuyên gia, các sinh viên đã tốt nghiệp đại học ra Hải ngoại để học thêm còn sinh viên trẻ thì họ mời các giáo sư ngoại quốc đến dạy.

Lý do là giới chuyên gia đã đi làm, có kinh nghiệm tại Nhật Bản nên khi ra Hải ngoại học sẽ tìm cách học hỏi để giúp ngành kỹ nghệ của Nhật Bản với những gì hiện có trong khi sinh viên trẻ ra Hải ngoại thì về lại Nhật Bản sẽ áp dụng công thức học ở nước ngoài để áp dụng cho nền kỹ nghệ thô sơ của Nhật Bản.

Mình có ông dượng bà con, đã học đại học kiến trúc Việt Nam sau đi du học bên Tây, khôi nguyên của giải La Mã. Khi dượng về Việt Nam, nhờ hiểu biết văn hoá Việt Nam nên thiết kế dinh thự, pha chế hai nền văn hoá Âu Á. Gặp mình về thì chắc chỉ thiết kế theo Tây, hô hào kiến trúc Tây là số 1.

Về Việt Nam, mình có viếng nhà người quen ở mấy nhà dinh thự to đùng, được thiết kế theo kiểu nhà ngoại quốc thì rất khổ vì ở tây phương, xứ họ lạnh nên xây nhà để giữ nhiệt độ vào mùa đông còn ở Việt Nam thì đã nóng mà lại thiết kế kiểu tây nên phải mở máy lạnh 24/24. Có lần ở Đà Nẵng gia đình mình mướn một căn hộ gần biển, họ thiết kế theo kiểu tây phương, làm bằng kính hết. Nóng như điên, bít bùng, phải mở máy lạnh 24/24. Chưa kể là sống như vậy lâu ngày đem đến bệnh hoạn vì không khí không được thay đổi.

Chính phủ Việt Nam cho đi du học khi mới 18 tuổi thậm chí lúc còn học trung học nên giới trẻ ra hải ngoại, dễ bị ảnh hưởng của môi trường xung quanh. Họ chưa có cái nhìn chính chắn về quê hương của mình, và hiểu Việt Nam sẽ cần cái gì để giúp phát triển thêm nữa thời chiến, có rất nhiều gia đình giàu có cho con đi du học từ trung học để khỏi phải đi lính,… mình nghe kể giới du học ở tây về chuyên xổ tiếng tây hằm bà lằn.

Mấy ông học ở Pháp về cứ xổ thuyết hiện sinh của Jean Paul Sartre, Simone De Beauvoir,…hay Stalin, Karl Marx không dính dáng gì đến người dân Việt Nam, cứ như nghe tiếng tây bồi. Điển hình là sau khi tốt nghiệp, mình chả biết gì về văn hoá Việt Nam, nếu về Việt Nam thì cũng nhái lại những gì ông Tây bà đầm dạy. Người Việt mình lại sính ngoại, cái gì của ngoại quốc là khá hơn Việt Nam, thậm chí kít ngoại quốc vẫn thơm hơn kít người Việt. Chán Mớ Đời 

Như ông Mao Trạch đông kêu: "Tri thức bất hạ hương, bất đẳng phẩn" ( Trí thức không xuống đồng ruộng thì không bằng cục phân). Mình đọc trên mạng, không nhớ ở đâu, hình như ở blog của ông Chu Mộng Long, có đoạn giải thích lịch sử câu nói như sau: “  Khi giao Trương Hề Nhược làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Mao hỏi: "Làm cách nào để hình thành nên đội ngũ trí thức XHCN?" Trường Hề Nhược trả lời: "Giáo dục là con người. Con người trí thức XHCN là con người nhân văn"... Mao quát: "Trí thức có nhiều loại trí thức. Trí thức phong kiến thì cúc cung tận tụy phục vụ vua chúa, trí thức ăn phải bã tư bản thì coi thường nông dân vô học, trí thức XHCN thì phải xuống đồng ruộng với nông dân. Trí thức không xuống đồng ruộng thì không bằng cục phân. Hiểu chưa?" 

Người ta bỏ đoạn đi xuống ruộng nên trước đây mình hiểu sai. Trước kia, làm nghề kiến trúc sư nên đầu cứ ngong nghênh đến khi đi thầu xây nhà cho thiên hạ, leo mái nhà bắn Đinh lợp mái nhà hay trộn hồ xi măng thì mình mới giác ngộ cách mạng lao động là vinh Quang. Nay làm vườn càng quý mến nông dân và thiên nhiên.

Marx cho rằng nhân công bị bốc lột nhưng ở Việt Nam đâu có nhà máy, hoạ chăng trong mấy đồn điền cao su, đời sống khắc nghiệt, chớ ở chợ hay nông thôn, tây đâu có bốc lột ai đâu ngoài mấy địa chủ trung nông.

Nếu mấy tên du học sinh này về Việt Nam, tìm cách sử dụng văn hoá, tập quán Việt Nam để tìm cách canh Tân đất nước như chuyên gia Nhật Bản được gửi đi học ở ngoại quốc thì tốt quá, đây cứ bắt chước mấy ông tây, đòi làm cách mạng. Cách mạng xong rồi không biết làm gì nữa vì cả đời chỉ biết đánh nhau còn vấn đề kinh tế thì bù trớt, chỉ biết phá hoại, đưa đất nước thụt lùi.

Tại sao các sinh viên Việt Nam trước 75, có người theo Hà Nội và có người chống cộng sản? Theo mình thì họ rời Việt Nam còn quá trẻ tuổi đời để hiểu vấn đề đất nước, tương tự mình khi 18 tuổi qua Tây, đâu biết gì. Bị cú sốc văn hoá, ở Việt Nam nếu là Việt Cộng nằm vùng thì đã bị bắt ngồi tù, nay thấy Đảng viên cộng sản đầy trường. Dạo ấy 25% cử tri pháp là cộng sản, bên Ý Đại Lợi thì lên đến 35%. Mình với văn hoá Việt Nam, không quen tranh luận cũng như chả biết tí gì về thuyết cộng sản để tranh luận. Chỉ nói được là cộng sản tàn ác, bắn chết người dân vô tội,…khiến tây đầm khinh bỉ, chửi mình là tay sai cho đế quốc Mỹ,…

Sinh viên tây đầm thuộc loại duy lý nên phải chứng minh cho chúng mới tin nhưng mình đâu biết gì để chứng minh trong khi chúng cho mình xem hình tướng 6-lèo bắn tên Việt Cộng đã giết một gia đình sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà trong lúc giao tranh Tết Mậu Thân hay hình ảnh cô bé trần truồng chạy trên quốc lộ, phía sau là khói bom… do đó bắt buộc mình vào thư viện tìm sách đọc, thân cộng cũng có và chống cộng cũng có…

Ở đâu quen đó, người Việt ở Hoa Kỳ cũng từ từ bị nhiễm thói, tư duy của người Mỹ rồi đi bầu cho Đảng có đường lối đúng với nhân sinh quan của họ nên đâm ra có hai loại: một theo Đảng Dân-chủ và một theo Đảng Cộng-hoà rồi lên mạng chửi nhau, vui như pháo Tết. Mỗi ngày lên mạng, mình vui vì vừa đọc xong bài tên A quen, tải về tin tức thường Fake News, chửi Trump rồi tên B lại tải về tin tức fake News khen Trump là anh hùng cái thế. 

Nguy hiểm ngày nay, các cố đạo Tân thời là những nhà báo, phê bình mà chúng ta xem trên đài truyền hình. Cứ nghe tên nào nói chuyện là mình có thẻ hình dung cổ động viên của đài MSNBC, CNN hay Fox,… chúng ta chỉ lập lại những gì các cố đạo truyền hình giảng với định hướng dư luận, không có thời gian suy nghĩ, đọc các tin tức khác trái chiều để có một kết luận riêng tư.

Truyền thông chỉ muốn thiên hạ choảng nhau để họ bán quảng cáo. Vui không thể tả như dạo ở Pháp, có chương trình tếu lâm chính trị. Họ đưa ra hai hình nộm: 1 là George Marchais, chủ tịch Đảng cộng sản pháp và Jean Marie LePen , chủ tích Đảng Front National. Hai bên cứ chửi qua chửi lại, mình chỉ nhớ ông George Marchais hay kêu: “C’est un scandal”. Mỗi lần xem truyền hình có ông này, mình phải đợi ông ta nói câu bất hủ trên mới tắt đài.

Nếu cãi nhau về chính trị tại Hoa Kỳ thì không sao nhưng họ đòi áp dụng thể chế Hoa Kỳ vào Việt Nam khiến mình lo sợ. Lý do Hoa Kỳ đã trải nghiệm nền dân chủ từ 250 năm qua, và chưa được hoàn hảo lắm thêm trước đó tổ tiên họ đã ở Anh Quốc, đã có tự do ngôn luận,… trong khi Việt Nam thì chưa bao giờ thực thi chế độ dân chủ theo đúng nghĩa cả. Việt Nam Cộng Hoà mới tập sự nhưng ai chỉ trích quá thì bỏ tù khiến họ theo Việt Cộng luôn. 

Về Việt Nam, nói chuyện tự do nhân quyền thì sẽ khiến dân việt, nhìn họ như bò đội nón như xem người nói chuyện cõi trên. Người dân chỉ muốn có công ăn việc làm để nuôi gia đình, còn ba cái tinh thần dân chủ chi đó đối với họ là chuyện cõi trên tương tự khi xưa, Đảng Lao Động bắt ép nông dân theo họ bằng võ lực, nếu không theo sẽ bị giết vì nông dân có đi du học đâu mà hiểu gì về thuyết cộng sản với trừ sản, như trường hợp ông cụ mình, không theo bị du kích vây quanh nhà ban đêm nhưng nhảy qua hàng rào hàng xóm, trốn thoát rồi vào nam.

Các du học sinh từ ngoại quốc về, người tốt nghiệp ở Hoa Kỳ thì kêu phải tổ chức, làm việc theo thằng Mỹ mới hiện đại, người ở tây về thì kêu không được phải canh Tân theo kiểu thằng Tây, người học ở Trung Cộng về kêu phải làm theo Mao chủ tịch,… chúng ta sẽ muôn đời bắt chước người khác và chắc chắn sẽ không bao giờ thành công như thế hệ cha ông mình đã theo Mỹ và Liên-sô và tàu để rồi đập lộn nhau te tua.

Cứ qua âu châu sẽ thấy cộng đồng người Việt sinh hoạt ra sao. Mình nhớ dạo ở Anh Quốc, mỗi lần có lễ do cộng đồng người Việt tổ chức là có lộn xộn. Dân tỵ nạn đi từ miền Bắc lại hát quốc ca của miền Bắc, chào cờ đỏ sao vàng còn dân đi từ miền nam lại hát quốc ca miền nam, chào cờ vàng 3 sọc đỏ rồi choảng nhau. 

Họ vẫn sống trong ký ức, bắt họ từ bỏ ký ức làm cái mới?

Nếu áp dụng thể chế dân chủ Hoa Kỳ vào Việt Nam thì nên xét lại. Cứ xem quá trình thành lập cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, bao nhiêu hội đoàn mọc ra như nấm nhưng có ai nghe ai không. Dân chủ thì muốn làm gì thì làm, ai không nghe mình là cứ chụp cái nón cối lên đầu. Nghe nói, Tết này có hai cái diễn hành ở bôn Sa rồi có ông thần nào trả tiền, nghe nói trên 1 triệu đô để bãi nhiệm mấy người dân cử tại Bôn Sa còn doạ sẽ kiện hết ai chê ông ta tùm lùm. Trong chế độ tư bản, thằng có tiền là thằng có quyền. Nó kiện mình nghèo, không có tiền mướn luật sư giỏi là thua.

Thế hệ mình tuy sống ở Hải ngoại nhưng vẫn lơ lững ở chỗ gạch nối nữa Việt nữa Mỹ hay tây như cụm từ Vietnamese-American hay Franco-Vietnamien,… phải đợi đời con mình sinh ra tại Hải ngoại mới thật sự hấp thụ được nền dân chủ của nước sở tại. Chúng ta bận đồ vét của Tây phương nhưng cư sử như anh Mít rặt 100%. Lịch sử lập lại và nếu chúng ta không thoát khỏi ảnh hưởng cua quá khứ thì khó tiến tới cờ lờ mờ vờ hay cờ mờ đờ.

Chán Mớ Đời 

Nhs