Trận đòn Tết năm ấy

Khi lên 10ème thì mình bắt đầu học tiếng Việt, đánh vần và viết tiếng Việt với ông thầy Tường. Sau này có con, sinh hoạt hướng đạo thì các cháu học lớp tiếng Việt do các trưởng hướng đạo dạy khiến mình ngạc nhiên về cách đánh vần. Ngày xưa mình học đánh vần chữ "khổ" là "ca hát ô khô hỏi khổ", còn ngày nay con mình học đánh vần "khờ ô khô hỏi khổ" nên mình nghĩ chắc học trường Tây nên họ dạy khác\. Sau này hỏi một ông thầy nghiệp dư thì ông ta bảo đó là cách đánh vần sau 75, các trưởng còn trẻ hơn mình nên quen đánh vần kiểu hậu 75 cho nên trước 75 thì ai cũng "khổ" nhưng họ "còn ca còn hát" được còn sau 75 thì cũng "khổ" nhưng không ca không hát chỉ "khờ" thôi.

 Đến năm 9ème thì bắt đầu học mấy cuốn Quốc Văn giáo khoa thư và luân lý giáo khoa thư của ông Trần Trọng Kim với một ông thầy người Việt mà mình không nhớ tên nhưng lại thích học giờ ông này nhất vì ông ta dành 5-10 phút cuối giờ để kể chuyện kháng chiến chống Tây. Ông kể mấy người theo kháng chiến, khi di chuyển thì đi cách nhau 50 m, để tránh bị phục kích cho nên rất lâu mới đến chỗ trú quân nhất là phải đi vào buổi chiều để tránh máy bay trinh sát. Ông này người Nam nhưng có tài kể chuyện hấp dẫn làm cả lớp ngồi im không nhúc nhích. Cũng lạ Tây mướn một ông thầy theo kháng chiến chống Tây để dạy học sinh của họ.

Ông thầy dạy làm luận văn thì có 3 phần:; phần mở đầu, thân bài rồi cuối cùng là kết luận. Nào là tả nghĩa đen, tả nghĩa bóng khiến mình định bụng sẽ viết rất chiến đấu. Hôm đó ông cho đề tài, tả con chó nhà em nên về nhà, ngắm nghía, quan sát con chó rồi cắm cúi viết về con kiki nhà mình. Mình chia bài luận ra 3 phần như thầy dạy: Đầu bài: con chó nhà em có cái đầu đen Thân bài: có cái thân dính 4 cái chân đen Đoạn kết: một cái đuôi đen Lần sau khi trả bài thì thầy cho mình 2 điểm khiến mặt mình tái mét xanh như đít nhái.

 Về xóm mình đi hỏi thằng Nguyễn thành Sang, học chương trình Việt, mượn cuốn vở luận văn của nó để đọc. Nó có bài tả con chó nhà em được 8 điểm nên mình phải tốn cục kẹo gừng mua ở quán bà Thủ trên dường Thi Sách, để mượn cuốn tập của nó về, bắt chước làm bài luận mà ông thầy mới cho để nộp kỳ tới. Thằng Sang này viết hay lắm, sau này học Văn Học chung với nó, thấy nó viết thư cho gái thay vì nghe thầy giảng rồi đưa cho mình đọc, đầu gật gù hỏi phê không? Rồi nó bị đôn quân đi biệt tăm, nghe thằng Bình Minh, hàng xóm của nó nói là nó có gửi thư cho mình nhờ tên Minh này đưa lại nhưng hắn vô tình quăng thùng rác mất. 

Đề mới của bài luận là "tả ông em" nên mình bê ngay bài luận tả con chó nhà em của thằng Sang, chỉ đổi vài chữ, cho hợp tình hợp cảnh. Nó viết nhà em có nuôi một con chó thì mình đổi thành nhà em có nuôi một ông ngoại, lông nó đen cho nên nhà em gọi nó là mực thì mình đổi thành tóc ông bạc nên bà mình hay gọi là thằng bạc tình. Con mực không ăn cơm nhiều lắm, chỉ ăn đồ thừa nên nuôi nó không tốn cơm thì mình đổi lại ông em không có răng nên ăn ít cơm nên nuôi ông không tốn cơm... Mình hí ha hí hửng, nắn nót viết chữ đẹp, chắc chắn phen này ông thầy sẽ cho mình ít nhất 8 điểm như thằng Sang. Ai ngờ lần sau ông thầy cho mình 1 điểm nên đòi thằng Sang lại cục kẹo gừng nhưng nó cười toe khi đọc bài tả ông em của mình.

Tết năm đó ông bà cụ dẫn mình xuống thăm ông bà Hai, hàng xóm khi xưa, sau ông bà mua được miếng đất ở ngã ba Thống Nhất và Nguyễn Trãi, ngay trạm xe đò Chi Lăng mà học sinh Grand Lycée phải xuống xe ở đây để đi bộ qua nha Địa Dư để tới trường. Ông bà Hai có người bạn ở Saigon, có đứa con gái học nội trú Couvent des oiseaux, khá giả nên bỏ tiền xây hai căn nhà, một cho ông bà Hai và một làm nhà nghỉ mát cho họ. Một bên có đất, một bên có tiền xây nhà. 


Người lớn thì họ nói chuyện từ năm Canh Dần cho đến Bính Tý,..nên mình xin phép qua nhà hai anh em sinh đôi Phi Long học chung, ở đường Phạm Hồng Thái nối ngang với đường Nguyễn Trãi, có con suối chảy từ hồ Than Thở về Hồ Xuân Hương mà có lần nước mưa trôi mấy bao thuốc trừ sâu của nhà vườn khiến cá ở Hồ Xuân Hương chết, nổi đầy hồ còn dân Đà Lạt đi vớt về ăn. Nhà hai tên này làm vườn trồng rau cải, dân Bắc kỳ, đối diện nhà bọn hắn là khu rừng thông nên tụi nó rủ mình lên đó chơi bắn súng. Mãi chơi nên mình quên bố hết thời gian đến khi trời tối, trở lại nhà ông bà Hai thì ông bà cụ mình đã ra về nên hối hả chạy bộ về Hai Bà Trưng. 

Khi đi qua cái am Soyer thì phải cúi mặt, run run vì nghe nói am này linh lắm lại thêm trời tối nên vừa đi vừa khấn Phật. Qua cái am thì mới dám chạy vì nghe nói đi qua am phải kính trọng những người đã khuất nếu không họ vật chết. Mình chạy bở hơi tai mới về đến nhà thì mấy đứa em báo là sẽ bị đòn nhưng mà may là ông cụ đi đánh tổ tôm nên bà cụ sẽ thi hành công tác bồi dưỡng mình với cái chổi lông gà.

Mình nhớ trong Quốc Văn Giáo khoa thư thì có ông Carnot khi về làng, ghé đến trường thăm người thầy xưa sau này làm đến chức tổng thống của Tây hay trong luân lý giáo khoa thư có chuyện một ông bị mẹ đánh thì khóc nức nở khiến người mẹ ngạc nhiên hỏi tại sao mọi lần mẹ đánh, con không khóc nhưng tại sao lần này con khóc. Ông ta tức tửi thưa rằng vì khi xưa mẹ đánh đau, còn hôm nay thì con không thấy đau, con nghĩ chắc mẹ đã già yếu nên con mới khóc vì sắp xa mẹ rồi khóc tiếp. 

Mình định bụng khi bà cụ đánh sẽ ré khóc cho to để bà cụ hỏi tại sao khóc thì sẽ thưa với mẹ rằng như tên trong luân lý giáo khoa thư thì chắc bà cụ sẽ mủi lòng, lì xì thêm ít tiền, mai đi xem xinê. Ai ngờ khi mình rú khóc như mưa bấc thì bà cụ bảo câm ngay không tao cho thêm vài roi, mình càng khóc to thì càng bị bà cụ đánh tan nát cái mông với cái chổi lông gà nên đau quá đành im và từ dạo đó cạch đến già không dám tin hay noi gương theo những nhân vật trong hai cuốn này hoặc Nhị Thập Tứ Hiếu, Những Tâm Hồn Cao Thượng mà ông Hà Mai Anh dịch.

Sau này học Công Dân giáo dục trong các giờ Việt Văn nhưng không nhớ lắm đã học những gì nhưng ngẫm lại những cuốn sách như Những tâm hồn cao thượng, Quốc Văn giáo khoa thư của Trần Trọng Kim,.. Những mẩu chuyện kể trong mấy tập này vô hình trung nằm trong tâm khảm mình, giúp mình làm điều thiện hay có ý chí vươn lên khi gặp nghịch cảnh ở đời. Mùa xuân năm ấy mình đã cố neo gương một người con có hiếu nhưng mình có mưu đồ đen tối cho nên bị đòn mà mỗi độ xuân về thì mình vẫn nhớ trận đòn của Tết năm xưa.

Xong om
Nhs