Ăn Tết

Có lần thằng con cắc cớ hỏi tại sao tiếng Việt có nhiều từ kép với chữ Ăn, mình không biết trả lời, nói có lẽ vì nghèo đói, nên người Việt lúc nào cũng nghĩ đến ăn.

Ngay vua Gia Long khi xưa, từng tuyên bố: " Có đói nói mới nghe". Vua nào muốn nhường ngôi cho con thì cứ bảo đứa nào đem dâng món ngon vật lạ là được truyền ngôi mà ngày nay người ta gọi là chạy chức. Người Tây, người Mỹ đón Năm mới còn người Việt chúng ta ăn Tết. Giống dân Giao Chỉ chỉ nghĩ đến ăn, ăn ngày chưa đủ tranh thủ ăn đêm.

Ở hải ngoại ngày nay nhất là ở Cali thì đồ ăn Việt Nam không thiếu theo mình còn ngon hơn cả Việt Nam. Mình khám phá ra những món ăn mà hồi ở Việt Nam, chưa bao giờ nghe đến, nếu có thì chưa bao giờ thấy. Những món ăn chỉ dành cho những ngày lễ lớn như Tết, cưới hỏi đều được bán hàng ngày như bánh xu xê, bánh cốm, bánh chưng bánh tét, bánh dầy, thịt đông, thịt kho dưa hành,... Người Việt tị nạn đều có thể ăn hàng ngày những món này cho nên dần dần, những đặc sản này mất đi tính cá biệt của nó, không còn là món ăn xa xỉ hay lễ lạc như xưa. Tương tự, trái cây theo mùa thì nay với sự toàn cầu hoá, mùa đông dân Cali có thể ăn nho nhập cảng từ Chí Lợi, đu đủ từ Mễ Tây Cơ, uống nước trái dừa tươi từ Thái Lan chở sang, rẻ hơn cả ở Việt Nam.

Thường ngày đi chợ, người việt lưu vong có thể mua các món đặc biệt mà khi xưa ở Việt Nam chỉ được thấy trong những ngày Tết như bánh chưng bánh dầy,...cho nên những món này bị tầm thường hoá mà khi xưa mình rất mong Tết đến để được thức khuya, ngồi canh nấu bánh chưng, bánh tét ở nhà hàng xóm. Trời khuya, cả đám ngồi chồm hổm nghe người lớn kể chuyện ma bên cạnh lò lửa ngoài trời, lâu lâu chêm thêm vài cây củi vào bếp, khiến lửa rộ lên những tiếng tí tách như điệp khúc của mùa xuân đang về. Những ngày Tết tại hải ngoại, chúng ta mua các món này như một sự bắt buộc vì thiếu chúng sẽ không tạo nên khung cảnh, không gian của Tết cổ truyền như thể ngày lễ Tạ Ơn ở Hoa Kỳ, vắng con gà tây đút lò.
Hình trên mạng
Chúng ta ăn những món này như để nhớ, để hoài niệm về quãng thời gian đã mất, như thể để gợi lại ký ức trong vài phút, vài tiếng ngắn ngủi trong cuộc đời lưu vong. Hàng ngày đồng chí gái vô vàn kính yêu, thích ăn dưa hấu và cắn hạt bí khi xem truyền hình nên mụ vợ hay mua mỗi tuần để ăn nhưng mình không rờ tới.

Hôm trước đi chợ mua đồ cúng, mình không quên khệ nệ lựa trái dưa hấu để cúng ông bà. Sau đó cắt ra ăn với gia đình khiến đồng chí gái ngạc nhiên.

Thường ngày các món bánh chưng, bánh tét, bánh dầy, dưa hấu, thịt kho, chả thủ,... chỉ là những món ăn bình thường ở Mỹ, nhưng vào 3 ngày Tết chúng trở thành những món bắt buộc gần như bổn phận cho phần nghi lễ. Chúng ta cúng mời ông bà về ăn Tết nhưng hồn ông bà về không thấy món này, mà lại thấy gà tây hay hamburger thì giận, bỏ đi? Chúng trở thành bắt buộc phải có trong 3 ngày Tết nên trở thành biểu tượng; một vật thể kiêm ý nghĩa.

Chúng ta ăn thịt đông, thịt kho, chả thủ với dưa hành, củ kiệu hay bánh chưng bánh tét, cắn hạt dưa, ăn dưa hấu,..., như để nhớ lại truyền thống, những huyền thoại của tổ tiên ông bà như người Mỹ ăn gà tây trong ngày Tạ ơn để nhớ đến những ngày tháng, tổ tiên họ vượt biển ra đi tìm tự do tín ngưỡng ở Hoa Kỳ và được các người dân sở tại cưu mang khi họ đến bờ tự do. Mình không biết người da đen nghĩ gì trong ngày tạ ơn vì tổ tiên của họ được bắt cóc từ Phi Châu đem sang châu Mỹ và được bán làm nô lệ, làm việc không công cho các nông trại miền Nam Hoa Kỳ.

Ngày nay chúng ăn dưa hấu như để nhớ lại An Tiêm, con nuôi của vua Hùng, mang tội phản động, không nghe lời nên bị đầy đi vùng kinh tế mới trên một hoang đảo. Cứ tưởng An Tiêm sẽ chết đói trong cảnh lưu đầy, ai ngờ chim ị trúng đầu thêm mấy hột giống, An Tiêm đột phá tư duy, đã trồng trọt gầy dựng lên một vườn trái cây mà các tàu buôn Trung Quốc đi ngang mua về gọi là hẩu hẩu mà dân mình gọi là dưa hấu. Các ngày Tết, An Tiêm vẫn nhớ đến cha mẹ, anh em, khắc lên mấy quả dưa những lời cầu chúc may mắn cho năm mới, thả trôi các trái dưa, nhờ biển đưa về quê hương như tấm lòng của người con hiếu thảo vẫn nhớ đến cha mẹ, quê hương dù bị bạc đãi, lưu đày.

Ngày nay người việt tị nạn, lưu vong khắp nơi trên thế giới, thường được vua cha xem là phản động. Hàng năm thay vì gửi những trái dưa như An Tiêm khi xưa, họ gửi về những gói quà cho quê hương, những đồng đô la báo hiếu và được vua cha khen là Việt Kiều Yêu Nước thay vì phản động như xưa. Chúng ta ăn bánh chưng, bánh dày để nhớ đến Lang Liêu, tổ tiên nghề nông của Việt Nam, hai cái bánh này tượng trưng cho trời đất. Ngày nay, làm vườn thì mình chợt hiểu sự tích của hai loại bánh này nhưng theo các nhà sử học thì bánh chưng khi xưa có hình dạng bánh tét ngày nay biểu hiệu cho dương vật còn bánh dày tượng trưng cho âm vật. Có lẽ kể chuyện cho con nít nên người xưa chế tá lả.

Hôm qua ăn Tết với gia đình bên vợ, con cháu xúm nhau lại lì xì, đánh bầu cua cá cọp khiến mình nhớ đến không gian của thời xưa ở Đà Lạt, cũng chạy qua hàng xóm hay nhà mình đánh xì lát, đổ xâm hường, bài tới,... Chỉ thấy thương cho cái bánh chưng, nằm trơ trẻn trên đĩa không ai ăn. Người lớn thì sợ mỡ còn con nít thì thích Ken tất ki phờ lai chích cần. Mình thì thích ăn bánh tét chiên vì khi xưa 3 ngày tết, có tiền lì xì là đi xem xi nê xong chạy ra Cẩm Đô ăn tô mì hoành thánh, lên đường Trương Vĩnh Ký làm tô miến gà, hay đường Hàm Nghi xơi tô phở Bằng. Chỉ sau Tết, hết tiền lì xì mới ngấu nghiến mấy đòn bánh tét chiên với dưa món.

Đúng là trời ị trúng đầu. Khi xưa lấy đồng chí gái thì lấy vì thời cơ chín mùi, nhưng sau này mới khám phá ra mụ vợ, ngoài đi làm nuôi mình lại còn có nhiều tài như may vá, cắm hoa,..., còn chăm lo bố mẹ chồng,... Năm nay, mụ vợ học nghề của ai lại tỉa củ hoa Thuỷ Tiên, để trong mấy cái chậu rất đẹp. Hoa lại nở đúng ngày Tết. Hy vọng năm nay tài lộc vào vì năm ngoái, có đứa cháu chúc ông bà năm nay tiền ra như nước, đầu năm sinh trai cuối năm sinh gái. Chán mớ đời! Hôm nay phải đi lên vườn vì đang thay hệ thống tưới. Chiều lại đi ăn cưới nên chắc ngày mai sẽ chiên bánh tét để hai vợ chồng nhâm nhi với dưa món để cùng bay về khung trời kỷ niệm, tìm lại chút hương xưa của một thời đã qua.

Nhs